Danh Nhân Nguyễn Trãi: Sự Hội Tụ Những Tinh Hoa Của Văn Hóa ...

PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ

Khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP. HCM

1. Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thân (1380) tại dinh thự của ông ngoại ở Thăng Long và mất ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 – 9 – 1442) bởi vụ án Lệ Chi viên oan nghiệt, thảm khốc; nguyên quán ở làng Chi Ngại (làng Ngái), huyện Phượng Nhỡn (nay là huyện Chí Linh), Hải Dương; trước đó vài đời, một chi họ Nguyễn ở Chi Ngại đã dời về định cư tại làng Ngọc Ổi, huyện Thượng Phúc, Hà Đông (sau đổi thành làng Nhị Khê, xã Quốc Tuấn, huyện Thường Tín, Hà Tây; nay thuộc Hà Nội). Làng Nhị Khê là một làng quê nằm bên tả ngạn sông Tô Lịch phía Hà Nội chảy về, trù phú, thuần nông và có nhiều nghề thủ công đặc sắc.

Nguyễn Trãi xuất thân trong một dòng tộc, nhiều đời là võ quan cao cấp dưới nhiều triều đại. Dòng họ này có truyền thống cương trực, khảng khái, khí tiết, lập trường thân dân, từng đứng về phía những người thế cô, bị hà hiếp để đấu tranh dũng cảm chống lại cường quyền và bạo lực, vì thế nhiều lần bị tai họa nặng nề với nhiều mức độ khác nhau dưới các triều đại phong kiến. Dòng họ Nguyễn này là một đại tông, gốc ở Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Thủy tổ là Định Quốc công Nguyễn Bặc, ông đã cùng với Thái tể Đinh Điền phò tá Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân để thống nhất giang sơn, lập nên nhà Đinh (Đinh Tiên Hoàng 968 – 979). Hai vị này từng chống lại Lê Hoàn, khi Lê Hoàn (lúc còn giữ chức Thập đạo tướng quân dưới triều Đinh Tiên Hoàng đế) cùng với người tình là Dương Vân Nga có ý định soán đoạt vương triều nhà Đinh. Việc không thành, Đinh Điền bị giết tại trận, còn Nguyễn Bặc sau đó (lúc Lê Hoàn lên ngôi) bị hại và gia tộc bị vạ lây. Nguyễn Quốc, Nguyễn Nộn đều là những vị tướng tài dưới triều Lý Anh Tông, đã cùng Đoàn Thượng dấy binh chống lại phe nịnh thần Tể tướng Đỗ Anh Vũ, việc thất bại, nhiều người trong họ bị tai vạ. Ông cố (cụ nội) là Nguyễn Công Luật (giữ chức Giám quân Thiên Trường - quê hương nhà Trần) và ông nội là Nguyễn Minh Du (giữ chức Quản quân Thiết hổ - một trong năm vị tướng đứng đầu năm đội quân cấm binh bảo vệ Hoàng thành Thăng Long) đã từng đứng về phía Thái úy Trang Định vương Trần Ngạc và Thẩm hình viện sự Lê Á Phu chống lại Tể tướng kiêm Phụ chính đại thần Hồ Quý Ly chuyên quyền, lấn át vua vào cuối thế kỷ XIV (thời vãn Trần). Bị họ Hồ phản kích, ông cố bị sát hại cùng với nhiều người trong thân tộc. Riêng ông nội và ông nội thứ là Nguyễn Tác cùng hai người bác ruột là Nguyễn Sùng và Nguyễn Thư (từng là võ quan cao cấp triều Trần Phế Đế - 1377 – 1388, sau chuyển làm ở Khu mật viện triều Trần Thuận Tông - 1388 – 1397) phải chạy về Gia Miêu ngoại trang mới yên thân. Còn cha con Nguyễn Trãi vẫn bình ổn, có lẽ là nhờ uy tín và thế lực của Trần Nguyên Đán.

Ông ngoại là Chương Túc Quốc Thượng hầu Tư đồ Trần Nguyên Đán (1325 – 1390), hoàng tộc nhà Trần, ông là cháu bốn đời của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải – con trai thứ của Trần Thái Tông, người sáng lập nhà Trần. Quan Tư đồ là người có học vấn uyên thâm, nổi tiếng thơ văn, giỏi lịch pháp, thiên văn, độn số và là người có công giúp Cung Định vương Tả Tướng quốc Trần Phủ (tức Trần Nghệ Tông 1370 – 1372, nhường ngôi cho em, và làm Thượng hoàng 1372 – 1394) tiêu diệt Dương Nhật Lễ để khôi phục nhà Trần, được phong tước hầu, giữ chức Tư đồ quyền ngang Tể tướng.

Thân phụ là Nguyễn Ứng Long (1355 ? – 1428 ? (1), sau đổi tên là Nguyễn Phi Khanh vào năm 1400 lúc ra làm quan dưới triều Hồ Quý Ly) lại không theo nghiệp võ. Ông là con rễ của Trần Nguyên Đán, từng đỗ Hoàng giáp (Đệ nhị giáp, có tài liệu ghi ông đỗ Đệ tam giáp, tức Thái học sinh) trong kỳ thi Đình năm Giáp Dần (1374), niên hiệu Long Khánh thứ 2 triều Trần Duệ Tông (1373 – 1377), nhưng triều đình không trọng dụng bổ chức quan, với lý do “con nhà thường dân mà lấy con gái hoàng tộc” như sử sách có ghi lại (2). Mãi đến khi họ Hồ soán ngôi nhà Trần, thì Nguyễn Ứng Long mới được Hồ Quý Ly ban chỉ dụ mời ra làm quan với chức Hàn lâm Học sĩ, kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám (3). Mẹ là Trần Thị Thái (1349 – 1386), con thứ ba của Trần Nguyên Đán.

Năm 1400, Nguyễn Trãi đi thi Đình, đỗ Thái học sinh khoa thi đầu tiên dưới triều nhà Hồ, năm sau được cử giữ chức Ngự sử đài Chánh chưởng (4). Năm 1407, giặc Minh xâm lược, cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt, nhiều quan lại nhà Hồ bị giết hoặc bị bắt đưa về giam ở Trung Quốc. Riêng Nguyễn Trãi trốn thoát. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và theo Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí thì “Tổng binh Trương Phụ ép Phi Khanh viết thư gọi ông, ông bất đắc dĩ phải ra hàng. Phụ biết ông không chịu ra làm, muốn giết đi, nhưng Thượng thư Hoàng Phúc thấy mặt mũi khác thường, tha cho và giam lỏng ở thành Đông Quan” (5). Sau đó ông trốn thoát và bắt đầu mười năm tìm đường cứu nước. Lúc này có hai cuộc khởi nghĩa chống Minh của nhà Hậu Trần do Trùng Quang đế và Giản Định đế lãnh đạo, nhưng Nguyễn Trãi không theo, mãi đến năm 1918, ông mới vào Lam Sơn phò giúp Lê Lợi. Buổi đầu của cuộc khởi nghĩa, do lực yếu thế cô, có lúc đội quân khởi nghĩa bị giặc minh đánh tan tác, mỗi người một nơi. Năm 1421, ông trở lại Lam Sơn lần 2, yết kiến Bình Định vương tại Lỗi Giang, dâng Bình Ngô sách, được Lê Lợi tin dùng, đối đãi vào hàng quân sư, cùng bàn bạc việc quân cơ. Nhờ tài thao lược, chiến lược “Tâm công” cùng tài ngoại giao, tài viết thư thảo hịch mà Nguyễn Trãi đã dùng tấc lưỡi, ngòi bút của mình để dụ hàng quân giặc. Kháng chiến thành công, khi triều đình định công ban thưởng, dù công lao vào bậc nhất, nhưng ông chỉ được ban quốc tính (họ Lê), phong tước Quan phục hầu, chức Thượng thư Bộ Lại, kiêm Nhập nội Hành khiển và trông coi Môn hạ sảnh, tức những chức quan đối nội, lo việc triều đình, ở bậc hai, bậc ba trong hàng ngũ quan chức đời Lê. Nhưng sau đó không lâu bị Lê Thái Tổ nghi oan trong việc Đèo Cát Hãn nổi loạn đòi phiên trấn cát cứ, ông bị tù, còn những vị khai quốc công thần như Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn thì bị bức tử. Khi được tha thì ông bị mất gần hết chức tước, quốc tính. Gần cuối đời, có thể nói, Nguyễn Trãi gặp nhiều bi kịch, vì thế mà ông xin về Côn Sơn làm bạn với với trăng thanh gió mát, vui thú với tùng với mai, thi thoảng mới về Thăng Long khi triều đình có việc cần. Đến năm 1440, lúc này Lê Thái Tông đã trưởng thành, đã dẹp yên bè đãng Lê Sát, nhà vua triệu ông ra làm quan trở lại, dù lần này chức không cao, không to, nhưng Nguyễn Trãi vẫn hăm hở ra, chỉ vì dân vì nước và viết bài Tạ ân biểu nổi tiếng. Cũng vì trở lại lần này mà sau đó ông cùng gia tộc bị cái án oan nghiệt Lệ Chi viên thảm khốc vào tháng 9 năm 1442 !

