Đặt Nò - UBND Tỉnh Cà Mau

Nò là một ngư cụ để đánh bắt, khai thác cá, tôm trên kênh, rạch có dòng nước chảy yếu, thủy triều lên xuống thấp. Từ những năm trước và sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nò là một trong những phương tiện khai thác, đánh bắt cá, tôm chủ yếu của cư dân vùng sông nước Cà Mau.

Chiếc nò của cư dân vùng sông nước Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Ngày trước, khi cá, tôm còn nhiều; những dòng sông, kênh, rạch ít người đi lại, nhiều hộ dân ở vùng nông thôn Cà Mau đều xây cho gia đình mình một vài chiếc nò để bắt cá tôm. Khi cá, tôm “chạy” nò xem như cứ “rọng” ở đó. Khi nào rảnh 1 – 2 ngày, 1, 2 tuần hoặc cả tháng mới bắt về thì cá vẫn còn sống.

Xây nò tốn rất nhiều đăng. Do đó, trước khi xây nò thì khâu chuẩn bị đăng là rất quan trọng. Đăng có chiều cao trung bình khoảng 1,3 đến 1,7 mét (tùy theo đáy sông sâu – cạn), được làm chủ yếu từ cây sậy. Cũng có một ít người sử dụng trúc, tre chẻ nhỏ rồi bện chặt với nhau thành từng tấm bằng dây choại, dây chuối khô. Tuy nhiên, bện đăng bằng dây choại thì tấm đăng được sử dụng được bền hơn dây chuối khô.

Khi xây nò, phải cắm cọc xuống đáy sông theo “sơ đồ” đã định sẵn. Hệ thống cọc này được cột chặt vào nhau bằng những thanh tre, trúc (khung). Sau đó, lắp các tấm đăng dọc theo bộ khung này. Phần dưới cùng của tấm đăng được cắm xuống đáy sông cho chắc chắn. Phần giữa và trên tấm đăng được nẹp và cột chặt vào phần khung. Nhiệm vụ của đăng là ven tôm cá vào nò. Nò thường có nhiều miệng để đón tôm cá. Miệng nò ở phía ngoài thì tương đối rộng và càng vào sâu bên trong thì miệng nò càng hẹp lại dần. Ở miệng rọ của nò được gắn bộ hom (được làm bằng tre trúc như hình chiếc lược). Nhiệm vụ của bộ hom là khi tôm cá đã đi vào thì giữ lại không cho tôm cá đi ra.

Xây nò đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao. Hệ thống đăng được lắp đặt, kết nối với nhau như “trận đồ bát quái”. Người “thầy” xây nò là người có thể xác định được chỗ nào có nhiều tôm cá, có “địa thế” và dòng nước chảy phù hợp. Khi ven đăng, xây nò thì cá tôm cứ ngoan ngoãn đi vào một cách tự nhiên mà không thể trở ra. Có một điều lạ là gần như tuyệt đối không có khuôn mẫu, hình dáng của chiếc nò nào giống nhau. Tùy theo người thợ và địa thế, nò được định dạng ngay trong lúc xây. Có khi nò có nhiều miệng, hình dáng ngoằn nghoèo, phúc tạp; có khi nò ít miệng, hình dáng đơn giản; có khi nò lớn và cũng có khi nò nhỏ.

Khi tôm, cá vào nò rồi cứ bơi lội lòng vòng, gặp chỗ trống cứ chui vào để tìm đường thoát thân. Tuy nhiên, càng tìm đường thoát thân thì tôm, cá được dẫn dụ tập trung về một chỗ gọi là “rọ”. Tôm, cá cứ vô “rọ” rồi ở đây không thoát ra được. Khoảng vài ngày chủ nò đến dùng vợt bắt tôm, cá để mang về.

Nò chủ yếu được xây ở các con kênh rạch vùng ngọt hóa. Sản phẩm thu được chủ yếu là tôm càng, rùa, cá trê, cá lóc, cá bổi, cá rô, lươn, rắn…

Ngày nay, do nguồn lợi thủy sản dần bị cạn kiệt và ảnh hưởng đến việc giao thông, đi lại của người dân trong vùng nên việc xây nò bắt tôm cá trên các dòng sông, kênh rạch ở Cà Mau hầu như không còn nữa.

Từ khóa » Cách Bắt Tôm Sông