Đặt Tên Cho Blog Cá Nhân Như Thế Nào | Viết Blog Kiếm Tiền
Có thể bạn quan tâm
Bạn đã mất bao lâu để có thể chọn được chủ đề và phong cách viết cho blog cá nhân của mình? Một ngày, một tuần, hay nhiều hơn vậy nữa?
Thật ra thời gian không quan trọng cho lắm. Cái quan trọng ở đây chính là bạn đã tiến thêm được một bước nữa trên con đường chinh phục công việc viết blog kiếm tiền của mình rồi đó!
Hôm nay, Quyên sẽ cùng bạn suy nghĩ một chút về chuyện đặt tên cho blog của bạn nhé!
Tất tần tật về chuyện đặt tên cho blog
Như tất cả chúng ta đều thấy và đồng ý rằng ấn tượng đầu tiên cực kỳ quan trọng. Và khi bạn nhìn vào một trang web/một blog cá nhân thì tên miền chính là cái ấn tượng đầu tiên đó. Vậy thì đặt tên cho blog như thế nào để gây được “ấn tượng khó phai” với người đọc?
Tên miền có hay và dễ nhớ thì người dùng mới nhớ tới blog nhiều hơn. Ngược lại, nếu tên miền nghe quá vô duyên hoặc… trớt quớt khả năng cao là người dùng sẽ lướt qua nó như một cơn gió.
Quyên có hai ví dụ về chuyện đặt tên cho blog như vầy:
- Hồi lâu rồi, Quyên có Google về một sản phẩm làm đẹp. Kết quả trả về thấy có một blog tên là Cam Tươi có thứ hạng rất cao. Tất nhiên là Quyên không click đâu vì thấy không liên quan, nhưng sau đó tìm kiếm thêm thì thấy Cam Tươi này cứ trong top 10 kết quả đầu tiên hoài. Tò mò click vô hóa ra là blog về làm đẹp! Vậy mà lúc đầu Quyên tưởng blog… bán cam online!
- Quyên có tham gia một hội blogger trên Facebook, trong đó có một bạn sở hữu một blog sưu tập truyện cười. Tên miền của blog, nếu Quyên nhớ không lầm, là… Truyện Cười 69 hoặc Truyện 69 gì đó. Thật sự là nghe cái tên đã thấy… không có cảm tình, nhất là với type người nghiêm túc. Tuy nhiên vì bạn đó nhờ hỗ trợ nên Quyên cũng click vô coi. Trên đó thì… không có truyện XXX hay tiếu lâm mặn gì đâu, toàn là mấy truyện cười bình thường hay đăng trên báo thôi!
Bạn thấy đó, chỉ với một cái tên miền hơi sai sai thôi là bạn đã có thể khiến (ít nhất) một độc giả tiềm năng quay lưng lại với mình rồi!
Tên miền sai ở đây có thể là nó hoàn toàn không liên quan tới chủ đề của blog (cam vs. làm đẹp), hoặc nó khiến người đọc cảm thấy khó chịu, thậm chí có phần ngại ngùng khi phải click vào đó (69, xxx, người lớn…)
Vậy nhưng rất nhiều người lại mắc những lỗi sai đó, và thậm chí bản thân Quyên cũng… dzậy luôn. Đó có thể là vô tình, hoặc cố ý, hoặc nhiều khi là vì hồi đó… chưa có bài biên này để đọc tham khảo, hahaha!
Thôi không chém gió nhiều nữa, mời bạn cùng bắt đầu nè!
1. Các kiểu tên miền phổ biến
Tên miền không chỉ là một đường dẫn URL để người đọc đi đến blog của bạn, mà về lâu dài, đó còn là thương hiệu cá nhân của blogger nữa.
Quyên nghĩ trong tất cả những thứ liên quan tới blog như hosting, domain, theme, CMS blah blah blah thì tên miền là quan trọng nhất! Hosting hay CMS bạn còn có thể đổi được dễ dàng, nhưng domain thì rất khó, vì nó còn ảnh hưởng tới thứ hạng trên Google và thói quen người dùng.