Có thể nói trong cuộc đời, Nguyễn Trãi đã hai lần đứng trước sự lựa chọn. Lần đầu, lúc nhà Trần đang bước dần vào tình trạng khủng hoảng, trở thành thế lực bảo thủ, và Hồ Quý Ly là đại diện cho cái mới với những cải tổ tiến bộ. Cha con Nguyễn Trãi chấp nhận Hồ Quý Ly, dẫu biết rằng chính họ Hồ là kẻ cướp ngôi vua Trần, lại là người trước đó đã từng là kẻ thù của dòng tộc họ nội mình, mà khi tổng kết cuộc chiến, trong Bình Ngô đại cáo, ông đã viết “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà; Để trong nước lòng dân oán hận.” và trong thơ chữ Hán, có lần ông đã nêu suy nghiệm của mình về sự tồn vong của lịch sử, triều đại mất là do không được lòng dân, tuy vậy, ông vẫn có lời thơ trân trọng khi viết về Hồ Quý Ly, gọi họ Hồ là anh hùng: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật, Anh hùng di hận kỷ thiên niên – Quan hải” (Họa phúc đều có đầu mối, đâu phải một ngày, Anh hùng để lại mối hận đến mấy ngàn năm – Đóng cửa biển). Lần sau là việc tìm đường cứu nước, tìm chân chúa mà thờ. Ông đã không theo hai cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần (1407 – 1413) mà phải nghĩ suy cân nhắc, để sau đó mới đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào năm 1418 do Lê Lợi chủ xướng, và trở thành vị khai quốc công thần số một của triểu Hậu Lê sơ. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, mang tinh thần rộng mở, mà chúng tôi sẽ có dịp trở lại ở phần sau.

Đồng thời, cuộc đời của Nguyễn Trãi có hai điểm lớn đáng chú ý: Một là, Nguyễn Trãi là một thiên tài, một anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài lỗi lạc và vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam. Hai là, ông cũng là người đã phải gánh chịu nhiều nỗi oan khiên, oan khuất, thảm khốc nhất do xã hội phong kiến gây ra đến mức hiếm có trong lịch sử dân tộc.

2. Tìm hiểu cội nguồn của sự hình thành thiên tài Nguyễn Trãi có lẽ không ngoài những nhân tố sau:

- Ảnh hưởng từ dòng họ với truyền thống cương trực, khảng khái, khí tiết cứng cỏi, đấu tranh chống lại cường quyền, bạo lực, chống cái xấu cái ác làm hại nước hại dân.

- Ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng, văn hoá và học thuật cùng nhân cách của ông ngoại, của cha, nhất là tư tưởng thân dân, chăm lo cho dân.

- Từng sống đời sống thanh bần, trong sạch giản dị ở Côn Sơn, ở Nhị Khê từ thuở thiếu thời, cũng như lúc cáo quan về Côn Sơn, sống gần gũi với nhân dân; đặc biệt là mười năm phiêu bạt tìm đường cứu nước nên ông thấu hiểu dân tình, đồng cảm những cảnh ngộ của nhân dân.

- Tiếp thu nhiều nguồn văn hoá tư tưởng: trong kinh sách Tam giáo, nhất là Nho giáo; từ truyền thống văn hoá tư tưởng nhân dân; từ tinh hoa văn hoá thời đại Lý - Trần; từ hiện thực thời đại lịch sử; từ thực tế trải nghiệm cuộc sống của bản thân rồi dung hòa, nâng cao thành hệ tư tưởng của thời đại phục hưng dân tộc sau chiến thắng giặc Minh. Tư tưởng của Nguyễn Trãi cũng chính là tư tưởng tiêu biểu cho tư tưởng Đại Việt ở nửa đầu thế kỷ XV. Vì thế, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, tuy khái niệm này là của Nho gia nhưng quan niệm của ông có khác chút ít so với Khổng Mạnh, và hoàn toàn khác xa với Tống Nho, tư tưởng đó mang tinh thần thân dân, vì dân. Theo ông, yêu nước chính là yêu dân, thể hiện khát vọng xây dựng đất nước hoà bình, phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, muốn “yên dân”, thì phải “trừ bạo”.

3. Thế thì Nguyễn Trãi đã tiếp thu và thừa hưởng những gì từ tinh hoa văn hóa – tư tưởng của thời đại Lý – Trần ?

Thời đại Lý – Trần kéo dài suốt gần 5 thế kỷ, trải qua các triều đại: Ngô (939 - 965), Đinh (968 - 980), Tiền Lê (981 - 1009), Lý (1009 - 1225), Trần (1225 - 1400), Hồ (1400 - 1407), Hậu Trần (1407 - 1413), trong đó hai triều đại Lý và Trần là lâu dài nhất, tiêu biểu nhất, hình thành nền văn hóa Thăng Long ngời sáng. Đặc trưng của thời đại này mang ba nét cơ bản sau: Một là, thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng; Hai là, thời đại phục hưng dân tộc và phát triển đất nước; Ba là, thời đại khoan giản, an lạc, nhân thứ, rộng mở và dân chủ (6). Nhờ phát triển kinh tế và phục hưng văn hóa mà thời đại này, nhân dân ta đã có một đời sống vật chất tương đối no đủ, một đời sống tinh thần tương đối dễ chịu, trong không khí dân chủ và rộng mở. GS Đặng Thai Mai đã đúc kết tinh thần của thời đại ấy với nét tiêu biểu là “tích cực”, “vui vẻ”, “dễ chịu”, “gần gũi với nhau”, “cởi mở và phong phú’, “rộng rãi và sâu sắc” (7); Còn GS Lê Trí Viễn thì nói thời đại ấy “giàu chất dân chủ và chất rộng mở” (8). Tinh thần thời đại ấy đã tạo nên nền văn hóa Thăng Long có một không hai trong lịch sử dân tộc, mà chủ thể trung tâm của thời đại này là những con người tự tin, hào hùng, dũng lỉệt, phóng khoáng, trong sáng, nhân ái, độ lượng và khoan dung. Thời đại này đã sản sinh những con người rất lạ, rất đẹp, rất đáng kính về nhân cách mà rất khó có thể gặp lại những mẫu hình con người như thế ở các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Có được tinh thần thời đại và mẫu hình những nhân cách tuyệt vời như trên là nhờ lòng yêu nước, yêu con người, nhờ bản lĩnh kiên cường cùng ý thức độc lập tự cường của dân tộc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Một nhân tố quan trọng khác để làm nên chất Đại Việt của văn hóa Thăng Long còn là nhờ ảnh hưởng tư tưởng từ bi, thấm đẫm tính nhân văn của nhà Phật. Chính giáo lý nhân từ của Phật giáo đã cảm hóa và ảnh hưởng đến xã hội, phong hóa, chính trị của thời đại, nên học giả Hoàng Xuân Hãn đã gọi “đó là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta” (9). Để sau này, Nguyễn Trãi đã tiếp thu, thừa hưởng và cải biến nâng cao, trở thành đỉnh điểm của văn hóa Đại Việt hồi đầu thế kỷ XV.

