Đạo đức Và Pháp Luật Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh - Đức Trị Hay Pháp ...
Có thể bạn quan tâm
I. Vài nét lịch sử.
Riêng tôi nghĩ, phải chăng cả ba ý kiến đều có tính chất cực đoan tuy mức độ có khác nhau. Họ đã nhìn tách bạch hai sự vật: đạo đức và pháp luật, đức trị và pháp trị, mà theo tôi, vốn chỉ là Một, cùng một căn nguyên, một bản chất. Trước khi đi thẳng vào vấn đề, tôi xin phép thử phác vài nét lịch sử, mặc dầu kiến thức lịch sử rất lõm bõm.
Tôi nghĩ, nên xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người, con người xã hội, con người phần tử của xã hội, trong một xã hội nhất định sống chết với xã hội đó.
Để tồn tại và phát triển, từng gia tộc, từng bộ tộc, liên minh bộ tộc, kế đó, từng dân tộc, mọi người sống trong cùng một cộng đồng tất yếu phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau, bảo vệ nhau. Và làm được như vậy là nhờ - như thuở xưa, anh và tôi, ta hằng ê a: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” con người sinh là có lương tâm, lương tri rồi. Thời đại nguyên thuỷ, cái Thiện bẩm sinh còn đơn sơ, chia đều cho mỗi thành viên cộng đồng, nên mọi người suy nghĩ, hành động dễ thống nhất: Nhưng qua phát triển, cộng đồng càng lớn lên, càng phân nhỏ thành nhiều đơn vị, dần dần sống xa nhau. Do đó “tập tương viễn”. Tuy vậy, dầu tập quán xa nhau thế nào, thì tính Người, tình Người vẫn làm cho các xã hội gần nhau: “Tính tương cận”. Đạo đức con người là mạch sống gắn họ lại với nhau.
Rồi nhân loại đông lên gấp bội. Đời sống xã hội trong cộng đồng dân tộc trở nên phức tạp, cơ sở kinh tế phân hoá, giai cấp manh nha, khai triển làm rắc rối các quan hệ giữa người với người trong cùng một xã hội.
Mặt khác, có yêu cầu về tổ chức.
Ngay từ thời nguyên thuỷ, cuộc sống cộng đồng làm nảy nở phong tục tập quán. Thường là truyền miệng qua các thế hệ, có nơi được vẽ, viết một cách nguệch ngoặc trên vách hang động, có nơi ghi trên giấy tờ, đặc biệt có nơi đục khắc tinh vi trên bia đá. Đó là Lệ: “Lệ làng”, hình thành từ đức Thiện bẩm sinh.
Khi giai cấp đã hình thành sắc nét, thì lớp người thống trị đặt ra Luật, chủ yếu để tự bảo vệ lợi ích sống còn của tầng lớp mình. Luật ấy tất nhiên xung đột với Lệ. Nhưng không thể phủ định hoàn toàn Lệ của dân chúng số nhiều. Vì lẽ đơn giản, tập đoàn thống trị nào thì cũng phải dựa vào dân chúng mới sống được, mặt khác, vì dân chúng không ngừng đấu tranh để tồn tại, nhân danh chính nghĩa của Chí Thiện, của Đạo Trời, cũng là Đạo Người mà thôi.
Có thể ở đâu đó và lúc nào đó, Luật xoá “toẹt” Lệ - Chó sói muốn diệt đức của dân lành. ở đâu đó, như ta biết, phái học gia “pháp gia” dựng lên thuyết pháp luật độc tôn, chủ trương phát triển Luật rừng để giúp kẻ trị vì đàn áp dân chúng. Họ bịa ra nguyên lý “Nhân chi sơ, tính bản ác” làm cơ sở cho một thứ đạo lý phi nghĩa để biện luận cho chế độ pháp trị tàn bạo ấy. May thay cho thiên hạ: cả thầy lẫn tớ, chúng đều mệnh yểu. Bởi vì cả “đạo” lẫn “pháp” của họ đều “vô nhân đạo”, “vô pháp”, “vô thiên”.
