Danh Nhân Quảng Bình Tiêu Biểu - Báo Quảng Bình điện Tử

(QBĐT) - Gần 10 thế kỷ trôi qua kể từ khi thuộc về quốc gia Đại Việt, trên vùng đất Quảng Bình “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc và bao thế hệ cộng đồng cư dân Quảng Bình. Báo Quảng Bình xin trân trọng giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu.

1. Võ Nguyên Giáp (1911-2013) quê làng An Xá, Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tham gia các phong trào yêu nước từ năm 14 tuổi lúc học tại trường Quốc học Huế, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (1944), Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng xuất sắc nhất của Việt Nam và thế giới trong cuộc chiến chống chế độ thực dân vào thế kỷ XX...

Ông là vị tướng huyền thoại gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với những mốc son của lịch sử dân tộc, và tỉnh Quảng Bình là vô cùng to lớn. Ông đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, bảo vệ độc lập dân tộc nói chung và quê hương Quảng Bình nói riêng.

Báo chí nước ngoài ca ngợi ông “là một thiên tài quân sự lớn của thế kỷ XX, chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng tài đức vẹn toàn đối với mỗi người dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào đã sinh ra một người con như thế trong một thời đại vẻ vang nhất của dân tộc: Thời đại Hồ Chí Minh.

2. Dương Văn An (1514- 1591), quê làng Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, năm 1547 đỗ Tiến sĩ, Thượng thư của nhà Mạc, đóng góp quan trọng của Dương Văn An là biên soạn sách Ô châu cận lục; một công trình địa chí lịch sử đầu tiên có giá trị đặc trưng về vùng đất Thuận Hoá trong thế kỷ XVI.

Dương Văn An làm quan đến chức Ngự sử, hàm Thượng thư, tước Sùng Nham hầu, được phong tặng hàm Quận công nhưng cái cốt cách của ông vẫn là cốt cách bình dân. Ông luôn luôn nhận thức rằng sự thành đạt của ông vẫn là do quê hương xứ sở tác thành, hun đúc nên không bao giờ quên ơn sinh thành dưỡng dục của cha ông mình nơi xứ nghèo khó. Ông quan niệm làm một điều thiện còn quý hơn áo gấm vua ban, làm một điều ác tất không tránh khỏi sự lên án của người đời - đó là truyền thống và đạo lý bình dân, vốn có trong dòng máu con người Việt Nam.

3. Nguyễn Hữu Dật (1603-1681) người làng Phúc Tín, huyện Phong Lộc (Vạn Ninh, Quảng Ninh), một vị tướng tài của ba đời chúa Nguyễn (Chúa Sãi - Nguyễn Phước Nguyên, Chúa Thượng – Nguyễn Phước Lan, Chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần) đã có những công trạng xuất sắc trong việc bảo vệ phòng tuyến Nhật Lệ.

Khởi nghiệp là một quan văn, nhưng đời ông lại gắn với binh nghiệp, Nguyễn Hữu Dật trở thành một vị tướng thao lược có những đóng góp to lớn trong các cuộc chiến tranh bảo vệ vùng đất phên dậu của chúa Nguyễn ở phía Bắc vào thế kỷ XVII. Ông là người cộng sự đắc lực của Đào Duy Từ để hoàn thiện hệ thống chiến lũy trở thành bất khả xâm phạm trên đất Quảng Bình.

Không chỉ là một vị tướng trí - dũng song toàn, Nguyễn Hữu Dật còn có một tấm lòng nhân hậu, vị tha, bác ái. Tấm lòng nhân hậu của Nguyễn Hữu Dật được binh lính và nhân dân trong vùng cảm phục gọi ông là Phật Bồ Tát.

Ngoài những công lao to lớn đối với các cuộc chiến bảo vệ vùng đất Quảng Bình ông còn là người cha đã sinh ra những tướng tài như Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh có công mở mang bờ cõi về phương Nam.

Khi cuộc chiến kết thúc, ông về làm Trấn thủ tại đạo Lưu đồn và mất ở đó, thọ 78 tuổi. Chúa Nguyễn thương tiếc truy tặng là Chiêu Quận công. Năm Gia Long thứ 4 liệt hạng Thượng đẳng khai quốc công thần, năm Minh Mạng thứ 12 truy tặng ông là Khai quốc công thần, phong tước Tĩnh Quốc công, thờ ở Võ Miếu.

4. Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) quê ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh là nhà quân sự, chính trị tài năng của chúa Nguyễn. Ông là người có công mở mang bờ cõi về phương Nam, nhất là vùng đất Nam Bộ hiện nay.

Là vị tướng văn võ kiêm toàn, uy dũng lẫy lừng nhưng khi ông cầm quân đi mở đất, ông chỉ lấy cái ân đức để thu phục nghịch đảng, lấy cái lòng thương dân mà vỗ về dân chúng. Nhờ thế ông thu phục cả một vùng đất rộng lớn ở Nam Bộ mà không phải dùng đến gươm đao. Từ sự mở đất, ông đã kêu gọi dân từ vùng Bố Chính, Tân Bình quê hương ông vào Gia Định thiết định phường ấp, tổ chức khai phá, làm ăn sinh sống.