4. Tư tưởng và văn chương Nguyễn Trãi là sự hội tụ những tinh hoa của văn hóa Thăng Long thời Lý – Trần

4.1 Nguyễn Trãi không chỉ chịu ảnh hưởng từ truyền thống của dòng họ, gia đình; được tiếp thu một nền giáo dục có hệ thống và uyên bác cùng tư tưởng thân dân của ông ngoại và cha; từng sống một đời sống thanh bạch, giản dị, gần gũi nhân dân, thấu hiểu dân tình, mà ông còn thừa hưởng những truyền thống quý giá và cao đẹp của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, còn nếu tính từ ngày đất nước giành lại độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, thì Nguyễn Trãi là sự kết tinh những tinh hoa của thời đại, mà hai triều Lý và Trần là tiêu biểu. Hai triều đại này đã tạo nên một nền văn hoá Thăng Long rực rỡ, thể hiện một tính chất chung: CHẤT ĐẠI VIỆT (10). Ở đó, hai trục tư tưởng chính của thời đại, có truyền thống từ xa xưa của dân tộc là tư tưởng yêu nướctư tưởng nhân đạo được biểu hiện rõ nét nhất. Hai tư tưởng này phát triển theo tiến trình của lịch sử dựa trên hai cốt lõi vững chắc là tinh thần dân chủ tinh thần rộng mở. Tư tưởng Nguyễn Trãi, văn chương Nguyễn Trãi, nhất là tập thơ chữ Hán Ức Trai thi tập đã thể hiện rất rõ tính chất Đại Việt với tinh thần dân chủ rộng mở ấy của thời đại Lý - Trần. Ông đúng là sự kết tinh những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất, tinh hoa nhất của thời đại đó, có sự kết hợp với thực tiễn đất nước hồi đầu thế kỷ XV.

Tinh thần dân chủ trong tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi, cụ thể là quan niệm về dân, tư tưởng thân dân được nhà tư tưởng, nhà văn hoá Nguyễn Trãi bàn bạc sâu và kỹ trong nhiều tác phẩm thuộc loại chính luận và trữ tình như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Lam Sơn thực lục (11), Băng Hồ di sự lục, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập nhưng ở Ức Trai thi tập thì được Nguyễn Trãi thể hiện rõ nhất, đầy đủ nhất và sâu kỹ nhất. Ông từng so sánh vua là thuyền, dân là nước như trong bài chiếu răn Thái tử. Đẩy thuyền, làm lật thuyền là dân, dân có sức mạnh như nước: Tải chu, phúc chu giả, dân dã và Phúc chu, thuỷ tín, dân do thuỷ. Bài Quan hải, Nguyễn Trãi còn phát biểu quan niệm này nhưng có khác hơn. Bài thơ là sự suy nghiệm của ông về lịch sử, về sự sụp đổ của một triều đại để tìm ra nguyên nhân cơ bản của thảm hoạ mất nước là do triều đại đó không được lòng dân. Nhờ suy nghiệm này mà người đọc hôm nay hiểu rõ hơn vì sao cha con Nguyễn Trãi có quan hệ với hoàng tộc nhà Trần, lại ra làm quan cho nhà Hồ mà nhà Hồ là triều đại soán ngôi nhà Trần, làm cho lòng dân oán thán, và chính Hồ Quý Ly là người từng truy sát ông cố và ông nội cùng hai người bác ruột của Nguyễn Trãi, trong sự kiện khi các vị này đứng về phe Thái úy Trang Định vương Trần Ngạc và Thẩm hình viện sự Lê Á Phu chống lại Hồ Quý Ly, lúc họ Hồ đang là Tể tướng, kiêm phụ chính đại thần cuối triều nhà Trần, có ý chuyên quyền. Rồi nhà Hồ mất, nước mất theo, cha bị bắt, ông nghe lời cha trở về tìm cách rửa nhục cho nước, báo thù cho cha. Nguyễn Trãi dù là cháu chắt bên họ ngoại của nhà Trần, nhưng ông không tham gia hai cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh do tôn thất nhà Trần lãnh đạo. Để rồi, sau mười năm phiêu bạt, cuối cùng ông tìm đến Lam Sơn tham gia khởi nghĩa, tôn phò minh chủ Lê Lợi, và trở thành vị khai quốc công thần số một của triều Hậu Lê sơ. Việc này không chỉ là sự thể hiện tính dân chủ mà còn bộc lộ tính rộng mở nữa trong tư tưởng của Ức Trai tiên sinh. Theo Nguyễn Trãi, dân có sức mạnh vô địch và vô tận. Dân mạnh thì nước còn, nước phát triển; dân yếu thì nước yếu, có khi nước mất; không có dân thì không có nước.

Băng Hồ di sự lục tuy là bài ký rất cảm động viết về ông ngoại kính yêu, nhưng qua đó có thể thấy Nguyễn Trãi đã kế thừa truyền thống gia đình cùng tiếp thu tư tưởng thân dân, tấm lòng ưu ái vì nước vì dân của ông ngoại.

Trong Ức Trai thi tập, Nguyễn Trãi nói nhiều về quân thân, ưu ái, tiên ưu hậu lạc, thốn tâm đan, thương sinh tại niệm có đến 21 lần trên 105 bài thơ chữ Hán (12). Tuy đó là lý thuyết của Nho gia với cương thường, trung hiếu, quân thân nhưng ông đã gộp hai đối tượng vua (nước) và dân trong một tình cảm chung là niềm ưu ái và thể hiện bằng một thái độ trách nhiệm cao đối với dân: tiên ưu.

Trong Quốc âm thi tập, nhiều câu thơ được tác giả nhắc lại như một điệp khúc ở nhiều đề mục với các từ như trung hiếu, quân thân, ơn chúa cha; thi thoảng, nhà thơ viết việc nước, ưu ái, ích dân, lòng dân; có khi trừu tượng hơn tấc son, chí cũ v.v.. Tất cả đều cùng một nội dung với những gì mà Nguyễn Trãi đã viết trong Ức Trai thi tập.