Sau bốn năm lăn lộn trong thế giới blog thì Quyên thấy có những kiểu đặt tên phổ biến như sau:
1.1 Tên của blogger
Blog misagjone.com là một ví dụ. Misa là tên ở nhà của Quyên, còn Gjone là họ của chồng (Quyên lập gia đình rồi và đổi họ theo họ chồng). Ngoài ra còn một số kiểu tên blog như iamaileen.com, mash-elle.com… cũng là một kiểu đặt tên blog theo tên/nickname/nghệ danh của blogger.
Riêng việc đặt tên kiểu này, Quyên sẽ phân tích kỹ hơn về ưu và nhược điểm của nó trong phần sau của bài viết.
1.2 Tên của blogger + lĩnh vực của blog
Ví dụ cho kiểu tên này là mailovesbeauty.vn, fionaonherway.com, nganbalo.com. Bên cạnh tên blogger, các yếu tố như beauty, on her way, balo… sẽ giúp người đọc có thể biết được chủ đề của blog là gì.
1.3 (Phần nào) chủ đề của blog
Ví dụ cụ thể nhất chính là From Hobby To Money 🙂
Tên miền này sẽ giúp người đọc biết được đây là một blog nói về chủ đề làm sao để biến một hobby thành ra một nguồn thu nhập. Kèm với tagline là Making Money Blogging nữa thì người đọc sẽ biết đây là blog viết về cách kiếm tiền từ sở thích viết blog!
Ngoài ra, nhóm này có những cái tên như whenineurope.eu, theflooringgirl.com (đây là blog cá nhân về chủ đề… sàn gỗ, thảm, sơn tường…), makingsenseofcents.com (blog về đề tài tài chính cá nhân), myparisianlife.com, v.v…
1.4 Một cái tên… không liên quan
Trường phái này có blog camtuoi.com (mà Quyên nhắc tới ở trên), redwhitedenim.com (một blog về lifestyle kiểu Mỹ),thiswildheart.com (blog về lifestyle của một cặp vợ chồng người Hàn ở Canada)…
Những tên miền thuộc nhóm này, khi mới nhìn qua bạn sẽ khó có thể hình dung được chủ đề của blog là gì nếu không nhìn vào phần tagline bên cạnh (trong trường hợp họ có ghi tagline để Google hiển thị nhé!).
1.5 Tên “giật tít”
Trường phái đặt tên kiểu này thường là đặt một cái tên gây khó hiểu hoặc gây hiệu ứng ngược/hiệu ứng tò mò. Một vài ví dụ thì có Dangerous Business (đây là một blog… du lịch!), Don’t Travel Like Me (người đọc sẽ tò mò tại sao lại… “don’t travel like you?”)
Cá nhân Quyên thì thấy kiểu đặt tên này khá thú vị, vì cái gì “giật tít” thì cũng sẽ lưu vào tâm trí người đọc hơn. Tuy nhiên kiểu đặt tên như vầy, nếu không cẩn thận, cũng dễ trở thành con dao hai lưỡi, khiến độc giả tiềm năng không hiểu blog của bạn muốn nói về chủ đề gì, và có thể bỏ qua không click vào đó!
2. Đặt tên cho blog theo tên của blogger
Vì đây là một cách đặt tên miền khá phổ biến, và thậm chí còn là cách dễ nhất khi bạn… không biết nên chọn cái tên nào cho blog thì nhanh-gọn-lẹ nhất là chọn ngay tên mình luôn cho rồi, nên Quyên muốn dành hẳn một phần để nói về ưu và khuyết điểm của kiểu đặt tên miền này nhé!
2.1 Ưu điểm
Đơn giản dễ hiểu
Đặt tên miền theo tên mình chính là cách đặt đơn giản nhất. Người đọc chỉ cần nghe qua cái tên một lần, nhất là với tên của người Việt nữa, thì lại càng dễ nhớ.
Khó “đụng hàng”
Ngoài yếu tố đơn giản dễ nghe dễ thuộc lòng thì cái tên của riêng bạn còn đảm bảo khả năng không đụng hàng khi chọn mua tên miền và đăng ký tài khoản trên các trang MXH khác.
Người trùng tên thì rất nhiều, nhưng hai người trùng tên với nhau mà cùng có ý định làm blog với cái tên đó thì rất hiếm.
