Đất Là Gì? Các Vai Trò Của đất.

1,2K Mục lục ẩn 1. Đất là một tài nguyên tự nhiên. 2. Vai trò của đất 2.1. Môi trường sinh trưởng của thực vật 2.2. Hệ thống điều hòa chế độ nước 2.3. Hệ thống luân chuyển vật chất 2.4. Nơi trú ngụ của sinh vật 2.5. Nền tảng xây dựng các cơ sở hạ tầng 3. Đất là 1 vật thể tự nhiên 4. Phẩu diện đất và các tầng phát sinh. 5. Đất: tập hợp của không chí, khoáng chất, nước và sinh vật. 5.1. Các thành phần khoáng (vô cơ) của đất. 5.2. Chất hữu cơ trong đất 5.3. Dung dịch đất

1. Đất là một tài nguyên tự nhiên.

Đất của chúng ta là một loại tài nguyên tự nhiên có giới hạn, Việt nam chỉ có hơn 33 triệu ha đất tự nhiên. Trong đó đất sử dụng trong nông nghiệp khoảng 10 triệu ha, đất lâm nghiệp khoảng hơn 11 triệu ha, còn lại là đất sử dụng với các mục đích khác.

Do vấn đề tăng dân số, một phần đất, nhất là đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng, như đất ở, xây dựng, công nghiệp…., nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, nhất là tỉ lệ diện tích đất/ đầu người.

Các quan điểm về khoa học đất

  • Pedology (phát sinh học đất): ngành khoa học nghiên cứu các yếu tố và tiến trình hình thành đất, bao gồm việc mô tả, giải thích các phẩu diện đất, cá thể đất và các lọai đất trên bề mặt vỏ quả đất. Từ pedology được sử dụng đồng nghĩa với khoa học đất và với một tên khác là phát sinh học đất. Vì vậy, phát sinh học đất xem đất là một thực thể tự nhiên.
  • Edaphology (thổ nhưỡng học): là ngành khoa học nghiên cứu những ảnh hưởng của đất đến sinh vật, đặc biệt là cây trồng. Các môn học như độ phì nhiêu đất đai, bảo tồn đất nẳm trong quan điểm này

Các định nghĩa về đất. Từ các quan điểm trên nên có 1 số định nghĩa về đất. Đối với nông nghiệp thường định nghĩa đất theo quan điểm thổ nhưỡng học.

2. Vai trò của đất

Trong bất cứ một hệ sinh thái nào, đất cũng đều có 5 vai trò quan trọng nhất. Các vai trò đó là:

2.1. Môi trường sinh trưởng của thực vật

  1. Giúp thực vật đứng vững: Đất là nơi bộ rễ cây trồng ăn sâu vào, và giữ cây đứng vững.
  2. Cung cấp O2 và thải khí CO2 của rễ cây: Sự phát triển của rễ cây phụ thuộc vào tiến trình hô hấp để nhận năng lượng. Do rễ hô hấp nên sẽ nhận khí O2 và thải khí CO2 vào đất, đây là vai trò quan trọng của đất đối với rễ.
  3. Giữ nước và cung cấp nước: Một vai trò quan trọng khác là đất luôn có độ rỗng nhất định nên có khả năng giữ lại được nước và cung cấp cho cây trồng.
  4. Điều chỉnh ẩm độ và nhiệt độ: Khi ẩm độ đất thay đổi, nhiệt độ đất cũng thay đổi một phần, do đó cũng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rễ.
  5. Nơi chứa một số chất gây độc: có nhiều nguyên nhân có thể hình thành nên các chất gây độc cho rễ. Các chất độc này có thể tạo ra bởi con người, rễ cây, vi sinh vật hay do các phản ứng hóa học tự nhiên.
  6. Cung cấp các chất dinh dưỡng: đất cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng dưới dạng các ion. Con người và động vật sẽ sử dụng các ion này làm thức ăn, vì vây có thể nói các chất khoáng con người sử dụng gián tiếp thông qua đất. Một vai trò cơ bản của đất trong sự sinh trưởng phát triển của cây trồng là đất có khả năng cung cấp liên tục các chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Có khoảng 92 nguyên tố hóa học trong tự nhiên cây trồng có thể hấp thu, trong đó 18 nguyên tố là tối cần thiết.