Nói chung, đó là tấm lòng tha thiết sâu nặng của ông đối với quê hương, đất nước, nhân dân. Những bài thơ viết trong thời gian mười năm phiêu bạt tìm đường cứu nước như Loạn hậu cảm tác, Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, Quy Côn Sơn chu trung tác, Hải khẩu dạ bạc, Ký cữu Dịch (Dị) Trai Trần công, Thanh minh, Quan hải, Thính vũ, Thần Phù hải khẩu, Thu dạ khách cảm, Tặng hữu nhân v.v.. là những bài thơ ăm ắp một nỗi niềm sâu nặng đối với nhân dân, đối với quê hương. Chẳng hạn, Loạn hậu cảm tác là sự đau thương của nhà thơ đối với nhân dân bị giặc ngoại xâm giày xéo; là niềm bi thiết cho thân phận mình muốn cứu nước cứu dân nhưng bất lực. Hải khẩu dạ bạc nhắc đến việc chưa báo ơn nước, đành ôm gối lạnh thao thức suốt năm canh. Lưu ý là trong hệ thống khái niệm của phong kiến, quốc ân tức ơn nước cũng chính là quân ân tức ơn vua. Theo ông, mệnh đề trung quân ái quốc của Nho gia chính là ái dân. Trung với vua chính là yêu nước, mà yêu nước đồng nghĩa với yêu dân, vì quốc dĩ dân vi bản (nước lấy dân làm gốc), dân vi bang bản (dân là gốc của nước). Như vậy, trung với vua thống nhất với yêu nước, thương dân. Vua – nước – dân là một. Đó cũng là niềm thương xót sinh linh vạn tính, thương sinh tại niệm, thương cảm bà con khốn khó nơi quê nhà, thương nhớ bè bạn, nhớ mồ mả cha ông không người sửa sang hương khói, nhớ quê, nhớ bà con ai mất ai còn trước ngọn giáo làn tên lưỡi gươm của quân xâm lược trong những tháng năm bị giặc chiếm đóng. Cho nên nỗi niềm yêu nước thương dân là tâm sự thường trực trong tâm hồn ông, là niềm thao thức khôn nguôi trong thơ văn của ông.

Những bài thơ viết lúc kháng chiến mới thành công như Hạ tiệp cũng thể hiện tinh thần dân chủ, luôn luôn chăm lo cho dân. Những bài thơ này dù ít nhiều mang tính thù phụng thù tạc, nhưng vẫn thể hiện niềm vui mừng của tác giả đối với đất nước được thái bình, nhân dân rồi đây sẽ được ấm no hạnh phúc, sống trong cảnh hoà bình, đầy tình thân ái.

Những bài thơ viết khi không còn điều kiện để thi thố tài năng, thực hiện hoài bão như Ngẫu thành, Tức cảnh, Mạn hứng cũng mang nặng nỗi niềm dân nước. Bài Ngẫu thành tả cảnh sống nhàn nhã của một ông quan lạnh, nhà cửa im ỉm, không ngựa xe, không người qua lại. Nhà thơ phải đốt gỗ bách cho khói lan toả khắp nhà. Lạnh là do nhà vắng hay vì tấm lòng Ức Trai đã nguội lạnh với công danh ? Vậy mà mở đầu bài thơ lại là nỗi vui mừng ! Vui hay buồn ? Kỳ thực bên trong là nỗi đau xót khôn nguôi của một người luôn nghĩ đến dân đến nước mà không làm gì được cho dân cho nước. Hai bài Tức cảnh và Mạn hứng cũng vậy. Nhà thơ nói nhiều về thương sinh tại niệm; Quân thân tại niệm độc tiên ưu. Phải chăng, giữa chốn triều quan, chỉ mỗi Nguyễn Trãi là người cô độc? là ông quan hay là ẩn sĩ? Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải như trong thơ Nôm, ông đã từng viết?

Bên cạnh tinh thần dân chủ, trong thơ Nguyễn Trãi còn bộc lộ tinh thần rộng mở. Tinh thần này thể hiện ở vấn đề quan niệm về cái lẽ xuất - xử, hành - tàng của nhà thơ. Dường như chuyện xuất hay nhập của Nguyễn Trãi có điều gì đó còn vướng mắc trong suy nghĩ của ông, nó không dứt khoát như một số nhân sĩ khác trước ông như Chu Văn An hoặc sau ông như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là sự linh hoạt mềm dẻo trong sự chọn lựa tìm hướng đi sao cho đúng, miễn là hướng đi ấy có ích cho dân cho nước. Ông là con cháu của nhà Trần, lại ra làm quan cho nhà Hồ, nhà Hồ mất, ông không theo hai vua nhà hậu Trần kháng chiến mà lại phiêu bạt, cuối cùng lại ra giúp Lê Lợi, như trên có nói. Sự lựa chọn này hẳn có lý do riêng, nhưng cũng đủ thấy tinh thần rộng mở trong suy nghĩ của ông. Tinh thần rộng mở này có cái gốc vững chắc để ông làm chỗ dựa là về mặt chính trị, có thể ông nghĩ họ nào làm vua cũng được, ai là người lo cho nước cho dân, thật sự vì nước vì dân thì ông khuông phò, tin theo.

Tinh thần rộng mở còn thể hiện ở chỗ vì nhân dân hai nước, vì tình hoà hiếu đôi bên, và cũng vì nghĩ đến cái kế sâu rễ bền gốc lâu dài mà Nguyễn Trãi đã khuyên chủ tướng Lê Lợi không tấn công thành Đông Quan trong khi giặc đang núng thế, để tránh cái cảnh máu đổ đầu rơi mà trái lại khuyên giặc ra hàng; hơn thế còn tha tội chết, cấp phương tiện và lương thực cho chúng rút quân về nước một cách an toàn tuyệt đối. Thật đúng là mưu kế kỳ diệu, cũng là hiếm thấy xưa nay như Nguyễn Trãi đã tổng kết trong Bình Ngô đại cáo. Đó là nhân nghĩa! Đây đúng là sự kết tinh văn hoá tư tưởng của dân tộc suốt gần năm trăm năm thời Lý - Trần, dựa trên cái cốt lõi dân tộc vững chắc, bên cạnh tiếp thu những yếu tố tư tưởng tích cực của Nho của Phật, mà những yếu tố này phù hợp với mình, có lợi cho mình rồi ông biết nâng cao lên chót vót sáng rỡ.

Nguyễn Trãi là nhà Nho nhưng trong thơ văn của ông không chỉ nói tiếng nói của Nho gia mà còn có cả tư tưởng của Phật và Lão - Trang. Hình ảnh nhà quan thanh vắng giống như cảnh nhà chùa, và người chủ nhà có tấm lòng trong veo sự đời, chẳng khác nào cái tâm thanh tịnh của nhà sư (Tiêu nhiên hoạn huống tự tăng gia - Mạn hứng 5). Lên chơi chùa Tiên Du mà lòng ngộ đạo Thiền, cái tâm đốn ngộ vô ngôn (Tiên Du tự). Bạn cũ đến Côn Sơn thăm, thức trắng đêm tâm sự, hôm sau tiễn bạn về núi thì ông nghĩ rồi ta cũng theo đạo Thượng thừa Thiền thôi (Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn). Đến Bảo Phúc đề thơ, cho rằng chốn ấy thật đáng cho ta ẩn. Lời kêu gọi về đi, sao không về trong Côn Sơn ca, mang cả tinh thần dung hợp tam giáo. Ở đây, cái hành và tàng của Nho gia có khi bị động, cứng nhắc thì đã có cái nhập mà xuất, xuất mà nhập uyển chuyển của Phật, của Đạo (Lão - Trang) bồi bổ thêm, bổ sung thêm cho tư tưởng của ông. Cái u tịch của Phật cùng cái thanh khiết của Đạo đã hoà trộn, làm cho tư tưởng ông có sự hài hoà, thăng bằng, mềm dẻo. Nguyễn Trãi là người giữ vững sự thăng bằng ấy với một bản lĩnh siêu việt, phi thường: vững chắc mà thanh cao, yêu nước thương dân là trên hết. Đây cũng chính là mẫu người, là tinh thần của nhà vua - Thiền sư Trần Thái Tông trong Thiền tông chỉ nam ca (hiện chỉ còn bài Tựa), trong Khoá hư lục mà Nguyễn Trãi đã tiếp thu và kế thừa.