Một thực tế lịch sử nữa phổ biến hơn rất nên chú ý là ở đâu tập đoàn thống trị cũng tìm cách thoả hiệp với đạo lý nhân bản truyền thống và để cùng tồn tại được lâu dài với quần chúng, thì chúng cũng gắng uốn luật pháp của chúng cho phù hợp với đạo lý ấy. Nghĩa là nhìn chung có xu hướng nhất thể hoá hai nhân tố Đạo đức và Pháp luật cùng tác động đến đời sống xã hội. Có điều là xu hướng nhất thể hoá phải lành mạnh, làm cho cả Đạo đức lẫn Pháp luật đều bắt nguồn từ cái Thiện bẩm sinh, đều thể hiện tính nhân bản, nhân văn thì ý đồ nhất thể hoá mới phát huy tác dụng, có lợi cho sự phát triển xã hội.
II. Với nhận thức như trên, tôi xin mạnh dạn trình bày mấy suy nghĩ sau đây khi nghiên cứu vấn đề Đạo đức và Pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh:.
1. Đạo lý nhân bản và Pháp lý tự nhiên.
Khi khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ tuyên bố:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Từ câu đó của bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, Bác Hồ “suy rộng ra” và khẳng định: “Tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Hồ Chủ tịch còn viện dẫn bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cách mạng Pháp năm 1789:
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh chứa chan đạo lý và pháp lý nhân bản. Đạo đức và Pháp luật, một nhất thể lành mạnh, vì cùng bắt nguồn từ tính Thiện mà tạo hoá ban sẵn cho con người.
Đã từng có ai đó nói, đoạn mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập chỉ có ý nghĩa một chiến thuật khôn khéo của nhà chính trị đại tài Nguyễn ái Quốc để tranh thủ dư luận thế giới, mưu đồ bằng “lạt mềm” buộc chặt các cường quốc Đồng minh chiến thắng khi họ đang bàn bạc tìm giải pháp cho vận mệnh các dân tộc phụ thuộc.
Thú thật, bản thân tôi trong lớp Chỉnh huấn của Chính phủ cuối năm 1952 đã từng “phản tỉnh” rằng “cái sọ nhỏ nhoi của mình, đã bị thực dân nhồi nhét “quá tải” cái lý luận Pháp lý tự nhiên (Droit naturel) siêu hình: mọi người sinh ra đều bình đẳng và tự do..., nên đã phạm quá nhiều sai lầm khi hoạt động trong ngành Tư pháp, cứ khư khư nắm quyền độc lập xử án của mình (độc lập với hành chính), khăng khăng bảo vệ quyền tự do thân thể của người dân “vong quốc nô” mới được giải phóng. Chính do sự “thành khẩn” bộc lộ ấy mà cùng với cụ Phan Kế Toại, tôi được lớp học tuyên dương, được nhận phần thưởng “Huy hiệu Sao đỏ Lênin” của Bác Hồ tặng trao qua tay vị trưởng lớp Phạm Văn Đồng.
Nhưng có thật tôi đã sai lầm không? Sau chỉnh huấn tôi vẫn tự hỏi như vậy... cho đến khi lại “tỉnh” ra một cách khác. Tôi rất băn khoăn: Bác Hồ đã dạy Đạo lý và Pháp lý nhân bản thế nào? Chiến thuật hay Chiến lược? Chân lý hay thủ đoạn đối phó nhất thời?
Phải nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở đây, không sáng tạo cái gì mới. Hồ Chí Minh không phải là nhà triết học, Người thường tự nhận thế. Tuy nhiên, chỉ nguyên việc Bác khẳng định lại dứt khoát cái chân lý đơn giản về quyền con người và quyền dân tộc muôn thuở, cũng đủ là lời nói có giá trị khoa học rồi, vì nó xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu đời của dân ta và của loài người. Đồng thời, Hồ Chủ tịch đã luôn luôn giáo dục cho chúng ta về Nhân đạo và Pháp lý nhân đạo, Đạo của con người, Đạo làm người, vì con người, rất thích hợp với tâm hồn cháu chắt Vua Hùng. Với hoàn cảnh xã hội Việt Nam, có làng và có nước, có phép nước và có lệ làng, phép nước - lệ làng theo xu hướng tự nhiên nhất thể hoá, nhưng nếu mâu thuẫn thì phép Vua phải “thua lệ làng”, vì lệ làng là của dân, do dân, vì dân.