Các nguyên tố cần thiết được phân loại thành các nhóm sau:

Các nguyên tố cây trồng sử dụng với lượng lớn (>0.1% trọng lượng chất khô)Các nguyên tố cây trồng sử dụng một lượng nhỏ (<0.1% trọng lượng chất khô)
Từ không khí và nướcNguyên tố đa lượngNguyên tố trung lượngNguyên tố vi lượng
Carbon (CO2)Đạm (NO3, NH4+)Calcium (Ca2+)Sắt (Fe2+)
Hydrogen (H2O)Lân (H2PO4–, HPO4  )Magnesium (Mg2+)Manganese (Mn2+)
Oxygen (H2O)Kali (K+)Sulfur (SO42-)Boron (HBO4–)
Kẽm (Zn2+)
Đồng (Cu2+)
Chlorine (Cl–)
Cobalt (Co2+)
Molybdenum(MoO42-)
Nickel (Ni2+)

Ngoài ra cây trồng còn có thể hấp thu trực tiếp một số ít chất hữu cơ, nhưng phần lớn chất hữu cơ được tổng hợp từ các nguyên tố vô cơ.

2.2. Hệ thống điều hòa chế độ nước

Vai trò chính của đất trong việc điều hòa chế độ nước là giữ nước và lọc nước. Tất cả các nguồn nước của chúng ta đều phải di chuyển qua đất hoặc chảy tràn trên mặt đất. Khi mưa, một phần nước sẽ được đất giữ lại và cây trồng sẽ sử dụng, phần khác sẽ thấm sâu vào đất và đi vào nước ngầm, cuối cùng sẽ đi vào sông. Nếu bị nhiễm bẩn, nước sẽ được lọc thông qua các tầng đất. Ngược lại nếu tầng đất quá nông, hoặc đất không thấm được, phần lớn nước sẽ không thể vào đất, chủ yếu là chảy tràn trên mặt, gây nên hiện tượng xói mòn đất.

2.3.   Hệ thống luân chuyển vật chất

Nếu không có sự luân chuyển của vật chất trong tự nhiên, sinh vật sẽ không thể tồn tại. Quả đất được bao phủ bởi một tầng dày các sinh vật, nên quá trình luân chuyển là một quá trình quan trọng nhất. Đất đóng vai trò chính trong quá trình địa hóa học. Đất chuyển hóa các chất hữu cơ thành mùn, biến đổi các chất hữu cơ thành các dạng hữu dụng cho cây trồng và động vật, trả lại carbon vào khí quyển dưới dạng CO2, CO2 sẽ được sử dụng bởi các sinh vật thông qua hoạt động quang hợp. Một số loại đất có thể chứa một lượng lớn chất hữu cơ, nên ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi khí hậu toàn  cầu thông qua “hiệu ứng nhà kính”.

2.4. Nơi trú ngụ của sinh vật

Khi chúng ta nói bảo vệ hệ sinh thái có nghĩa là chúng ta phải bảo vệ hàng tỉ sinh vật, bao gồm hàng ngàn loài trên quả đất. Các sinh vật bao gồm từ vi sinh vật đến các động vật lớn. Tất cả đều có vai trò nhất định đến hệ sinh thái.

2.5. Nền tảng xây dựng các cơ sở hạ tầng

Đất là cơ sở, vật liệu chính cho con người xây dựng các cơ sở hạ tầng như nhà cửa, đường sá, sân bay,…

3.  Đất là 1 vật thể tự nhiên

Đất là một vật thể tự nhiên có ba chiều: chiều dài, rộng và sâu, tương tự như núi, hồ, thung lũng… Đất gồm các lớp như sau:

  • Lớp đất thực: là lớp đá đã bị phong hóa hoàn toàn, không còn mang tính chất cấu tạo của đá, nơi sinh vật có thể sinh sống.
  • Lớp mẫu chất: gồm lớp đất thực và mẫu chất (lớp đá đã phong hóa (biến đồi một phần).
  • Đá nền: Phần đá hoàn toàn chưa bị phong hóa.

