Đau Bụng Kinh: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách điều Trị Và Giảm đau
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Tổng quan về chứng đau bụng kinh
- Nguyên nhân gây đau bụng kinh
- Triệu chứng đau bụng ngày “đèn đỏ”
- Cách điều trị đau bụng kinh tại nhà
- Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
- Chẩn đoán và điều trị đau bụng kinh
- Cách giảm bớt các triệu chứng đau bụng kinh
Định kì mỗi tháng một lần, hội chị em lại đến chu kì kinh nguyệt. Một số người trải qua chu kì của họ rất dễ chịu. Song một số người lại cảm thấy sợ hãi khi nhắc đến. Và triệu chứng hầu như ai cũng trải qua đó chính là đau bụng kinh. Vậy tại sao phụ nữ lại phải trải qua cảm giác khó chịu này? Nó có thực sự cần thiết không? Cách xử trí như thế nào? Hãy cùng ThS.BS Phan Lê Nam tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!
Tổng quan về chứng đau bụng kinh
Đau bụng kinh là những cơn đau nhói, những cơn đau quặn thắt cảm giác như bị chuột rút ở vùng bụng dưới. Đây là một triệu chứng gây khó chịu và phổ biến trong chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, cơn đau có thể gặp ngay trước và trong thời kỳ đang hành kinh.1
Các triệu chứng đau bụng kinh có thể xảy ra theo các mức độ từ nhẹ đến nặng. Đối với phần lớn phụ nữ, cảm giác đau bụng chỉ đơn thuần là cảm giác hơi khó chịu trong những ngày “đèn đỏ”. Nhưng khoảng 10% số ít còn lại, đau bụng kinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn và nó cản trở các hoạt động hàng ngày mỗi tháng khi thời kỳ hành kinh sắp hoặc đang diễn ra.
Xem thêm: Đã đến lúc cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn
Đau bụng kinh thường xảy ra lần đầu tiên sau một hoặc hai năm kể từ khi bạn có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Những cơn đau bụng nguyên phát có xu hướng giảm dần theo tuổi tác và thường cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn sau khi phụ nữ sinh con đầu lòng.2
Ngoài ra, các tình trạng bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung… cũng có thể gây ra những triệu chứng giống như những cơn đau bụng kinh. Do đó, cần phải tìm nguyên nhân để có thể điều trị các triệu chứng trong đau bụng kinh có hiệu quả
Phân loại chứng đau bụng kinh
Đau bụng kinh nguyên phát
Đây là tình trạng bị đau bụng kinh xuất hiện kể từ khi bắt đầu có kinh.
Đau bụng kinh thứ phát
Tình trạng bị đau bụng kinh thứ phát xuất hiện do các bệnh lý thực thể như bệnh viêm vùng chậu hoặc lạc nội mạc tử cung và một số bệnh lý khác. Khi tình trạng bệnh được điều trị, cơn đau bụng kinh thường sẽ biến mất.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Trong thời kỳ kinh nguyệt, tử cung của bạn co thắt lại để giúp tống các lớp niêm mạc bị bong ra ngoài. Nếu co bóp quá mạnh, nó có thể ép vào các mạch máu nuôi tử cung gần đó. Điều này sẽ làm mất lượng oxy dẫn đến tử cung trong thời gian ngắn. Do đó khiến bạn cảm thấy đau nhói và quặn như chuột rút ở vùng bụng dưới.3
Prostaglandin là hoạt chất mà cơ thể tạo ra, cùng với một số chất khác liên quan đến quá trình đau hay viêm có tác dụng kích hoạt các cơn cơ thắt cơ tử cung được xem là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến khó chịu trong kỳ kinh nguyệt như nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu… Nồng độ của các chất này càng cao thì các triệu chứng đau bụng kinh càng nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân bệnh lý
Ngoài ra, đau bụng kinh còn có thể do các tình trạng bệnh lý khác gây nên như:1 3
- Lạc nội mạc tử cung: là tình trạng tồn tại mô các tế bào có cấu trúc và tác dụng tương tự như niêm mạc tử cung nhưng phát triển bên ngoài tử cung. Phổ biến nhất là phát triển ở trên ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc mô lót khung chậu của bạn.