Thế hệ những người mở đất cuối thế kỷ 17 biết đến một Nguyễn Hữu Cảnh tài đức, khoan hòa, nhân ái, liêm chính, suốt đời lo an dân. Những người thế hệ tiếp theo biết đến Nguyễn Hữu Cảnh là một “Thần hoàng bổn cảnh” linh thiêng, che chở, độ trì cho làng, cho nước...

Tài đức, sự cống hiến của Nguyễn Hữu Cảnh đã để lại dấu ấn suốt dọc dải đất miền Trung vào đến Nam Bộ. Có thể nói Nguyễn Hữu Cảnh đã chung sức cùng các chúa Nguyễn góp phần làm thay đổi lịch sử Đông Nam Á, theo như cách nói của nhà nghiên cứu Li Tana.

5. Vũ Xuân Cẩn (1778-1852) người làng Hoà Luật, huyện Lệ Thuỷ, đại thần triều Nguyễn phục vụ cho 4 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với các chức Tổng đốc Bình Phú, Thượng thư Bộ Hình, Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán kiêm lãnh Quốc tử giám...

Ông là người có tài có đức, có nhiều công trạng phò bốn đời vua triều Nguyễn, được quần thần trên dưới kính trọng, nể phục. là một vị quan “Trung quân ái quốc”, lo lắng cho xã tắc, triều đình, công bằng, khách quan trong công việc, tận tụy, liêm chính và hết lòng vì dân.

Tứ triều nguyên lão Vũ Xuân Cẩn, khi còn là cai bạ tỉnh Bình Định đã làm cái việc chưa từng có dưới thời phong kiến, đó là đề xướng cải cách điền địa. Dù rằng, do điều kiện hạn chế của ý thức hệ phong kiến và do điều kiện chiến tranh nên đề xướng của ông chưa thực hiện được bao nhiêu nhưng tư tưởng cải cách của ông đã vượt tầm thời đại của ông. Đó quả là tư duy táo bạo cả trên phương diện chính trị và văn hóa mà đời sau phải làm cả một cuộc cách mạng xã hội mới thực hiện được cải cách điền địa.

Khi mất, ông được vua Tự Đức ban 4 chữ vàng "Tứ Triều Nguyên Lão" (lão đại thần 4 triều vua), đưa vào thờ ở đền "Hiền lương" chỉ dành thờ phụng đại công thần.

6. Võ Trọng Bình (1808-1899) người làng Mỹ Lộc, huyện Lệ Thuỷ là đại thần nổi tiếng thanh liêm của triều Nguyễn. Dưới triều Tự Đức ông làm Thượng thư Bộ Hộ kiêm Bộ Công, Tổng đốc Ninh - Thái. Sau vụ khởi nghĩa Đoàn Hữu Trưng năm 1866, Võ Trọng Bình được bổ làm Thượng thư Bộ Lại kiêm quản Quốc tử giám, sung Cơ mật đại thần. Năm 1868, vua Tự Đức giao ông trấn nhậm Bắc Kỳ, chuẩn làm Hiệp biện, lĩnh Tổng đốc Hà Ninh, sung Khâm sai đại thần.

Có lần Nguyễn Tri Phương thấy hàng ngũ quan lại các tỉnh phía Bắc sách nhiễu dân chúng, làm cho chính sự bất an, dân tình suy đốn, liền tấu trình triều đình xin cử đại thần Võ Trọng Bình đặc phái thanh tra chấn chỉnh để yên lòng dân, Tự Đức đã thẳng thừng từ chối bởi một lý do hết sức chính đáng: "Nơi biên viễn là trọng, nhưng kinh sư còn trọng hơn". Nghĩa là trọng trách của Võ Trọng Bình ở kinh kỳ là không thể có ai thay thế. Được kính nể và trọng dụng như thế, thiết tưởng phải là một tài năng đa văn, quảng kiến lắm mới có được.

7. Hoàng Kế Viêm (1820-1909) quê làng Văn La nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, Phò mã của vua Minh Mạng, là trọng thần triều Tự Đức làm Tổng đốc An Tĩnh, Thống đốc quân vụ 4 tỉnh Lạng – Bình – Ninh - Thái, thăng Đại học sĩ, Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ. Ông có công đánh Pháp và dẹp dư đảng giặc Tàu ở các tỉnh phía Bắc.

Ông không chỉ là mệnh quan của triều đình mà còn là vị thánh của dân, đến đâu ông cũng tìm cách chiêu dân khai hoang, dạy dân làm ăn, chăm dân no ấm và mở mang dân trí. Ông còn là nhà thơ, nhà sử học với nhiều tác phẩm đề đời. Cuộc đời của ông để lại nhiều tiếng thơm nhưng lẫy lừng nhất vẫn là những trận chiến với quân Pháp trong buổi đầu chúng kéo quân ra xâm lược miền Bắc với những chiến công ở trận Cầu Giấy các năm 1873 và 1883. Hoàng Kế Viêm chính là vị danh nhân người Quảng Bình ghi công đầu, thể hiện tinh thần và ý chí quyết tâm chống thực dân Pháp đến cùng của nhân dân Việt Nam.