Tinh thần rộng mở, dân chủ của thời đại Lý - Trần, thời đại phục hưng mọi giá trị văn hoá tinh thần truyền thống sau hơn ngàn năm lệ thuộc phương Bắc, do nhiều nguyên nhân, Nguyễn Trãi đã tiếp thu, thấm nhuần được tinh thần đó của thời đại một cách sâu sắc, rồi phát huy rực sáng trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và trong cả thời bình lúc dựng xây đất nước hồi đầu thế kỷ XV. Nguyễn Trãi đã từng tâu với vua Lê Thái Tông: Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình dùng văn. Ngày nay, đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ rủ lỏng yêu thương và chăn nuôi muôn dân, khiến cho các nơi làng mạc, thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cái cỗi gốc của nhạc vậy” (13). Nói về âm nhạc mà Nguyễn Trãi đã nêu lên mối quan hệ giữa “gốc” và “văn”, giữa “hòa bình” và “thanh âm”, tức mối liên hệ giữa nội dung và hình thức của nghệ thuật, mà mối liên hệ này gắn bó chặt chẽ với hiện thực đời sống nhân dân. Vì thế, lời tâu ấy càng thể hiện sâu đậm tấm lòng ưu ái rừng rực “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” với dân với nước của Ức Trai tiên sinh !

Cũng cần lưu ý là, từ cuối thế kỷ XIV, trong nội bộ dòng họ, gia tộc của Nguyễn Trãi đã có sự nhận thức khác nhau về lịch sử, về lẽ sống. Ông cố và ông nội theo Thái uý Trang Định vương Trần Ngạc chống lại Hồ Quý Ly, thất bại nên bị họ Hồ sát hại, vạ lây cả gia tộc. Cha con ông lại theo Trần Nguyên Đán, có thái độ ứng xử mềm dẻo hơn nên được bảo toàn cả gia đình. Sau hai cha con lại làm quan cho nhà Hồ. Dù đi theo người nào chăng nữa thì cuối cùng, tất cả cũng đều xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, vì dân, lo cho dân, thân dân, nhưng cách thức thể hiện mỗi người một khác. Đó cũng là một biểu hiện của tinh thần rộng mở.

Trong bước ngoặt của lịch sử, Nguyễn Trãi đã tỉnh táo tìm ra lẽ phải, tìm ra hướng đi đúng, lẽ sống đúng. Nguyễn Trãi trở thành vĩ nhân, là người kết tinh kiệt xuất những giá trị tinh hoa văn hoá, tư tưởng, văn học của 5 thế kỷ. Dường như những giá trị tinh túy nhất của thời đại lịch sử đã hội tụ nơi ông, vì ông hiểu rõ và nắm chắc quy luật vận động của lịch sử, kết hợp sự tự vận động bản thân mình trong cuộc sống, biết đi tìm lẽ sống đúng, biết tự đổi mới theo hướng đi lên để xây dựng một cuộc sống cho dân cho nước tốt đẹp hơn, bằng một hành động: lo nước thương dân. Điều đó còn lý giải tại sao một người cháu mang dòng dõi nhà Trần lại ra làm quan cho nhà Hồ, mà nhà Hồ là người đã giết hai ông cố và họ nội của mình! Họ Hồ mất, đất nước mất, ông lại theo Lê chiến đấu để giải phóng quê hương, đem lại tự do thái bình cho nhân dân. Thời nhà Hồ, những chức quan được giao cho hai cha con ít nhiều cũng góp phần đào tạo những con người trí thức để sau đó chung sức dựng xây sự nghiệp đại phục hưng của dân tộc Đại Việt sau ngày chiến thắng giặc Minh xâm lược, mà sự nghiệp phục hưng này, thời Lý - Trần đã đặt nền tảng. Trong những đại trí thức của thời đại thì Nguyễn Trãi là mẫu hình trí thức tiêu biểu nhất, sáng chói nhất, vĩ đại nhất, tinh hoa nhất của thời đại đó.

4.2 Về văn chương, trước hết, Nguyễn Trãi là con cháu nhà Trần, trên phương diện văn hoá tư tưởng và văn học, ông đã chịu ảnh hưởng có thể nói là sâu đậm nơi ông ngoại, nơi cha, lại kế thừa được những thành tựu rực rỡ của mấy trăm năm văn học Lý - Trần.

Ở văn chính luận, thời Lý - Trần, loại văn chính luận, nhất là thể văn bang giao thư tín nhằm đấu tranh ngoại giao với phương Bắc trong cuộc đấu trí gay go và căng thẳng, ta đã có thành tựu đáng kể, chẳng hạn những bức thư của các vua nhà Trần gởi cho nhà Nguyên Mông. Vì thế mà trong phong cách văn chính luận của ông mềm mại mà sắc nhọn, nhẹ nhàng mà đanh thép, lập luận chặt chẽ, lời lẽ hùng hồn, lịch sự nhún nhường mà có khí thế áp đảo đối phương, tư thế đứng ở tầm cao, trên kẻ thù. Nhưng không chỉ kế thừa mà văn chính luận của ông còn vượt lên trên, đánh dấu một bước tiến mới vững vàng và sáng tạo. Chẳng hạn, ở những bức thư trong Quân trung từ mệnh đó là sự nhất quán có tính hệ thống trong tư tưởng, trong kết cấu lô gíc, trong cách biện luận trực tiếp với đối phương, là sự vận dụng thành công và tuyệt vời binh pháp “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” nên tùy từng đối tượng nhận thư mà ông có cách nói riêng, viết riêng. Tất cả đều xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa. Ở Bình Ngô đại cáo lại là một bước phát triển mới trong sáng tạo hình tượng và trong trình độ tổng kết lịch sử, dù trước đó ta đã có Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, có Phạt Tống lộ bố văn của Lý Thường Kiệt và Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Cái mới ở đây là Nguyễn Trãi đã tổng kết sự vận động phát triển đi lên của lịch sử nước nhà. Bài văn không dài, nhưng những diễn biến lịch sử phức tạp trong 21 năm của đất nước bị ngoại bang thôn tính và cai trị, được ông đúc kết đầy đủ, tài tình, rất thuyết phục, mà người đời sau khen là Thiên cổ hùng văn (lời của Vũ Khâm Lân, nửa đầu thế kỷ XVIII, trong sách Đại Việt sử loại tiệp lục). Đặc biệt, sự tổng kết này còn cao hơn, ở chỗ đạt đến một ý nghĩa có tính khái quát lớn về quy luật lịch sử cả ngàn năm với những truyền thống cao quý của dân tộc: văn hiến, cương vực lãnh thổ, phong tục, bình đẳng và độc lập, chống ngoại xâm oai hùng, nhân nghĩa, khát vọng hoà bình v.v..

Ở tập thơ chữ Hán Ức Trai thi tập hiện còn 107 bài (14), chủ yếu là thơ cách luật và đa phần là thất ngôn bát cú. Con số thống kê sau về thể loại:

+ Ca: viết theo thể trường đoản cú, chỉ có 01 bài là Côn Sơn ca.

+ Hành: chỉ có 01 bài là Đề Hoàng Ngự sử mai tuyết hiên

+ Ngũ ngôn bát cú: 05 bài , đó là Du sơn tự, Giang hành, Thính vũ, Tặng hữu nhân, Dục Thuý sơn.

+ Thất ngôn tứ tuyệt: 10 bài, đó là Đề Bá Nha cổ cầm đồ, Mộng sơn trung, Đề Vân Oa, Ngẫu thành, Trại đầu xuân độ, Mộ xuân tức sự, Thôn xá thu châm, Vãn lập, Đề sơn điểu hô nhân đồ, Đề Đông Sơn tự.

