Đặt Lọp - Cổng Thông Tin điện Tử

Từ lâu, nguồn lợi cá đồng ở Cà Mau vốn rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Ngoài việc giăng câu, chài, lưới… nông dân Cà Mau còn có nghề đặt lọp truyền thống để khai thác nguồn lợi cá đồng.

Đặt lọp dưới tán rừng tràm U Minh. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Lọp là loại ngư cụ hình hầu dục, thon dài, phía trước có gắn hom, phía sau được bịt kín để khi cá vào rồi không đi ra được.

Để làm lọp, nông dân Cà Mau thường dùng cây chùm đọt (một loại cây mọc hoang ở những khu vườn tạp, có thân mềm, dai, dễ uốn cong mà không bị gãy) để làm rọng. Nan lọp, hom lọp chủ yếu là dùng tre vót mỏng, bóng láng rồi dùng dây choại phơi khô để bện. Loại dây rừng này có ưu điểm là chịu được nước, lâu mục, dai và bền chắc. Những năm gần đây, nhiều nông dân Cà Mau còn “cải tiến” không dùng tre để làm nan lọp mà dùng lưới gân, lưới ni long để làm lọp. Cách làm này lọp “sáng” hơn, nhẹ hơn và dễ làm hơn.

Đổ lọp. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Làm lọp có đẹp, “sáng” và cá, tôm có “chạy” nhiều hay không là do tay nghề và kinh nghiệm của mỗi người. Lọp thường có chiều dài từ 1 mét đến 1,2 mét, đường kính từ 30 đến 35 cm. Hom lọp phần lớn được gắn ở miệng lọp, cũng có khi gắn ở 2 đầu và để khi cá, tôm đi vào mà không đi ra được.

Đặt lọp rùa. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Khi đặt lọp, thông thường người ta chọn vị trí theo những bờ sông, kênh mương, ao hồ… có độ sâu vừa phải. Thường nơi đặt lọp là nơi râm mát, cây cỏ um tùm, nơi ẩn nấp, trú ngụ của nhiều loại cá đồng.

Rùa vàng thường rất nhạy “chạy” lọp. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Khi đặt lọp, thường dùng lá dừa, cỏ sậy để làm rào, ven cho cá tôm đi vào lọp. Lọp phải được cắm cây để giữ cố định không rung lắc, không xoay chuyển và đuôi lọp đặt hơi nhô cao hơn mặt nước để khi cá vào có chỗ thở mà không bị chết. Phía trên lọp thường dùng cỏ lá ngụy trang, tạo môi trường hấp dẫn đễ dẫn dụ tôm cá chui vào. Cứ thế, khi đến “cữ” đổ lọp, người đặt lọp chỉ việc kéo lọp lên khỏi mặt nước và mở cửa lọp để thu hoạch sản phẩm. Thông thường, ở miệt Cà Mau đặt lọp thường “chạy” nhiều nhất là các loại cá đồng như cá lóc, cá dầy, cá rô, cá bổi, lươn, rùa, rắn, tôm càng…

Đôi khi những con lươn to cũng “chạy” lọp. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Đặt lọp “chạy” nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm của người đặt. Người đặt lọp giỏi chỉ cần nhìn sơ qua là có thể biết được nơi đây cá nhiều hay ít, miệng lọp xoay hướng nào để cho tôm cá dễ “chạy”. Thời gian gần đây, do nguồn lợi tôm cá ngày càng cạn kiệt, người đặt lọp còn dùng mồi và thuốc như lươn để dẫn dụ cá, tôm “chạy” lọp.

Đặt lọp là một trong những nghề tuy đơn giản nhưng rất nhàn hạ để khai thác cá, tôm vốn có truyền thống từ lâu đời của nông dân Cà Mau. Tuy nhiên, thời gian gần đầy, nghề đặt lọp truyền thống của nông dân Cà Mau cũng dần bị mai một, cần được bảo tồn và phát triển.

Từ khóa » Cách đặt Lọp Cua