8. Nguyễn Phạm Tuân (1842-1887) người làng Kiên Bính nay thuộc khu phố Hải Đình, thành phố Đồng Hới, là một nhà nho tài cao đức trọng, sinh ra trong một dòng họ có nhiều đời là công thần nhà Nguyễn; là tướng lĩnh xuất sắc phò vua Hàm Nghi, chỉ huy đánh Pháp sau khi Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc (1886)... với lời nói bất hủ: “Thà chết chứ không để vào tay giặc”.

Ông là một danh nhân tiêu biểu trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Ông là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu quả cảm, khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Từ khi ra làm quan đến lúc qua đời, Nguyễn Phạm Tuân một lòng đấu tranh chống thực dân xâm lược. Tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất và ngọn lửa hồng truyền thống của ông vẫn luôn luôn cháy rực trong lòng nhân dân cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng.

9. Huỳnh Côn (1850-1925) người làng Trung Bính, thành phố Đồng Hới là người nổi tiếng trên quan trường triều Nguyễn tài cao đức trọng, vừa làm thuốc chữa bệnh giúp dân vừa làm quan cứu đời.

Với nhiều trọng trách nhưng hễ có chút thời gian là ông lại dồn sức vào công việc làm thuốc, chữa bệnh giúp dân. Bằng trí tuệ uyên thông và óc quan sát tinh tế, ông đã tập hợp được một khối lượng lớn tư liệu dược học, vận dụng những kiến thức gia truyền về Đông Nam dược do tổ tiên để lại kết hợp với tri thức tích lũy được để biên khảo thành công trình để đời - "Trung Việt dược tính hợp biên" - gồm 2 bộ, 32 quyển, chứa đựng 1.655 vị thuốc và bài thuốc. Có thể nói, bên ngoài chốn quan trường và song song với chốn quan trường, ông là một nhà khoa học danh tiếng.

Khi ở đỉnh cao quyền lực, ông luôn dặn dò quan trấn nhậm địa phương không được để dân làng ông (Trung Bính) lợi dụng danh nghĩa của ông mà làm sai phép nước, ai cũng phải chiếu theo pháp luật mà xử; luật bất vị thân. Ông răn dạy rằng, con mà cậy thế cha là đồ bất hiếu, cháu mà cậy thế ông là đồ bất nghĩa, người quen thân mà cậy thế nhau là đồ bất kính. Trung thực và thanh liêm như thế quả là ít người có.

10. Nguyễn Hàm Ninh (1808-1868) người huyện Quảng Trạch, năm 1831 đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan. Ông và Cao Bá Quát là hai thi nhân được Tùng Thiện Vương quý mến. Ông không chỉ nổi tiếng với tài cao đức trọng, mà còn để lại nhiều di sản văn hóa, văn học cho nước nhà.

Nguyễn Hàm Ninh không chỉ nổi tiếng với sự nghiệp trác thuật và văn chương mà ông còn là danh nhân nổi tiếng với nhiều việc khiến những người nổi tiếng đương thời phải vị nể.

Chán cảnh quan trường ông cáo bệnh về quê sống cảnh thanh bần, lấy nghề y và nghề làm nông để sinh sống. Bằng tấm lòng của một thầy thuốc, một trái tim nhân văn và lòng thương người sâu sắc, ông đã từng đi nhiều nơi để tìm thuốc chữa bệnh cho mọi người. Nguyễn Hàm Ninh mất vào ngày 15 tháng Chạp năm Đinh Mão (tức 9-1-1868) kết thúc cuộc đời của một con người tài hoa, thông minh nhưng có nhiều thăng trầm trong cuộc sống gia đình và con đường hoạn lộ. Nhưng dẫu cho phong ba bão táp và cả những khúc quanh của cuộc đời vẫn không làm phai mờ một nhân cách trong sáng với một tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn.

11. Hàn Mặc Tử (1912-1940), sinh tại làng Lệ Mỹ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, nhà thơ tài hoa của đất nước...

Hàn Mặc Tử bộc lộ tài năng thơ từ 16 tuổi. Ông đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng nhiều từ nhà chí sĩ này. Năm 1936, ông cho ra đời tập thơ đầu tay Gái quê. Những năm 1938-1939, Hàn Mặc Tử bị bệnh nặng và trút hơi thở cuối cùng khi mới bước sang tuổi 28. Ông đã để lại cho đời một di sản thơ lãng mạn có một không hai trong làng thơ Việt Nam. Đọc thơ ông có người đã đánh giá: “Trước không có ai, sau không có ai.

Hàn Mặc Tử như ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” hay như Trần Đăng Khoa cảm nhận: “ Hàn Mặc Tử có 7 bài hay, trong đó có 4 bài đạt tới độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không có ai có thể viết nổi”.

T.S

Từ khóa » Người Nổi Tiếng Quê Quảng Bình