[ĐÁNH GIÁ XE] Honda CBR500R Vs CBR650R - Đâu Là Lựa Chọn Tốt ...
Có thể bạn quan tâm
Về khung xe, có thể thấy Honda đã tiết kiệm chi phí nghiên cứu và sản xuất khi vẫn giữ nguyên khung thép dạng kim cương giống như thế hệ trước với các ống thép đường kính 35mm. Honda CRB500R có lốp trước tiết diện 120 mm, kèm la-zăng 17 inch và lốp sau 160 mm, la-zăng 17 inch. Honda trang bị lốp hiệu năng cao Dunlop Sport Maxx cho mẫu mô tô cỡ trung của họ.
Với cách biệt giá 67 triệu đồng, ta dễ dàng nhận thấy những món đồ chơi đắt tiền hơn mà CBR650R sở hữu. Xe vẫn có thiết kế tổng thể sắc lẹm như một mũi tên đặc trưng của xe mô tô Honda nhưng từng bộ phận đều có độ hoàn thiện cao hơn, cho cảm giác đắt tiền hơn. Phần đầu xe được bổ sung các chi tiết dán vân giả các-bon trông “xịn sò” hơn, tay lái bên trái có bổ sung một cần gạt để tắt/bật tính năng kiểm soát lực kéo (Traction Control), thứ là CBR500R không có.
“Ngó” xuống gầm xe, ta sẽ thấy 4 ống xả xếp ngăn nắp trong dàn áo nhựa sơn đen nhám, gợi ý rằng cỗ máy này sở hữu động cơ 4 xy-lanh mạnh và cho tiếng nổ uy lực hơn nhiều so với đàn em chỉ mang động cơ 2 xy-lanh song song. Ống xả đút gầm với thiết kế ngắn gọn cũng có tính thẩm mỹ cao hơn nhiều so với ống xả dài ngoại cỡ của CBR500R.
Tuy nhiên, hệ thống treo và khung xe mới là thứ thể hiện sự khác biệt rõ ràng nhất giữa CBR650R và CBR500R. Cỗ máy đắt tiền hơn có hệ thống treo trước của Showa dạng hành trình ngược (up-side down) với ty phuộc 41 mm, giảm xóc sau dạng đơn với 10 cấp điều chỉnh và được sơn vàng rất bắt mắt. Hệ thống phanh trước là 2 đĩa đôi đường kích 310 mm với heo dầu Nissin 4 pít-tông, phanh sau đĩa đơn 240 mm với 1 pít-tông. Hệ thống ABS 2 kênh và dàn lốp Dunlop Sport Maxx trước (120/70ZR17), sau (180/55ZR17) khiến chiếc xe sẵn sàng lả lướt cùng từng pha ôm cua của người lái.
Hiệu năng ấn tượng
Thật thú vị khi một số kỹ sư của đội ngũ phát triển dòng xe đầu bảng CBR1000RR cũng đóng góp chất xám trong việc phát triển mẫu CBR500R rẻ hơn. Họ tinh chỉnh thời điểm và biên độ mở của van nạp, xả để mang lại sức kéo lớn hơn ở dải tua trung – thứ mà bạn sẽ thấy vô cùng hữu dụng khi đi phố. Kết quả là khối động cơ 2 xy-lanh song song dung tích 471 cc của Honda CBR500R có thể sản sinh công suất tối đa 47 mã lực tại 8.600 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 46 Nm tại 6.500 vòng/phút.
Những thông số khác cũng không kém phần thú vị của khối động cơ này là đường kính xy-lanh đạt 67 mm, hành trình xy-lanh 66,8 mm. Thiết kế vuông vức này khiến khối động cơ thực sự thú vị ở tua máy 5.500 vòng/phút trở lên và không hề hụt hơi ở tốc độ quay tối đa 9.500 vòng/phút. Tỷ số nén 10,7:1 tức là để đảm bảo tuổi thọ động cơ lâu bền nhất, bạn nên đổ xăng A95, dù miếng tem ở nắp bình xăng cho biết CBR500R có thể hoạt động được với xăng E10.
Cầm lái CBR500R trong phố là 1 trải nghiệm thú vị, không hề “chật vật” như nhiều người vẫn nghĩ. Hộp số 6 cấp có bộ côn siêu nhẹ chia sẻ chung với đàn anh CBR600RR đã ngừng sản xuất, cho khả năng bắt côn nhanh chóng và đáng tin cậy. Cần số cực đầm, đạp nghe “kịch, kịch” rất đã tai và cho cảm giác tốt, bạn sẽ không bao giờ nhầm số 1 N 2 với cần số tốt như này! Tay côn cũng có độ nặng vừa phải với khoảng bắt côn hợp lý. Một điều thú vị nữa là ống xả nguyên bản cũng cho những âm thanh khá uy lực, tôi thích nhất những tiếng nổ lụp bụp khi bạn nhả ga dồn số với chiếc CBR500R, thứ mà ngay cả chiếc CBR650R cũng không có!
