Đất 50 Năm Là Gì? Đất 50 Có được Xây Dựng Nhà ở Và Chuyển đổi ...

Đất 50 năm là gì
Đất 50 năm là gì? Đất 50 có được xây dựng nhà ở và chuyển đổi sang đất ở không?

(TDVC Đất 50 năm là gì?) – Theo Luật Đất đai hiện hành, đất được phân loại thành 03 nhóm gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng, trong đó không quy định loại đất nào là đất 50 năm. Trên thực tế, đất 50 năm là cách gọi của người dân để chỉ loại đất có thời hạn sử dụng 50 năm. Đất 50 năm gồm hai loại là trả tiền thuê đất một lần và trả tiền thuê đất hàng năm.

Xem thêm >>> Thẩm định giá nhà đất

1. Đất 50 năm là gì?

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, và các văn bản khác có liên quan thì không có quy định về khái niệm “đất 50 năm”.

Do vậy, để hiều được khái niệm đất 50 năm là gì? căn cứ vào khái niệm đất có thời hạn trong luật đất đai, có thể hiểu rằng “đất 50 năm” là cách gọi của người dân dùng để chỉ loại đất có thời hạn sử dụng 50 năm. Theo đó cũng có nghĩa là đây là loại đất Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép người sử dụng đất được chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt trong thời hạn 50 năm.

Theo Điều 126 Luật Đất đai năm 2013, đất có thời hạn sử dụng là 50 năm hoặc tối đa không quá 50 năm gồm các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp gồm:

– Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

– Đất trồng cây lâu năm.

– Đất rừng sản xuất.

– Giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

– Đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng.

Thời hạn sử dụng: Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm. Sau khi hết hạn, Nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn là 50 năm.

Trường hợp 2: Hộ gia đình, cá nhân thuê đất nông nghiệp.

Thời hạn sử dụng không quá 50 năm. Sau khi hết hạn, nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê.

Trường hợp 3:

– Tổ chức được giao đất, thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, thuê đất để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

– Tổ chức được giao đất, thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất, thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Thời hạn sử dụng: Được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm. Sau khi hết hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng sẽ được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá 50 năm.

Như vậy, đất 50 năm không phải loại đất theo quy định của pháp luật mà đó là cách gọi của người dân dùng để chỉ loại đất có thời hạn sử dụng 50 năm.

2. Đất 50 năm có được xây dựng nhà ở không?

Theo Khoản 1, Điều 6 Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc sử dụng đất được quy định như sau:

“1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 126 Luật Đất đai 2013, diện tích đất sẽ được xác định là “đất sổ đỏ 50 năm” khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể như sau:

– Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối mà hộ gia đình được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp.

– Đất trồng cây lâu năm được giao cho hộ gia đình.

– Đất rừng sản xuất được giao cho mỗi hộ gia đình.

– Đất trống, đất đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp.

– Đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê với thời hạn 50 năm.

– Đất được giao/cho thuê cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng cho mục đích thương mại, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp mà thời hạn giao đất được xác định là 50 năm.

– Đất được giao/cho thuê trong thời hạn 50 năm cho tổ chức sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

– Đất được giao/cho thuê trong thời hạn 50 năm cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư.

Theo đó, để được xây dựng nhà ở thì chỉ có đất ở mới được xây dựng; nếu xây dựng nhà ở trên các loại đất khác là vi phạm pháp luật mà theo đó có thể bị phạt tiền, cưỡng chế tháo dỡ, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu,v.v… Nếu muốn xây dựng nhà ở phải xin chuyển mục đích sử dụng đất.

3. Cấp sổ đỏ đất 50 năm

Căn cứ theo quy định tại Điều 99, 100 và 101 Luật Đất đai 2013, điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không phụ thuộc vào thời hạn sử dụng đất. Hay nói cách khác, chỉ cần người sử dụng đất đáp ứng đủ điều kiện là được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đó, điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất 50 năm được chia thành 02 trường hợp:

Trường hợp 1: Người sử dụng đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất được chia thành 02 nhóm như sau:

Một là, nhóm có giấy tờ về quyền sử dụng đất đáp ứng theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013

Hai là, nhóm không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đáp ứng theo quy định tại Điều 101 Luật đất đai 2013

Trường hợp 2: Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

Từ ngày 01/7/2014 đến nay, khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thì hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận (chỉ cần được giao, cho thuê thì người sử dụng đất đều được cấp Giấy chứng nhận).