- U xơ tử cung: Những khối u hình thành trong thành tử cung, không phải là ung thư nhưng có thể gây đau.
- Các dị dạng bẩm sinh của tử cung như tử cung hai sừng, tử cung có vách phụ…
- Bệnh viêm vùng chậu: là một bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh dục nữ thường do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
- Hẹp cổ tử cung: Ở một số phụ nữ, cổ tử cung mở nhỏ hoặc cũng có thể do sẹo tử cung làm cổ tử cung bị hẹp, cản trở dòng chảy của kinh nguyệt, làm tăng sự đau đớn do áp lực bên trong tử cung lớn hơn bình thường.
- Mang thai ngoài tử cung.
- Các dụng cụ phòng tránh thai như vòng tránh thai bị lạc khỏi vị trí.
- U nang buồng trứng.
- Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): một số người mắc hội chứng này khi còn trẻ có thể gặp tình trạng đau bụng vào những ngày có kinh.4
- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt: một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh lý này là đau bụng khi có kinh.5
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng đau bụng kinh ở phụ nữ:1 3
- Trẻ hơn 30 tuổi.
- Tuổi bắt đầu có kinh nguyệt sớm, từ 11 tuổi trở xuống.
- Lượng máu ra nhiều hoặc kéo dài trong kỳ hành kinh (rong kinh).
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Có tiền sử gia đình bị đau bụng kinh.
- Hút thuốc hoặc uống rượu.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Chưa từng mang thai.
Triệu chứng đau bụng ngày “đèn đỏ”
Các triệu chứng của đau bụng kinh có thể bao gồm:3
- Đau nhói hoặc chuột rút ở vùng bụng dưới, mức độ có thể nhẹ hoặc dữ dội.
- Đau bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước khi hành kinh, đạt đỉnh điểm 24 giờ sau khi bắt đầu có kinh và giảm dần sau 2 đến 3 ngày.
- Đau âm ỉ, liên tục.
- Đau lan xuống lưng dưới và đùi trong.
Một số trường hợp bị đau bụng kinh nghiêm trọng hơn có thể bao gồm các thêm một số triệu chứng sau:3
- Buồn nôn.
- Phân lỏng.
- Đau đầu.
- Chóng mặt.
- Cáu gắt.
- Ngất xỉu.
Cách điều trị đau bụng kinh tại nhà
Một số biện pháp có thể giúp cải thiện tình trạng đau bụng kinh bạn có thể thực hiện tại nhà như:6
Uống nhiều nước
Uống nước không trực tiếp làm bạn giảm đau nhưng điều này sẽ giảm các nguyên nhân khiến cơn đau càng nặng hơn. Khi đến kỳ kinh nguyệt, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể và hạn chế rượu bia, thức uống có cồn, có gas và caffeine.6
Nghỉ ngơi
Nằm nghỉ ngơi khi thấy cần thiết, ngủ đủ giấc từ 7-8 giờ mỗi ngày để giúp cơ thể phục hồi sức khỏe trong những ngày hành kinh. Khó vào giấc có thể xảy ra đối với một số bạn có triệu chứng đau bụng kinh nặng, bạn hãy thử thư giãn với các tư thế ngủ khác nhau, sử dụng thêm một chiếc gối ôm hoặc nằm sấp cũng có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Giấc ngủ trưa ngắn cũng giúp bạn hồi phục sức khỏe nhanh chóng trong những ngày “đèn đỏ”.1 5
Chườm ấm
Tắm nước ấm hoặc chườm ấm là một trong những cách giảm cơn đau bụng kinh khi đến tháng phổ biến.2 6
Việc tắm dưới vòi hoa sen nước ấm có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Để chườm ấm, bạn sử dụng một chai đựng nước ấm, dùng khăn quấn quanh và đặt lên lưng hoặc vùng bụng dưới, lăn qua lại để giúp giảm bớt cảm giác đau nhức.1 6
Một đánh giá năm 2018 của một nhóm nghiên cứu đã cho thấy liệu pháp nhiệt (thường là miếng dán hoặc túi chườm nóng) có hiệu quả điều trị đau bụng khi hành kinh tương đương với NSAIDS. Nó cũng có thể gây ra ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu khác để có cái nhìn toàn diện hơn.7
Xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới và lưng của bạn
Bạn có thể xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới và lưng để giảm thiểu cơn đau. Đối với người thường xuyên bị đau bụng kinh, bạn nên bắt đầu xoa bóp vài ngày trước kỳ kinh và tiếp tục thực hiện cho đến khi hết kinh. Việc giảm căng thẳng rất có lợi bởi căng thẳng tâm lý có thể làm tăng nguy cơ đau bụng kinh và mức độ nghiêm trọng của chúng.1 6
Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp một số tinh dầu tốt cho sức khỏe và giúp bạn thư giãn như tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu cây xô thơm, tinh dầu kinh giới, tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu hoa hồng.6 8
Lưu ý khi dùng tinh dầu: để hạn chế tối đa tác dụng phụ hoặc dị ứng, bạn nên thử một lượng nhỏ trên da trong vòng 24 tiếng hoặc pha loãng với các loại dầu nền.8
Nghiên cứu đã chỉ ra liệu pháp này có thể làm giảm đáng kể triệu chứng đau bụng kinh.9
Vận động nhẹ nhàng
Tập một số bài tập thể dục nhẹ nhàng khi đang hành kinh như yoga, đi bộ để giảm bớt căng thẳng.1 6
Sử dụng thảo dược
Các biện pháp thảo dược này có chứa các hợp chất chống viêm và chống co thắt có thể làm giảm các cơn co thắt và sưng cơ do đau bụng kinh.8
1. Trà hoa cúc
Các nghiên cứu năm 2012 báo cáo trà hoa cúc làm tăng lượng glycine trong nước tiểu. Điều này sẽ giúp giảm co thắt cơ. Glycine cũng hoạt động như một chất làm giãn thần kinh, giúp tâm trí bạn được thư giãn.10
Bạn có thể uống 2 cốc trà mỗi tuần trước và trong khi có kinh.
2. Chiết suất cây thì là
Một nghiên cứu năm 2012 đã thử nghiệm với các cô gái và phụ nữ từ 15 đến 24 tuổi. Nhóm đã uống chiết xuất cây thì là báo cáo cảm thấy nhẹ nhõm và giảm đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt hơn nhóm không uống.11
3. Quế
Vào năm 2015, những phụ nữ dùng viên nang quế trong một nghiên cứu cho biết ít chảy máu, đau, buồn nôn và nôn khi đến tháng hơn so với nhóm dùng giả dược.12
4. Gừng
Bạn có thể thêm 1 vài lát gừng vào cốc nước ấm và uống để giảm triệu chứng đau do kỳ kinh nguyệt gây ra.8 13
Sử dụng thuốc giảm đau
Trong một số trường hợp nếu áp dụng các cách trên mà cơn đau vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hằng ngày của bạn, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn của bác sĩ như Acetaminophen (Paracetamol, Tylenol)….6
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Khi cơn đau bụng kinh xuất hiện, bạn nên kiêng những loại thức ăn như: đồ chiên rán, đồ ngọt, nhiều chất béo và thức ăn chứa nhiều muối. Thay vào đó, hãy bổ sung những thực phẩm ít béo, nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng, các loại đậu khác, rau xanh, trái cây và các loại hạt.6
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin E, axit béo omega-3, vitamin B1 (thiamin), vitamin B6 và magiê có thể làm giảm đau bụng kinh.1 2
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hầu hết các triệu chứng đau bụng kinh đều có thể cải thiện được nhờ các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau bụng kinh dữ dội hoặc có một trong các dấu hiệu bất thường dưới đây, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám kiểm tra kịp thời:2 3
- Bạn chỉ bắt đầu bị đau bụng kinh dữ dội sau 25 tuổi
- Các cơn đau bụng kinh đau kéo dài hơn bình thường.
- Các triệu chứng đau bụng kinh ngày càng có xu hướng nặng thêm.
- Cơn đau ở vùng chậu đột ngột, dữ dội.