+ Thất ngôn bát cú: những bài còn lại tất cả là 73 bài.

+ 17 bài tồn nghi, trong đó có 05 bài thất ngôn tứ tuyệt, 12 bài thất ngôn bát cú.

Như vậy về hình thức thể loại, ngoại trừ hai bài Côn Sơn ca và Đề Hoàng Ngự sử mai tuyết hiên theo cổ phong, để dễ thể hiện tư tưởng, tình cảm phóng khoáng, hào mại thì còn lại, thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi thường dùng thể thơ cách luật và đã tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt, có tính quy phạm của thể loại.

Ở lĩnh vực thơ, thơ chữ Hán đời Trần, đặc biệt là thơ cách luật đã đạt đỉnh cao, là giai đoạn thơ hay nhất trong lịch sử thơ chữ Hán của nước ta như Lê Quý Đôn đã nhận xét. Ấy vậy mà ông đã tiếp thu thành tựu đa dạng của nền thơ ấy để nâng lên thành đỉnh cao của thơ ca thế kỷ XV. Qua thơ, người đọc hôm nay mới thấu hiểu tâm hồn ông: nhân ái, phong phú, tinh tế, phóng khoáng, sáng tạo, tài hoa, trong sáng, giản dị. Điều này chắc chắn ông đã kế thừa hồn thơ của ông ngoại của cha đậm tính hiện thực và sáng ngời tư tưởng thân dân. Và điều đó cũng để lý giải tại sao, ông sinh ra và lớn lên vào cuối thời vãn Trần, nhưng phong thái và phong cách thơ ông có nét gần gũi với thơ ca thời thịnh Trần. Thơ ông hội tụ vẻ đẹp lấp lánh của thơ ca năm thế kỷ, nhưng có phần vượt lên trên. Ông đúng là tinh hoa của nhiều thế kỷ dồn tụ lại. Tư tưởng của ông và thơ văn ông có nét hào hùng của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải; có chất minh triết thanh thoát và hồn nhiên của thơ Thiền; có niềm lo đời u hoài man mác của Chu Văn An; có cái ung dung khoáng đạt hào sảng của Trần Quang Khải; có nét trữ tình bay bướm, phóng khoáng cùng thiền vị sâu lắng của Huyền Quang; có tấm lòng yêu cuộc sống, yêu nhân dân của Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, có tình cảm nồng hậu với cuộc đời, ấm áp với nhân dân của Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh; và có chút chán chường mà thanh thoát đáng ưa của thơ ca Bích Động thi xã (Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức), cùng có chút niềm bi tráng của Đặng Dung.

Dù là thơ chữ Hán nhưng ngôn ngữ trong thơ ông trong sáng, giản dị, tinh tế dễ hiểu, kín đáo mà trầm lắng, đậm chất suy tư, trăn trở, phù hợp với những ưu tư của ông về dân về nước. Ông ít dùng điển cố điển tích, nếu có thì những điển ấy cũng không đến nỗi cầu kỳ, rắc rối khó hiểu. Người đọc có thể chưa thông hiểu hết điển nhưng vẫn có thể hiểu được ý chính của câu thơ, bài thơ.

Có thể thấy, thơ chữ Hán của Ức Trai không vụ hào nhoáng, không cầu kỳ gọt giũa câu chữ, không gò bó, không gieo vần hiểm hóc, ít dụng công thôi xao và kỹ xão nhưng vẫn giữ được tính cao quý, trang nhã, ý tại ngôn ngoại của thơ cách luật mà văn học cổ điển đòi hỏi như là một tiêu chí, thể hiện đặc trưng của nó. Nói chung, bút pháp của ông thanh thoát, thể hiện cảm xúc tinh tế trước cảnh vật với liên tưởng có khi bất ngờ thú vị.

Quốc âm thi tập hiện còn 254 bài. Đây là tập thơ Nôm cổ nhất hiện còn và là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta. Rất tiếc là thơ Nôm của Nguyễn Thuyên, của Chu An, của Hồ Quý Ly… do binh lửa, thiên tai hiện không còn. Chỉ còn lại mấy tác phẩm Nôm lẻ của vài tác giả Lý - Trần: một bài Giáo trò tương truyền của Từ Đạo Hạnh?; một bài phú Cư trần lạc đạo và một bài ca Đắc thú lâm tuyền thành đạo của Trần Nhân Tông; một bài phú Vịnh Vân Yên tự của Huyền Quang; một bài Giáo tử phú tương truyền của Mạc Đĩnh Chi?; một bài thơ 4 câu đầy tình tứ tương truyền của Điểm Bích?; một bài thơ Cầu siêu Nguyễn Biểu tương truyền của vị sư chùa Yên Quốc xứ Nghệ?; và nếu danh y Nguyễn Bá Tĩnh tức Tuệ Tĩnh thiền sư là người sống vào thời vãn Trần (nửa cuối thế kỷ XIV) thì ta có thêm hai bài phú Nôm nữa, đó là Nam dược Quốc ngữ phú và Trực giải chỉ Nam dược tính phú. Thật quá ít ỏi, nên tập thơ Nôm của Ức Trai đáng quý biết bao ! Nếu so sánh với thơ Nôm thời Hồng Đức cuối thế kỷ XV thì vẫn là tiếng Việt đấy nhưng nặng tính cung đình và bác học, chứ không trong sáng, nhuần nhị, tinh tế và tự nhiên như thơ Nôm của Nguyễn Trãi đã có trước đó mấy chục năm. Ông dám đem tiếng Việt dân dã, mộc mạc, thông tục cùng những hình ảnh cảnh vật đời thường vào thơ ca như bà ngựa, chú vằn, bè muống, lãnh mồng tơi, bụi chuối, núc nát, cò que, ruột ốc, niềng niễng, đòng đòng, lúc nhúc, trái hoè, ngặt… thật hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ bác học của thơ chữ Hán. Ông còn dám cách tân thơ luật Đường, rời bỏ niêm luật ngặt nghèo, câu thúc câu chữ của thơ cách luật, để thay vào đó là thơ 6 tiếng, hay 6 tiếng xen 7 tiếng và đặt chúng ở nhiều vị trí khác nhau trong bài, mà vẫn không đánh mất yêu cầu đối, niêm của thơ cách luật. Theo thống kê của Nguyễn Huệ Chi và Hoàng Trung Thông thì ở Quốc âm thi tập trong 159 bài bát cú có 391 câu thơ 6 tiếng (dòng 1 có 50 câu; dòng 2 có 43 câu; dòng 3 có 56 câu; dòng 4 có 56 câu; dòng 5 có 54 câu; dòng 6 có 54 câu; dòng 7 có 37 câu; dòng 8 có 41 câu), và trong 25 bài tứ tuyệt có 35 câu 6 tiếng (dòng 1 có 08 câu; dòng 2 có 09 câu; dòng 3 có 08 câu; dòng 4 có 10 câu). Tổng cộng có 184 bài thơ thất ngôn xen lục ngôn với 426 câu lục ngôn (15). Trong khi đó theo Phạm Thị Phương Thái trong luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và thể thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thì có 186 bài thơ thất ngôn xen lục ngôn, trong đó có 437 câu lục ngôn ở các vị trí không cố định (16). Chúng tôi đã thử kiểm tra lại và nhận thấy con số thống kê trong công trình của Phạm Thị Phương Thái là chính xác. Thống kê trên cho thấy ở thơ bát cú các cặp thực và luận buộc phải đối nhau thì Nguyễn Trãi vẫn tuân thủ theo yêu cầu của thể loại, dù chỉ là 6 tiếng. Điều muốn lưu ý là trong thơ Nôm, Nguyễn Trãi đã mạnh dạn đưa nhịp 3 vốn là nhịp trong thơ song thất của ta vào thơ cách luật, mà dạng nhịp này duy nhất trước đó Trần Thánh Tông đã có một lần thể nghiệm thành công ở bài thơ chữ Hán Hạnh Thiên Trường hành cung mà Hồ Nguyên Trừng đã hết lời ngợi ca bài thơ này trong Nam Ông mộng lục (17), chẳng hạn như bài Ngôn chí số 21 (Dấu người đi / là đá mòn ; Cửa song giãi / xâm hơi nắng ; Tiếng vượn kêu / vang núi non) và Ngôn chí số 15 (Vừa sáu mươi / dư tám chín thu) hay bài Tự thán số 76 (Rượu đối cầm / đâm thơ một thủ, Ta cùng bóng / mây nguyệt ba người). Ông còn thay thế chữ Hán bằng chữ Nôm tiếng Việt tương đương như Tam kính cúc bằng Ba đường cúc; hành chỉ bằng đi nghỉ; quyền môn bằng cửa quyền; phù vân bằng mây nổi; hồng quần bằng quần đỏ. Trong thơ Nôm, Nguyễn Trãi còn đưa ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào thơ với thành tựu mới, ví dụ như Bảo kính cảnh giới 148 (Ở bầu thì dáng ắt nên tròn ; Đen gần mực, đỏ gần son).

