Đào Tạo Nghề Cho Trẻ Em Khuyết Tật: Còn Nhiều Vướng Mắc

In bài Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật: Còn nhiều vướng mắc
Học sinh khuyết tật tại trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị (huyện Tân Thành) tham gia lớp học kết hạt cườm và làm hoa nhựa.
Học sinh khuyết tật tại trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị (huyện Tân Thành) tham gia lớp học kết hạt cườm và làm hoa nhựa.

Học nghề đối với trẻ em là một trong những giải pháp nhằm giúp các em có định hướng cơ bản về nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, công tác này với trẻ em khuyết tật còn nhiều hạn chế…

Để khuyến khích và hỗ trợ người khuyết tật học nghề, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2712-QĐ-UBND ngày 10-11-2015, ban hành danh mục nghề và mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người khuyết tật trong độ tuổi từ 14-55 (đối với nữ) và 14-60 (đối với nam) được tham gia các lớp học nghề về: tin học, kết hạt cườm, se nhang, đàn organ, thiết kế tạo mẫu tóc, trang điểm chuyên nghiệp và trang trí móng. Ngoài mức phí hỗ trợ cho mỗi khóa học, người khuyết tật còn được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại.

Việc hỗ trợ các khóa học nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được áp dụng cho tất cả các đối tượng trong hội người mù, hội người khuyết tật các địa phương, các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật... Được biết, toàn tỉnh hiện có 3 trường chuyên biệt dành cho HS khuyết tật; trong đó có 2 trường công lập là Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh và trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị (huyện Tân Thành); 1 trường ngoài công lập là trường Khuyết tật Trí tuệ tư thục Mai Linh (huyện Châu Đức). Đến thời điểm này, các trường mới chỉ dừng lại ở việc hướng nghiệp, dạy cho các em một số nghề thủ công như: làm hoa giấy, kết hạt cườm, may… kết hợp với việc dạy văn hóa. Hiện vẫn chưa có trường hợp nào được hỗ trợ học nghề đúng nghĩa theo Quyết định số 2712 của UBND tỉnh.

Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị (huyện Tân Thành) hiện có 175 HS đang theo học các lớp văn hóa từ mẫu giáo đến lớp 5. Trường có hơn 40 em vừa học văn hóa, vừa học tại các lớp lao động hướng nghiệp như: kết hạt cườm, làm chổi, làm túi giấy… Cô Nguyễn Thị Mười, Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị cho biết: “Kinh phí hoạt động các lớp lao động hướng nghiệp này còn quá ít, chủ yếu dựa vào nguồn quỹ bán các sản phẩm do HS tự làm ra. Một số DN, cửa hàng bán đồ lưu niệm trên địa bàn huyện có thu mua các sản phẩm như chổi, bình hoa nhựa, túi giấy… nhưng số lượng còn hạn chế. Vì vậy, để duy trì được các lớp nghề này là rất khó”. Cũng theo cô Mười, hiện tại, nhà trường có tổ chức các lớp học đàn organ, tin học, kết hạt cườm, may cho các em. 7 thầy, cô giáo có bằng trung cấp, cao đẳng nghề đang tham gia giảng dạy tại các lớp này. Tuy nhiên, đa số những em có khả năng học được các môn học này đều dưới 14 tuổi, còn những em từ 14 tuổi trở lên lại bị khuyết tật nặng như thiểu năng trí tuệ, đa tật…, không thể tham gia học. Ngoài ra, các lớp học chỉ mang tính chất hướng nghiệp nên sau khi ra trường, các em không được cấp chứng chỉ nghề, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Tại trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh hiện có 250 HS ở độ tuổi từ 3 đến 24. Trong đó, hơn 50 em trong độ tuổi từ 15 trở lên có nhu cầu vừa học văn hóa vừa học nghề tại trường. Em Đặng Thị Ánh Tuyết (14 tuổi), nhà ở TP.Vũng Tàu, bị câm điếc bẩm sinh, hiện đang học lớp 5 tại trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Tuy khiếm khuyết về khả năng nghe, nói, nhưng Tuyết rất khéo tay. Năm lớp 4, vừa học văn hóa, em vừa được tham gia các lớp học về trang trí móng, thiết kế tạo mẫu tóc. Nhưng lớp học này hiện đã tạm ngưng vì lý do thiếu kinh phí và giáo viên giảng dạy nên Tuyết đành bỏ dở giữa chừng. Trong khi đó, một số HS khuyết tật sau khi ra trường đã học nghề thiết kế tạo mẫu tóc, trang trí móng… tại các trường nghề bên ngoài có nhu cầu quay lại trường giảng dạy nhưng không có chứng chỉ sư phạm nên không được tuyển dụng.

Trường Khuyết tật Trí tuệ tư thục Mai Linh (huyện Châu Đức) cũng đang gặp khó khăn trong việc mở lớp đào tạo nghề cho các em khuyết tật khi số trẻ từ 14-15 tuổi chỉ có 4 em, có 1 giáo viên dạy nghề kết hạt cườm, làm móc khóa. Các giáo viên còn lại ngoài dạy văn hóa còn kiêm nhiệm luôn việc dạy tin học tại các lớp.

Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH cho biết, hiện các trường dành cho người khuyết tật đều thiếu giáo viên dạy nghề theo đúng quy định, chưa kể số lượng HS đủ tuổi để học nghề quá ít nên không thể mở lớp. Thời gian tới, đối với các trường có nhu cầu đào tạo nghề nhưng chưa có giáo viên dạy nghề, Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tìm kiếm các đơn vị đào tạo nghề, đưa giáo viên xuống giảng dạy trực tiếp. Còn các trường đã có giáo viên có chuyên môn giảng dạy các nghề nằm trong danh mục của Sở đưa ra như: dạy đàn organ, tin học, kết hạt cườm…, Sở sẽ tổ chức kiểm tra trình độ chuyên môn, tạo điều kiện cho các giáo viên đó được ký hợp đồng giảng dạy, hưởng mức hỗ trợ theo quy định của pháp luật” - ông Triều cho biết.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU Đơn vị chủ quản: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ghi rõ nguồn "www.baria-vungtau.gov.vn" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Từ khóa » Trường Nuôi Dạy Trẻ Khuyết Tật Bà Rịa Vũng Tàu