Dấu ấn Than Na Dương

Mỗi giai đoạn, Công ty Than Na Dương (Than Na Dương) đều ghi những dấu ấn cho riêng mình. Những kết quả đạt được trong chặng đường đã qua của Than Na Dương là minh chứng cho sự quan tâm chỉ đạo của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV- CTCP, là sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ người lao động khi mà việc khai thác than ngày càng khó khăn, đặc biệt môi trường là vấn đề nóng của xã hội… tất cả thách thức đó đều là thước đo cho sự trưởng thành của đơn vị có bề dày truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm”.

Nhìn lại những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, Mỏ than Na Dương được xác định là một trong những công trình đầu tư trọng điểm của Nhà nước, được các bộ, ngành quan tâm và đặc biệt là các chuyên gia Liên Xô (cũ) đã giúp đỡ thiết kế, lắp đặt sử dụng các thiết bị hiện đại công suất lớn. Đặc biệt trong 10 năm, từ năm 1980 đến năm 1990, được coi là thời hoàng kim nhất của Than Na Dương.

Khai thác than ở mỏ than Na Dương

Nhưng bước vào thập kỷ 90, sự chuyển đổi công nghệ của các Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Bỉm Sơn vô tình đẩy mỏ than Na Dương đến nguy cơ phải đóng cửa. Than Na Dương chông chênh bên bờ vực thẳm của giải thể. Giải nguy cho hàng ngàn lao động Than Na Dương là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 124 triệu USD và được khởi công vào quý II/2002 và đến cuối năm 2004, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương chính thức phát điện thương phẩm. Tính ra mỗi năm, mỏ than Na Dương cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương gần 600.000 tấn than sạch.

Và trong những năm gần đây (2004 - 2019), Than Na Dương lại tiếp tục đối mặt với khó khăn khi giải phóng đền bù mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải... Tuy nhiên được sự quan tâm đầu tư đúng hướng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP đã đầu tư chiều sâu cho Công ty Than Na Dương với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, trong đó: Đầu tư đền bù GPMB gần 500ha để cải tạo mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải. Tổ chức khảo sát, thăm dò, đánh giá cấp trữ lượng của mỏ, đầu tư đổi mới hệ thống các thiết bị khai thác đảm bảo đồng bộ, hiện đại của các hãng thiết bị lớn như: Máy xúc thủy lực HITACHI; KOMATSU; CATERPILLAR có dung tích gầu từ 1,8 - 6,7m3. Xe ô tô vận tải VOLVO, CATERPILLAR tải trọng từ 38-60 tấn. Hệ thống máy bơm nước chịu axit công suất 1000m3/h và một số thiết bị máy san gạt khác phục phụ cho quá trình khai thác... Việc đầu tư đổi mới hệ thống thiết bị và công nghệ khai thác đã đưa sản lượng khai thác của Công ty tăng lên hàng năm, năm 2018, than nguyên khai thực hiện đạt 574.715 tấn/KH, tăng 18% so với năm 2017, than sạch và than tiêu thụ đạt 549.733 tấn/KH, tăng 18,3% so với cùng kì năm trước, doanh thu đạt 505,2 tỷ đồng, tiết giảm chi phí đạt 19,6 tỷ đồng/KH, tiền lương bình quân đạt 8,0 triệu đồng/KH. Năm 2019, Than Na Dương cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế so với kế hoạch như: Sản xuất than sạch đạt 585.000 tấn; than nguyên khai đạt 587.500 tấn; tỷ lệ bóc đất đá đạt 9,79; Doanh thu đạt 574 tỷ/KH năm 502 tỷ; Lợi nhuận đạt 20 tỷ bằng 203% kế hoạch.

Than Na Dương có bề dày 60 năm xây dựng và phát triển

Bước vào năm 2020, TKV đề ra mục tiêu chung là “An toàn - Đổi mới - Phát triển”. TKV triển khai các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện đối với từng lĩnh vực sản xuất để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, phát triển sản xuất, đảm bảo tiền lương, đời sống của người lao động…Theo đó, Than Na Dương quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của TKV và nhiệm vụ mà Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc giao. Trước mắt năm 2020, Than Na Dương cần tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn và Tổng công ty giai đoạn 2017-2020; Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả SXKD, gắn liền với công tác đảm bảo ATVSLĐ và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác than, đáp ứng đủ nguồn than cho nhà máy điện Na Dương 1, Na Dương 2 hoạt động; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường GPMB mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải; Đầu tư đổi mới, đồng bộ hóa các thiết bị hiện đại có công suất lớn phù hợp; Tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa các khâu trong dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu quả SXKD; Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu sắp xếp lực lượng lao động phù hợp với mô hình quản trị mới, đảm bảo tinh giản gọn nhẹ nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, Than Na Dương tập trung áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường đảm bảo tiêu chuẩn không ô nhiễm về nồng độ bụi, tiếng ồn ra môi trường, cải tạo môi trường sản xuất, trồng cây phủ xanh đất trống và thực hiện quan trắc môi trường định kỳ nhằm phát hiện, đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời và không để xảy ra tai nạn lao động….

Tương lai không xa, trên vùng đất biên cương của Tổ quốc, Tổ hợp Than - Điện Na Dương hàng năm sẽ sản xuất cho Tổ quốc hàng tỷ kWh điện, tạo ra hàng ngàn việc làm, là hạt nhân của Khu Công nghiệp Na Dương. Tổ hợp Than - Điện Na Dương là thành quả của sự quyết tâm dám nghĩ, dám làm của những người thợ mỏ, của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc và của các thế hệ thợ mỏ Than Na Dương.

Ngày 10 tháng 01 năm 1959 của Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 104/BCN/KH4 về việc thành lập Mỏ Than Na Dương, nay là Công ty Than Na Dương đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP. Ngày 21/3/1959 mỏ Than Na Dương chính thức đi vào hoạt động. Từ đó, ngày 21/3 đã chính thức trở thành ngày thành lập Công ty than Na Dương.

Từ khóa » Than Na Dương