Ở đây, Nguyễn Trãi đã kế thừa và vận dụng thơ luật của Trung Hoa để sáng tác bằng chữ Nôm thể hiện tiếng nói của dân tộc. Cái đáng quý và cũng là đóng góp to lớn của Nguyễn Trãi ở chỗ là ông đã dũng cảm vượt thoát thơ cách luật để sáng tạo ra một thể loại mới: dùng câu thơ lục ngôn xen với câu thơ thất ngôn để tạo ra thể thất ngôn xen lục ngôn, với những câu thơ lục ngôn ở nhiều vị trí khác nhau, như trên đã thống kê. Thi thoảng, ông còn dùng nhịp lẻ trong thơ Đường luật bát cú. Đây là nhịp đặc thù của thơ song thất lục bát Việt Nam trong cặp song thất, mà ở trước đã nói. Ông còn mạnh dạn đưa vào thơ cách luật (vốn là thể thơ mang tính bác học và cao quý) những từ ngữ đời thường, những hình ảnh dung dị của cuộc sống vào thơ Nôm, vì thế ở góc độ thi pháp, có thể thấy Nguyễn Trãi là nhà thơ đầu tiên cắm cái mốc phá vỡ tính quy phạm, khuôn thước của thơ cách luật để thổi vào đó cái hồn dân tộc.

Hình ảnh thiên nhiên trong bút pháp thơ Nôm của Nguyễn Trãi có nét khác với thơ chữ Hán. Đó là sự trong sáng, giản dị, tinh tế, dạt dào cảm xúc, tràn trề thi hứng, với những liên tưởng bay bổng bất ngờ, biểu hiện qua một ngôn ngữ mộc mạc dân dã, đậm tính dân tộc.

Ông xứng đáng được tôn vinh là người đặt nền cho văn học thời đại khai sáng, mở đầu cho nền thơ cổ điển Việt Nam.

5. Tóm lại, muốn hiểu tư tưởng – văn chương Nguyễn Trãi, muốn lý giải đến ngọn nguồn về thiên tài Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi thì phải đặt Nguyễn Trãi trong tiến trình phát triển của lịch sử, của văn học, để xem xét quá trình tiếp thu kế thừa và sáng tạo của ông, nhất là phải nhìn từ phía thời đại Lý – Trần thì mới thấy hết cái vĩ đại trong văn chương, học thuật và tư tưởng của ông, như trên có nêu. Ông đúng là sự kết tinh những tinh hoa văn hóa tư tưởng của thời đại Lý – Trần rồi vận động nâng cao lên rực rỡ hồi đầu thế kỷ XV, trong thực tiễn chiến đấu vệ quốc của dân tộc.

Với lịch sử dân tộc, Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng vĩ đại, là danh nhân văn hoá, nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị và ngoại giao tài ba mà trải qua nhiều biến động của lịch sử, bao thế hệ vẫn tôn vinh và thừa nhận.

Với lịch sử văn học, Nguyễn Trãi là nhà khai sáng, tấm lòng và văn chương của ông rực sáng như Lê Thánh Tông ngợi ca “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (bài Minh lương, tập Quỳnh uyển cửu ca), là “núi Thái Sơn”, là “sao Bắc đẩu”, là người có tài “Kinh bang hoa quốc cổ vô tiền” (18), là “sông Giang sông Hán trong các sông, sao Ngưu sao Đẩu trong các sao” (19), là nhà thơ đặt nền móng cho giai đoạn khai sáng của nền văn học cổ điển Việt Nam.

Đến đây, có thể mượn lời của nhà triết học Duy vật biện chứng F. Ăngghen để nói về thiên tài Nguyễn Trãi. Ăngghen đã từng nói về những con người khổng lồ được sản sinh từ hiện thực lịch sử thời Phục hưng ở châu Âu như sau: “khổng lồ về năng lực suy nghĩ, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt có lắm tài, lắm nghề và về mặt học thức sâu rộng” (20). Thế kỷ XIV, XV ở Việt Nam có khác châu Âu, nhưng những đòi hỏi cấp thiết của lịch sử có thể giống nhau, buộc phải sản sinh những con người khổng lồ mà Nguyễn Trãi là sản phẩm kết tinh những tinh hoa văn hóa tư tưởng của thời đại, tính từ thời Lý – Trần (thế kỷ X – XIV) sang thời Lê sơ (đầu thế kỷ XV), thể hiện ở tinh thần và ý thức dân tộc, tự hào dân tộc, khát vọng dựng xây một nền văn hoá dân tộc ngày càng rực rỡ, phổ cập trong nhân dân.

Vị trí của Ức Trai tiên sinh có một không hai trong lịch sử dân tộc và trong văn học sử của mười thế kỷ thời trung đại. Ông rất xứng đáng là danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam như thế giới đã tôn vinh.

Gò Vấp, tháng 6 năm 2010

NCL

Chú thích:

(1) Về năm sinh và mất của Nguyễn Phi Khanh, bài viết ghi theo Thơ văn Lý – Trần, tập 3, Nxb KHXH, HN, 1978. Nhưng theo sự tra cứu của chúng tôi thì những ghi chép trong gia phả họ Nguyễn ở Nhị Khê: Nhị Khê Nguyễn tộc thế phả và hai công trình khảo cứu của GS Bùi Văn Nguyên: Nguyễn Trãi danh nhân truyện ký, Nxb KHXH, HN, 1980 và Văn chương Nguyễn Trãi, Nxb ĐH và THCH, HN, 1984 thì lúc Trần Nguyên Đán cho phép Nguyễn Ứng Long kết hôn với Trần Thị Thái là năm Đại Trị thứ 7 (1367) triều Trần Dụ Tông (1341 – 1369), lúc này Nguyễn Ứng Long 39 tuổi, Trần Thị Thái 18 tuổi. Từ đó suy ra, ông Nguyễn Ứng Long sinh năm 1329 và bà Trần Thị Thái sinh năm 1350.

(2) Ví dụ như Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Văn tịch chí II, bản dịch của Viện Sử học, tập 4, Nxb Sử học, HN, 1961, trang 74.

(3) Hai chức quan to lãnh đạo hai cơ quan: Viện Hàn lâm và Trường Đại học (Quốc tử giám) ở nước ta dưới triều Hồ, hàm Chánh tam phẩm.