Đá khi được phơi bày trên bề mặt quả đất, tiếp xúc với khí quyển sẽ bị phân rã thành một vật liệu không còn mang tính chất hoàn toàn của đá. Lớp này được gọi là mẫu chất nằm phía trên đá nền. Mẫu chất có thể bị di chuyển đến nơi khác do nước, gió, trọng lực. Vì vậy mẫu chất có thể có hoặc không liên quan đến đá tại chỗ. Thông qua các quá trình phong hóa và hoạt động của sinh vật, đá, khoáng sẽ biến đổi thành đất. Đất là sản phẩm của quá trình phân hủy và tổng hợp xen kẽ nhau. Sự phân rã các đá, khoáng và sự phân giải các chất hữu cơ là quá trình phân hủy; sự hình thành nên các khoáng mới, mùn là các quá trình tổng hợp của đất. Sự tổng hợp là quá trình hình thành nên các tầng phát sinh của đất.

4.  Phẩu diện đất và các tầng phát sinh.

4.1. Phẩu diện đất: là một hố đào sâu khoảng 1.2m, rộng 1m, bề mặt của các tầng phát sinh của đất phơi bày trên một mặt phẳng thẳng đứng. Trên bề mặt thẳng đứng ta có thể nhận thấy các tầng phát sinh khác nhau trong một phẩu diện đất. Các tầng này có thể được phân biệt bằng màu sắc, độ chặt, và các tính chất khác.

Các tầng phát sinh có thể có độ dày khác nhau, ranh giới giữa các tầng phát sinh có thể phân biệt rõ ràng hoặc không rõ. Các tầng bên trên là đá bị phong hóa hoàn toàn, phần dưới sâu thường là đá bị phong hóa một phần, gọi là mẫu chất. Mẫu chất có thể là do   đá phong hóa tại chỗ, nhưng cũng có thể được mang từ nơi khác đến.

Chất hữu cơ phân giải từ dư thừa thực vật thường được tích lũy trong tầng đất mặt, nên tầng mặt thường có màu tối sậm hơn các tầng bên dưới.

4.2. Các tầng phát sinh: Trong một phẩu diện đất có thể có các tầng phát sinh sau:

-Tên gọi theo danh pháp quốc tế:

  1. Tầng O: là lớp hữu cơ trên mặt đất.
  2. Tầng A: là tầng mặt, chứa nhiều chất hữu cơ.
  3. Tầng E: tầng rửa trôi mạnh nằm ngay bên dưới tầng A, bị rửa trôi mạnh nên thường có màu trắng xám.
  4. Tầng B: là tầng tích tụ các sản phẩm rửa trôi từ các tầng trên xuống.
  5. Tầng C: Tầng mẫu chất.
  6. Tầng R: Tầng đá nền.

Tên gọi thông thường

– Tầng đất mặt: Tầng A giàu chất hữu cơ thường được gọi là tầng đất mặt. Với đất canh tác, tầng đất mặt thường dày khoảng 12-25cm. Trong trường hợp này, tầng đất mặt được gọi là tầng đất cày, tầng canh tác. Tầng đất cày có thể tồn tại hàng trăm năm, mặc dù không còn canh tác nữa.

Trên đất canh tác, phần lớn rễ cây tập trung trong tầng đất mặt. Tầng đất mặt chứa nhiều chất dinh dưỡng và nước hữu dụng cho cây trồng. Các tính chất hóa học của các chất dinh dưỡng trong lớp đất mặt rất dễ thay đổi bởi sự bổ sung các chất hữu cơ và phân bón. Cấu trúc vật lý của lớp đất mặt rất nhạy cảm với phương pháp quản lý đất đai như phương pháp làm đất, bón phân hữu cơ. Độ dày tầng đất mặt thường có tương quan với khả năng sản xuất của đất.

