Đau đầu Mất Ngủ Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Giảm Tình Trạng ...

Đau đầu mất ngủ là tình trạng bệnh lý khá phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như hệ thần kinh không được nghỉ ngơi đầy đủ, mắc các bệnh lý tiềm ẩn liên quan hoặc cơ thể thiếu dưỡng chất,…

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

đau đầu mất ngủ là bệnh gì

Đau đầu mất ngủ là bệnh gì?

Đau đầu mất ngủ là bệnh lý có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, trong đó người trung niên, cao tuổi chiếm đa số.

Tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm, sau khi người bệnh ngủ tầm 1 tiếng và có thể kéo dài từ 15 phút cho tới nhiều tiếng đồng hồ sau đó khiến người bệnh khó trở lại giấc ngủ trọn vẹn. Khi đó, chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu từng cơn đều có thể xuất hiện.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Đau đầu mất ngủ nếu diễn ra trong thời gian ngắn thì có thể không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh, khiến người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, suy nhược thần kinh,… Thậm chí, bệnh có thể còn tiềm ẩn các nguy cơ sức khoẻ nguy hiểm khác.

tình trạng đau đầu mất ngủ
Đau đầu mất ngủ thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới

Mối liên hệ giữa đau đầu và mất ngủ

Đau đầu và các vấn đề về giấc ngủ có liên quan với nhau theo nhiều cách, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn. Mất ngủ sẽ gây đau đầu do thần kinh bị căng thẳng, không được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngược lại, đau đầu sẽ khiến bạn khó ngủ hơn và sau đó lại tiếp tục dẫn đến tình trạng đau đầu.

Khi chúng ta ngủ không ngon, cơn đau đầu càng dễ trở nên trầm trọng hơn, nhất là các cơn đau nửa đầu. Nguyên nhân là khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều protein hơn làm giảm ngưỡng chịu đau của cơ thể và gây ra nhiều cơn đau mạn tính. Một nghiên cứu từ Đại học Missouri (Hoa Kỳ) vào 2011 cho thấy việc thiếu giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, xuất hiện trong khoảng 70-90 phút sau khi ngủ) có liên quan tới tình trạng đau đầu khó ngủ.

Trong giấc ngủ REM, nhịp thở, nhịp tim và huyết áp của chúng ta đều tăng lên gần mức tương tự như khi thức. Ngoài ra hoạt động não bộ cũng trở nên tích cực, các giấc mơ cũng thường xuất hiện lúc này. Giấc ngủ REM là thời điểm tái tạo năng lượng lại cho cơ thể, do đó thiếu giấc ngủ REM không chỉ khiến bạn dễ đau đầu mà còn có khả năng gặp phải những cơn đau khác.

Nguyên nhân gây đau đầu mất ngủ phổ biến

Có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu mất ngủ, trong số đó phổ biến nhất có thể kể đến các lý do dưới đây:

banner 100 ca mổ não u tủy sống mb

Do căng thẳng, stress

Đau đầu do căng thẳng là một trong những kiểu rối loạn đau đầu phổ biến hàng đầu – bên cạnh chứng đau nửa đầu.

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa đau đầu do căng thẳng với việc thiếu ngủ. Đây là mối quan hệ 2 chiều: Đau đầu có thể dẫn tới rối loạn giấc ngủ, ngược lại rối loạn giấc ngủ cũng gây kích hoạt các cơn đau đầu. Tất cả đều có liên quan tới các yếu tố tiềm ẩn về cảm xúc, căng thẳng hoặc trầm cảm. (1)

Do tuổi tác

Càng lớn tuổi, thời lượng giấc ngủ càng bị rút ngắn. Nguyên nhân là do hormone Melatonin – có công dụng giúp duy trì nhịp thức ngủ sinh học, hỗ trợ chúng ta dễ đi vào giấc ngủ tối và thức dậy vào buổi sáng – sẽ giảm dần theo tuổi tác. Đây là lý do người già thường khó ngủ.

