Đất Nhiễm Mặn, Phèn Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

Toàn vùng có 1 thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh, theo số liệu thống kê năm 2011, ĐBSCL có tổng diện tích là 40.548,2 km² và tổng dân số là 17.330.900 người.

Là một bộ phận của châu thổ sông Mekong, ĐBSCL được hình thành từ những trầm tíchphù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên gắn với thay đổi mực nước biển kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậubán đảo Cà Mau.

Đây là vùng có khí hậu cận xích đạo mưa nhiều, nắng nóng nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp đặc biệt là phát triển trồng lúa nước, cây lương thực và thủy sản.

Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng miền Tây đóng góp hơn 50% diện tích, sản lượng lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước. Bình quân lương thực đầu người gấp 2.3 lần so với lương thực trung bình cả nước. Nhờ vậy nên ĐBSCL là nơi xuất khẩu gạo, thủy sản chủ lực của cả đất nước.

Nhóm Đất phèn

- Đây là nhóm đất có diện tích lớn nhất ở ĐBSCL. Phân loại đất phèn căn cứ vào tầng phèn và tầng sinh phèn, độ sâu xuất hiện của các tầng này trong phẫu diện đất.

Tầng sinh phèn: tầng tích lũy vật liệu chứa phèn là tầng sét hoặc hữu cơ ngập nước thường xuyên ở trạng thái yếm khí, có chứa lượng SO3 trên 1,75% ( tương đương với 0,75% S).

Tất cả các đất chỉ có tầng sinh phèn trong phẫu diện đất được xếp vào đất phèn tiềm tàng.

Tầng phèn là một dạng của tầng B xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triên của đất phèn từ đất phèn tiềm tàng, tập trung chủ yếu là khoáng Jarosite dưới dạng đốm, vệt vàng rơm có pH thường dưới 3,5. Tầng phèn thường vẫn được gọi là tầng Jarosite, là tầng chỉ thị cho đất phèn hoạt động.

Những độc tố trong đất phèn do tầng phèn tạo ra, vì vậy sự xuất hiện nông sâu của tầng sinh phèn hoặc tầng phèn có liên quân chặt chẽ đến mức độ phèn của tầng đất mặt. Tùy theo độ sâu xuất hiện tầng phèn hoặc tầng sinh phèn mà phân chia đất phèn thành các loại khác nhau: nếu mép trên của tầng sinh phèn hoặc tầng phèn xuất hiện ở độ sâu từ 0-50 cm thì xếp vào đất phèn tiềm tàng nông Sp1 hoặc đất phèn hoạt động nông Sj1; nếu mép trên của 2 tầng này xuất hiên ở độ sâu 50-120 cm thì xếp vào đất phèn tiềm tàng sâu Sp2 hoặc đất phèn hoạt động sâu Sj2; nếu 2 tầng trên xuất hiện sâu dưới 120 cm, ít ảnh hưởng tới cây trồng coi như đất không bị phèn.

- Nhóm đất phèn ĐBSCL có diện tích 1.600.263 ha chiếm 41,1%, trong đó:

+ Đất phèn tiềm tàng là 421.867 ha chiếm 10,72% đất ĐBSCL và 26,36% diện tích đất phèn. Đất phèn tiềm tàng gồm 6 đơn vị đất sau:

Đất phèn tiềm tàng nông dưới rừng ngập mặn, ký hiệu Sp1Mm, diện tích134.897 ha phân bố chủ yếu ở Cà Mau, một ít ven biển Trà Vinh.

Đất phèn tiềm tàng sâu dưới rừng ngập mặn, ký hiệu Sp2Mm, diện tích 30.754 ha phân bố ở Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh...

Đất phèn tiềm tàng nông - mặn, ký hiêu Sp1M, diện tích 50.176 ha phân bố ở Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh...

Đất phèn tiềm tàng sâu - mặn, ký hiệu Sp2M, diện tích 34.467 ha phân bố nhiều ở Kiên Giang, Cà Mau, ít ở Bến Tre, Trà Vinh.

Đất phèn tiềm tàng nông, ký hiệu Sp1, diện tích 54.960 ha phân bố ở Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp...

Đất phèn tiềm tàng sâu, ký hiệu Sp2, diện tích 116.613 ha phân bố ở Long An, Đồng Tháp...

+ Đất phèn hoạt động diện tích là 1.178.396 ha chiếm 30% đất ĐBSCL và chiếm 73,64% diện tích đất phèn. Đất phèn hoạt động gồm 4 đơn vị đất sau:

Đất phèn hoạt động nông - mặn, ký hiệu Sj1M, diện tích 118.460 ha, phân bố ở Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long.