Duy trì cấu trúc tốt của lớp đất mặt là công việc tối quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

– Tầng đất sâu: Tầng đất nằm ngay bên dưới tầng đất mặt được gọi là tầng đất sâu. Mặc dù nằm sâu bên dưới nhưng tầng đất này cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các kỹ thuật canh tác. Phần lớn nước cung cấp cho cây trồng nằm ở tầng đất sâu này. Một số loại đất có tầng sâu chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nhiều loại đất có sự phân chia rõ ràng giữa tầng đất mặt và tầng đất sâu, nhưng có một số loại lại có sự phân chia không rõ ràng, có tính chất tương tự như tầng mặt.

Các tầng đất sâu thường có tính thấm nước kém, cản trở sự phát triển của rễ, tích tụ chất chua, kiềm. Tính thoát nước kém của tầng đất sâu kém có thể làm cho tầng đất mặt bị ngập nước.

Nhiều tiến trình hóa học, sinh học và lý học xảy ra trong tầng đất mặt cũng có thể xảy ra trong tầng sâu. Trong nghiên cứu khoa học đất thường người ta chỉ xem xét độ dày tầng đất thực.

5. Đất: tập hợp của không chí, khoáng chất, nước và sinh vật.

Đất được cấu tạo bởi hai thành phần chính: phần rắn và phần rỗng. Phần rắn bao gồm các chất vô cơ và hữu cơ, phần rỗng chứa nước và không khí. Vì vậy, đất là tập hợp của bốn thành phần tự nhiên: không khí, nước, chất khoáng, và chất hữu cơ. Tỉ lệ của bốn thành phần này có ảnh hưởng rất lớn đến tính chất và khả năng sản xuất của đất. Trong một loại đất, bốn thành phần này luôn trộn lẫn lẫn nhau, nhưng chúng có thể được diễn tả như sau, theo tỉ lệ thể tích:

Thành phần đất

Thành phần chính của đất

5.1. Các thành phần khoáng (vô cơ) của đất.

Ngoại trừ đất hữu cơ, hầu hết các loại đất đều có khung cấu trúc là các hạt khoáng.

Các hạt này có kích thước rất khác nhau, từ kích thước rất to như các tảng đá, kích thước trung bình như hòn cuội, những mảnh vỡ của đá, kích thước rất bé như hạt cát, sét. Các hạt to là tập hợp của nhiều loại khoáng khác nhau. Các hạt có kích thước nhỏ hơn thường là các khoáng đơn giản. Vì vậy bất kì một loại đất nào cũng được hình thành từ những hạt có kích thước và thành phần cấu tạo khác nhau.

a. Kích thước các hạt đất: Các hạt khoáng hiện diện trong đất rất khác nhau về kích thước. Ngoại trừ các mảnh vỡ của đá, các hạt đất có kích thước thay đổi từ 2.0mm-0.002mm.

Trong phạm vi kích thước này, người ta phân loại các cấp hạt như sau:

  • Hạt cát: có kích thước từ 2-0.05mm, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, và có cảm giác nhám thô khi miết giữa các ngón tay. Hạt cát không có tính dính nên chúng thường rời rạc.
  • Hạt thịt: có kích thước 0.05-0.002mm. Hạt thịt không thể nhìn thấy các hạt riêng rẽ bằng mắt thường, có cảm giác mịn khi miết giữa các ngón tay, nhưng chúng không có tính dính cả khi bị ướt.
  • Hạt sét: có kích thước <0.002mm, chúng thường dính vào nhau khi ướt và hình thành tảng khi khô. Trong cấp hạt sét, các hạt có kích thước <0.001mm, được gọi là hạt keo.
  • Hạt keo: hạt sét có kích thước <0.001mm và các hạt hữu cơ là những hạt có tính keo, và chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi điện tử. Do đó kích thước cực kì nhỏ nên hạt keo có một diện tích bề mặt khổng lồ trên một đơn vị trọng lượng. Do bề mặt hạt keo có mang điện tích nên chúng có thể hấp phụ các ion (+) hoặc (-) và nước. Thành phần keo là yếu tố chính trong các phản ứng lý, hóa học của đất.