Pháp lý Dân chủ và Nhân đạo, mang tính người và tình người hoá ra là yêu cầu mới nhất của trào lưu tiến bộ trên thế giới hiện nay. Gần đây, ở Việt Nam ta, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VII về vấn đề Nhà nước - pháp quyền và Hiến pháp 1992 có nói đến nhân bản, nhân quyền, chứng minh rõ sự giác ngộ mới về một chân lý cũ, chân lý của thời đại, của mọi thời đại.
2. Tư tưởng “hiến chính” của Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”.
Nội dung pháp lý của Hiến pháp 1946 là: Độc lập “hoàn toàn” cho Dân tộc; Tự do, bình đẳng về “mọi phương diện” cho “toàn dân”.
Đó chỉ là yêu cầu tự nhiên về Đạo lý và Pháp lý của con người, ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế.
Toàn dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ Nhà nước, không loại trừ ai cả. Chỉ trừ bọn phạm tội (có án xử của Toà án). Sau này (1953) ngay cả đối với những người vốn là địa chủ. Trưng mua ruộng của họ để chia cho dân cày là yêu cầu của Pháp luật, cũng là thuộc Đạo lý tự nhiên, cũng như việc chia công điền xưa kia. Cải cách ruộng đất tuyệt nhiên không có nghĩa là tước vĩnh viễn quyền công dân của địa chủ. Pháp luật định như vậy (1). Về đạo người, lại càng phải thế...
“Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Cho nên:
“Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu”, cực kỳ rộng rãi, có lẽ có một không hai trong lịch sử. ở Liên bang Xô Viết, nông dân chỉ hưởng quyền hạn chế. ở ta ai cũng có quyền bầu cử như nhau, không có một hạn chế nào, kể cả người ốm, tàn tật hay mù chữ, chỉ trừ người điên hoặc mất công quyền. Riêng đối với người mù chữ, trong Ban dự thảo Hiến pháp, có người thắc mắc thì Bác Hồ giải thích: Dân ta ai cũng yêu nước, thương nòi, ai cũng thích tự do, bình đẳng; thế thì ai cũng sẽ biết “chọn mặt gửi vàng”. Người nào không viết được vào phiếu bầu thì ban phụ trách sẽ có cách giúp. Khó gì đâu!
Quá trình soạn thảo Hiến pháp 1946 là quá trình đấu tranh quan điểm trong nội bộ Ban dự thảo và trên báo chí để xác định một kiểu Nhà nước dân chủ thế nào cho thích hợp với Việt Nam. Cách mạng Pháp đã sáng tạo kiểu “Tam quyền phân lập”. Nhưng qua hàng trăm năm thực hiện thấy cũng không hay lắm. Cơ quan đại diện cho toàn dân ở ta sẽ nắm toàn quyền, cả ba quyền trong tay. Ta không “cóp” của ai cả. Mà chỉ xuất phát từ yêu cầu tự nhiên về dân quyền của toàn dân ta; vả lại ta đã bắt đầu có chút kinh nghiệm của ta trong việc xây dựng chính quyền nhân dân ở các căn cứ địa giải phóng. ý kiến phát biểu đó là của Bác Hồ. Cũng không cần chế độ hai Viện để hai Viện kiềm chế lẫn nhau. Ta sẽ có cách hạn chế sự lộng quyền hoặc kém sáng suất của cơ quan đại diện bằng sự giám sát của cử tri, dựa trên “quyền bãi miễn” và “quyền phủ quyết”. Đặc biệt là ta có kinh nghiệm độc đáo mà chế độ Nhà nước tập quyền Xô Viết không có, không thể có. Đó là Mặt trận dân tộc thống nhất, chỗ dựa của Nhà nước đồng thời là cơ quan giám sát thường trực đối với Nhà nước, một cơ quan giám sát có tổ chức cực kỳ rộng rãi của cử tri.
Tư tưởng Hiến chính - Độc lập Tự do cho toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu hiện rõ nhất trong cơ cấu liên hiệp rất cao của Nhà nước. Và chính cơ cấu liên hiệp ấy bảo đảm cho chính sách liên hiệp quyền lợi của các giai cấp khác nhau, họ đã nhất trí sâu sắc về Độc lập và Tự do.