Đất phèn hoạt động sâu - mặn, ký hiệu Sj2M, diện tích 324.770 ha, phân bố ở Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long...

Đất phèn hoạt động nông, ký hiệu Sj1, diện tích 192.081 ha, phân bố ở Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang.

Đất phèn hoạt động sâu, ký hiệu Sj2, diện tích 543.085 ha, phân bố ở Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Long An, Đồng Tháp.

- Nhóm đất phèn thường có hàm lượng hữu cơ khá cao, nhất là loại hình tích lũy hữu cơ có hàm lượng từ 5 - 15% ở tầng mặt và ít thay đổi ở các tầng dưới. Đạm tổng số 0,15 - 0, 5%; lân tổng số rất thấp, tầng mặt 0,031 - 0,071%, các tầng dưới 0,023 - 0,043%; kali tổng số 1,0 - 1,3%; lân dễ tiêu nghèo...

Đất phèn có chứa nhiều độc tố và rất chua, hàm lượng trung bình các độc tố của tầng phèn Bj như sau: Tầng phèn rõ pHH2O 2,87; SO3- 1,59%; SO2­­- 0,25%; Fe2+ +Fe 3+ 63,04 (mg/100g); Al3+ 38,59 (mg/100g). Tầng phèn chưa rõ: pH H2O 3,25; SO3 1,27%; SO2­­- 0,25%; Fe2+ +Fe 3+ 47,34 (mg/100g); Al3+ 20,72 (mg/100g). Đặc biệt phải chú ý đến các độc tố ở tầng đất mặt trên tầng phèn hoặc trên tầng sinh phèn. Thường lợi dụng mưa hoặc thủy lợi để rửa phèn, hạ phèn.

Nhóm Đất mặn

Nhóm đất mặn có diện tích đứng thứ 3 sau đất phèn và đất phù sa. Về phân loại, đất mặn ở ĐBSCL được xếp vào mặn do triều hoặc do nước ngầm bị mặn gây ra. Vì phèn độc và cải tạo khó hơn mặn nên nếu đất mặn có cả quá trình phèn đã được đưa sang nhóm đất phèn. Đất mặn thường có thành phần cơ giới nặng, hàm lượng sét (<0,002 mm) 50 -60 %. Về mùa khô đất mặn nhiều ở tầng mặt Cl- có thể đạt 0,5 - 0,7 và EC 10 - 12 ms/cm, nhưng giảm nhanh trong mùa mưa. Đất mặn có hàm lượng hữu cơ và đạm, lân tổng số trung bình, lượng magiê trong cation trao đổi luôn lớn hơn caxi thể hiện ảnh hưởng của nước biển. Nhóm đất mặn được chia ra thành:

- Đất mặn nhiều: ký hiệu là Mn, diện tích 102.103 ha, có EC(ms/cm) > 4, Cl ‑ > 0,25%, pH (­K2O) trung bình là 5,5 ở tầng mặt, 6,5 ở tầng dưới, N tổng số trung bình là 0,11 ở tâng trên và 0,05 ở tầng dưới, P2O5 tổng số trung bình là 0,04 ở tầng mặt và 0,06% ở tầng dưới, C/N = 12,5 - 13. Phân bố ở Long an, Tiền giang, Trà vinh, Sóc trăng, Bạc liêu, Cà mau. Hiện đất này đang được sử dụng nuôi tôm.

- Đất mặn trung bình, ký hiệu là M, diện tích 148.934 ha, có EC(ms/cm) > 2 - 4, Cl ‑ : 0,15 - 0,25%, pH (­K2O) trung bình là 4,9 ở tầng mặt, 6,9 ở tầng dưới, N tổng số trung bình là 0,18 ở tầng trên và 0,05 ở tầng dưới, P2O5 tổng số trung bình là 0,04 ở tầng mặt và 0,05% ở tầng dưới, C/N = 11 và 9. Phân bố ở Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Hiện đang được sử dụng nuôi tôm, trồng lúa.

- Đất mặn ít, ký hiệu là Mi, diện tích 437.488 ha, có EC(ms/cm) > 1 - 2, Cl ‑ : 0,05 - 0,15%, các chỉ số khác như đất mặn trung bình. Phân bố ở Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Hiện đang ngọt hóa để trồng lúa hoặc nuôi tôm + lúa.

- Đất mặn dưới rừng ngập mặn, ký hiệu là Mm, diện tích 56.022 ha, phân bố ở Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau. Đất này luôn bị ngập triều quanh năm nên bị bão hòa muối, còn nếu không bị ngập triều mùa khô có độ mặn rất cao.

Từ khóa » đất Phèn O Dau