Đào Hồng Tuyển: Cựu Binh Tàu Không Số Từng Lang Thang Ngủ Vỉa ...

"Tôi mong muốn sẽ đầu tư xây dựng một thành phố hải sản ở Cà Mau với quy mô khoảng 500ha bằng cách lấn biển trong tương lai".

Đó là tuyên bố của Chủ tịch Tuần Châu Group Đào Hồng Tuyển tại Cà Mau hôm 13/4 vừa qua. Lựa chọn lấn biển ở Cà Mau của "Chúa đảo Tuần Châu" giờ đây có thể được nhìn nhận là dự án "đầu tư lớn, đầy khả thi". Nhưng trở lại gần 20 năm trước, câu chuyện lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu của ông lại từng bị xem là "điên rồ".

GIỌT NƯỚC MẮT NGƯỜI CỰU BINH VÀ CÂU HỎI "TẠI SAO MÌNH PHẢI SỐNG NHƯ THẾ NÀY"

Đào Hồng Tuyển sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Năm 1969, khi mới 15 tuổi nhưng ông Tuyển đã khai tăng tuổi để nhập ngũ và tham gia vào Đoàn tàu không số qua đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhiệm vụ của ông và đồng đội là vận chuyển vũ khí vào chiến trường và đưa cán bộ lãnh đạo vào Nam, ra Bắc.

Sau khi chiến tranh kết thúc, thay vì trở về quê hương, ông Tuyển tiếp tục tham gia quân tình nguyện trên chiến trường K. Sau khi Campuchia thoát khỏi quân đội Pôn Pốt, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đưa thi hài liệt sỹ về nước. Ở độ tuổi 20, chàng trai Đào Hồng Tuyển đối mặt với những khắc nghiệt của cuộc sống, từng có giai đoạn hàng tháng trời cùng đồng đội chỉ sống bằng rượu.

Trở về từ Campuchia, sau khi nhận quyết định chuyển ngành cùng tiền trợ cấp, chàng lính trẻ Đào Hồng Tuyển quyết định chọn ở lại Sài Gòn lập nghiệp. Không gia đình, không người quen, chỉ với chiếc ba lô từ chiến trường, Đào Hồng Tuyển chọn vỉa hè, công viên làm chỗ nghỉ. Đến đôi dép nhựa Tiền Phong cũng bị mất trộm trong đêm. Khi trú mưa dưới một hiên nhà, Đào Hồng Tuyển xót xa khi nghĩ mình không khác gì một kẻ lang thang, bụi đời. Sau này khi đã thành đạt, ông đã mua lại chính ngôi nhà mình từng trú mưa để không quên những ký ức hàn vi đầy ám ảnh.

Đào Hồng Tuyển: Cựu binh tàu không số từng lang thang ngủ vỉa hè, dọn chuồng heo, trở thành Chúa đảo Tuần Châu ưa thích dời non lấp bể - Ảnh 1.

Để bám trụ ở Sài Gòn, ông Tuyển nhận công việc dọn chuồng heo, làm phục vụ cho một người chủ. Trong một lần gia đình chủ tổ chức nhậu, để thử lòng ông Tuyển, người chủ đưa cho ông một ly bia mà dưới đáy cốc là lợn gợn thức ăn được ợ ra. Ông Tuyển vẫn bình tĩnh uống hết cốc bia rồi sau đó vào nhà vệ sinh móc họng nôn ra. Ở Sài Gòn, không uống là không tin, uống mới tin. Để được tin, giữ công việc đang cần, người thanh niên trẻ đành nuốt uất ức vào trong.

Ấm ức, nhiều ngày làm muộn mà không có tiền để ăn đành nhịn đói, ông Tuyển bật khóc tự hỏi "tại sao mình phải sống như thế này?" và quyết tâm thoát nghèo. Sau một thời gian, ông được một tàu dân sự phục vụ cho tàu nước ngoài nhận vào làm việc, ông tự đi xách thuê, bán thuê hàng hóa cho các thủy thủ tàu viễn dương.