Hãy nhớ lại những ngày sóng gió cuối năm 1945 và đầu năm 1946 để thấy rõ ý nghĩa và tác dụng lớn lao của việc xuất hiện Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Quốc hội đầu tiên của toàn dân bầu ra, sau cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu diễn ra, có nơi trong máu lửa. Ta nhớ Quốc hội và Chính phủ ấy gồm đại biểu nhiều đảng phái khác nhau, thậm chí đối lập về khuynh hướng chính trị, gồm cả cựu Hoàng đế làm cố vấn tối cao, gồm nhiều Phật tử Hoà Thường và Linh mục, giám mục, gồm cả Vua Mèo. Một tượng trưng đẹp đẽ chưa từng thấy của Khối đại đoàn kết toàn dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Hồ — người cực kỳ sáng suốt, nguyên là ông Nguyễn - Người yêu nước!
Sau đó Hội Liên Việt quốc dân ra đời để cùng với Mặt trận Việt Minh trở thành hậu thuẫn vĩ đại của chính quyền nhân dân.
Ta nhớ chính nhờ có sự hình thành kịp thời Chính phủ liên hiệp với cơ cấu toàn dân mạnh mẽ như vậy, mà đã thúc ép được Chính phủ Pháp ký với ta Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 công nhận “Quốc gia Việt Nam Tự do”, một bước tích cực để tiến tới giành độc lập hoàn toàn.
Độc lập - Tự do là “Chính nghĩa”, là “Lẽ phải hợp với lòng người, với đạo lý và pháp lý tự nhiên, Hòn đá tảng của Công pháp quốc tế hiện đại, của Pháp quyền quốc gia hiện đại .
III. ở Hồ chí Minh: Đạo đức là Gốc, Pháp luật là Chuẩn.
Trong cái nhất thể “đạo đức - pháp luật”, xét về cội nguồn thì Thiện, Đức có trước và là gốc của Lệ, Luật; mà xét về công dụng đối với đời sống xã hội thì: Đạo đức gây men sống, còn Pháp luật là chuẩn, xác định mức độ phạm vi, phương pháp tác động của men sống ấy chỉ đạo hành động con người và bảo đảm cho hành động ấy có hiệu quả đối với xã hội.
Pháp luật là tất yếu cần cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, làm hình thành mọi quan hệ xã hội hợp với chuẩn đã định. Không có pháp luật thì xã hội khó mà tồn tại được. Cho nên trước Cách mạng Tháng Tám và ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến, đã tự thân lo việc soạn thảo Hiến pháp và Luật pháp.
Nhưng, gốc có bền thì cây mới đứng được và tươi tốt lên. Cho nên đồng thời, Bác phải lo vun gốc. Không phải tình cờ mà liền với việc soạn thảo Hiến pháp, chưa có Hiến pháp, thì Bác ra lệnh giữ lại mọi luật lệ cũ còn thích hợp với chế độ mới. Rồi Hồ Chí Minh gửi ngay thư “khẩn cấp”; cho các Uỷ ban nhân dân, các bộ, tỉnh, huyện, làng (vào đầu tháng 12/1945) và gửi thư cho đồng bào Bắc Bộ (vào đầu năm 1947) để răn bảo cán bộ ngoài Đảng, trong Đảng sớm biết tu tỉnh, tẩy rửa mọi thói hư tật xấu, tư thù, tư oán, cậy thế, cậy thần, quân phiệt hà hiếp, kể cả hẹp hòi, chuộng hình thức, ích kỷ, hám lợi danh; nghĩa là những điều luân lý thông thường, những yêu cầu sơ đẳng của Đạo đức làm người, của cái Thiện bẩm sinh.
Khi mở lớp đầu tiên huấn luyện cán bộ thanh niên Cách mạng, bài giảng đầu của Bác là cái luân lý ấy. Rồi giữa lúc kháng chiến ác liệt, Người đã viết sách dạy dỗ phải “sửa đổi lề lối làm việc”, đi thăm đồng bào, cán bộ khắp nơi, khuyên bảo nên rèn đức “trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư...”.
Nhiều người trong chúng ta ở đây hẳn còn in sâu trong ký ức bóng dáng người Cha, người Anh thân thiết ấy đã lên bục chỉnh huấn giảng bài khai tâm “Thiện và ác” trên thế giới, trong xã hội và trong bản thân mỗi người: làm sao cho Thiện đánh lùi được ác.