Thay đổi thời tiết

Thay đổi thời tiết như mưa bão, nắng nóng, thay đổi độ ẩm,… cũng là lý do thường gặp có thể khiến bạn đau đầu và đi kèm ngủ không ngon giấc. Theo Tổ chức nghiên cứu về nhức đầu của Mỹ (National Headache Foundation) cứ 4 người thì có 3 người cho biết bị đau đầu khi có những biến đổi về thời tiết. (2)

Sự thay đổi về áp suất khi thay đổi thời tiết được xem là nguyên nhân tác động tới hoạt chất và điện não. Điều này kích thích tới dây thần kinh và dẫn tới đau đầu và có thể đi kèm mất ngủ.

Mất cân bằng dinh dưỡng

Thiếu máu hay mất cân bằng dinh dưỡng khiến cản trở quá trình tuần hoàn máu đến não cũng là một trong những lý do phổ biến gây ra hiện tượng nhức đầu mất ngủ ở nhiều người.

Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học

Những người thường xuyên thức khuya, giờ giấc sinh hoạt, ăn uống thiếu điều độ, hay sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích… cũng có nguy cơ bị đau đầu và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thói quen sinh hoạt thiếu khoa học có tác động không tốt đến dinh dưỡng, thần kinh, nhịp sinh học khiến cơ thể không có được một lịch trình ngủ nghỉ đúng cách.

Ô nhiễm tiếng ồn

Sinh hoạt, chung sống trong môi trường thường xuyên có tiếng ồn lớn sẽ tác động tới hệ thần kinh, làm tăng nguy cơ bị đau đầu mất ngủ. Chứng đau đầu mất ngủ càng dễ xảy ra hơn khi không gian ngủ không yên tĩnh và không tạo được cảm giác thoải mái.

đau đầu mất ngủ
Môi trường ngủ thiếu yên tĩnh là một nguyên nhân gây đau đầu mất ngủ

Sử dụng thuốc

Đau đầu, khó ngủ, mệt mỏi, thiếu tập trung là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc cảm cúm, thuốc chống dị ứng,… Nếu gặp phải đau đầu mất ngủ, bạn nên kiểm tra lại các loại thuốc mình đang sử dụng nếu có.

Do bệnh lý

Đau đầu mất ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý, trong đó thường thấy nhất là các bệnh mãn tính như thiếu máu não, suy nhược thần kinh, tiểu đường hay lupus ban đỏ, rối loạn tiền đình,… Ngoài ra, bệnh viêm xoang cũng có nguy cơ cao là nguyên nhân tiềm ẩn phía sau khi có tới gần 90% người mắc viêm xoang gặp phải chứng đau nửa đầu.

Đau đầu mất ngủ có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Đau đầu mất ngủ không đơn giản là bệnh lý thông thường mà còn có thể là biểu hiện tiềm ẩn của nhiều vấn đề sức khỏe.

Tác động của một số bệnh mãn tính

Tiểu đường, thiếu máu não, lupus ban đỏ,… và nhiều bệnh mãn tính khác có biểu hiện ban đầu là nhức đầu. Nhiều người xem nhẹ và bỏ qua triệu chứng đau đầu hoặc tự cho rằng nhức đầu là do thời tiết hoặc các yếu tố khách quan khác. Vì vậy nên đồng thời không phát hiện sớm được các bệnh mãn tính liên quan.

Ảnh hưởng của bệnh viêm xoang

Một trong số triệu chứng của viêm xoang là đau đầu (bao gồm cả đau nửa đầu). Việc này có khả năng kéo theo tình trạng mất ngủ. Nếu kiểm soát được viêm xoang thì vấn đề nhức đầu, khó ngủ cũng sẽ dần biến mất.

Bệnh u não

Nếu đau đầu kéo dài từ 1 tháng trở lên, đi kèm ngủ không ngon giấc, thường xuyên khó chịu thì không nên chủ quan tự điều trị tại nhà. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ u não, bạn cần kiểm tra sớm để loại trừ bệnh lý nguy hiểm này.

