Đất Nước Djibouti Nhỏ Bé Nhưng Khó Quên

Sau ba chặng bay mất khoảng 20 tiếng, chúng tôi mới đến được thủ đô Djibouti của quốc gia Djibouti bé nhỏ. Trong chặng bay cuối từ Ethiopia đến Djibouti, từ trên cao có thể thấy loáng thoáng vùng Sừng châu Phi. Djibouti xưa kia thuộc khu vực Afarland (bao gồm Ethiopia, Djibouti và Eritrea hiện nay), nơi được coi là cái nôi của nền văn minh châu Phi. Chính vì thế mà từ thời Ai Cập cổ đại, các pharaoh đã gọi Afarland là “Vùng đất của các vị thần”.

Ngoại thành thủ đô nhìn từ trên cao
Ngoại thành thủ đô nhìn từ trên cao

Thủ đô bên bờ biển Đỏ

Thủ đô Djibouti chào đón chúng tôi bằng các kiến trúc thuộc địa Pháp quen thuộc. Trung tâm thành phố khá xinh đẹp với nhiều tòa nhà cổ kính và cây xanh. Hơn 70% dân số Djibouti sống ở thủ đô nhưng thành phố cũng không quá đông đúc, bởi vì dân số cả nước chỉ 875.000 người. Dù địa hình hầu hết là núi non khô cằn, chính phủ Djibouti vẫn đang nuôi mộng biến quốc gia của mình trở thành một Dubai nằm bên bờ biển Đỏ. Vị trí địa lý đặc biệt của đất nước này cho phép người ta mơ ước như thế. Nhiều cường quốc hàng đầu thế giới đã thiết lập tiền đồn quân sự và đổ vào Djibouti hàng chục tỉ USD để phát triển đường bộ, đường sắt và hàng không.

Trung tâm Djibouti
Trung tâm Djibouti

Đất nước Djibouti nhỏ bé nhưng khó quên - 04Djibouti có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử hấp dẫn, tuy nhiên du lịch ở đất nước này chưa phát triển. Khách nước ngoài đến đây chủ yếu là vì công vụ, công tác. Đoàn chúng tôi sau những ngày làm việc cũng chỉ đến được một số nơi không quá xa thủ đô, bởi chi phí ăn uống – khách sạn rất đắt đỏ và hệ thống giao thông công cộng nghèo nàn. Để đi lại giữa các tỉnh của Djibouti, du khách phải tự thuê xe mà hầu như không có sự chỉ dẫn của biển báo hay hệ thống GPS. Bị lạc đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải đối mặt với nguy hiểm giữa sa mạc. Nguồn nước duy nhất cho các bộ lạc du mục ở đây được các tổ chức phi chính phủ cung cấp.

Du lịch biển hấp dẫn nhất và cũng dễ dàng nhất vì từ thủ đô ra biển khá gần. Djibouti có bờ biển dài hơn 300km, với nhiều bãi biển và đảo rất đẹp, còn hoang sơ. Đảo Moucha với khu resort mới xây đẹp chẳng kém gì Maldives và giá cũng cao chẳng kém. Trái ngược với thủ đô ồn ào, bụi bặm, các khu nghỉ dưỡng ven biển của Djibouti cực kỳ cao cấp, sang trọng, chủ yếu là để phục vụ cho gần 60.000 người nước ngoài đến đây làm việc mỗi năm.

Một đoạn bờ biển ở gần thủ đô
Một đoạn bờ biển ở gần thủ đô

Vịnh Ghoubet ở phía tây Djibouti là nơi du khách có thể thoải mái khám phá rừng ngập mặn, bơi cùng cá đuối, cá heo và cả một số loài cá mập. Cuối tuần, thuê tàu du lịch ra biển trong ngày với giá khoảng 2 triệu đồng Việt Nam, chúng tôi lặn ngắm những rạn san hô tuyệt đẹp và nguyên sơ. Cá ở đây cũng rất rực rỡ và đa dạng. Khác hẳn với vẻ cằn cỗi trên bờ, trong lòng đại dương phía đông bắc châu Phi là cả thế giới sinh vật biển vô cùng phong phú, hấp dẫn.

Đất nước Djibouti nhỏ bé nhưng khó quên - 03

Vào sáng sớm các ngày thường, chúng tôi thích đi dạo dọc các khu phố pha trộn nét văn hóa châu Phi và châu Âu. Thủ đô Djibouti giàu giá trị lịch sử, trên mỗi đường phố đều có những nét đặc sắc của nhiều nền văn hóa. Chỉ cần trời không quá nóng mọi người đều thích đổ ra đường. Trên mấy con phố dọc biển có nhiều nhà hàng, tiệm cà phê rất thú vị, nhưng dân địa phương thích ngồi quán vỉa hè hút shisha tán gẫu. Ước tính, hơn 70% dân số Djibouti thất nghiệp, tuy nhiên một người làm công chức có thể nuôi được 30 người. Có lẽ vì vậy mà xã hội Djibouti vẫn khá yên ổn – một yếu tố quan trọng để kinh tế phát triển.

  • Xem thêm: Ethiopia, “trái tim châu Phi”
Một góc phố với những kiến trúc thuộc địa cổ
Một góc phố với những kiến trúc thuộc địa cổ
Thiếu nữ thủ đô Djibouti trong trang phục truyền thống
Thiếu nữ thủ đô Djibouti trong trang phục truyền thống

Phần lớn dân Djibouti theo đạo Hồi, phụ nữ ăn mặc kín mít, chỉ hở mỗi đôi mắt, tuy nhiên cũng có nhiều người theo tôn giáo khác mặc trang phục truyền thống rực rỡ, đẹp mắt. Du khách đến đây được khuyến cáo là không nên chụp hình nếu không được cho phép, bởi người dân địa phương khá khó tính. Ra khỏi khu vực trung tâm, các dãy phố bình dân kiểu châu Phi hiện ra rõ rệt với nhà bạt, chợ trời, thức ăn đường phố tỏa hương ngào ngạt.