Việc làm của Bác làm ta nhớ đến gương các vị danh thần, danh tướng Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo..., dạy dỗ con em, binh lính biết giữ lòng cho ngay thẳng, ý nghĩ trong sáng, làm tròn phận sự với gia đình, xóm giềng, đất nước, đồng bào. Có gì cao xa đâu! Nhưng làm được thế thì gia đình, làng xóm, xã hội yên vui, thái bình.
Đạo đức làm người mà vững, thì phép nước, lệ làng, kỷ cương xã hội bảo đảm. Luật lệ không bao giờ đủ, ở đâu cũng thế. Chưa có luật nhưng giữ được tính Thiện, căm thù điều ác, thì đỡ nghĩ bậy, làm bậy. Đỡ nhiều lắm. Có luật đấy rồi, nhưng không có lương tâm thì sẽ bất chấp luật, sẽ xuyên tạc luật, bẻ queo luật như chơi. Có người phàn nàn là không đủ luật nên trật tự bát nháo; thậm chí nghĩ rằng nguyên nhân sâu xa là bởi vì Hồ Chủ tịch quá thiên Đức trị và coi nhẹ Pháp trị. Tôi cho nghĩ thế là một sai lầm về nhận thức tư tưởng. Tham nhũng lan tràn có phải vì do không đủ luật đâu có phải vì do cơ quan bảo vệ pháp luật không đủ người đâu? Kém đạo đức, vô giáo dục thì quả là “vô pháp, vô thiên”. Dột nát cả mái thì luật dùng vào đâu được.
IV. “Đạo đức Cách mạng” và “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Đạo đức và Pháp luật vẫn là nhất thể khi nhà nước ta chuyển sang làm nhiệm vụ Chuyên chính vô sản ở miền Bắc, với các luật về cải tạo xã hội chủ nghĩa và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, dựa trên cơ sở Hiến pháp 1959, cũng do Hồ Chủ tịch chỉ đạo soạn thảo.
Đạo đức làm nền, làm gốc cho Hiến pháp và các luật ấy là “Đạo đức Cách mạng” của giai cấp công nhân: coi bóc lột là xấu xa nhất trên đời, nên phải diệt trừ tư hữu về tư liệu sản xuất, xoá bỏ các giai cấp bóc lột, kẻ thù của giai cấp công nhân. “Trung với Đảng, Hiếu với Dân” (Dân đây tức là nhân dân lao động), là yêu cầu tối thượng của “Đạo đức Cách mạng”. Trần Lực dạy như thế trong cuốn sách của mình.
Nhưng Trần Lực không phải chỉ dạy có thế thôi…
Xã hội Việt Nam không giống xã hội Liên Xô. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản trong đời sống hiện thực không diễn ra sắc nhọn mà cũng không bao trùm toàn xã hội.
Hơn nữa, điều này quan trọng vô cùng, tổ tiên ta đã dạy:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng”.
Vì kẻ thù truyền kiếp luôn luôn đe doạ Tổ quốc ta là giặc ngoại xâm từ tứ phương đến giày xéo “Nam quốc sơn hà”.
Cho nên:
“Bầu ơi! Thương lấy bí cùng,
Dẫu rằng khác giống, nhưng chung một giàn”.
Khác giống đã thế, thì khác giai cấp càng phải thế chứ! Không ai hơn Bác Hồ thấm đến xương tuỷ tình cảm dân tộc thiêng liêng ấy và bài học lịch sử cao cả ấy của Dân tộc.
Đã đành tiến lên Chủ nghĩa xã hội là ước mong tha thiết của quần chúng lao động. Nhưng tiến lên Chủ nghĩa xã hội bằng phương pháp nào? Cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng bạo lực đấu tranh giai cấp trong hoàn cảnh Việt Nam, nhất là đối với thành phần cá thể mênh mông là một sai lầm. Đạo đức tự nhiên của tình người, cả đạo đức cách mạng cũng không cho phép làm như thế. Phải cải tạo bằng vận động, bằng giáo dục. Làm cho người ta tự nguyện, thực sự tự nguyện nhận sự cải tạo.
Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, con người giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Ai chưa giác ngộ, ta phải biết chờ đợi. Hấp tấp là hỏng việc. Vừa phi đạo lý, vừa phá sản xuất, làm hại cả nước. Phải lấy thực tế nhãn tiền có lợi mà chứng minh tính ưu việt của con đường xã hội chủ nghĩa. Phải bảo vệ sự đoàn kết toàn dân, sức mạnh muôn đời của Dân tộc. Tôi nghĩ chính điều khuyên bảo ấy của Bác Hồ mới là điểm mấu chốt của tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền chuyên chính vô sản. Hiến pháp 1959 ghi rõ phương pháp hoà bình, phương pháp dân chủ của cải tạo xã hội chủ nghĩa, ngay cả đối với giai cấp tư sản. Nhưng tiếc thay, ghi thế, mà khi thực hiện lại khác? Và toàn dân đang phải chịu hậu quả không hay của việc làm ấy, thiếu nhân tình, mà cũng phi pháp nữa chứ!
Nói nhân tình là nói cái nền chung của Đạo lý, cả đạo lý tự nhiên muôn thủa, lẫn đạo lý cách mạng mang tính giai cấp của Bác Hồ. Cái đạo lý nhân tình ấy là hồn của Pháp lý, cả pháp lý tự nhiên lẫn pháp lý của cách mạng dân chủ và cách mạng vô sản, là “thần linh pháp quyền”...
Tóm lại, Đạo đức và Pháp luật là nhất thể. Cái nhất thể ấy không phải luôn luôn cứ giữ nguyên trạng. Nhưng dù nó có biến đổi thế nào, cùng với sự biến chuyển cả vạn vật.. thì cái căn nguyên của nó vẫn thế. Đó là tính nhân bản của Đạo đức và Pháp luật. Nắm vững cái bất biến ấy, Bác Hồ ứng với vạn biến của xã hội, trong nước cũng như trên thế giới.
Cái bất biến ấy là Nhân Nghĩa.
Thầy Khổng đã tổng kết lịch sử như vậy rồi để ứng xử với đời ông chịu nhiều thất bại. Hồ Chí Minh tiếp tục ứng dụng Nhân Nghĩa. Nói chung, kết quả rất màu nhiệm. Nhưng không phải là mọi lúc, mọi việc đều trơn tru. Không phải ngẫu nhiên mà ngay khi viết xong di chúc, Bác Hồ đã một thầy một trò, trốn mọi lễ nghi sinh nhật ở Hà Nội, ở Bắc Kinh, hai người đi viếng đền thờ Khổng Tử tại quê ông, và Bác tức cảnh:
“Mười chín tháng Năm thăm khúc phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền đạo Khổng, giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa, chút ánh tà!
(Thơ chữ Hán - Đặng Thai Mai dịch)
* Trích: Vũ Đình Hoè - Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh, NXB. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 327-338.
1. Pháp luật cũng “chia” ruộng cho cả địa chủ để họ kiếm sống bằng lao động và do đó được cải tạo.
Vũ Đình Hoè - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (giai đoạn 1946 -1960)
Từ khóa » đạo đức Pháp Luật Là Gì
-
Mối Quan Hệ Giữa Pháp Luật Và đạo đức - Tạp Chí Công Thương
-
Đạo đức Là Gì ? Phân Biệt đạo đức Và Pháp Luật ? Mối Quan Hệ Giữa ...
-
So Sánh Sự Giống Và Khác Nhau Giữa đạo đức Và Pháp Luật
-
So Sánh đạo đức Và Pháp Luật - Luật Hoàng Phi
-
Đạo đức Là Gì? Phân Biệt, Quan Hệ Giữa đạo đức Và Pháp Luật?
-
Mối Quan Hệ Giữa Chuẩn Mực Pháp Luật Và Chuẩn Mực đạo đức
-
So Sánh đạo đức Và Pháp Luật
-
Sự Khác Biệt Giữa Luật Pháp Và Đạo đức
-
Pháp Luật Là Gì? Khái Niệm Pháp Luật? - Học Luật OnLine
-
[PDF] Chuyên đề 4 ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ...
-
Ý Nghĩa Của Pháp Luật Và đạo đức - Công Ty Tư Vấn Pháp Luật Thiên ...
-
Đạo đức (Morality) Là Gì? Phân Biệt đạo đức Và Pháp Luật - VietnamBiz
-
Tìm Hiểu Pháp Luật