Cơ thể thiếu dinh dưỡng

Đau đầu mất ngủ cũng cho thấy nguy cơ thiếu máu, thiếu dinh dưỡng. Do đó bạn cần xem lại chế độ ăn uống của mình. Nên đi kiểm tra dinh dưỡng để xem liệu mình có đang thiếu dưỡng chất nào hay không. Khi cơ thể khỏe mạnh thì mới có thể dần khắc phục tình trạng nhức đầu, ngủ không ngon giấc.

Đau nửa đầu

Phụ nữ là đối tượng dễ gặp đau nửa đầu, có tỷ lệ gấp 3 lần so với nam giới. Bệnh thường xảy ra ở người dưới 45 tuổi, trẻ em hay người lớn tuổi thường hiếm gặp hơn. Đau nửa đầu rất hay đi kèm chứng mất ngủ, khó ngủ.

Hướng điều trị chứng đau đầu mất ngủ

Lựa chọn bệnh để chữa trị trước

Để điều trị bệnh đau đầu mất ngủ hiệu quả, bạn cần xác định đâu là nguyên nhân chính. Nếu bệnh bắt nguồn từ đau đầu thì cần tập trung chữa đau đầu trước, từ đó vấn đề mất ngủ cũng sẽ được cải thiện theo.

Ngược lại nếu mất ngủ gây ra đau đầu thì cần khắc phục mất ngủ trước để ngăn ngừa các cơn đau. Theo CDC – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, một số thói quen sau sẽ giúp cải thiện giấc ngủ bao gồm: (3)

  • Hạn chế bị căng thẳng, lo lắng khi đi ngủ
  • Ngủ và thức dậy cố định một khung giờ mỗi ngày
  • Giữ không gian phòng ngủ tối, mát mẻ, yên tĩnh
  • Không tiếp xúc với các thiết bị điện tử gần trước giờ ngủ
  • Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn
  • Vận động thể chất, thể dục thể thao điều độ và đều đặn vào ban ngày

Thêm những thực phẩm hỗ trợ điều trị đau đầu mất ngủ vào thực đơn hàng ngày

Người bị mất ngủ và đau đầu có thể cải thiện các triệu chứng nếu biết cách bổ sung các thực phẩm phù hợp vào bữa ăn hằng ngày. Điều này không chỉ tăng cường dinh dưỡng mà còn hỗ trợ ngủ ngon giấc và giảm bớt các cơn đau.

Theo đó, một số thực phẩm cung cấp nguồn canxi, vitamin B6, melatonin, magie,… dồi dào có lợi cho giấc ngủ và não bộ mà bạn nên tăng cường dùng bao gồm: Các loại cá béo, hạnh nhân, hạt óc chó, chuối, bơ, trứng, yến mạch, trà hoa cúc, các sản phẩm từ sữa,…

khắc phục tình trạng đau đầu mất ngủ
Cá béo, bơ, các loại ngũ cốc,… là những thực phẩm tốt cho trí não và hỗ trợ giấc ngủ

Kết hợp nghỉ ngơi – rèn luyện phù hợp

Để tăng cường sức khỏe nói chung và ngủ ngon, hạn chế các cơn đau nói riêng thì không thể thiếu việc nghỉ ngơi kết hợp rèn luyện hằng ngày.

Chỉ cần vận động 15-30 phút mỗi ngày cũng đủ khiến cơ thể thải độc qua mồ hôi, giảm căng thẳng từ đó giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn. Ngoài ra vận động còn giúp giải phóng nhiều endorphins – loại hormone có công dụng như thuốc giảm đau tự nhiên, từ đó giúp giảm bớt tần suất cũng như mức độ của các cơn đau đầu.

Ngủ bao nhiêu mỗi ngày là đủ?

Nhìn chung, hầu hết mọi người đều cần ngủ từ 7 tới 9 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe. Ngủ ít hơn 7 tiếng được xem là ngủ ít. Nếu ngủ quá nhiều lại khiến chúng ta khó ngủ đúng giấc sau đó hoặc khó ngủ lại khi tỉnh giấc.