Nhà cửa vùng nông thôn Djibouti
Nhà cửa vùng nông thôn Djibouti

Đến 2 giờ chiều, mọi hoạt động náo nhiệt của đời sống đường phố thủ đô bắt đầu dừng lại. Nắng như thiêu đốt khiến người dân phải về nhà tránh nóng, chỉ một số ít người nằm tận hưởng bóng râm trên các lối đi được xây từ thời thuộc địa, đa số đều nhai lá qat (một loại lá kích thích gây nghiện phổ biến vùng duyên hải biển Đỏ) rồi chìm vào trạng thái ngà ngà say cho qua những giờ oi bức.

  • Xem thêm: Những cung đường tuyệt vời ở Nam Phi

Những hồ nước kỳ lạ giữa sa mạc

Theo con đường mới mở dài 115km, chúng tôi rời thủ đô đến với hồ muối Asaal, một kỳ quan của Djibouti. Mặt hồ Assal thấp hơn mực nước biển hơn trăm mét và nước hồ có độ mặn cao gấp 10 lần nước biển. Nhìn từ xa, bờ hồ giống như bãi biển với cát trắng, nước xanh trong vắt nhưng thực ra phần bao quanh vùng nước rộng lớn ở đây không phải là cát mà là muối. Nguồn nước tại đây hình thành nhờ các dòng chảy ngầm tiếp nước từ vịnh Tadjoura, vùng mở rộng của vịnh Aden và không có dòng chảy nào ra phía ngoài.

Hồ nước mặn Assal, nơi cung cấp muối cho cả vùng Đông Bắc Phi
Hồ nước mặn Assal, nơi cung cấp muối cho cả vùng Đông Bắc Phi

Được bao quanh bởi các núi lửa không hoạt động, khi nước trong hồ Assal bốc hơi, muối và các mỏ khoáng sản khác bám vào nhau tạo ra những cột trụ lởm chởm và các tường thành làm nên cảnh quan thật kỳ lạ. Mặc dù điều kiện khắc nghiệt, người Afar và Issa bản địa vẫn sống với nghề buôn bán muối qua nhiều thế kỷ. Họ tạo thành những nhóm đào muối từ hồ rồi vận chuyển muối bằng lạc đà đi trên con đường có từ xa xưa tới Ethiopia để đổi lấy than, cà phê và các nhu yếu phẩm khác

Đàn hồng hạc kiếm ăn trên hồ Abbe
Đàn hồng hạc kiếm ăn trên hồ Abbe

Trước đây, ngà voi và nô lệ cũng được giao dịch để đổi lấy muối ở Assal. Những đoàn lạc đà và lừa có thể chở tới 120kg muối mỗi chuyến tới Berhale, Ethiopia trong vòng năm tuần. Ở đó, muối được dỡ xuống và đưa lên xe tải phân phối tới các thành phố lớn của Ethiopia. Sau nhiều thế kỷ khai thác muối thủ công, đến nay khi nhu cầu muối ở cả châu Phi tăng cao, người địa phương đã xây nhà máy quy mô để làm muối từ nước hồ và xuất khẩu. Hiện nay việc thu hoạch muối thủ công và hiện đại vẫn diễn ra song song.

Đoàn lạc đà chở muối ra khỏi vùng hồ Assal
Đoàn lạc đà chở muối ra khỏi vùng hồ Assal
Chăn thả gia súc quanh hồ Abbe
Chăn thả gia súc quanh hồ Abbe
  • Xem thêm: Những nẻo đường khó quên ở Zambia

Nằm giữa biên giới Ethiopia và Djibouti cũng có một hồ nước mặn kỳ lạ khác mang tên Abbe. Phía tây bắc của hồ là một ngọn núi lửa không hoạt động, còn phía tây nam và nam là một bãi cát dài được bao phủ bởi muối, rộng tới 10km. Theo các nhà địa chất, trong khoảng 10 triệu năm nữa vùng hồ Abbe sẽ là nơi hình thành một đại dương mới – khi các lớp vỏ trái đất kéo ra, nứt vỡ và bị tách khỏi vùng Sừng châu Phi này.

Đất nước Djibouti nhỏ bé nhưng khó quên - 02

Quá trình đó đang tạo nên một loạt các hiện tượng tự nhiên ngoạn mục, đó là các hố cát lún, những vũng nước sôi, đặc biệt nhất là những cột khói cao đến 50m hình thành từ hơi nước bốc lên qua các hố magma tích tụ. Cảnh quan hồ trông còn kỳ diệu hơn vào những thời điểm có đàn hồng hạc đến kiếm ăn. Tại Abbe, du khách dễ dàng giao lưu với người dân thuộc bộ lạc du mục Afar khi họ chăn thả gia súc trên những đồng cỏ xanh mướt gần lưu vực hồ. Người Afar đưa gia súc ra đồng vào sáng sớm, lùa chúng về trại khi trời sẩm tối. Khi hệ thực vật có phần suy giảm, họ sẽ di chuyển đến một vị trí mới tươi tốt hơn.

Từ khoá: hồ muối Asaalnền văn minh châu Phiquốc gia DjiboutiVịnh Ghoubetvùng Sừng châu Phi

Từ khóa » đất Nước Djibouti