Tích cóp được ít vốn, ông Tuyển mua lại nhà xưởng, sắt thép phế liệu bị bỏ hoang sau chiến tranh cùng với việc chiêu mộ người tài từ chế độ cũ. Một thời gian sau ông xây dựng được 34 nhà máy, xí nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực nước giải khát và phân bón. Ngoài ra ông còn mở rộng ra làm bánh kẹo, làm giấy ra thị trường phía Bắc. Một thời gian sau ông được mời về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xuất khẩu Trung ương Đoàn rồi Phó chủ tịch hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Những thương hiệu giải khát nổi tiếng như Rừng Hương, Thiên Hương, rượu nhẹ có ga ở miền Nam, miền Bắc có nước ngọt Hải Phòng, rượu Hà Nội đều là công nghệ của Đào Hồng Tuyển. Một số nguồn thông tin cho biết, thời điểm bấy giờ các xí nghiệp của ông Tuyển chiếm tới 80% thị phần nước giải khát thị trường phía Nam. Cho đến khi Coca-Cola và Pepsi đổ bộ vào thì các nhà máy này mới tạm dừng để chuyển sang sản xuất phân bón. Những cái tên như nước khoáng Đảnh Thạnh từ thời Đào Hồng Tuyển vẫn còn giữ được đến bây giờ.

"TÔI LÀM NHỮNG CÁI MÀ THIÊN HẠ KHÔNG LÀM, HOẶC NGHĨ ĐẾN NHƯNG KHÔNG LÀM ĐƯỢC"

Tại thời điểm công việc kinh doanh của Đào Hồng Tuyển phát triển mạnh mẽ, năm 1997 lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới ông ra làm tư vấn. Ông được gợi ý đầu tư vào Tuần Châu. Hòn đảo này có vị trí thuận lợi cả đường bộ, đường thủy và nằm ngay trung tâm di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long. Thế nhưng đây lại là một xã đảo nhỏ, nghèo với hơn 1000 dân, không điện, không nước sạch, không trường học, cách biệt với đất liền.

Quyết định lấp biển để làm con đường 2km nối Tuần Châu với đất liền là điều như vậy. Ông đầu tư xây dựng con đường độc đáo nối đất liền ra đảo, đổi lại ông Tuyển được quyền sử dụng 98 ha đất trên đảo. Theo dự toán thời điểm này cần 3 năm với khoản tiền cỡ 80 tỷ đồng để hoàn thành con đường..

Năm 1998, mọi nguồn lực của ông Tuyển gần như cạn kiệt, không thể vay mượn thêm, cơ nghiệp đã được thế chấp hết, ông làm đủ mọi cách, thậm chí bán cơ sở sản xuất bằng nửa giá để làm đường. Chinh phục thử thách này không phải là việc dành cho tay mơ. Bởi trước ông Tuyển từng có các nhà đầu tư nước ngoài như Pháp, Mỹ, Hàn, Nhật đến khảo sát và rồi do dự bỏ đi trước tiềm năng nhưng đầy thử thách của Tuần Châu

Vượt muôn vàn khó khăn, tới này 8/2/1999 con đường ra đảo chính thức được hoàn thành. Từ đây Đào Hồng Tuyển bắt đầu được người ta gọi với biệt danh "Chúa đảo Tuần Châu" với dự án đình đám thời bấy giờ là Khu du lịch Tuần Châu với công trình Sân khấu biểu diễn nghệ thuật lớn nhất Việt Nam, khách sạn, biệt thự, bến cảng, du thuyền 5 sao,…

Đào Hồng Tuyển: Cựu binh tàu không số từng lang thang ngủ vỉa hè, dọn chuồng heo, trở thành Chúa đảo Tuần Châu ưa thích dời non lấp bể - Ảnh 2.

"Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được", ông Tuyển từng trả lời phỏng vấn.

