Đánh Bắt Cá ở Hồ Tây: Ly Kỳ Và Hấp Dẫn - VOV Giao Thông

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Với diện tích rộng lớn tới gần 500 hecta như hiện nay, hồ Tây chứa một lượng nước khổng lồ và là môi trường thuận lợi cho các loài cá sinh trưởng. Trước thế kỷ XVIII, Thiên Phù là con sông khá lớn ở Tây Bắc Thăng Long và là chi lưu của sông Hồng. Cửa sông ở khu vực từ đầu phường Phú Thượng đến đầu phường Nhật Tân hiện nay.

>>> Cá chép hồng Hồ Tây: Hoài niệm quá khứ

Nguồn nước cung cấp cho Tô Lịch là sông Thiên Phù. Và nhánh Tô Lịch “ăn” với sông Hồng lại nối với hồ Tây qua Cống Đõ ở đầu Hồ Khẩu. Vào mùa mưa lũ, nước hồ Tây dâng cao bị áp lực dòng chảy từ Thiên Phù nên nước nhánh Tô Lịch này lại chảy ra sông Hồng. Vì thế người ta gọi Tô Lịch là sông nghịch.

Nhờ kết nối gián tiếp nối với sông Hồng qua 2 cửa nên tôm cá từ sông Hồng theo dòng nước đổ vào hồ Tây. Và hồ tây đã trở thành nơi sinh trưởng của rất nhiều loại tôm cá từ hàng trăm năm trước. Ca dao Hà Nội có câu: “Ổi Quảng Bá/ cá Tây Hồ” cũng bắt nguồn từ điều kiện lịch sử, địa lý này.

Hồ Tây chứa một lượng nước khổng lồ và là môi trường thuận lợi cho các loài cá sinh trưởng

Và cũng chính vì khu vực này có 2 con sông bao quanh, lại có hồ Tây rộng lớn nhiều cá tôm nên nghề đánh bắt cá rất phát triển. Kéo dài đến tận những năm nửa cuối thế kỷ 20, đàn ông các làng xung quanh hồ Tây như: Yên Phụ, Nghi Tàm, Xuân Tảo vẫn chủ yếu làm nghề đánh cá. Có lẽ thế nên mới sinh ra chợ bán lưới Võng Thị. Và thành hoàng của làng Võng Thị cũng chính là Mục Thận, một người đánh cá gắn với truyền thuyết khi quăng lưới bắt được hổ nhưng hổ lại chính là Thái sư Lê Văn Thịnh của triều Lý.

Những loài Cá ở hồ Tây nổi tiếng với loài trắm đen như mực tầu, bóng như nhung the, cá chép vàng óng ánh hay chép mình đỏ, chép mình trắng thịt thơm và ngọt lừ. Cá Hồ Tây nổi tiếng và dồi dào bao nhiêu thì chuyện đánh bắt cá ở Hồ Tây cũng ly kỳ và hấp dẫn bấy nhiêu.

Vào đầu thế kỷ XIX, Hàng Lược là bến sông. Cá đánh từ sông Hồng và hồ Tây được mang về đây bán cho nhà buôn và các quán chả cá quanh vùng. Trước khi người Pháp chiếm Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, ngư dân được tự do đánh bắt cá ở hồ Tây như ở sông Hồng. Khi mặt hồ còn “mịt mù khói tỏa mờ sương” đã nghe tiếng mái chèo gõ mạn thuyền dồn cá vào lưới.

Sau khi Pháp chiếm Hà Nội năm 1883 và năm 1988, việc đánh bắt cá và các nguồn lợi thủy sản khác ở Hồ Tây đã được chính quyền bảo hộ quy hoạch, ngư dân quanh vùng không còn được tự do đánh bắt cá như trước nữa vì chính quyền đấu thầu đánh cá hồ Tây, thu tiền cho thành phố. Trúng thầu bao giờ cũng là người Pháp. Sau đó, người Pháp trúng thầu lại cho người Việt thầu lại. Và họ đã tổ chức bán vé cho bất cứ ai muốn đánh bắt trên hồ Tây theo năm.

