Đạp Xe Trong Phòng Khách, Ngắm Cảnh… London! - Tuổi Trẻ Online

Và ở Việt Nam cũng thế, những người bạn của Bre và Jay Vine cũng có thể cùng lúc đạp xe, trên hệ thống rulo trong phòng khách, trước mặt là màn hình ảo đang vòng vèo đưa họ đi trong nội ô London.

Những thiết bị phục vụ món đạp xe ảo đã lên ngôi trong thời đại dịch, đối với những người chọn xe đạp làm môn thể thao yêu thích của mình.

Anh Thuận và dàn xe đạp ảo của mình. -Ảnh: HOÀNG TÙNG

Đồ chơi cho dân bán chuyên

Virtual reality - công nghệ thực tế ảo (VR) từ lâu đã là một khái niệm quen thuộc. Đối với tầng lớp thể thao chuyên nghiệp, phân tích dữ liệu được xem như mảng công nghệ tối quan trọng.

Còn với những người tập luyện phong trào hoặc bán chuyên, các thiết bị thực tế ảo lại giúp họ trải nghiệm cảm giác “như VĐV chuyên nghiệp”.

Vợ chồng nhà Vine là những đối tượng tiêu biểu. Cả hai đều là VĐV bán chuyên. Cô vợ Jay đang háo hức hướng đến một bản hợp đồng với World Tour, còn anh chồng Bre từng là “quân xanh” cho nhiều tay đua chuyên nghiệp của các đội đua lớn như Michelton-Scott, Trak-Segafredo...

Khi đại dịch nổ ra, cả làng thể thao lao đao. Các cuarơ chuyên nghiệp không quá lo vì họ có cả một hệ thống CLB để duy trì việc tập luyện thường xuyên. Nhưng với các cuarơ phong trào, thói quen tập luyện và thi đấu vẫn có thể tiếp tục nhờ vào VR.

Từ 4 năm trước, vợ chồng nhà Vine đã bắt đầu tập luyện thường xuyên với VR, thông qua một nền tảng giả lập tên là Zwift.

Với hệ thống thiết bị đạp xe ảo này, cả hai có thể tận hưởng cảm giác của một cuộc đua thực thụ - trên những con đèo ngoạn mục, với sức cản của gió, mặt đường gồ ghề hay nhìn ngắm cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, trong khi thật ra chỉ đang đạp xe ở nhà.

Những gì họ cần là một chiếc xe đạp thông minh kết nối với màn hình tivi. Qua đó, chuyển động của người chơi sẽ được đưa vào màn hình tivi, với những người chơi khác cùng tham gia. Các bộ phận cảm ứng đi kèm mang đến một số trải nghiệm thực tế.

Sự ra đời của VR trong giới đạp xe được đánh dấu vào năm 2014, với Zwift là công ty dẫn đầu thị trường này, trong khi đối thủ cạnh tranh của họ FulGaz ra đời sau đó một năm.

Năm 2019, thống kê của Strava cho thấy có đến 15% chuyến đạp xe được đăng nhập trên phần mềm của họ là đạp xe VR. Đó là thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện. Đến tháng 5-2020, giám đốc Zwift ở Úc, cựu cuarơ Wesley Sulzberger, cho biết họ đã bán sạch các thiết bị đạp xe ảo của mình.

Anh Thuận và dàn xe đạp ảo của mình. Ảnh: HOÀNG TÙNG

“Sự phát triển của ngành công nghệ này thực sự đáng ngạc nhiên. Nền tảng của công ty chúng tôi tăng trưởng 300% theo từng năm và hiện có hơn 3 triệu tài khoản được đăng ký trên 190 quốc gia”, ông Sulzberger cho biết hồi đầu năm nay.

Không chỉ có những cuarơ phong trào, ngay cả giới VĐV đỉnh cao cũng phải tìm đến đạp xe ảo khi đại dịch lên đến đỉnh điểm, khiến nhiều giải đấu lớn bị hoãn hồi năm ngoái.

Ngay cả Tour de France danh giá cũng từng tổ chức phiên bản giải đấu ảo. Và khi thế giới bắt đầu thích nghi với đại dịch, VR đã ăn vào máu làng đạp xe. Ít nhất, các cuarơ từ bán chuyên đến chuyên nghiệp dùng nó để tập luyện trong một số khoảng thời gian đặc biệt (chẳng hạn như vừa trở lại sau chấn thương).

Có một yếu tố khiến đạp xe ảo được ưa thích nữa, đó là sự công bằng, khi những tay đua mạnh không thể tận dụng lợi thế nhờ các chiến thuật bảo vệ, hỗ trợ của đồng đội. Trong VR, cuộc đua hoàn toàn mang tính cá nhân và cũng an toàn hơn vì không có va chạm.

Thú chơi đắt đỏ

Ở VN, đạp xe ảo cũng bắt đầu xuất hiện trong các cộng đồng mê đạp xe hoặc 3 môn phối hợp, dù cái giá cho thú chơi này cũng không hề rẻ chút nào.