Hai thanh giảm xóc trước của CBR500R có góc nghiêng 25,5 độ, mức tiêu chuẩn của những mẫu xe cùng phân khúc. Phản hồi mặt đường là tương đối tốt, bạn có thể cảm nhận được độ bám của lốp trước và điều kiện mặt đường khá rõ ràng. Dù không có những thanh giảm xóc hành trình ngược nhưng CBR500R vẫn cho độ đầm chắc rất đáng khen khi vào cua, đủ để bạn tự tin đổ cua với tốc độ cao. Hệ thống phanh cũng làm tròn nhiệm vụ dù chỉ với 1 đĩa trước cho một chiếc mô tô nặng hơn 200 kg. Tất nhiên, nếu cần lực phanh lớn thì bạn sẽ cần đạp phanh sau nhiều hơn bình thường, nhất là đối với những ai đã quen dựa vào hệ thống phanh đĩa đôi của những chiếc mô tô cao cấp hơn.
Tất cả những gì bạn trải nghiệm với Honda CBR500R, chiếc CBR650R sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn, nhất là khi bạn cầm lái 2 chiếc mô tô này trong cùng một buổi trải nghiệm. Ý tôi là TẤT CẢ, bắt đầu từ khối động cơ. Động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng dung tích 647 cc của CBR650R cho tiếng nổ giòn dã và liên thanh giống như tiếng gầm của những đàn anh “1 lít”. Đó là thứ âm thanh mê hoặc đối với giới mê tốc độ, khác hẳn với tiếng nổ khô và gằn của CBR500R.
Công suất tối đa 95 mã lực đạt được ở tua máy 12.000 vòng/phút, cao hơn hẳn so với CBR500R và lực mô-men xoắn cực đại 64 Nm đạt được ở tua máy 8.500 vòng/phút. Tỷ số nén lên tới 11,6:1 cũng là thứ giúp CBR650R đạt sức mạnh khác biệt hoàn toàn so với người em chỉ kém 150 phân khối kia.
Ngay từ khi đề máy, chiếc Honda CBR650R đã cho thấy sự khác biệt so với CBR500R. Với cá nhân tôi thì chỉ riêng trải nghiệm với động cơ 4 xy-lanh cũng đã xứng với mức giá chênh lệch giữa 2 chiếc mô tô này rồi, chưa kể để hàng loạt nâng cấp khác. Với ly hợp chống trượt 2 chiều, những pha lên, xuống số đều vô cùng mượt mà, dù cho thao tác tay côn của tôi có lúng túng như thế nào đi nữa và thực sự, với 1 chiếc xe sở hữu gần 100 mã lực như CBR650R, mọi cú vê ga đều “vít đến đâu là thấy đến đó”! Nếu như từ “thú vị” là phù hợp nhất với trải nghiệm của CBR500R thì chiếc CBR650R xứng đáng với 2 từ “phấn khích”.
Chiếc xe tăng tốc nhanh hơn hẳn, phanh cũng ổn định hơn và nhất là khả năng ôm cua cũng vượt trội so với CBR500R nhờ hệ thống treo tiên tiến hơn, lốp sau có tiết diện lớn hơn 20 mm và nhất là sự bổ sung của hệ thống Kiểm soát lực kéo càng khiến bạn tự tin đẩy chiếc CBR650R đến giới hạn. Về mức tiêu thụ nhiên liệu, chiếc CBR500R ngốn 3,4 lít xăng/100 km đầy những pha tăng tốc gấp, còn CBR650R cũng không hơn bao nhiêu với 3,6 lít/100 km. Tất nhiên là nếu chạy điềm đạm hơn thì những con số trên sẽ thấp hơn nhiều – nhưng ai có thể chống lại sức hút của những cỗ máy này?
Kết luận
Có lẽ chúng ta không cần phải bàn nhiều về độ bền của xe mô tô Honda – có những chiếc xe sản xuất từ cách đây 2 thập kỷ nhưng vẫn được săn đón trên thị trường xe cũ. Hai mẫu xe dáng sport là CBR500R và CBR650R là những lựa chọn tuyệt vời trong phân khúc tầm trung nhờ trải nghiệm lái thú vị và độ bền đậm chất Honda. CBR500R là lựa chọn kinh tế hơn nhưng nếu có đủ điều kiện, bạn nên chọn CBR650R vì những nâng cấp vượt trội mà mẫu xe này sở hữu.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)
Từ khóa » Mức Tiêu Hao Nhiên Liệu Cbr650r
-
Honda CBR650R 2022: Thông Số, Giá Khuyến Mãi, Trả Góp
-
Mức Tiêu Hao Nhiên Liệu Của CBR650R
-
Mức Tiêu Hao Nhiên Liệu Của Honda CB650F Sau 2.500 Km Trải Nghiệm
-
Đánh Giá Xe Honda CB650R – Dòng Xe Có Thể Gây “nghiện” Với Các ...
-
CBR650R - Honda Moto Phát Tiến
-
Africa Twin - Honda Moto Phát Tiến
-
Đánh Giá Mức Tiêu Thụ Nhiên Liệu Của Honda CB650R 2021
-
Mức Tiêu Hao Nhiên Liệu Của Huyền Thoại Honda Monkey | AutoFun
-
So Sánh Mức Tiêu Thụ Xăng Giữa Honda Và Yamaha | Otosaigon
-
Xe Honda CBR650R 2021 - Thông Số Kỹ Thuật
-
Xe Phân Khối Lớn Có Tốn Xăng Không? 10 Moto Tiết Kiệm Xăng đi Xa ...
-
Top 5 Xe ô Tô Tiết Kiệm Nhiên Liệu Nhất Tại Việt Nam Hiện Nay, Nhìn Số ...
-
Cần Thắc Mắc Về Mức Tiêu Hao Nhiên Liệu Của Cbr 150?