'Đành Chấp Nhận Phương án Rải Tro Cốt Xáo Trộn Xuống Sông' - PLO

Sáng này 9-5, nhiều thân nhân có tro cốt gởi ở chùa Kỳ Quang 2 tiếp tục tìm đến nơi đây với mong muốn sớm nhận lại được tro cốt của người thân.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn thân nhân đều cho rằng việc giám định ADN từ tro cốt có độ chính xác không cao, không thể giúp nhận diện đúng người thân đã mất.

Thân nhân cùng tìm phương án để giải quyết các tro cốt bị xáo trộn. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Do đó, nhiều thân nhân đã đưa ra cách giải quyết đối với tro cốt bị xáo trộn.

Bà Nguyễn Thị Hoàng (ngụ phường 7, Gò Vấp), có gửi ba tro cốt người thân vào chùa Kỳ Quang 2, nói: “Nếu giám định AND không thể chính xác 100%, tôi mong muốn được rải tro cốt đã bị xáo trộn xuống sông. Để người đã mất, người đang sống và cả nhà chùa được nhẹ nhàng hơn. Đây cũng là cách tốt để hương linh người mất được thanh thản”.

Theo bà Hoàng, việc bà và nhiều thân nhân gởi tro cốt lựa chọn việc rải tro cốt xuống sông là lựa chọn sau cùng nếu không còn biện pháp nhận đúng tro cốt người thân.

Nhiều thân nhân đến hầm gởi tro cốt để xem thông tin từ chùa. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Chị Nguyễn Kim Liên (ngụ phường 11, Gò Vấp) chia sẻ: “Nếu phải rải tro cốt xuống sông, gia đình tôi chấp nhận. Sau đó, tôi đề nghị chùa Kỳ Quang phải lập nơi thờ chung các di ảnh, họ tên của người mất để người thân đến thắp nhang”.

Chị Liên cũng mong muốn Giáo hội Phật giáo và chính quyền phải làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan, sớm có câu trả lời cho người dân.

Một ý kiến khác, anh Nguyễn Thanh Long (ngụ Bình Thạnh) không đành lòng nhìn tro cốt người thân bị xáo trộn và rải xuống sông. “Di ảnh và tro cốt bị thất lạc nhưng hương hồn người mất vẫn còn đó. Tôi mong gom các tro cốt bị thất lạc lại và lập nơi thờ chung. Như vậy, chúng tôi vẫn được tiếp tục thờ cúng người thân. Chùa Kỳ Quang phải có trách nhiệm lập nơi thờ chung và cam kết không lập lại sai sót này”, anh Long nói.

Trao đổi với PLO, Thượng tọa Thích lệ Trang, Trưởng ban Nghi Lễ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP.HCM, cho biết việc rải tro cốt người đã mất xuống sông, biển...gọi là thủy táng.

"Thủy táng là một trong 6 hình thức mai táng người qua đời theo quan niệm dân gian và trong Phật Giáo. Thủy táng là thức rải tro cốt của người mất (sau khi đã được hỏa táng) xuống lòng nước. Ý nghĩa của phương pháp này là giúp thân xác người mất nhanh chóng trở về với tứ đại (gồm bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió)", Thượng tọa Thích lệ Trang giải thích thêm.

Ngưng chức trụ trì chùa Kỳ Quang 2 với HT. Thích Thiện Chiếu
(PLO)- Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM quyết định tạm ngưng chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đối với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu từ ngày 5-9. TRÚC PHƯƠNG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Thủy Táng Tro Cốt