- Bị chảy máu kinh quá nhiều, bạn cần một hoặc nhiều hơn một miếng băng vệ sinh trong mỗi giờ.
- Đau bụng kinh kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân.
- Bạn nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai và có bất kỳ một trong các triệu chứng kể trên xảy ra.
- Bạn bị ngất.
Chẩn đoán và điều trị đau bụng kinh
Những phương pháp chẩn đoán
Để tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng đau bụng mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của bạn và tiến hành khám sức khỏe.
1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ khai thác các thông tin về chu kỳ kinh nguyệt của bạn để chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng kinh là nguyên phát hay thứ phát và đánh giá mức độ đau của bạn như thế nào.
Một số câu hỏi có thể bác sĩ sẽ cần bạn cung cấp thông tin khi đến khám triệu chứng đau bụng kinh như là:1 3
- Độ tuổi bạn bắt đầu có kinh nguyệt là khi nào?
- Độ tuổi bạn bắt đầu có triệu chứng đau bụng kinh dữ dội hơn bình thường?
- Thời điểm bạn đau bụng kinh có trùng hợp với thời điểm bạn bắt đầu có kinh nguyệt hay không?
- Bạn có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng vùng chậu hay không?
- Các chu kỳ kinh nguyệt của bạn cách nhau bao lâu và thường kéo dài bao nhiêu ngày?
- Lượng máu kinh của bạn ra sao? Số lượng băng vệ sinh bạn sử dụng trong 1 giờ? Bạn có bao giờ bị chảy máu giữa các kỳ kinh không?
- Các triệu chứng đau bụng của bạn như thế nào?
- Bạn có các triệu chứng khác khi bị đau bụng kinh không, chẳng hạn như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau lưng, chóng mặt hoặc đau đầu không?
- Các triệu chứng của bạn có khiến bạn hạn chế các hoạt động của mình, không ở nhà làm việc hoặc đi học, hoặc tránh tập thể dục không?
- Nếu bạn đang hoạt động tình dục, khi giao hợp có cảm giác đau không?
- Bạn đã thử những phương pháp điều trị nào chưa, liệt kê nếu có?
- Phụ nữ trong gia đình bạn có tiền sử mắc các triệu chứng tương tự không?
2. Khám thực thể
Bác sĩ sẽ thực hiện khám phụ khoa để kiểm tra xem bạn có vấn đề gì bất thường hay không trong trường hợp nghi ngờ bạn bị đau bụng kinh do nguyên nhân thứ phát: Âm đạo, âm hộ và cổ tử cung được kiểm tra để phát hiện tổn thương và các khối u nhô ra qua lỗ cổ tử cung (nếu có)…
Bụng cũng được kiểm tra loại trừ nguyên nhân do viêm phúc mạc.
3. Xét nghiệm cận lâm sàng
Một số xét nghiệm cận lâm sàng bác sĩ có thể chỉ định để khẳng định chẩn đoán trong một số trường hợp như:1 3
- Xét nghiệm kiểm tra tình trạng mang thai nếu nghi ngờ: xét nghiệm nước tiểu, máu.
- Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng vùng chậu, bạn sẽ được chỉ định soi cổ tử cung và cho xét nghiệm máu để xác định chẩn đoán.
- Siêu âm vùng chậu: Siêu âm là xét nghiệm cần thiết nếu bác sĩ phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình khám vùng chậu hoặc có dấu hiệu đau bụng kinh mới xuất hiện.
Nếu các xét nghiệm trên không thể chẩn đoán và triệu chứng vẫn tồn tại, một số các xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể chỉ định như:1 3
- Chụp X quang tử cung buồng trứng hoặc siêu âm bơm nước buồng tử cung để xác định polyps niêm mạc tử cung, u xơ dưới niêm mạc, hoặc bất thường bẩm sinh.
- MRI để xác định các bất thường khác, bao gồm các bất thường bẩm sinh.
- Chụp hệ tiết niệu có tiêm tĩnh mạch, nhưng chỉ khi dị tật tử cung được xác định là gây ra chứng đau bụng kinh.
