Đất Xanh Services (DXS): Tăng Thị Phần, Tạo Lập Thị Trường Giao Dịch ...

Từ năm 2020, khi dịch covid mới bắt đầu xuất hiện, CTCP Dịch vụ bất động sản Đất Xanh – Dat Xanh Service (mã chứng khoán: DXS) đã tập trung phát triển nền tảng công nghệ trực tuyến để hỗ trợ cho việc bán hàng BĐS, góp phần tạo nên thành công vượt mong đợi cho các dự án triển khai trên toàn quốc.

Nửa đầu năm, lãi ròng tăng 71%, tận dụng cơ hội từ Covid để lấy thêm thị phần

Từ năm 2020 đến nay, do một số ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid, thị trường bất động sản có phần nào bị ảnh hưởng, đặc biệt là thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Quý 2/2021 lượng cung giảm 40% so với quý 2/2020, nhưng tính chung trong 6 tháng nửa đầu năm 2021 thì không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trước sự bùng phát dịch bệnh covid, khi các đơn vị nhỏ hơn gặp nhiều khó khăn thách thức, thì các doanh nghiệp lớn có cơ hội tăng trưởng thêm thị phần từ phần thị phần các công ty nhỏ yếu sức để mất.

Trong lĩnh vực môi giới bất động sản, hiện DXS đang có thị phần môi giới sơ cấp lớn nhất cả nước và có xu hướng tăng thị phần khi nhiều công ty môi giới nhỏ lẻ bị ngừng kinh doanh do dịch bệnh kéo dài.

Trong buổi chia sẻ về hoạt động của DXS cùng các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích CTCK, quỹ đầu tư diễn ra ngày 18.08.2021, lãnh đạo DXS cho biết, nửa đầu năm 2021, doanh thu mảng môi giới BĐS là 1.815 tỷ đồng, cao hơn tổng doanh thu cộng gộp của 3 công ty cùng ngành đang niêm yết là 1.164 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng là 65%, tuy thấp hơn so với cùng kì 2020 ở mức 75%, nhưng cao hơn so với các công ty niêm yết cùng ngành đến 42%. Tổng doanh thu DXS ghi nhận 2.146 tỷ đồng, tăng 127%, lợi nhuận gộp 1.396 tỷ đồng, tăng 96%, và LNST chia về công ty mẹ là 398 tỷ đồng, tăng 71%. Cơ cấu doanh thu theo vùng miền, 49% ở miền Bắc, miền Trung 14% và miền Nam đóng góp 37%. Xét theo cơ cấu doanh thu theo nhóm các chủ đầu tư, nguồn doanh thu từ các dự án của công ty mẹ chỉ chiếm 11% tổng doanh thu môi giới DXS, còn lại 89% đến từ các dự án của các chủ đầu tư khác. Cơ cấu này chứng minh năng lực phân phối đa dạng của DXS, không phụ thuộc vào nguồn dự án của công ty mẹ.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của DXS là 14.478 tỷ đồng, tăng 3.478 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tương ứng tăng 40%, trong đó, tiền và tương đương tiền dồi dào 2.352 tỷ đồng, và dư nợ thấp. Cơ cấu tài chính tốt là lợi thế cạnh tranh để DXS đẩy mạnh hoạt động khi thị trường hồi phục lại sau Covid.

Trả lời câu hỏi từ các nhà đầu tư về kế hoạch kinh doanh năm 2021, bà Nguyễn Thụy Hoàng Phương, Phó Giám đốc tài chính DXS cho biết hiện HĐQT DXS vẫn chưa có quyết định thay đổi chỉ tiêu của các công ty thành viên, nhằm thúc đẩy toàn hệ thống phải quyết tâm nỗ lực, sáng tạo hơn để đạt kế hoạch lợi nhuận 1.483 tỷ đồng năm 2021, và hướng đến mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng năm 2022 nếu điều kiện dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt.

DXS đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó để giảm thiểu tác động của dịch covid, đơn cử như việc áp dụng hệ thống bán hàng online hoạt động 24/7, thu tiền và xác nhận giao dịch hoàn toàn online; tiếp tục tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo nhân sự online,… cũng như liên minh toàn bộ hệ thống để khai thác và bán chéo sản phẩm. Quan trọng nhất là ứng dụng nền tảng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Nhờ vậy, hệ thống DXS có thể duy trì hoạt động kinh doanh gần như bình thường, và vẫn bán được BĐS trên toàn quốc ngay cả trong mùa dịch.

Trước tình hình covid bùng phát, công ty kỳ vọng có thể lặp lại được dấu ấn tiên phong trong ngành BĐS. Lịch sử hơn 10 năm trước, Đất Xanh là đơn vị tiên phong tạo dựng cuộc chơi mới cho ngành BĐS với cách tổ chức sự kiện tư vấn bán hàng tập trung cùng lúc đến hàng ngàn khách hàng, thì nay dựa trên nền tảng công nghệ, DXS dự kiến sẽ tiên phong trong việc sáng tạo, tạo lập công cụ và thói quen giao dịch BĐS mới, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.