Cũng nhờ tư duy làm những cái thiên hạ không làm trước đó đã được ông Tuyển áp dụng khi chớp lấy thời cơ đất nước sau chiến tranh đóng cửa, bị cấm vận để làm chủ hàng trăm xí nghiệp, nhà máy cũng như tận dụng nguồn nhân lực trí thức cũ để khai thác nguồn lực vật chất đang bị bỏ phí.

Bên cạnh kỳ tích dời non lấp bể, đời ông Tuyển không hiếm những quyết định khác lạ, như bỏ ra 600 triệu đồng để mua một bức thiệp xuân với mục đích từ thiện, giúp đỡ người nghèo, hay đề xuất tặng Viện toán học một căn biệt thự trị giá 3 triệu USD sau khi giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields danh giá.

"TÔI MONG MUỐN SẼ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỘT THÀNH PHỐ HẢI SẢN Ở CÀ MAU"

Theo ông Tuyển, nếu không dám mơ ước làm những việc động trời, dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, thì sẽ khó có những thành công và thay đổi to lớn. Nhờ động lực đó của người đứng đầu, hơn 20 năm qua, từ một công ty nhỏ, Tuần Châu trở thành tập đoàn với hơn 30 công ty thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực gồm du lịch, sân golf, bất động sản, cảng tàu – bến du thuyền… trải dọc từ Bắc chí Nam.

Trở lại quyết định đầu tư vào Cà Mau của Chúa đảo Tuần Châu. Đây là dự án mới nhất được công bố của Tuần Châu Group tại buổi làm việc với các Tập đoàn kinh tế lớn do UBND Cà Mau tổ chức mời gọi đầu tư.

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư, ông Tuyển cho biết sau khi khảo sát các cảng biển hiện có trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là khảo sát thực địa ở hai khu kinh tế có nhiều tiềm lực phát triển ở Cà Mau là Năm Căn (huyện Năm Căn) và Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), tập đoàn rất mong muốn đầu tư vào Cà Mau, nếu cần thiết sẽ xây dựng sân bay.

"Tôi mong muốn sẽ đầu tư xây dựng một thành phố hải sản ở Cà Mau với quy mô khoảng 500ha bằng cách lấn biển trong tương lai", ông Tuyển nhấn mạnh.

Người ta nhận ra Đào Hồng Tuyển vẫn chưa bao giờ dừng làm các dự án táo bạo, điểm chung nữa là các dự án thường gắn liền với thiên nhiên như sông nước, biển đảo hay núi rừng. Từ Tuần Châu tới Cà Mau, có thể nhận thấy khẩu vị đầu tư của doanh nhân họ Đào vẫn luôn là những dự án tầm cỡ, khó nhằn, thậm chí bị xem là "điên rồ".

Hồi cuối năm 2018, Tập đoàn Tuần Châu từng đề xuất mở rộng quy hoạch chi tiết Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch trên 964 ha. Đồng thời đưa ra ý tưởng nghiên cứu quy hoạch Trung tâm nghề cá kết hợp làng chài du lịch tại phường Hà Phong (TP Hạ Long) và phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả).

Theo ý tưởng điều chỉnh mở rộng quy hoạch chi tiết Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch trên 964 ha, được chia ra thành 03 khu vực chính (Khu vực cao cấp, khu trung tâm dịch vụ, khu vực năng động) với đầy đủ các dịch vụ đẳng cấp quốc tế, như: khách sạn và trung tâm hội nghị, sức chứa 2.000 chỗ ngồi; dịch vụ ăn uống, mua sắm ven Vịnh Hạ Long; quảng trường sự kiện; du lịch nông trại; trung tâm nghệ thuật; chợ nông sản; công viên Tuần Châu; bến du thuyền; khu biệt thự; trung tâm chăm sóc sức khỏe; sân golf; chung cư; khu vui chơi…