- Nội soi ổ bụng, đây là một tiểu phẫu cho phép bác sĩ nhìn trực tiếp vào khoang chậu bằng ống soi sợi quang.
- Nội soi tử cung: bằng cách đưa một ống soi tử cung (một ống sáng mỏng) qua âm đạo , bác sĩ có thể nhìn thấy bên trong cổ tử cung và bên trong tử cung mà không cần rạch mổ.
Những phương pháp điều trị1
1. Sử dụng thuốc giảm đau
Một số loại thuốc có thể sử dụng để giảm đau bụng kinh như Ibuprofen, ketoprofen và naproxen… có hiệu quả trong việc ngăn chặn tác động của prostaglandin.1 2
Để có hiệu quả tốt hơn, những loại thuốc này nên được dùng ngay trước khi bắt đầu hành kinh hay ngay khi bạn cảm thấy các triệu chứng đau bụng kinh và tiếp tục dùng thuốc theo chỉ dẫn trong 2 đến 3 ngày hoặc cho đến khi hết các triệu chứng. Nếu thử một loại không làm giảm được cơn đau, hãy đổi qua loại khác, vì những loại thuốc này không hoạt động giống nhau ở tất cả mọi người.
Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau: Khoảng cách giữa các lần uống giảm đau tối thiểu là 4 giờ/lần; nếu bạn mắc các bệnh lý về dạ dày như loét hay trào ngược, nên sử dụng thuốc sau bữa ăn để giảm bớt các triệu chứng đau dạ dày.
2. Kiểm soát hormone bằng nội tiết tố
Sử dụng nội tiết tố để kiểm soát sinh sản có thể giúp kiểm soát hoặc chấm dứt các cơn đau bụng kinh như:1 2
- Thuốc tránh thai dạng uống có chứa hormone ngăn cản quá trình rụng trứng và giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn đau bụng kinh.
- Các loại thuốc tiêm, miếng dán thẩm thấu qua da hoặc vòng tránh thai chứa hormone.
Những phương pháp này có thể làm giảm hoặc loại bỏ lưu lượng kinh nguyệt dẫn đến ít đau hơn.
3. Phẫu thuật để điều trị đau bụng kinh
Phẫu thuật có thể điều trị một số nguyên nhân gây đau bụng kinh như u xơ, polyp, u nang buồng trứng hoặc lạc nội mạc tử cung.1 2
Ngoài các cách điều trị theo y học hiện đại đã nêu trên, bạn có thể lựa chọn một số phương pháp điều trị theo Y học cổ truyền có thể giúp giảm bớt triệu chứng của đau bụng kinh như: Châm cứu hay bấm huyệt chữa đau bụng kinh, tác động vào một số huyệt đạo trên bụng, lưng và bàn chân có thể làm tăng lưu lượng máu và giải phóng endorphin để thư giãn cả cơ thể trong thời gian ngắn.
Lưu ý: Khi thực hiện điều trị đau bụng kinh theo đông y, bạn nên đến khám ở những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng và có đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm.
Cách giảm bớt các triệu chứng đau bụng kinh
Một số cách giúp phòng ngừa, giảm bớt các triệu chứng đau bụng kinh:
Luyện tập thể dục đều đặn
Việc tập thể dục giúp giải phóng beta-endorphin. Chất này có tác dụng trung hòa hoạt chất prostaglandin trong cơ thể; giúp làm giảm các triệu chứng của đau bụng kinh. Để giúp ngăn ngừa đau bụng khi đến kỳ kinhhiệu quả, bạn hãy tập thể dục đều đặn. Không những thế hãy biến nó trở thành một trong những thói quen tốt duy trì hàng ngày.
Chỉ với 5 phút luyện tập mỗi ngày đối với vùng cơ bụng, điều đó đã có thể thúc đẩy lưu lượng máu và giảm căng thẳng, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu không duy trì được việc tập thể dục đều đặn hàng tuần bạn có thể tiến hành tập vài ngày trước khi bắt đầu hành kinh cũng có thể giúp giảm bớt tương đối các triệu chứng của đau bụng kinh.