Dễ biến blog thành portfolio
Nếu bạn có ý định lập một trang web với chức năng portfolio hoặc lập một trang blog với cả hai chức năng (blog và portfolio) cùng một lúc thì việc đặt tên blog theo tên của bạn rất có lợi.
Khi nộp đơn ứng tuyển hoặc gửi pitching cho khách hàng tiềm năng (nếu bạn là một freelancer), HR có thể Google tên bạn trên mạng, và nếu kết quả trả về là một trang portfolio chỉn chu thì quá tốt rồi còn gì!
2.2 Nhược điểm
Khó nhớ nếu là tên nước ngoài
Nếu là người Việt với nhau thì việc đặt tên miền theo tên của blogger phải nói là rất dễ, ví dụ như thachpham.com, thekhuong.com (Thế Khương có một blog khác nổi tiếng hơn là kiemtiencenter.com). Nhưng nếu đó là tên bằng tiếng nước ngoài thì lại là chuyện khác, ví dụ… không ở đâu xa, chính là blog misagjone.com của Quyên nè!
Misa thì dễ đọc rồi heng, nhưng Gjone thì 100% người Việt hoặc người không sử dụng tiếng Na Uy/Đan Mạch sẽ bó tay! Gjone là một họ hiếm ở Na Uy và được đọc là… Dù-nơ nhé! Blog du lịch của Quyên có tên phiên âm là mi-sa-dù-nơ.com!
Tương tự với người nước ngoài, khi nghe một cái tên Việt Nam, chẳng hạn như Hoàng Nguyễn Khôi Nguyên, sẽ rất khó để họ có thể phân biệt được các âm tiết này.
Ngoài ra, tên của blogger khi viết thành URL sẽ là hoangnguyenkhoinguyen.com. Tới người Việt đánh máy dính liền + không dấu như vầy đôi khi còn nhầm lẫn, viết sai hoặc viết thiếu, huống chi người nước ngoài.
Không tạo được cảm giác “liên tưởng”
Quay trở lại với những ví dụ về tên miền theo kiểu tên blogger + chủ đề của blog, bạn sẽ thấy ngay là một cái tên miền như mailovesbeauty.vn sẽ giúp người đọc có thể biết ngay tên của blogger + chủ đề của blog mà không cần phải suy nghĩ gì luôn.
Vậy thì nếu blog đó lấy tên là nguyenhanhmai.com, chắc chắn bạn sẽ không thể biết được trang này viết về đề tài gì cho tới khi click vô đó. Tương tự với trang misagjone.com, mới nhìn qua sẽ không ai biết đó là trang về du lịch châu Âu hết cả!
Vì vậy, đây là một nhược điểm (theo cá nhân Quyên là) khá lớn của việc đặt tên blog hoàn toàn theo tên của bạn. Tất nhiên là theo thời gian, khi blog và blogger đã có tên tuổi trong lịnh vực đó thì người đọc sẽ nhớ luôn tên blog như tên một thương hiệu vậy.
Nhưng trước khi đạt được tới “cảnh giới” đó thì blogger còn cả một con đường dài hun hút phía trước!
3. Những lưu ý khi lựa chọn tên miền
3.1 Mua tên miền với đuôi .com
Khỏi phải nói thì bạn cũng đã biết .com là cái đuôi phổ biến nhất hiện nay. Một số đuôi còn đi chung với những quy tắc và ý nghĩa khác nhau, ví dụ .edu thường dành cho các tổ chức giáo dụ, .org cho các tổ chức phi chính phủ, .gov dành cho cơ quan nhà nước, v.v…
Trong trường hợp tên miền bạn chọn đã bị mua với đuôi .com, bạn có thể thử với .net hoặc .me, hoặc thậm chí là cái đuôi theo tên quốc gia (.co.uk cho Anh, .de cho Đức, .vn cho Việt Nam…)
3.2 Tên miền đừng quá giới hạn nội dung của blog
Đồng ý là tên miền nên phản ánh được phần nào nội dung của blog, nhưng bạn cũng hạn chế đừng đặt tên miền quá hẹp, sau này khi muốn phát triển blog theo những hướng khác nhau sẽ rất… trớt quớt.