Trong khi đó, dự án nghiên cứu quy hoạch Trung tâm nghề cá kết hợp làng chài du lịch có diện tích 190 ha. Vị trí đề xuất nghiên cứu tại khu đất mặt nước ven bờ tại khu Nam Suối Lộ Phong, phường Hà Phong, TP Hạ Long và phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Hạng mục đầu tư của dự án bao gồm: hệ thống cảng, bến đáp ứng lượng hàng thủy sản qua cảng đến 100.000 tấn/năm; khu neo đậu, tránh trú bão; các trang thiết bị, dây chuyền hiện đại để xếp dỡ hàng hóa; khu nhà tập kết, phân loại sản phẩm thủy sản; chợ đấu giá hải sản; khu chế biến hải sản chất lượng cao; hệ thống sử dụng nước thải; hệ thống cấp điện, nước, xăng dầu; trung tâm đào tạo thuyền viên; xây dựng một số khách sạn quy mô 2-3 sao phục vụ khách du lịch…

Cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu (Phân khu 8) tại phường Tuần Châu, TP. Hạ Long. Theo đó, phạm vi ranh giới khu vực nghiên cứu quy hoạch tại đảo Tuần Châu và tuyến đường nối quốc lộ 18A với phường Tuần Châu. Diện tích nghiên cứu quy hoạch 1.054,72ha. Dân số khoảng 50.000 - 57.000 người.

Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch từ năm 1999 với quy mô ban đầu gần 300 ha. Chủ đầu tư là công ty của ông Đào Hồng Tuyển.

Trước đó nữa, đầu năm 2017, vị chúa đảo Tuần Châu cũng khiến dư luận đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bày tỏ ý muốn làm siêu dự án Thành phố Mới New City tại huyện Củ Chi (TP.HCM) có diện tích khoảng 15.000 ha, rộng gấp 22 lần khu đô thị Thủ Thiêm hiện tại. Tổng dự toán kinh phí đầu tư cho các dự án trên khoảng 65.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án này mới chỉ dừng lại ở ý tưởng.

Sau đó, Tập đoàn Tuần Châu cũng đề xuất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phương án đầu tư dự ánVũng Tàu Marina City rộng 345 ha, quy mô dân số khoảng 7.500 người định cư…

Được biết, theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, quy hoạch dự án Marina City sẽ bao gồm một khu bãi tắm công cộng và cảng tàu quốc tế để đón du khách. Khu tổng hợp dịch vụ du lịch sẽ bao gồm khu thương mại cao cấp, khách sạn siêu sang, khu căn hộ cao cấp condotel và khu biệt thự biển.

Đào Hồng Tuyển: Cựu binh tàu không số từng lang thang ngủ vỉa hè, dọn chuồng heo, trở thành Chúa đảo Tuần Châu ưa thích dời non lấp bể - Ảnh 3."Chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển muốn xây sân bay, thành phố hải sản rộng 500ha ở Cà Mau

Thảo Nguyên

Theo Doanh Nghiệp Tiếp Thị Copy link Link bài gốc Lấy link! https://doanhnghieptiepthi.vn/tim-kiem.htm?keyword=%C4%90%C3%A0o+H%E1%BB%93ng+Tuy%E1%BB%83n%3A+C%E1%BB%B1u+binh+t%C3%A0u+kh%C3%B4ng+s%E1%BB%91+t%E1%BB%ABng+lang+thang+ng%E1%BB%A7+v%E1%BB%89a+h%C3%A8%2C+d%E1%BB%8Dn+chu%E1%BB%93ng+heo%2C+tr%E1%BB%9F+th%C3%A0nh+%22Ch%C3%BAa+%C4%91%E1%BA%A3o+Tu%E1%BA%A7n+Ch%C3%A2u%22+%C6%B0a+th%C3%ADch+d%E1%BB%9Di+non+l%E1%BA%A5p+b%E1%BB%83

Từ khóa » Dào Hồng Tuyển