Bà Phạm Thị Nguyên Thanh, Giám đốc Điều hành DXS đánh giá, thị trường bất động sản nửa cuối năm 2021 và qua 2022 phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid của chính phủ. Dự báo thị trường sẽ phục hồi và bứt phá sau khi đã tiêm phủ xong vaccine trên diện rộng, cùng với việc triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch ở từng địa phương. Tương tự như ở các quốc gia khác, giá bất động sản thường có xu hướng tăng cao ngay khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, và dự kiến thị trường BĐS Việt Nam sẽ có dấu hiệu lạc quan rõ ràng hơn từ quý 2/2022.

Chiến lược phát triển của DXS dựa trên hệ sinh thái tích hợp, đa nền tảng

Sự kiện Chuyên gia phân tích DXS ngày 18/08 được tổ chức trực tuyến trên nền tảng công nghệ Real Agent for Conference do DXS phát triển

Điểm nhấn trong hoạt động 6 tháng đầu năm của DXS chính là việc IPO thành công vào tháng 4/2021 và đưa cổ phiếu niêm yết lên HOSE trong tháng 7 vừa qua (hiện DXS đang giao dịch tạm trên sàn HNX). Chia sẻ với các nhà đầu tư, lãnh đạo DXS cho biết, thủ tục chuyển giao dịch từ HNX về lại HOSE sẽ được tiến hành sau khi các vấn đề kỹ thuật đã được khắc phục. Dự kiến tháng 9, DXS sẽ giao dịch được trên HOSE.

Với việc IPO thành công, DXS huy động được nguồn vốn 1.100 tỷ đồng để phục vụ cho các mảng kinh doanh, cụ thể là đầu tư nền tảng công nghệ (hiện tại đã giải ngân 200 tỷ đồng); triển khai các hoạt động marketing để phát triển người dùng, tăng thị phần mảng kinh doanh mới (môi giới bán lại, dịch vụ tài chính và quản lý tài sản), đồng thời M&A các doanh nghiệp tiềm năng trong các mảng hoạt động chính của công ty.

Chiến lược xuyên suốt của DXS vẫn là củng cố vị trí số 1 mảng môi giới BĐS thông qua đẩy mạnh môi giới sơ cấp và mở rộng môi giới thứ cấp.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng Giám đốc DXS cho biết, thị trường thứ cấp hiện vẫn còn phân mảnh và phân tán. DXS đã thử nghiệm và đóng gói được quy trình, cũng như mở văn phòng môi giới thứ cấp đầu tiên vào đầu tháng 7 vừa qua. Lợi thế đáng kể nhất của DXS trong thị trường thứ cấp là nguồn hàng, dữ liệu sản phẩm lớn, bởi với thị phần sơ cấp đến khoảng 30% được duy trì hàng năm, trong đó một tỷ lệ đáng kể nguồn hàng sơ cấp sẽ trở thành nguồn hàng thứ cấp, được tích lũy dần qua các năm. Ông Sơn nhấn mạnh, nghề môi giới mấu chốt là sản phẩm và lực lượng kinh doanh. Với lợi thế sẵn có, từ năm 2021, DXS sẽ xâm nhập thị trường thứ cấp cực kỳ tiềm năng.

DXS cũng có chiến lược phát triển mảng dịch vụ có thu phí, đồng thời DXS cũng đang thúc đẩy mạnh hơn chiến lược số hóa, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh. Với việc ứng dụng nền tảng công nghệ Real Agent, DXS có thể đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ và giao dịch lên gấp khoảng 10 lần so với xử lý thủ công. Khi dịch covid bùng phát, trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhờ ứng dụng Real Agent mà DXS duy trì được hoạt động bán hàng trực tuyến với kết quả khá tốt ở các dự án như Gem Sky World, Opal Skyline, The Rivana, Tecco Felice Homes, River Bay, KDC Đồng Nam, Charm City...

Thêm vào đó, khách hàng có thể sử dụng nền tảng công nghệ tài chính Fina để nộp hồ sơ vay và được duyệt vay online. Nhờ vậy, các hồ sơ vay, khoản vay và giải ngân cho khách hàng không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian giãn cách. Thông qua Fina, hiện DXS đã hợp tác cùng Standard Chater, VIB và HD Insurance để phát triển các giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng, và kết nối tổng cộng 30 tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm), giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng giá trị khoản vay đến tháng 7/2021. DXS cũng sẽ ra mắt nền tảng FINA Insuarance – sản phẩm bảo hiểm tài sản và con người.

Hướng đến việc phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng, tháng 4 vừa qua DXS cũng đã thành lập Dat Xanh International nhằm phục vụ khách hàng có nhu cầu mua BĐS tại nước ngoài, hoặc khách hàng nước ngoài muốn mua BĐS tại Việt Nam. Đến nay, Dat Xanh International đã thành lập chi nhánh ở Trung Quốc, Quảng Châu, Bắc Kinh, Hongkong…

Lãnh đạo DXS cho biết, toàn bộ các chiến lược này được xây dựng trên hệ sinh thái tích hợp, đa nền tảng, ứng dụng giữa kinh nghiệm thực chiến của hệ thống DXS trên toàn quốc và công nghệ tiên tiến, hướng đến việc hoàn thành các nhiệm vụ HĐQT và ĐHĐCĐ đã giao.

Phòng Truyền Thông

Từ khóa » Dxs Và Dxg