Ví dụ: Nếu blog bạn là dulichsinhvien.com chẳng hạn, thì sau này khi không còn là sinh viên nữa mà đã ra trường và đi làm thì sẽ có rất nhiều thứ thay đổi ở ngay chính bạn thân bạn: cách tư duy, cách tiêu tiều, phong cách du lịch, v.v… Lúc đó, tự nhiên “du lịch sinh viên” sẽ không còn mang trọn vẹn ý nghĩa như ban đầu nữa.
Vì vậy, thay vì chọn những cái tên có yếu tố thời gian (yếu tố mang tính thay đổi), hãy chọn những tên miền phản ánh tính cách của bạn nhiều hơn. Mặc dù tính cách cũng sẽ có lúc thay đổi chứ không phải bất biến 100%, nhưng chắc chắn sẽ không thay đổi nhiều như thời gian được.
Ví dụ: Giả sử bạn muốn đặt tên miền là dulichtietkiem.com vì bản thân phong cách du lịch của bạn là tiết kiệm. Tất nhiên sẽ có một lúc nào đó bạn cũng thích chiều chuộng bạn thân và vung tay quá trán một chút trong những chuyến đi của mình.
Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những lần “chi đậm” đó mà chỉ tập trung vào những lần đi vui-rẻ mà thôi. Chính tên miền sẽ cho bạn sự linh hoạt trong việc khai thác đề tài của mình.
Tất nhiên sẽ có những trường hợp ngoại lệ là nếu bạn CHỈ MUỐN TẬP TRUNG vào duy nhất một chủ đề thôi, và thường là chủ đề mang tính địa lý, thì tên miền càng chi tiết càng tốt. Ví dụ như trang local-bali.com này của bạn Quyên nè!
3.3 Tên miền ngắn gọn, súc tích
Đừng đặt những tên miền dài sườn sượt như nhungngaynangdepdebendoi.com; hoặc nếu bạn muốn đặt theo tên riêng nhưng tên của bạn lại dài quá, hãy chọn phương án rút gọn (ví dụ: ltnquyen.com hoặc quyenle.com thay vì lethingocquyen.com).
Tên miền càng ngắn gọn bao nhiêu, độc giả của bạn sẽ càng… đỡ mệt bấy nhiêu!
3.4 Lưu ý khi đọc không dấu và viết dính liền
Có thể tên miền của bạn khi đọc và viết thông thường thì nghe rất… bình thường (Dù Mã Mây), nhưng khi viết dính liền không dấu lại thấy… sai sai đến lạ (dumamay.com)!
Vì vậy, trước khi quyết định chọn mua tên miền (cả Anh và Việt đều vậy), bạn hãy thử viết không dấu và viết dính liền theo kiểu URL, sau đó ngồi tự nhìn lại coi có thấy gì sai hay không. Tốt nhất là nên nhờ người khác (những người hoàn toàn không biết gì về tên gốc của URL) nhìn và đọc qua coi họ nhận xét như thế nào.
3.5 Hạn chế (mà tốt nhất là không) các loại dấu và số
Trừ khi bạn có một “ý đồ nghệ thuật” gì sâu xa, hoặc vì thích tên miền đó quá & nhất định phải mua nó, còn không thì hãy tránh xa các thể loại dấu và số.
Dấu “-” sẽ dễ bị nhầm lẫn thành “–” hoặc “_” hoặc nhiều khi người dùng… quên luôn cái dấu. Chưa kể khi đọc tên lên nghe cũng dài dòng văn tự nữa. Ví dụ: đi phượt gạch hết mình chấm cơm – diphuot-hetminh.com!!!
Về số, trừ khi con số mang một ý nghĩa đặc biệt gì đó (VD: 101 trong tiếng Anh có nghĩa là căn bản. Nếu nói khóa học Email marketing 101 nghĩa là Email marketing căn bản) hoặc tạo nên một hiệu ứng đọc đặc biệt, còn không thì Quyên khuyên là bạn nên bỏ qua luôn tiết mục thêm số vào tên miền nha.
Đọc dài dòng là một chuyện, nhưng đọc rồi thì người nghe liệu họ có hiểu là đây là số (khoahoc101) hay phải là chữ (khoahocmotkhongmot)?!