4. Thủ tục gia hạn sổ đỏ đất 50 năm như thế nào?

Thủ tục đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ngoài khu công nghệ cao, khu kinh tế,… thực hiện việc gia hạn thuê đất như sau:

Trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu là 6 tháng, người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất.

  • Cơ quan tài quan và môi trường có trách nhiệm thẩm định nhu cầu sử dụng đất, trường hợp đủ điều kiện được gia hạn thì giao Văn phòng đăng ký đất đai để gửi thông tin địa chính của miếng đất cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.
  • Trình Ủy ban Nhân dân cung cấp quyết định gia hạn quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất.
  • Chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện việc đăng ký.
  • Thủ tục xác nhận lại thời hạn sử dụng đất
  • Người sử dụng hoặc sở hữu đất 50 năm nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất.
  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất kiểm tra hồ sơ, xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước cơ thẩm quyền và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ, xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 điều 126 và khoản 3 điều 210 của Luật đất đai vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng hoặc gửi.

Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp tại cơ sở cấp xã.

5. Chuyển đổi đất 50 năm sang đất ở

Căn cứ theo quy định tại Điều 52, 57 Luật Đất đai năm 2013; Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT người sử dụng đất khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, đối với các loại đất được xác định là “đất 50 năm” phải làm thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất cụ thể như sau:

Thứ nhất: Đất ở là một trong những loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp; còn đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng rừng đều được xác định là đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Do vậy khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật đất đai năm 2013, “đất 50 năm” phải làm thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất theo hai trường hợp:

– Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

– Chuyển từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.

Ngoài ra, UBND cấp huyện, cấp tỉnh sẽ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nếu thửa “đất 50 năm” xin chuyển mục đích thuộc khu vực được chuyển mục đích sử dụng theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì mới được phép chuyển sang đất ở.

Thứ hai: Về thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở:

Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, để chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, người sử dụng đất cần thực hiện các thủ tục như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại cơ quan tài nguyên và môi trường.

Theo Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT).

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, người sử dụng đấy phải mang theo chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để xuất trình khi có yêu cầu.

Tùy vào từng trường hợp mà người sử dụng đất nộp hồ sơ đến lên Phòng tài nguyên môi trường cấp huyện hoặc Sở tài nguyên môi trường.

Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan tài nguyên môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Trong trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định trong thời gian không quá 03 ngày làm việc.

Bước 3. Giải quyết yêu cầu

– Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và xem xét kế hoạch sử dụng dất, hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

– Sau đó, cơ quan Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hồ sơ gồm:

  • Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất (mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT).
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp (bản chính).
  • Biên bản xác minh thực địa mảnh đất cần chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Một số văn bản liên quan đến dự án đầu tư như bản sao bản thuyết minh dự án đầu tư; bản sao báo cáo kinh tế – kỹ thuật; văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện sử dụng đất…. (tùy vào từng trường hợp).
  • Trích lục bản đồ, sơ đồ địa chính.
  • Tờ trình dự thảo cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

– Sau khi được UBND ra quyết định cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng “đất sổ đỏ 50 năm” sang đất ở, cơ quan Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Bước 4. Trả kết quả

– Thời hạn giải quyết yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là:

  • Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).
  • Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất. Người sử dụng đất nhận thông báo và nộp tiền theo thông báo và cần phải giữ biên lai, chứng từ nộp tiền để xuất trình khi nhận Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Bạn đang đọc bài viết: “Đất 50 năm là gì? Đất 50 có được xây dựng nhà ở và chuyển đổi sang đất ở không?” tại chuyên mục tin thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, đơn vị thẩm định giá tài sản hàng đầu tại Việt Nam.

Liên hệ thẩm định giá:   0985 103 666   0906 020 090

Website: www.thamdinhgiathanhdo.com

Từ khóa » đất 49 Năm