Dành Cho Năm đầu đời Của Bé - Tuần 15

Bé phát triển như thế nào?

Giấc ngủ

Cuối cùng thì giờ giấc ngủ của bé cũng đã cố định hơn, nhờ vậy bạn có thêm thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Vào khoảng 4 tháng tuổi, nhiều bé ngủ liền một mạch 6 tiếng mỗi đêm, trong khi một số bé khác tỉnh giấc nửa đêm để đòi bú. Có những trẻ đến tận 6 tháng mới hình thành được thói quen ngủ dài vào ban đêm, vì vậy bạn đừng quá mong đợi ở bé. Thông thường, ở thời điểm này bé ngủ khoảng hai giấc vào ban ngày.

Bắt đầu tương tác với mọi người

Hiện tại, bé bắt đầu có những hình dung rõ ràng hơn về thế giới xung quanh, nhìn mọi thứ bằng ánh mắt tò mò, thậm chí đã có những suy nghĩ của riêng mình.Hãy dựng một tấm gương lớn khó vỡ trước mặt bé. Bé sẽ thích thú nhìn chằm chằm vào mình trong gương. Dù bé không thể nhận ra được chính mình đang được phản chiếu trong gương nhưng với bé đó vẫn là một trải nghiệm thú vị, tuyệt vời.Bé có thể sẽ dừng mút ngón tay hay bình sữa để nghe bạn nói. Bằng cách thủ thỉ nói chuyện hay thậm chí là miêu tả những công việc nhà đơn điệu hàng ngày cho bé nghe, bạn không những gắn kết mật thiết hơn với bé mà còn giúp bé bộc lộ được ý muốn của bản thân. Hãy đợi xem bé sẽ đáp lại bạn như thế nào nhé!Bé trở nên hoạt bát và thân thiện hơn (ngay cả với người lạ) — mỉm cười với đôi mắt lấp lánh, và phát ra những âm thanh nho nhỏ đáng yêu. Cười thành tiếng khi bé thật sự háo hức và vui vẻ.Khi đang ở cùng bạn bè của mình, hãy để bé bên cạnh bạn. Lúc đó, bé sẽ nắm bắt được sự đa dạng trong tương tác giữa người với người. Bé tỏ ra hào hứng khi xem những trò tinh nghịch của những em bé khác và những con thú cưng, nhưng dù thế nào, hãy luôn giữ bé tuyệt đối an toàn trong tầm kiểm soát của bạn.

Cầm nắm đồ vật

Thời điểm này, mọi thứ trong tầm với của bé đều trở thành những trò chơi thú vị. Khi bé đã cầm nắm đồ vật thuần thục, hãy đưa cho bé những món đồ chơi thú vị, chẳng hạn như lúc lắc cầm tay, những chiếc vòng làm bằng cao su hoặc nhựa để bé cầm nắm bằng cả hai tay dễ dàng, đồ chơi chút chít và thú bông mềm…Bé cũng đã biết cách chuyển đồ vật từ tay này sang tay khác, nhưng đâu là bên trái đâu là bên phải thì đến năm 2 hoặc 3 tuổi bé mới có thể phân biệt được rõ ràng.

Tìm hiểu về: Tưa miệng

Tưa miệng là gì?

Tưa miệng là bệnh nhiễm trùng nấm vùng miệng gây ra bởi loại nấm có tên Candida albicans. Nếu bạn thấy bên trong môi, lưỡi hay má bé xuất hiện những đốm trắng không thể lau đi bằng khăn hay gạc thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tưa lưỡi.Nấm dễ phát triển trong môi trường có đường, ấm và ẩm, như là trong miệng trẻ sơ sinh. Nếu bạn đang cho con bú, núm vú của bạn cũng có thể bị nhiễm nấm khi bé ngậm vào, điều này khiến chúng trở nên khô và đau rát mỗi lần cho bé bú. Tổn thương sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn đang gặp căng thẳng hoặc sức đề kháng yếu. Nấm có thể đi qua đường tiêu hóa và được thải ra ngoài. Vì thế, nó có thể gây hăm tã, đồng thời gây nhiễm trùng âm đạo.

Giải quyết bệnh này như thế nào?

Hãy đến gặp bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa Nhi. Họ sẽ kê toa thuốc chống nấm cho bạn và bé. Nếu bạn đang cho con bú, để đảm bảo cả hai mẹ con được điều trị dứt điểm, bạn nên ngừng cho con bú khoảng vài tuần kể từ khi bắt đầu điều trị.Trong suốt quá trình điều trị, bạn phải thường xuyên rửa sạch tay, khử trùng đồ chơi và núm vú giả của bé bằng nước sôi. Bôi kem trị nấm (clotrimazole) đã được bác sĩ kê toa lên núm vú của bạn, bạn cũng có thể uống thêm thuốc chống viêm ibuprofen.

Tưa lưỡi ảnh hưởng tới bé như thế nào?

Trong khi nhiễm trùng nấm có thể khiến bạn tổn thương và gây đâu đớn nhiều, thì bé có thể sẽ ít chịu ảnh hưởng xấu từ bệnh hơn. Nhiều trẻ bị tưa miệng trở nên cáu kỉnh và chán ăn, tuy nhiên nó chỉ là do cảm giác rát ở má hoặc nướu.

Cuộc sống của bạn: Thay đổi các mối quan hệ

Kể từ khi có em bé, các mối quan hệ xung quanh bạn cũng thay đổi ít nhiều, bao gồm cả tình bạn. Đối với một vài người bạn thân thiết mà chưa có con cái, họ sẽ yêu thương bé như con của mình vậy. Thế nên ngoại trừ việc bạn phải dành nhiều thời gian hơn cho bé, thì tình bạn giữa bạn và họ sẽ vẫn duy trì như xưa. Nhưng số còn lại thì khác, họ không hứng thú lắm với cuộc sống làm mẹ của bạn. Một vài người tỏ vẻ thờ ơ, số khác có thể ganh tị, hoặc đơn giản là họ không yêu trẻ con. Nhưng bạn cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ trong chuyện này vì chính bạn cũng đã thay đổi. Những gì trước đây bạn thích thú và hay chia sẻ với mọi người đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại của bạn nữa.Mặc dù không thể mong đợi mọi thứ có thể duy trì như cũ, nhưng những cách này sẽ giúp cân bằng cuộc sống hiện tại và trước đây của bạn. Bạn bè của bạn không trông mong bạn sẽ vứt bỏ tất cả những suy nghĩ về con trong những lần gặp mặt, tương tự như việc bạn cũng đừng hi vọng vào việc cô ấy sẽ chỉ tám chuyện với bạn về cuộc sống của những bà mẹ bỉm sữa. Thay vì tỏ ra bối rối, hãy tập trung tìm lại những điểm chung giữa hai người, sắp xếp thời gian riêng bên nhau, chẳng hạn như rủ rê cô ấy ra ngoài ăn trưa, hoặc thỉnh thoảng bạn có thể mời cô ấy  ghé qua nhà để thăm em bé.Đôi khi, bạn sẽ đánh mất một vài người bạn, nhưng bù lại nhờ việc có em bé, mà bạn có thể xây dựng những tình bạn mới. Thông qua các hội nhóm, các diễn đàn cho những bà mẹ, thậm chí là những cuộc gặp gỡ tình cờ, bạn và chồng có thể gặp những người bạn phụ huynh cùng chung chí hướng.

(Nguồn tham khảo: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh 15 Tuần Tuổi