Năm 1889, đoạn sông Tô Lịch chảy qua hàng Khoai bị lấp để xây chợ Đồng Xuân chính thức chặn sự kết nối giữa sông Hồng và hồ Tây. Do vậy nguồn cá tự nhiên không dồi dào buộc các chủ thầu hàng năm phải thả thêm cá. Tiền mua vé cũng tăng từng năm dẫn đến ngư dân quanh hồ bỏ nghề chuyển sang làm công việc khác vì tiền kiếm được từ đánh cá không đủ để mua vé.

Khi quân đội Nhật vào Đông Dương, hồ Tây được coi là vị trí chiến lược nên họ không cho đánh cá, đêm đêm ca nô quân đội Nhật đi tuần quanh hồ. Năm 1948, việc thầu đánh cá ở hồ mới tiếp tục. Sau giai đoạn này, việc đánh bắt cá ở Hồ Tây tiếp tục có sự thay đổi lớn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kể lại:

Đến nay, dưới lòng Hồ Tây vẫn luôn là một thế giới đầy bí ẩn không dễ lý giải. Những câu chuyện li kỳ về những con cá khủng, kỳ dị câu được ở Hồ Tây luôn thu hút mọi người. Trong các giống cá đặc sản ở Hồ Tây, trắm đen được biết đến là loài cá có nặng cân nhất từ trước đến nay ở Hồ Tây. Do đó, loài cá này còn được nhiều người hài hước gọi là “khủng long Hồ Tây".

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều con trắm đen với cân nặng tới vài chục kg được các "cần thủ" câu được ở Hồ Tây. Đầu tháng 7/2009, giới câu cá rúng động khi một “cần thủ” ở Hoàn Kiếm câu được một con trắm đen ở Hồ Tây nặng tới 37,2kg. Con cá có chiều dài 1,34m, vảy to và cứng như thép.

Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản phụ trách mảng khai thác cá Hồ Tây từng cho biết, Tính từ năm 1988 trở về trước, năm nào Công ty Khai thác Hồ Tây cũng khai thác được chừng 10 tấn cá trắm đen, loại từ... 40kg trở lên.

Nguồn cá tự nhiên không dồi dào buộc các chủ thầu hàng năm phải thả thêm cá

Nhưng có lẽ ly kỳ nhất chính là câu chuyện về Con “quái vật” to lớn nhất bắt được ở Hồ Tây vào năm 1988, là một con trắm đen lớn chưa từng có, nặng tới 90kg. Lúc trục con “quái vật” lên bờ, có nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt. Một số người góp ý nên thả xuống hồ vì nghĩ nó là con “quái vật” đã... thành tinh. Cuối cùng, con cá trắm khổng lồ này bị xẻ thịt, chia đều cho cán bộ công nhân viên của công ty để... ăn Tết.

Hiện nay, việc có thể đánh bắt được cá to mấy chục kilôgam ở Hồ Tây không còn do việc khai thác nguồn thức ăn của trắm đen là ốc quá mức, và tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đã khiến giống trắm đen gần như tuyệt chủng ở Hồ Tây.

Chắc ai trong chúng ta cũng đã đôi lần đi qua đường ven hồ Tây đoạn từ Lạc Long Quân nối sang Thụy Khuê. Đây là con phố đẹp nhất ở ven hồ Tây bây giờ. Quả thật với những vườn hoa xen kẽ, những vỉa hè được lát gạch cẩn thận như những công viên nhỏ chạy ven hồ, con đường thơ mộng này đã chứng kiến bao đôi tình nhân ngồi âu yếm tâm sự, những cụ già thong thả đi tản bộ vào buổi sáng mát trời, là nơi các cô cậu học trò quây quần bên nhau ngắm trăng, đốt đèn trời hay những quán ốc nhỏ ven đường trải chiếu phục vụ du khách với tiếng nói cười râm ran.

