Đánh Giá Tiến Trình Chuyển đổi Số Của Doanh Nghiệp Thông Qua Bộ ...

Ngày 15/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Cổ phần MISA tổ chức hội thảo “Giới thiệu bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (DBI) - Ứng dụng giải pháp thực tiễn trong việc nâng cao điểm chỉ số DBI”.

6 TRỤ CỘT ĐO LƯỜNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng thời đại công nghệ 4.0 không còn “cá lớn” nuốt “cá bé” mà là thời của “cá nhanh” nuốt “cá chậm”.

Vì thế, hiện có tới 69% doanh nghiệp khu vực Asia Pacific đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với Covid - 19 nhằm sống sót, phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.

47% doanh nghiệp Việt Nam coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết. Thực tế cũng chứng minh, doanh nghiệp chuyển đổi số mức 2 có năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi so với doanh nghiệp chưa chuyển đổi số.

3,1 nghìn tỷ USD được cộng thêm vào GDP của khu vực Asean vào năm 2024 nếu đẩy mạnh chuyển đổi số cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quá trình này ở Việt Nam dự đoán sẽ giúp GDP tăng thêm 30 tỷ USD.

Cho rằng chuyển đổi số không phải là trào lưu mà là thực tế doanh nghiệp cần phải nhanh chóng nắm bắt. Đặc biệt, theo ông Đường, việc đo lường chuyển đổi số rất quan trọng để biết được doanh nghiệp mình đang ở đâu trong tiến trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp đã được xây dựng.

DBI được thực hiện theo Quyết định 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Giúp cho doanh nghiệp xác định được đang ở giai đoạn nào và các khâu mạnh yếu của mình theo từng trụ cột của chuyển đổi số.

Cũng như giúp doanh nghiệp đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển toàn diện. Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp, đưa ra các khuyến nghị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Từ đó, tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đồng thời, DBI hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp cũng như đưa ra các khuyến nghị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Ông Đường cho biết, bộ chỉ số DBI đánh giá dựa trên 6 trụ cột bao gồm: trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược, hạ tầng và công nghệ số, vận hành, chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp, dữ liệu tài sản và thông tin.

Mỗi tiêu chí đều được chấm điểm với thang điểm từ 0 đến 5 và tổng hợp để đánh giá mức độ chuyển đổi số theo từng trụ cột, từ đó đánh giá mức độ trưởng thành số tổng thể của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Đường thông tin thêm, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, Bộ Thông tin và Truyền thông còn xây dựng mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số doanh nghiệp.

Định hướng, năm 2022 Bộ sẽ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp trên cổng thông tin của Bộ. Sang 2023 sẽ đánh giá xếp hạng doanh nghiệp chuyển đổi số.

DOANH NGHIỆP SIÊU NHỎ KHÔNG SỢ BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến tại hội thảo lo ngại, trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thiếu rất nhiều nguồn lực, từ tài chính, công nghệ, thiếu đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số… Vậy làm thế nào để doanh nghiệp khu vực này theo kịp quá trình chuyển đổi số?

Bà Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA, chia sẻ doanh nghiệp chuyển đổi số gặp 2 rào cản đó là nguồn lực về con người đến triển khai đưa nền tảng số vào sử dụng thì họ chưa biết lựa chọn giải pháp nào. Có nhiều giải pháp doanh nghiệp đầu tư rất nhiều tiền vào nhưng không mang lại hiệu quả.

Để tháo gỡ những khó khăn này, MISA đã phát triển các nền tảng số, trong đó có nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS.

Nền tảng này đáp ứng tiêu chí trong bộ chỉ số DBI, giúp các doanh nghiệp nâng cao điểm của từng trụ cột trong bảng chỉ số đánh giá. “Đặc biệt, giúp doanh nghiệp thay đổi cách làm việc, nâng cao năng suất hiệu quả của doanh nghiệp… đó mới là mấu chốt”, bà Thuý nhấn mạnh.

Đặc biệt, các giải pháp của MISA được tách nhỏ thành các ứng dụng phù hợp với mọi nhu cầu của mọi loại hình doanh nghiệp, theo từng giai đoạn, chi phí đầu tư phù hợp cho mọi quy mô của doanh nghiệp.

Như với doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, MISA cung cấp các nền tảng kế toán, hoá đơn điện tử, quản lý bán hàng đa kênh, chữ ký số. Với các doanh nghiệp mới thành lập đơn vị phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư các tỉnh hỗ trợ, triển khai hoá đơn điện tử, chữ ký số từ xa.

Song để chuyển đổi số thành công bà Thuý cho rằng, quan trọng nhất là sự thay đổi trong tư duy của chủ doanh nghiệp. Khi chủ doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức và quyết tâm chuyển đổi số thì nên lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ số có uy tín để có thể tư vấn cho doanh nghiệp, đánh giá được thực trạng chuyển đổi số của mình đang đến đâu.

Từ đó, xác định nên áp dụng giải pháp nào để nâng cao mức độ chuyển đổi số, lộ trình chuyển đổi số bám vào 6 trụ cột của bộ chỉ số DBI.

Ông Đường cũng đồng tình, khó nhất trong chuyển đổi số là tư duy cũng như nhận thức của lãnh đạo, nhân viên trong doanh nghiệp. Một mặc định hiển nhiên cho rằng, chuyển đổi số là của người làm công nghệ, làm kỹ thuật… đây là định kiến sai lệch.

“Chúng ta cần hiểu, chuyển đổi số thành công quan trọng là tất cả các đơn vị đều vào cuộc, thống nhất mục tiêu và hoạt động đồng bộ. Chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, văn hoá, chiến lược, hành động tới vận hành ra sao. Bởi trong 6 trụ cột DBI chỉ có 1 trụ cột về công nghệ thông tin và 1 trụ cột về dữ liệu, 4 trụ cột còn lại là của chính nguồn lực doanh nghiệp”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Từ khóa » Gõ Số Nhưng Ra Chữ