Bài tập thể dục tốt nhất để giảm đau bụng là tập thể dục có nhịp điệu (giúp nhịp tim của bạn tăng lên) như đi bộ nhanh, đi xe đạp, bơi lội…
Uống đủ nước hằng ngày
Việc đảm bảo cơ thể đủ nước là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt để chống chọi với các cơn đau.
Hạn chế lượng muối hằng ngày, tránh dùng các chất kích thích và đồ uống có ga.
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lí, chú ý bổ sung vi chất
Giảm bớt lượng muối tiêu thụ hằng ngày (< 2,5 gram mỗi ngày) và tránh uống rượu, sử dụng caffeine, soda, nước tăng lực, sô cô la hoặc trà vì đây là những nguyên nhân khiến cơ thể bị mất nước.
Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung một số loại thực phẩm giảm đau bụng kinh sau để đảm bảo sức khỏe trong suốt kỳ kinh nguyệt như:14
- Trái cây: cái loại trái mọng nước và ngọt.
- Rau màu xanh lá: cải xoăn và rau bina.
- Thịt gà.
- Các loại cá.
- Nghệ.
- Sô cô la đen.15 16
- Quả hạch.
- Dầu hạt lanh.
- Quinoa.
- Sữa chua.
- Đậu phụ.
- Kombucha.
Những thực phẩm cần tránh trong suốt kỳ kinh nguyệt:14
- Muối.
- Đường.
- Cà phê.
- Rượu.
- Thức ăn cay.
- Thực phẩm gây khó tiêu.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là một trong những chìa khóa giúp phục hồi và duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Điều này giúp ích trong việc làm giảm bớt các triệu chứng của cơ đau bụng kinh. Bạn hãy tạo cho mình thói quen đi ngủ đúng giờ vào mỗi tối. Đồng thời việc hạn chế sử dụng điện thoại trước giờ đi ngủ sẽ giúp bạn không bị khó ngủ. Mỗi ngày ngủ đủ từ 7-8 giờ để đảm bảo sức khỏe.
Giữ cân nặng cơ thể ở mức hợp lí
Tình trạng thừa cân, béo phí là một trong các yếu tố nguy cơ làm nặng thêm các triệu chứng của đau bụng kinh.
Trên đây là những thông tin về chứng đau bụng kinh thường gặp ở chị em phụ nữ. Khi có những dấu hiệu bất thường; bạn nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và phát hiện kịp thời những bệnh lý nghiêm trọng.
Từ khóa » đến Tháng đau Bụng ở đâu
-
Đau Bụng Kinh Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Giảm đau ...
-
Phân Biệt đau Bụng Kinh Nguyên Phát Và Thứ Phát - Vinmec
-
Phân Biệt đau Bụng Kinh Và đau Bụng Do Có Thai - Vinmec
-
Đau Bụng Kinh - Cẩm Nang MSD - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Đau Bụng Kinh - Hiện Tượng Thường Gặp ở Phụ Nữ
-
Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị đau Bụng Kinh - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Đau Bụng Kinh Là Gì? Ở Vị Trí Nào? Kiến Thức Cần Biết
-
Đau Bụng Kinh: Nguyên Nhân Và Biện Pháp Giảm đau Hiệu Quả
-
Đau Bụng Kinh ở Vị Trí Nào Bình Thường, Vị Trí Nào Gây Nguy Hiểm?
-
Đau Bụng Kinh Do đâu - Panadol
-
Đau Bụng Dưới Khi đến Chu Kỳ Kinh Nguyệt - Thông Tin Cần Biết
-
10+ Cách Giảm đau Bụng Kinh Nhanh Nhất & đơn Giản Tại Nhà
-
10 Dấu Hiệu Sắp Có Kinh Nguyệt Trước 1 Tuần Dễ Nhận Biết Nhất
-
Đau Bụng Kinh ở Vị Trí Nào Thì Nguy Hiểm Nhất?
-
Điểm Danh Những Bệnh Gây đau Bụng Kinh Dữ Dội
-
Đau Bụng Kinh Nên Uống Gì để Giảm đau Nhanh Chóng?
-
Cách Trị đau Bụng Kinh Cho Bạn Gái, Con Trai Nên Biết - Ferrovit