(4) Ngự sử đài là cơ quan có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, đàn hặc công việc chuyên môn ở các Bộ, các cơ quan văn phòng của triều đình và các công việc ở địa phương, cùng nhiệm can gián nhà vua, nay tương đương với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trung ương. Ngự sử đài chánh chưởng có thể như là Chánh văn phòng của Ngự sử đài, giữ con dấu của cơ quan này, chức quan này xếp vào hàng thứ tư hoặc thứ năm trong Ngự sử đài, sau Đô Ngự sử, các Phó Đô Ngự sử và Thiêm Đô Ngự sử, hàm Tòng tứ phẩm.

(5) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí, bản dịch của Viện Sử học, tập 1, Nxb Sử học, HN, 1960, trang 192.

(6) Xin xem: Nguyễn Công Lý, Mấy đặc trưng về thời đại Lý – Trần, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, HN, số 3 – 2000 ; và chương 2, mục 2.2 của sách Văn học Phật giáo thời Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb ĐHQG TP. HCM, 2002, trang 61 – 70.

(7) Đặng Thai Mai, Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học, trong sách Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, HN, 1977, trang 38.

(8) Lê Trí Viễn, Chất Đại Việt trong “Ức Trai thi tập”, trong sách Sáu trăm năm Nguyễn Trãi, Nxb Tác phẩm mới, HN, 1980; in lại trong sách Nguyễn Trãi: về tác gia và tác phẩm, Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu, Nxb GD, HN, tái bản lần thứ 5, 2007, trang 505.

(9) Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý, (2 tập), tập 1, Nxb Sông Nhị, HN, 1949, trang 429.

(10) Chữ dùng của GS. Lê Trí Viễn trong bài viết “Chất Đại Việt trong Ức Trai thi tập” ở sách Sáu trăm năm Nguyễn Trãi, Nxb Tác phẩm mới, HN, 1980.

(11) Trong nhiều tư liệu trước đây đều ghi Lam Sơn thực lục là tác phẩm của Nguyễn Trãi. Thật ra, công bằng mà nói thì tác phẩm này được ghi chép bởi nhiều người, từ hồi còn khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược, do Lê Lợi chủ xướng, viết lời Tựa. Nên chăng ghi người chủ biên là Lê Lợi, người ghi chép là Nguyễn Nhữ Soạn, Ngô Sĩ Liên, người chấp bút hoàn chỉnh văn bản sau khi hòa bình lập lại là Nguyễn Trãi. Vậy Nguyễn Trãi chỉ là một trong những tác giả của cuốn ký sự lịch sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn này.

(12) Theo thống kê của GS Lê Trí Viễn trong bài Nguyễn Trãi, nhìn từ phía Lý – Trần, trong sách Kỷ niệm sáu trăm năm Nguyễn Trãi, Nxb KHXH, HN, 1982, trang 216.

(13) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ thực lục, quyển XI, tờ 35 a – 35 b; Bản dịch của Viện Sử học, tập 3, Nxb KHXH, HN, 1972, trang 113; và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển XVII, tờ 3 a.

(14) Trước đây, theo Trần Khắc Kiệm, nửa cuối thế kỷ XV, khi nhận chỉ dụ của Lê Thánh Tông năm 1467, ông chỉ sưu tầm được 105 bài. Số bài này đến giữa thế kỷ XVIII đã được Lê Quý Đôn tuyển vào bộ hợp tuyển Toàn Việt thi lục. Sang thế kỷ XIX, dưới triều Minh Mệnh (1820 – 1840) nhận chỉ dụ của vua, Dương Bá Cung (có Ngô Thế Vinh, Nguyễn Năng Tĩnh cùng tham gia) từ năm 1822 trở đi, đã bỏ công sức trên 10 năm để hoàn thành bộ Ức Trai di tập, 7 quyển, được Phúc Khê đường khắc in năm 1868 dưới triều Tự Đức, trong đó chép thơ chữ Hán ở quyển 1, cũng 105 bài. Riêng Bùi Văn Nguyên suốt nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Trãi, GS đã bỏ nhiểu công sức sưu tầm để bổ sung thêm thơ văn Nguyễn Trãi, trong đó GS đã tìm thêm 02 bài chữ Hán, đó là bài Phúc đáp Đại Đô đốc Đinh Công và bài Ngự chế Tao ngộ thi, phụng họa, thành ra thơ chữ Hán của Ngưyễn Trãi hiện còn là 107 bài. Tất cả đã được công bố trong công trình Ức Trai di tập – bổ sung, Nxb KHXH, HN, 1994.

(15) Theo thống kê của Hoàng Trung Thông – Nguyễn Huệ Chi, tại chương XI. Vị trí Nguyễn Trãi trong lịch sử văn học, trong sách Nguyễn Trãi khí phách và tinh hoa của dân tộc, Nxb KHXH, HN, 1980, trang 305.

(16) Theo thống kê của Phạm Thị Phương Thái trong luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và thể thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, bảo vệ tại Viện Văn học Hà Nội tháng 7 – 2007.

(17) Trong Nam Ông mộng lục, ở câu chuyện thứ 18 nhan đề Điệp tự thi cách (Lối thơ điệp tự), Hồ Nguyên Trừng đã có lời bình về bài thơ Hạnh Thiên Trường hành cung của Trần Thánh Tông (mà cuối thế kỷ XVIII, Bùi Huy Bích trong sách Hoàng Việt thi tuyển đã ghi nhầm tác giả của bài thơ này là Trần Nhân Tông) như sau: “Kỳ mệnh ý thanh cao, điệp tự chấn hưởng, phi lão vu thi giả, yên năng đạo thử ?” (Bài thơ có cấu tứ thanh cao, chữ dùng lặp lại (điệp tự) có sức âm vang, nếu chẳng phải là bậc lão luyện trong làng thơ, sao có thể viết được như vậy ?). Trong bài thơ này, Trần Thánh Tông đã dùng nhịp 3/4 ở các câu: 1, 5, 6 và 8; trong khi đó thơ cách luật thường dùng nhịp chẵn: 4/3 hoặc 2/2/3.

(18) Chữ dùng của Nguyễn Mộng Tuân, bạn đồng khoa và đồng liêu với Nguyễn Trãi, khi viết về ông trong bài thơ Tặng Gián nghị Đại phu Nguyễn công.

(19) Chữ dùng của Tô Thế Huy đầu thế kỷ XVIII, khi viết về Nguyễn Trãi trong bài Tựa tác phẩm Quần hiền phú tập do Hoàng Tụy (Sằn) Phu biên soạn.

(20) F. Ăng-ghen, Biện chứng của tự nhiên, bản dịch, NXB ST, HN, 1971, tr 13.

fShare Tweet Bạn có thể quan tâm:
  • Tưởng niệm Trịnh Công Sơn - 2011-04-01 - 07:00:00
  • Lê Đình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học - 2008-09-13 - 11:45:20
  • Sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ đạt giải nhất ... - 2008-09-17 - 10:46:00
  • Giới thiệu Khoa - 2012-04-07 - 07:00:00
  • Bộ môn Văn học Việt Nam - 2008-12-28 - 02:54:30
  • Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học - 2008-12-28 - 02:54:57
  • Bộ môn Văn học nước ngoài và Văn học so sánh - 2008-12-28 - 02:55:44
  • Bộ môn Nghệ thuật học - 2008-12-28 - 02:56:18
  • Bộ môn Hán Nôm - 2008-12-28 - 02:56:32
  • Nhẫn - 2008-09-17 - 10:53:15
  • Về một người bạn đã đi xa - 2009-01-16 - 08:42:39

Từ khóa » Hoài Thanh Nói Gì Về Nguyễn Trãi