Tỷ lệ các thành phần hạt này trong đất được gọi là sa cấu của đất. Các loại sa cấu của đất thường gặp là thịt pha sét, sét pha thịt, thịt pha cát. Sa cấu ảnh hưởng đến rất nhiều tính chất của đất, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng đất.

Một số tính chất tổng quát của các hạt chính.

Đặc điểmCátThịtSét
1. Đường kính (mm)2.0-0.050.05-0.002<0.002
2. Quan sátBằng mắt thườngKính hiển vi thườngKính hiển vi điện tử
3. Loại khoángNguyên sinhNguyên sinh và thứ sinhThứ sinh
4. Khả năng hấp phụThấpTrung bìnhCao
5. Khả năng giữ nướcThấpTrung bìnhCao
6. Khả năng giữ chất dinh dưỡngRất thấpThấpCao
7. Khi ướtRời rạc, nhám thôMịn, trơnDính
8. Khi khôRất rời rạc, nhám thôMịn như bột, cục nhỏTảng cứng

Để hiểu được ảnh hưởng của sét đến tính chất đất, chúng ta cần hiểu hàm lượng sét và loại sét. Hàm lượng và loại sét có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cả trong sản xuất nông nghiệp. 

b. Các loại khoáng trong đất: Các loại khoáng trong đất được chia làm hai loại, phụ thuộc vào nguồn gốc hình thành, đó là khoáng nguyên sinh và khoáng thứ

  • Khoáng nguyên sinh: có thành phần cấu tạo rất ít thay đổi so với dung nham nóng chảy như các khoáng thạch anh, mica, felspar. Chúng chiếm tỉ lệ lớn trong thành phần hạt cát và thịt của đất.
  • Khoáng thứ sinh: như khoáng sét silicate, các oxide sắt được hình thành từ sự phân hủy và phong hóa các khoáng nguyên sinh trong quá trình hình thành đất. Các khoáng thứ sinh chiếm tỉ lệ cao trong thành phần sét và một phần trong thịt.

c. Vai trò của khoáng:

Cung cấp chất dinh dưỡng: các khoáng vô cơ trong đất là nguồn chứa hầu hết các nguyên tố dinh dưỡng tối cần thiết cho thực vật. Mặc dù phần lớn các chất này nằm trong thành phần cấu trúc của khoáng, một phần nhỏ nhưng rất quan trọng của các nguyên tố này ở dạng ion trên bề mặt keo đất. Do cơ chế hấp thu trao đổi nên rễ cây có thể hấp thu các ion bị hấp phụ trên bề mặt keo này.

Hình thành cấu trúc đất: Sự sắp xếp các hạt đất tạo nên cấu trúc đất. Các hạt có thể tồn tại tương đối độc lập, nhưng phần lớn chúng liên kết với nhau thành các tập hợp. Các tập hợp này có thể có dạng hình cầu, hình khối, hình phiến, và các dạng khác. Cấu trúc đất có tầm quan trọng không thua kém gì so với sa cấu, cấu trúc đất sẽ khống chế sự vận chuyển của nước và không khí trong đất. Sa cấu và cấu trúc đất ảnh hưởng rất lớn đến tính thích hợp của đất đối với sự sinh trưởng của rễ thực vật.

5.2. Chất hữu cơ trong đất

a. Sự bổ sung và phân giải chất hữu cơ: chất hữu cơ trong đất bao gồm rất nhiều hợp chất hữu cơ như các sinh vật (sinh khối đất), các hợp chất hữu cơ sản sinh trong các quá trình trao đổi chất trong đất. Xác bã động, thực vật và vi sinh vật liên tục bị phân giải trong đất và các chất mới cũng liên tục được tổng hợp bởi các vi sinh vật khác. Theo thời gian, chất hữu cơ sẽ bị mất dần dưới dạng CO2 thải ra do quá trình hô hấp của vi sinh vật. Do có quá trình mất carbon như thế nên cần thiết phải có sự bù đắp của dư thừa động, thực vật tươi để duy trì hàm lượng chất hữu cơ trong đất.