Anh Thuận Bùi, người sáng lập một trang web chuyên về chạy bộ và đạp xe, cho biết phong trào đạp xe trong nhà xuất hiện ở VN từ khoảng 3 năm trước, và bản thân hội của anh là những người đầu tiên sử dụng phần mềm Zwift.

Ban đầu anh Thuận đạp xe trong nhà để tập luyện cho cuộc thi 3 môn phối hợp Iron Man. Phần đạp xe ở môn này rất khác so với các kiểu đạp khác.

Cứ lên xe là chỉ có cắm mặt chạy, không thể để ý xung quanh được nên ra đường rất nguy hiểm cho bản thân và mọi người. Vì vậy mà anh mới tìm cách tập luyện trong nhà để an toàn hơn. Đó cũng là lúc anh bắt đầu tìm đến đạp xe ảo.

Đến năm 2020 khi bắt đầu nghe những tin tức đầu tiên về dịch bệnh, anh dự báo về xu hướng đạp xe trong nhà và rồi đầu tư từng bước, từ xe đạp, các thiết bị đạp xe trong nhà, máy tính, màn hình tivi lớn để thuận tiện, cảm giác sướng hơn.

“Đạp xe trong nhà xong sau đó chuyển ra ngoài đường chắc cần khoảng 10-15 phút để làm quen lại cảm giác như chưa hề có gì xảy ra.

Nhưng riêng với một số động tác đặc thù, ngoài thời gian lấy lại cảm giác phải có thêm không gian nữa. Vì như đã nói, lúc vào tư thế đạp tốc độ cao không thể để ý xung quanh được, vị trí tay lái đầu xe cũng không có thắng”, anh Thuận chia sẻ.

Vài năm trước, để kiếm được thiết bị cho xe đạp ảo là không dễ chút nào vì chưa xuất hiện thị trường cho môn chơi này ở VN. Để có được một bộ Smart Trainer (thiết bị đạp xe trong nhà) anh Thuận phải nhập về từ Mỹ.

“Đa số những người tò mò, thấy trang thiết bị đạp xe trong nhà hay quá, đẹp quá. Tôi phải tư vấn ngay, bạn có chắc là thích, muốn chơi không?

Vì khoảng cách giữa việc đó với tò mò khác nhau lắm. Nhiều người mua máy chạy bộ về được thời gian lại trùm mền, món đạp xe trong nhà có khi còn nhanh hơn nữa.

Chi phí cho trang thiết bị cũng rất cao, một bộ trainer đã 14, 15 triệu rồi, chơi lên cao nữa còn đòi hỏi chiếc xe đạp phải phù hợp hơn với giá từ 20, 30 triệu”, anh Thuận chia sẻ về mức tốn kém sơ bộ của xe đạp ảo.

Nhóm của anh Thuận có 7 người tham gia việc đạp xe ảo. Theo dõi các tài khoản của người Việt trong Zwift, anh Thuận cho biết con số vào khoảng 50 người.

“Tính chung trên thế giới, Zwift giờ nào cũng có giải và người tập luyện. Bạn có thể chọn chạy tự do hoặc tham gia các giải đấu, thành tích được tính để xếp hạng.

Một nhóm bạn chơi chung cũng có thể tạo ra giải đấu rồi họ để mở, ai muốn tham gia thì vào đạp. Có những giải lớn thì hơn 1.000 thành viên tham gia. Nói chung nhiều chế độ tạo giải.

Thời điểm bình thường trên Zwift có gần 2.000 người tham dự, lúc nhiều người nhất trên Zwift phải theo giờ Mỹ, canh khoảng 5-6 giờ sáng bên đó”.

Tất nhiên, dù có tối tân đến đâu các phần mềm như Zwift cũng không thể nào thay thế hoàn toàn cảm giác “phiêu lưu” trên “chú ngựa sắt” mà môn xe đạp thông thường mang đến.

Dù vậy trong thời điểm đại dịch vẫn còn hoành hành, xe đạp ảo mang đến nhiều giải pháp vừa thỏa mãn được đam mê, vừa đảm bảo an toàn. 

Giải đấu lớn xe đạp ảo

Các phần mềm như Zwift về cơ bản là một trò chơi điện tử. Hệ thống giải đấu của xe đạp ảo cũng nằm trong thống kê của các trang eSports (thể thao điện tử).

Trang eSportearning cho biết hiện phần mềm này có 2 giải đấu lớn nhất, với mức thưởng vào khoảng 17.000 USD/giải.

Con số này chưa thấm tháp gì so với các giải đua xe chuyên nghiệp hay các môn eSports khác, nhưng việc có tiền thưởng cho thấy xe đạp ảo đang dần trở thành một môn thể thao thực thụ. Đừng ngạc nhiên nếu trong tương lai, sẽ ngày càng có nhiều VĐV xe đạp ảo chuyên nghiệp.

Từ khóa » Phần Mềm đạp Xe ảo