Tuy vậy, xét về độ tuổi, thời gian ngủ của một người sẽ thay đổi theo độ tuổi của họ. Trẻ em thường cần ngủ nhiều hơn người lớn. Dưới đây là thời lượng ngủ chi tiết được khuyến cao cho từng nhóm tuổi:

Độ tuổi Số giờ ngủ cần có trong ngày
Trẻ sơ sinh – 3 tháng tuổi Từ 14 – 17 tiếng
Trẻ 4 – 11 tháng tuổi Từ 12 – 15 tiếng
Trẻ 1- 2 tuổi Từ 11 – 14 tiếng
Trẻ 3 – 5 tuổi Từ 10 – 13 tiếng
Trẻ 6 – 13 tuổi Từ 9 – 11 tiếng
Trẻ 14 – 17 tuổi Từ 8 – 10 tiếng
Người từ 18 – 64 tuổi Từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm
Người trên 65 tuổi Từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm

Cách để có giấc ngủ tốt giúp ngăn ngừa đau đầu

Các cơn đau đầu mất ngủ có thể giảm bớt nếu bạn có lịch trình ngủ nghỉ lành mạnh, khoa học. Để hỗ trợ ngủ dễ vào giấc, ngủ sâu giấc hơn bạn có thể áp dụng một số lời khuyên dưới đây: (4)

  • Tập thể dục thường xuyên: Việc tiêu hao năng lượng trong ngày thông qua vận động thể thao là một cách giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. Tuy nhiên đừng nên vận động mạnh lúc sát giờ ngủ vì có thể khiến tinh thần quá hưng phấn dẫn đến khó ngủ. Nếu được bạn nên tập thể dục ít nhất 3 giờ trước khi lên giường.
  • Ăn nhẹ vào bữa tối: Ăn quá no hoặc quá nhiều đồ ăn dầu mỡ dễ gây khó tiêu hoặc thừa thãi năng lượng mà bạn không kịp tiêu thụ. Điều này sẽ khiến bạn hay trằn trọc, ngủ không sâu giấc hơn.
  • Giờ giấc ngủ nghỉ ổn định: Đi ngủ và thức dậy cùng một khung giờ mỗi ngày giúp cơ thể ngủ đủ giấc để cảm thấy thoải mái hơn. Bạn cũng nên duy trì thói quen này ngay cả những lúc có nhiều thời gian rảnh rỗi như ngày cuối tuần.
  • Hạn chế chất kích thích: Bạn không nên dùng bia rượu, các thứ chứa nicotin hay cafein trong khoảng từ 4-6 tiếng trước giờ ngủ. Những chất kích thích này có thể gây khó ngủ – ở một số người là mất ngủ cả đêm.
  • Loại bỏ yếu tố gây ảnh hưởng tới giấc ngủ: Bao gồm các thiết bị điện tử, điện thoại, những vật liên quan tới công việc,… Phòng ngủ chỉ nên là môi trường dành riêng cho chuyện nghỉ ngơi.
  • Tạo thói quen tốt trước ngủ: Thay vì lướt điện thoại, dùng laptop,… bạn nên thử thay thế bằng đọc sách, thiền hoặc tắm nước ấm trước khi ngủ. Những thói quen lành mạnh này giúp thư giãn tinh thần để có giấc ngủ chất lượng hơn.
  • Không ép bản thân phải ngủ: Đừng cố ngủ khi chưa thật sự buồn ngủ. Thay vào đó bạn có thể thức thêm 30 phút tới 1 tiếng. Việc cố ngủ chỉ dễ khiến tinh thần dễ cảm thấy bực bội, khó chịu và càng khó ngủ hơn.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Thiếu ngủ và nhức đầu có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khiến các chức năng khác nhau trong cơ thể khó phục hồi. Nếu cảm thấy tình trạng đau đầu mất ngủ kéo dài dai dẳng, không thuyên giảm dù đã áp dụng nhiều cách cải thiện tại nhà, bạn nên nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để có thể phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn nếu có. Từ đó kịp thời điều trị đúng cách chứng đau đầu mất ngủ.

Từ khóa » đau đầu Chóng Mặt Uể Oải