3.6 Không làm copycat
Copycat là từ để chỉ những người cố tình nhái/bắt chước theo phong cách của người khác (không nhất thiết phải là người nổi tiếng). Ví dụ: Bạn thấy blogger A có cách nói chuyện đớt đớt (nói ngọng) được nhiều người khen dễ thương cu-te, thế là bạn cố tình nhái theo mặc dù mình… không bị ngọng.
Với tên miền thì kiểu đặt tên cho blog như vầy không nhiều, nhưng không phải là không có. Ví dụ phổ biến nhất thì chắc bạn sẽ nhớ mấy bức ảnh chế về hàng nhái của Trung Quốc, kiểu như người ta có điện thoại Apple thì “thánh nhái” sẽ có điện thoại AppIe (chữ i viết hoa) chẳng hạn 😉
Việc đặt tên copy như thế này không những không giúp gì được cho blog của bạn, thậm chí có khi còn “tác dụng ngược”. Chưa kể ở Mỹ, rất nhiều blogger chuyên nghiệp có đăng ký bản quyền và bảo hộ tên blog với tư cách là tên thương hiệu đàng hoàng. Láng cháng blogger nào “cả gan” “bú fame” có khi lại còn bị kiện cho sấp mặt!
3.7 Check tên miền trên các MXH khác
Giả sử bạn rất tâm đắc tên miền motcaiblog.com rồi và quyết định sẽ mua nó. Việc cuối cùng bạn cần phải làm trước khi tiến hành mua tên miền đó là check tên miền này trên các MXH khác, phổ biến nhất là Facebook, Pinterest, Instagram, Twitter và LinkedIn. Để làm chi?
Để việc phát triển thương hiệu cá nhân và thương hiệu blog luôn thống nhất với nhau (tiếng Anh: consistancy).
Việc sở hữu một MXH với phần tên trùng khớp với tên miền của blog là rất quan trọng. Nó giúp người đọc không bị loạn, cũng như giúp cho profile và media kit của bạn khi trưng ra với khách hàng nhìn cũng sẽ đẹp mắt và chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Bây giờ, Quyên sẽ chỉ để hai ví dụ này ở đây và không nói gì 😉
- Blog: misagjone.com
- Facebook: facebook.com/misagjone
- Instagram: instagram.com/misagjone
- Pinterest: pinterest.com/misagjone
- LinkedIn: linkedin.com/in/misagjone/
so sánh với…
- Blog: katiedidwhat.com
- Facebook: facebook.com/katiemichelleblog
- Instagram: instagram.com/katie_did_what
- Pinterest: pinterest.com/katiedidwhattt
- Twitter: twitter.com/katiedid_what
Để kiểm tra xem liệu tên miền bạn chọn (VD: motcaiblog.com) đã bị đăng ký trên MXH hay chưa, bạn có thể tự check bằng cách điền motcaiblog vào phía sau đường dẫn của các MXH này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng công cụ knowem.com để check toàn bộ các nền tảng MXH phổ biến nhất hiện nay trên thế giới để biết liệu tên miền của mình còn available hay không như hình dưới này nhé:
4. Hướng dẫn mua tên miền với Namecheap
Sau khi đã nghĩ ra cái tên cho blog rồi, bạn vào trang namecheap.com để mua tên miền (domain). Lưu ý là bạn phải mua tên miền TRƯỚC KHI mua hosting nhé.
Trong hình, Quyên sẽ mua một domain tên là quinnquinn, nhưng ở bước này, Quyên sẽ chưa thể chọn được đuôi .com, .net hay gì hết. Bạn click vào hình kính lúp để tiếp tục.
Ở bước này, bạn sẽ thấy các lựa chọn bắt đầu xuất hiện. Phổ biến nhất là .com, nhưng với tên miền này thì… không hiểu sao nó mắc quá, chứ bình thường đuôi .com như vầy chỉ khoảng từ 5USD tới 10USD mà thôi! Vì chỉ cần domain để làm ví dụ cho bài viết nên Quyên chọn cái rẻ nhất là quinnquinn.xyzchỉ với giá £0.81/năm, hahaha!
Sau khi lựa được domain ưng ý rồi, bạn chọn Add to cart, chờ khoảng vài giây nó sẽ hiện lên cái thanh Checkout như trong hình. Lúc này giá đội lên là £0.95 vì có thêm phí ICANN gì đó nữa.
