Đạo Diễn Lê Hồng Chương: Tìm Kiếm Những Viên Gạch Cho Phim Tài ...

Đạo diễn Lê Hồng Chương đang quay phim tư liệu “Còn lại với thời gian”.

– Thưa đạo diễn Lê Hồng Chương, theo anh thì công việc của một đạo diễn phim tài liệu khác với một đạo diễn phim truyện như thế nào?

–  Về nguyên tắc thì công việc của đạo diễn phim tài liệu và đạo diễn phim truyện là giống nhau, là bao giờ cũng phải dựa trên ý tưởng văn học và đều phải có khả năng điều khiển cả êkíp làm phim của mình. Nhưng có một điểm khác cơ bản là, đạo diễn phim tài liệu thì không điều khiển một dàn diễn viên, mà chính xác là anh ta điều khiển cuộc sống. Vì thông thường không dùng diễn viên đóng được như phim truyện, bởi tính chất người thật việc thật của thể loại, nên đạo diễn phải là người đưa các nhân vật của mình vào trong những hoàn cảnh cụ thể để họ bộc lộ tính cách của mình. Bằng sự lựa chọn ấy, hiện thực mà anh muốn đề cập sẽ hé lộ.

Vậy theo anh, cái khó nhất trong công việc của đạo diễn phim tài liệu là gì?

– Tôi nghĩ cái khó nhất của phim tài liệu mà một đạo diễn phải đối mặt là thể loại tài liệu không cho phép có được những khả năng giàu có như phim truyện để bộc lộ cảm xúc và khắc họa tính cách nhân vật.

Bản thân hai chữ “tài liệu” đã cho ta thấy nguyên tắc của một bộ phim tài liệu là tôn trọng tối đa hiện thực cuộc sống. Thông thường, khi quyết định làm một bộ phim tài liệu, anh đi theo một con đường như thế nào, từ ý tưởng rồi bám theo hiện thực hay là từ hiện thực nảy sinh ra ý tưởng?

– Câu hỏi tại sao tôi quyết định chọn đề tài này làm phim mà không chọn đề tài khác đều có nguyên cớ của nó. Ví dụ, phim “Thang đá ngược ngàn” (giành giải thưởng Cánh diều vàng 2002 –PV) tôi đã làm là bắt đầu từ một bài báo đăng trên An ninh thế giới. Bài báo ấy đã gặp gỡ với một ý tưởng mà tôi ấp ủ rất lâu, giống như ta đang muốn xây một ngôi nhà theo cách của mình thì gặp được những viên gạch chất liệu đúng như ta cần. Tôi tôn trọng tối đa sự phát hiện của nhà báo, vì hiểu rằng, một người đạo diễn phim tài liệu không tạo ra hiện thực, anh ta chỉ có ý tưởng, và sử dụng hiện thực cuộc sống như là những chất liệu để xây nên một ngôi nhà theo sự tưởng tượng của riêng mình. Ý tưởng là xương cốt của vấn đề. Nhưng có được xương cốt đã khó rồi, tạo ra hình hài của ngôi nhà càng khó hơn. Một ý tưởng tốt mà không có chất liệu tốt thì chúng ta cũng không thể có được một bộ phim tài liệu hay.

Nhiều bộ phim tài liệu được người đạo diễn ấp ủ hàng chục năm trời. Anh ta phải chuẩn bị tư liệu, tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu về vấn đề mình định đề cập tới một cách sâu sắc, kỹ lưỡng. Người làm điện ảnh tài liệu luôn có một thói quen là tìm hiểu cuộc sống thông qua các kênh thông tin đại chúng, để phát hiện đề tài. Tôi có thói quen là luôn cắt những bài báo mình quan tâm để vào một góc, trở thành một ngân hàng tư liệu riêng mình. Những ý tưởng làm phim nhiều khi lại được bắt đầu từ những bài báo nhỏ.

Ở một khía cạnh nào đó có thể thấy công việc của người làm điện ảnh tư liệu rất gần với công việc của nhà báo. Trường hợp bộ phim “Còn lại với thời gian” về đề tài những lá thư thời chiến của anh vừa giành 2 giải thưởng Cánh diều vàng cho đạo diễn xuất sắc nhất và phim tài liệu hay nhất của Hội điện ảnh, thì những thông tin trên báo chí, đặc biệt về cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” có một tác động như thế nào tới quyết định làm phim của anh?

