Đảo Phú Quốc Bị 'băm Nát': Xử Lý Cán Bộ, Khắc Phục Thế Nào?

Đảo Phú Quốc bị băm nát: Xử lý cán bộ, khắc phục thế nào? - Ảnh 1.

Tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao Mường Thanh Luxury Phú Quốc xây không phép - Ảnh: K.NAM

Sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận những sai phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản (thời kỳ 2011-2017), chủ yếu ở đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm.

Sai phạm vẫn được "leo cao"

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Vũ Hồng - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết UBND tỉnh đã ban hành "kế hoạch chấn chỉnh và thực hiện nghiêm việc khắc phục các sai phạm; kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân, thu hồi nộp ngân sách các khoản thất thoát". Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều cá nhân trực tiếp liên quan các sai phạm ở Phú Quốc đã được điều động giữ các chức vụ khác từ bằng hoặc cao hơn chức vụ thời kỳ thanh tra từ năm 2011 - 2017!

Điển hình là trường hợp ông Đinh Khoa Toàn, nguyên chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, người đã buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng xây dựng không phép tràn lan, nhưng đang được phân công làm phó bí thư Huyện ủy Phú Quốc. 

Trong những sai phạm liên quan trách nhiệm của ông Toàn, có thể kể đến là khách sạn 5 sao Mường Thanh Luxury Phú Quốc xây không phép, khách sạn 5 sao Seashell được khởi công khi giấy phép xây dựng đã hết hạn... 

Cũng liên quan đến trách nhiệm của ông Toàn, kết quả thanh tra cho thấy tại 9 xã, thị trấn (trừ xã Thổ Châu) có tổng số 577 khu đất đang sử dụng là đất nông nghiệp đã san lấp, phân lô với tổng diện tích hơn 496ha. Trong đó có 180 khu đất đã xây dựng 727 căn nhà (96 căn nhà xây dựng trên đất quy hoạch đất nông nghiệp, 33 căn xây trên đất quy hoạch đất nông nghiệp và đất khác, 347 căn được xây dựng trên đất quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ, du lịch và công cộng...).

Tương tự là trường hợp ông Nguyễn Thống Nhất, trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đã được "lên chức" làm giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang. 

Theo kết luận thanh tra, ông Nhất có liên quan đến việc để tồn tại tới 43 dự án với diện tích hơn 991ha được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giao đất, cho thuê đất nhưng chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư.

Sẽ làm quyết liệt, xử lý nghiêm

Từ năm 2011 đến tháng 4-2018, theo kết luận thanh tra, Đội trật tự quản lý đô thị huyện Phú Quốc và UBND của 9 xã, thị trấn đã lập nhiều biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng, trong đó có hơn 700 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong số hơn 1.000 biên bản vi phạm hành chính được lập, chỉ có 46% đã có quyết định xử phạt. 

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ phát hiện còn 338 trường hợp vi phạm xây dựng đã bị lập biên bản ghi nhận hiện trạng nhưng vẫn chưa được xử lý theo quy định.

Cũng theo kết luận thanh tra, tổng số tiền sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường của tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 - 2017 lên tới khoảng 2.300 tỉ đồng. UBND tỉnh Kiên Giang cho hay đã giao cục trưởng Cục Thuế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi nộp ngân sách gần 724 tỉ đồng từ nay tới hết tháng 9-2020. Ngành thuế cũng thu hồi số tiền trên 1.500 tỉ đồng nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và trên 2,67 tỉ đồng tiền nợ đọng thuế tài nguyên.

Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang (hiện giữ chức chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng), cho rằng việc thu hồi tiền nợ thuế, tiền định giá sai khi giao đất... sẽ do lãnh đạo ngành thuế đương nhiệm tổ chức thực hiện. 

"Trách nhiệm cá nhân, tập thể sai tới đâu sẽ kiểm điểm, xử lý tới đó. Tôi sẽ chấp hành và chịu trách nhiệm theo quy định", ông Cường nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Huỳnh - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết địa phương này đã ban hành kế hoạch "30 ngày cao điểm lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý môi trường ở đảo Phú Quốc", thực hiện trong tháng 5-2020.

"Với những nội dung mà Thanh tra Chính phủ kết luận và chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo, chúng tôi sẽ phải thực hiện cho bằng được, khó cũng phải thực hiện nghiêm. Trước mắt là việc thu hồi 43 dự án trễ tiến độ, chậm hoặc không triển khai. Đây là việc khó. Vì khách quan mà nói lỗi không hẳn hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư các dự án, mà cơ quan quản lý nhà nước cũng có trách nhiệm trong đó", ông Huỳnh nói.

Nhiều cựu lãnh đạo chờ xử lý

Ngoài một số trường hợp đã nêu, các tập thể, cá nhân có liên quan sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm còn có giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc và Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Quốc, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc cùng lãnh đạo các xã, thị trấn, phòng ban ở huyện Phú Quốc.

Với các lãnh đạo UBND tỉnh giai đoạn thanh tra 2011 - 2017 hiện đã nghỉ hưu gồm: ông Lê Văn Thi, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và ông Mai Anh Nhịn, nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang... đang chờ ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh ủy để tổ chức kiểm điểm.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Lạc - chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang, quan điểm của địa phương này là sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm, đúng pháp luật với những trường hợp sai phạm.

Buông lỏng quản lý, Phú Quốc bị băm nát vì phân lô tách thửa, giá đất bị đẩy lên gấp trăm lần Buông lỏng quản lý, Phú Quốc bị băm nát vì phân lô tách thửa, giá đất bị đẩy lên gấp trăm lần

TTO - Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017.

Từ khóa » đảo Ngọc Phú Quốc Bị Băm Nát