Lưu ý: Đuôi .com luôn luôn là loại phổ biến nhất, dù giá có mắc hơn hẳn. Nếu đuôi này đã lỡ có người mua rồi thì bạn mới nên chọn đuôi khác.
Đuôi .org thường dùng cho các tổ chức NGO nên bạn KHÔNG chọn nhé. Ngoài ra cũng KHÔNG NÊN chọn đuôi .xyz vì nó không phổ biến, thậm chí còn có thể tạo cảm giác… lừa đảo nữa!
Màn hình tiếp theo sẽ hiện ra như thế này. Bạn để ý hai nút Auto-Renew nhé. Nếu bạn mua một domain chuẩn thì bạn kéo qua để nó hiện lên màu xanh như trong hình. Quyên mua cái dỏm để làm ví dụ thôi nên Quyên tắt chế độ Auto-Renew này đi.
Sau đó bạn chọn Confirm Order. Nếu có Promo Code (mã giảm giá) thì điền vào khung, không thì thôi heng.
Đây là bước tạo tài khoản. Khung bên trái là dành cho ai đã có tài khoản với Namecheap rồi. Nếu chưa, bạn tạo mới từ khung bên phải – Create An Account. Sau khi điền hết thông tin như yêu cầu, bạn chọn nút Create Account and Continue.
Bước này bạn nhớ lưu ý số 1 và 2 trong hình. Nếu làm blog cá nhân, bạn bỏ chọn ở phần số 1. Kéo xuống dưới, bạn chọn như hình số 2. Số 3 là tiếp tục tới bước thanh toán.
Có ba hình thức thanh toán cho bạn tha hồ lựa: Thanh toán bằng thẻ tín dụng, Paypal và cái thứ ba Account Funds là gì Quyên không biết, hihi. Bạn lưu ý phần đóng khung phải y như trong hình nha. Tiếp tục Continue!
Tới đây, bạn check lại một lần nữa các thông tin quan trọng rồi tiến hành thanh toán. Sau khi giao dịch thành công, bạn sẽ thấy hiện ra màn hình “Thank you for…”. Tới bước này là bạn đã mua xong một chiếc domain xinh xinh với Namecheap rồi đó!
Việc còn lại là lựa chọn một dịch vụ cung cấp hosting uy tín và chất lượng để tiến hành mua hosting, kết nối hosting với domain, và sau đó nữa là bắt tay vào xây dựng trang blog mới keng của bạn thôi nè!
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thể nắm hết được những điều quan trọng nhất khi tiến hành đặt tên cho blog, cũng như phần hướng dẫn sẽ giúp bạn có thể thao tác nhanh và dễ dàng hơn nha!
Share this:
- X
Từ khóa » đặt Tên Blog Cá Nhân Hay
-
Tên Blog Hay ❤️️150+ Tên Trang Web Độc Lạ, Ấn Tượng Nhất
-
Đặt Tên Blog Hay - Ấn Tượng Chào Sân Với độc Giả - ATP Software
-
Cách đặt Tên Cho Một Blog Cá Nhân Hoàn Chỉnh DỄ LÀM 100%
-
Ý Tưởng Tên Blog: Mẹo để Chọn Tên Hoàn Hảo Cho Blog Của Bạn
-
4 Cách đặt Tên Blog Hay Giúp Bạn Tạo Thương Hiệu ấn Tượng Với độc ...
-
Top #10 ❤️ Đặt Tên Blog Hay Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 8/2022 ...
-
Gợi ý Tên Blog: Cách Chọn Và đặt Tên Miền Cho Blog
-
Cách đặt Tên Blog Và Chọn Chủ đề Hiệu Quả - GreenMMO
-
Cách đặt Tên Hay Cho Blog Cá Nhân - Bạn đã Biết Chưa?
-
Đặt Tên Cho Blog, Hãy Coi Nó Như Con Của Bạn! | Ngọc Đến Rồi
-
Nhật Ký: Mình đã Tạo Blog Cá Nhân Như Thế Nào? - Duong's Story
-
Đặt Tên Blog Hay - Ấn Tượng Chào Sân Với độc Giả | ATP Software
-
Đặt Tên Miền Cho Blog, Hãy Như Là Đặt Tên Cho Con Của Bạn!