Phần lớn CO2 trong khí quyển được quang hợp bởi thực vật, nên trong điều kiện thực vật phát triển tốt, tốc độ bổ sung nhanh hơn sự giải nhanh của vi sinh vật, khi chết thực vật sẽ cung cấp một lượng chất hữu cơ rất lớn cho đất. Do CO2 là nguyên nhân chính hình thành “hiệu ứng nhà kính”, làm khí hậu trái đất nóng dần lên, nên sự cân bằng  giữa sự tích lũy và mất đi của chất hữu cơ thông qua sự hô hấp của vi sinh vật là vấn   đề có ý nghĩa toàn cầu. Trong thực tế, lượng Carbon trong đất cao hơn lượng C trong sinh khối thực vật và khí quyển cộng lại.

b. Vai trò của chất hữu cơ: Tuy chất hữu cơ chỉ chứa một tỉ lệ rất nhỏ trong đất, chỉ chiếm khoảng 1-6% trọng lượng, nhưng ảnh hưởng của chất hữu cơ đến các tính chất của đất rất lớn, các tính chất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của thực vật.

  • Hình thành cấu trúc đất: chất hữu cơ liên kết với các hạt khoáng hình thành nên cấu trúc viên của đất, tạo cho đất có tính tơi xốp. Chất hữu cơ rất có hiệu quả trong việc tạo tính ổn định cấu trúc này do vi sinh vật và rễ thực vật tiết ra các chất có tính keo.
  • Tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng: chất hữu cơ cũng làm tăng khả năng giữ nước của đất. Ngoài ra chất hữu cơ là nguồn cung cấp chính các chất dinh dưỡng cho thực vật như N, P, S. Khi chất hữu cơ bị phân giải, các chất dinh dưỡng này được giải phóng thành các dạng ion hòa tan cây trồng dễ dàng hấp thu. Cuối cùng, chất hữu cơ, bao gồm dư thừa động, thực vật, là nguồn thực phẩm chính cung cấp C và năng lượng cho vi sinh vật đất. Không có hoạt động hóa sinh quan trọng này, hệ sinh thái đất sẽ ngưng hoạt động.
  • Mùn: một phức chất hữu cơ có màu đen hay nâu, tích lũy trong đất do chúng khá bền với sự phân giải của vi sinh vật. Sét là thành phần keo của các chất vô cơ, thì mùn thành phần keo của chất hữu cơ. Do mang điện tích trên bề mặt nên mùn và sét chính là cầu nối giữa các hạt của đất, cả hai mùn và sét đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành cấu trúc đất. Điện tích bề mặt của mùn và sét có khả năng hấp phụ và giữ các   ion dinh dưỡng và các phân tử nước. Tuy nhiên, khả năng giữ chất dinh dưỡng và   nước của mùn cao hơn rất nhiều so với sét tính trên một đơn vị trọng lượng. Khác với sét, mùn còn chứa một số thành phần khác như các chất kích thích sự sinh trưởng của thực vật. Tuy với một hàm lượng rất nhỏ trong đất nhưng mùn có thể kích thích sự gia tăng sinh trưởng của thực vật một cách đáng kể.

5.3. Dung dịch đất

Nước có vai trò cực kì quan trọng trong hệ sinh thái đất. Nước cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của thực vật và các sinh vật khác trong đất. Chế độ ẩm quyết định khả năng sản xuất của đất. Sự di chuyển của nước và các chất hòa tan xuyên suốt phẩu diện đất có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hàm lượng tài nguyên nước trong vùng đó. Sự di chuyển của nước trong đất cũng là yếu tố chính trong quá trình hình thành đất. Hai tính chất quan trọng của nước trong đất cần chú ý là:

Sự di chuyển của nước trong đất phụ thuộc vào khả năng giữ nước trong các tế khổng của đất rất khác nhau tùy thuộc vào hàm lượng nước và kích thích các tế khổng. Sự hấp phụ giữa nước và các hạt đất sẽ hạn chế rất lớn sự di chuyển của nước trong  đất.