Nhưng cả một con đường dài thơ mộng ấy như bị làm xấu đi bởi cứ khoảng trăm mét lại có một kẻ câu cá trộm để đem bán vì mưu sinh. Một bạn trẻ chia sẻ góc nhìn của mình:

Cũng chính vì từ sự quản lý không hiệu quả việc khai thác và đánh bắt nguồn lợi thủy sản ở Hồ Tây mà những câu chuyện về đánh bắt cá trộm ở Hồ Tây trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và kéo dài đến tận ngày nay. Theo thống kê sơ bộ, có hàng trăm người ở ven Hồ Tây sống nhờ vào nghề câu, kéo trộm cá với thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Sự việc tồn tại đã lâu nhưng để xử lý rốt ráo lại là câu chuyện khác.

Một điều lạ là những thập kỷ trước, người đầu tư nuôi cá ở Hồ Tây lại an tâm hơn khi lực lượng bảo vệ cá lại chính là những dân “ngụ cư” quanh hồ. Dạo ấy, dân sống ven hồ, thường là người nghèo vì bị đẩy ra khu vực ngoại ô này mà khai hoang, kiếm sống..

Tận dụng luôn đặc tính cư dân vùng sông nước này, các chủ thầu hồ ngày đấy cũng khôn khéo khi thuê luôn dân bản xứ làm người trông cá. Sẵn thông thuộc địa bàn, lại có sức vóc nên những tay “ngư tặc” cũng… gờm, không dám ngang nhiên vào câu trộm cá . Nhưng bây giờ, ven hồ đã thành phố, những thành phần "hảo hán sông nước" chả hiểu đâu hết đã khiến tình trạng săn trộm cá hồ Tây lại có phần diễn biến phức tạp.

Dù bị cấm, nhiều người vẫn câu trộm cá thuyền xuyên tại Hồ Tây

Mặc dù Ban quản lý hồ Tây gắn các biển báo cấm câu cá hay thường xuyên đi tuần nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm người đến đây để đánh bắt cá. Đơn vị quản lý mặt nước Hồ Tây cũng gặp nhiều khó khăn khi xử lý “ngư tặc” vì không có bất cứ chức năng pháp lý nào để bắt được ngư tặc mà họ chỉ có thể dùng biện pháp chưa đủ mạnh là thu công cụ và "chiến lợi phẩm".

Hồ Tây là hồ nước lớn nhất Hà Nội, phong cảnh đẹp, thoáng mát nên từ nhiều năm nay không chỉ với người dân thủ đô mà là nơi tìm đến của giới trẻ cũng như du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên hình ảnh Hồ Tây ngày nay đang bị xấu đi bởi việc đánh bắt cá trộm, lấn chiếm vỉa hè.

Thậm chí những người câu cá trộm còn bán cá ngay bên đường ven hồ và xả rác, làm mất mỹ quan trong mắt du khách. Một số khu vực hồ ở đường Thanh Niên, cạnh công viên nước đang bốc mùi hôi thối nồng nặc bởi rác, nước thải, đặc biệt trong ngày hè nắng nóng đỉnh điểm thì bầu không khí nơi đây cũng bị ô nhiễm nặng nề.

Việc câu cá không phải là xấu, việc mưu sinh bằng cá cũng không xấu, mà cái xấu chính là việc sử dụng khu vực hồ đẹp nhất thành phố, một biểu tượng thiên nhiên tươi đẹp để mưu sinh, trong khi lẽ ra chúng ta cần gìn giữ và bảo tồn nó để Hồ Tây mãi là lá phổi xanh không thể thiếu của thủ đô Hà Nội.

Từ khóa » Cá Chép Khủng Hồ Tây