Đau Bụng Vùng Dưới Rốn ở Phụ Nữ - Báo Tuổi Trẻ

Đau bụng vùng dưới rốn ở phụ nữ - Ảnh 1.

Tuy nhiên nhiều người lầm tưởng rằng đau bụng dưới là đau phần phụ, điều này hoàn toàn sai. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng, cần phân biệt rõ.

Viêm ruột thừa

Các triệu chứng viêm ruột thừa bao gồm đau nhói ở bụng dưới bên phải (P), nôn và sốt. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đến ngay bác sĩ để được thăm khám, siêu âm và làm xét nghiệm tối thiểu vì đây là trường hợp khẩn cấp ngoại khoa. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa viêm này nó sẽ lan nhiễm trùng trong ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng huyết và viêm phúc mạc toàn thể.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính gây ra các cơn đau bụng, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Chúng xuất hiện khi thay đổi chế độ ăn uống, trong tình trạng căng thẳng.

Đau bụng do rụng trứng

Những cơn đau nhói ở bụng vào thời kỳ rụng trứng xảy ra với rất nhiều phụ nữ. Khi rụng trứng, buồng trứng thường rụng một quả trứng cùng với một số chất dịch và máu, điều này gây kích ứng niêm mạc của bụng gây ra các chứng đau.

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, nó làm người đó tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút. Thay đổi nội tiết tố trong một chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tăng cường vận động thể dục thể thao, bổ sung vitamin có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt này.

Mang thai ngoài tử cung

Đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng. Nó xảy ra khi một phôi hình thành và phát triển ở ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau vùng chậu mạnh hoặc chuột rút (đặc biệt là ở một bên), chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt. Trường hợp này người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ ngay.

Bệnh viêm vùng chậu

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là viêm vùng chậu dẫn đến vô sinh ở nữ giới. Bệnh này có thể gây tổn thương viêm nhiễm ở tử cung, hai buồng trứng và ống dẫn trứng ở phụ nữ.

Các triệu chứng bao gồm đau bụng dưới, sốt cao hoặc sốt nhẹ, dịch tiết âm đạo bất thường có thể hôi, đau khi quan hệ tình dục hoặc mót tiểu, trong trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật nếu điều trị nội khoa không hiệu quả.

U nang buồng trứng

Một u nang buồng trứng thường là vô hại nếu u này hoàn toàn lành tính và không gây tác động đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân nhưng nếu u nang ngày càng lớn, gây ra đau vùng chậu dưới, tăng cân và đi tiểu thường xuyên thì cần phải đi khám ngay.

U nang buồng trứng có thể được phát hiện bằng khám phụ khoa và/ hoặc siêu âm vùng bụng tổng quát.

U xơ tử cung

U xơ tử cung thường phát triển ở thành tử cung, nhưng đây không phải là ung thư. U xơ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40 và thường không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, rối loạn kinh nguyệt hay quan hệ tình dục bị đau, hoặc khó khăn trong việc mang thai, có thể ảnh hưởng trong quá trình mang thai.

Bác sĩ có thể can thiệp loại bỏ u xơ tử cung nếu nó ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Song không phải lúc nào u xơ tử cung cũng cần đến can thiệp phẩu thuật loại bỏ khối u nếu chúng không gây các biến chứng và rối loạn trên cơ thể bệnh nhân.

Lạc nội mạc tử cung

Ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung lại phát triển bên ngoài lòng tử cung, nó có thể xuất hiện ở buồng trứng, vòi, ống dẫn trứng, bàng quang, trong ruột và nhiều bộ phận khác của cơ thể.

Sự phát triển bất thường đó khiến cho người phụ nữ bị đau đớn khi cơ thể hành kinh và đây là căn nguyên có thể dẫn đến không thể mang thai ở nhiều phụ nữ do rối loạn nội tiết tố.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là khi vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công bất cứ nơi nào từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng, đi tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời. Nhưng khi nó lây lan đến thận, nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn, mạn tính. Các dấu hiệu của nhiễm trùng thận bao gồm sốt cao, buồn nôn, nôn và đau ở một bên ở vùng lưng dưới. Dấu hiệu nhiễm trùng rõ.