Do nước trong đất luôn nhiễm bẩn, chứa hàng trăm chất hữu cơ và vô cơ hòa tan, nên nước trong đất thường được gọi là “dung dịch đất”. Dung dịch đất là nơi chứa các chất dinh dưỡng hòa

a. Sự di chuyển của nước trong đất: Khi ẩm độ đất thích hợp cho sự sinh trưởng của thực vật, nước trong các tế khổng lớn và trung bình có thể di chuyển và được thực vật hấp thu. Tuy nhiên khi thực vật sử dụng hết loại nước dễ di chuyển này, nước chỉ tồn tại trong các vi tế khổng và trong các màng nước mỏng xung quanh hạt đất. Các hạt đất giữ nước rất chặt, nên thực vật khó có thể hấp thu. Vì vậy không phải tất cả lượng nước trong đất là hữu dụng đối với thực vật. Tùy thuộc vào loại đất, có khoảng 1/4-2/3 lượng nước được giữ trong đất không hữu dụng đối với thực vật.

b. Dung dịch đất: dung dịch đất chứa một lượng nhỏ nhưng rất có ý nghĩa các hợp chất vô cơ hòa tan. Các hạt keo hữu cơ và vô cơ giải phóng các chất dinh dưỡng vào dung dịch đất, từ đây rễ thực vật sẽ hấp thu. Quá trình này rất có ý nghĩa với thực vật bậc cao và phụ thuộc vào tính chất của dung dịch đất và các hạt keo trong đất.

Một tính chất quan trọng khác của dung dịch đất là độ chua và kiềm của dung dịch đất. Nhiều phản ứng hóa học và sinh học phụ thuộc vào nồng độ ion H+ và OH– trong đất. Nồng độ các ion này còn ảnh hưởng đến khả năng hòa tan hay khả năng hữu dụng của nhiều nguyên tố dinh dưỡng đối với thực vật.

Nồng độ ion H+ và OH– trong dung dịch đất thường được xác định bằng cách đo pH dung dịch đất. pH được định nghĩa là logarith âm của nồng độ H+. pH kiểm soát tính chất của nhiều phản ứng hóa học và sinh học trong đất.

c. Không khí trong đất. Các tế khổng trong đất có kích thước rất khác nhau và chứa nước hoặc không khí. Khi đầy nước, không khí sẽ bị đuổi ra ngoài tế khổng, vì vậy hàm lượng không khí trong đất tỉ lệ nghịch với hàm lượng nước. Không khí trong đất có nồng độ O2 thấp hơn trong khí quyển, ngược lại CO2 trong đất có nồng độ cao hơn khí quyển, cả hai đều do quá trình hô hấp của sinh vật và rễ thực vật. Các đặc điểm chính của không khí trong đất:

  1. Thành phần khí trong đất khác rất nhiều so với khí quyển do một số khí được sử dụng bởi vi sinh vật và rễ thực vật, đồng thời các sinh vật giải phóng ra một số loại khí khác.
  2. Ẩm độ không khí trong đất thường rất cao (100%), trừ loại đất rất khô.
  3. Nồng độ CO2 cao hơn hằng trăm lần so với khí quyển.
  4. Nồng độ O2 thấp, khoảng 5-10% thể tích không khí.

(Nguồn tham khảo: Lê Văn Dũ, Khoa học đất cơ bản)

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Đá phún xuất là gì?
  2. Quá trình phong hóa là gì?
  3. Keo đất là gì? Phân loại, cấu tạo và sự hình thành keo đất
  4. Cát chảy là gì?
Khoa học đất

Từ khóa » đất Có Vai Trò Như Thế Nào