– Riêng về bộ phim “Còn lại với thời gian” thì sự ra đời của cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và nhiều cuốn nhật ký chiến tranh khác, cùng với các thông tin ào ạt trên báo chí thực sự là một cú hích đối với tôi. Vì ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về một lớp người anh hùng đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn hiện diện trong chúng ta hôm nay là những trang thư và những trang nhật ký để lại đã được tôi ấp ủ từ rất lâu nhưng chưa có điều kiện để làm. Tôi đã có rất nhiều trang tư liệu để làm bộ phim này, và đã định sản xuất nó từ năm 2004. Nhưng điện ảnh là ngôn ngữ của hình ảnh. Chúng tôi chỉ thực sự yên tâm khi có được những hình ảnh về câu chuyện kỳ lạ về số phận của cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Tôi nghĩ đây là một cơ hội để hoàn thiện ý tưởng của mình.

Chúng tôi bám theo câu chuyện của hai người Mỹ đến Việt Nam đi tìm gia đình chị Trâm và cùng gia đình chị Trâm về Đức Phổ, nơi chị đã hy sinh. Cả câu chuyện về những bức ảnh của nhà quay phim Văn Giá. Hiệu ứng của câu chuyện đẹp về chị Trâm, anh Giá quá mạnh, nó cuốn tôi theo, và những gì chúng tôi ghi được bằng hình ảnh đã trở thành những chất liệu đặc biệt làm nên sợi chỉ đỏ xuyên suốt của bộ phim.

Làm một bộ phim tài liệu, với thời lượng rất ngắn, về một đề tài được báo chí nhắc tới quá nhiều trong cùng một thời điểm, tôi nghĩ, anh đã phải băn khoăn rất nhiều về góc độ tiếp cận, để khán giả xem phim vẫn có được một cái nhìn mới về một vấn đề không còn mới?

– Rõ ràng chúng ta không thể nói hết về sự hy sinh của cả một thế hệ ra đi cứu nước, trong một thời lượng phim rất ngắn. Đụng vào một vấn đề quá lớn, nếu ta quá tham lam, muốn nói tất cả có nghĩa là sẽ không nói được gì. Vì vậy tôi quyết định chọn lấy một góc tiếp cận riêng. Tôi quan tâm đến các thân phận cá nhân và suy tư của từng con người cụ thể, qua những lá thư họ viết cho những người thân yêu. Như một lát cắt mỏng để người xem thấy được vẻ đẹp tâm hồn của người ra đi. Tôi đã làm một cuộc trắc nghiệm và thấy rằng thế hệ trẻ là những người quan tâm đến đề tài này nhiều hơn cả. Nhưng đây là phim của công chúng nên tôi cũng phải suy nghĩ thêm cái này bớt cái kia cho đạt tới sự hài hòa, hợp lý.

Như vậy có thể thấy, người làm phim tài liệu phải luôn luôn tỉnh táo, biết tiết chế cảm xúc, tình cảm và trí tưởng tượng của mình nhưng lại không được hững hờ, vô cảm với nhân vật và vấn đề mình định nói tới, có đúng không, thưa đạo diễn?

– Thực ra mà nói thì làm phim tài liệu, cũng như các thể loại điện ảnh khác, không hạn chế sự bay bổng, óc tưởng tượng của người sáng tạo. Không có một thứ luật nhất định nào bắt buộc người làm phim phải tuân theo, nhưng anh phải luôn biết đi theo logic của vấn đề. Sự nhạy cảm ấy, mỗi đạo diễn phải có và phải tìm ra một con đường mang dấu ấn của riêng mình. Chỉ có điều, với đặc trưng của phim tài liệu là luôn bám vào hiện thực, tôn trọng hiện thực, nên đạo diễn cần có sự tỉnh táo nhất định để có được sự chọn lựa các chi tiết cần thiết phục vụ cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo quá thì sẽ mất đi sự xúc cảm. Vấn đề là phải cân bằng được các yếu tố ấy, như một người đi trên dây vậy.

Nhưng dù thế nào thì dưới lớp vỏ ấy, vẫn phải là lòng thiết tha của người nghệ sĩ đối với nhân vật của mình. Anh không được hờ hững, vô cảm. Anh phải làm cho nhân vật của mình trở nên sinh động nhất có thể.

Bằng cách nào thưa anh, khi mà nhân vật trong các phim tài liệu đều là người thật việc thật, họ không phải là các diễn viên chuyên nghiệp?

+ Người đạo diễn bao giờ cũng phải làm việc rất kỹ lưỡng để hiểu về nhân vật của mình, biết được các thế mạnh của họ và suy nghĩ để khai thác các thế mạnh ấy, đưa họ vào trong những hoàn cảnh để họ có thể bộc lộ tốt nhất, chính xác nhất cá tính và đời sống nội tâm của mình. Đó là một công việc không hề dễ dàng, nếu đạo diễn không nhạy cảm và kiên nhẫn.

– Xin cảm ơn đạo diễn Lê Hồng Chương

Bình Nguyên Trang.

Từ khóa » Phim Gạch Cua