Cần lưu ý đối với nữ thì nhiễm trùng tiết niệu thường hay tái phát đi tái phát lại và dẫn đến nhiễm trùng mạn tính, nhất là khi có các bệnh lý kèm theo, rối loạn kinh nguyệt, quan hệ tình dục bất thường, các dấu hiệu dị dạng ở cơ quan sinh dục, tiết niệu, hay dùng thuốc và nước rửa vệ sinh bừa bãi không hợp lý làm mất đi hệ vi khuẩn tốt ở tại chỗ.

Sỏi thận

Sỏi thận thường là hỗn hợp gồm muối và khoáng chất, cholesterol có trong nước tiểu, chúng có thể nhỏ như một hạt cát hay lớn như những viên sỏi to, thậm chí to bằng nắm đấm tay.

Khi viên sỏi di chuyển từ thận đến bàng quang, nó gây ra những cơn đau ở bụng dưới hoặc vùng xương chậu. Nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ như máu do quá trình di chuyển làm trầy xước niêm mạc của đường tiết niệu gây chảy máu dưới dạng hồng cầu nguyên vẹn (intact erythrocyte) hoặc dạng vết (trace).

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Đau vùng chậu là một dấu hiệu cảnh báo đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phổ biến nhất là nhiễm trùng Chlamydia spp. và bệnh do vi khuẩn lậu. Đây là 2 loại nhiễm khuẩn nguy hiểm có thể gây đau vùng chậu, dẫn đến đi tiểu đau, chảy máu giữa chu kỳ, tiết dịch âm đạo bất thường. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, cần tìm đến bác sĩ để chữa bệnh, tránh lây bệnh cho người bạn tình hoặc chồng/ vợ của mình.

Đau do sa một số tạng ở phụ nữ

Ở những phụ nữ có tuổi, đôi khi gặp xuất hiện chứng sa tạng, điều này cũng gây chứng đau vùng chậu. Những bộ phận dễ bị sa nhất bao gồm bàng quang hay tử cung. Đây không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nó có thể gây khó chịu.

Các triệu chứng phổ biến nhất là tăng áp lực đối với các thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, quan hệ tình dục đau.

Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu

Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân (nhìn thấy ở trong bắp đùi, nhượng chân, khủy chân, vùng quanh gót) và đôi khi có thể phát triển ở khung chậu.

Máu tràn trong các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho trở nên sưng lên và đau. Đây được gọi là hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi bạn ngồi hoặc đứng.

Đau khi quan hệ tình dục

Đau khi quan hệ tình dục có thể do nhiều nguyên nhân, điển hình nhất là do nhiễm trùng âm đạo, thiếu chất dịch tiết (khô âm đạo), hoặc nhiều chứng đau mà ngày nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Đau khi quan hệ tình dục là một chứng đau khó nói ra, khi gặp phải triệu chứng đó, bạn cần đến ngay bác sĩ sản phụ khoa để tìm đúng nguyên nhân. Có rất nhiều loại bệnh tật khiến phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục. Nặng thì có thể còn xuất huyết khi quan hệ tình dục.

Đau vùng chậu mạn tính

Đau vùng chậu xảy ra bên dưới vùng rốn và kéo dài ít nhất 6 tháng, thường được chẩn đoán là chứng đau vùng chậu mạn tính, nhiều khi nó ảnh hưởng cả tới cuộc sống và giấc ngủ của một số phụ nữ. Đối với những trường hợp này, cách tốt nhất là tìm đến một bác sĩ chuyên khoa về đau để tư vấn và điều trị.

Trên đây là một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến đau bụng dưới của phụ nữ mà chúng ta cần lưu ý. Để tìm đúng nguyên nhân khiến phụ nữ đau vùng chậu hãy đến gặp bác sĩ để xác định đúng bệnh và điều trị đúng nguyên nhân.

Từ khóa » đau Rốn ở Nữ