Đau đáu Với Rừng Gỗ Lớn - ThienNhien.Net | Con Người Và Thiên Nhiên

Bình Định đặt mục tiêu 30.000ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Trước mắt, từ nay đến năm 2025, sẽ hình thành 10.000ha.

Mục tiêu 10 nghìn ha rừng gỗ lớn

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 417.485ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 335.120ha, gồm 216.196ha rừng tự nhiên và 118.924ha rừng trồng (70.540ha rừng trồng sản xuất và gần 48.500ha rừng trồng phòng hộ). Đây là điều kiện thuận lợi, tiềm năng lớn để Bình Định phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Một lãng phí rất lớn về rừng trồng ở Bình Định là từ trước đến nay, hầu hết rừng của hộ dân đều được khai thác non để bán gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp.

Rừng trồng của các hộ dân ở Bình Định hầu hết được khai thác non để bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. (Ảnh: Vũ Đình Thung)

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành lâm nghiệp, khai thác rừng non kiểu “ăn xổi” như nói trên, trước tiên người trồng rừng bị thiệt thòi về thu nhập. Bởi, giá trị gỗ nguyên liệu thấp, rất phung phí tài nguyên.

Nếu rừng trồng mới 5 năm tuổi đã khai thác, bình quân người trồng rừng có mức doanh thu 120 triệu đồng/ha; nhưng nếu “nuôi” rừng đến 10 năm, khi đã thành rừng gỗ lớn mới khai thác thì mức doanh thu có thể đạt đến 250 triệu đồng/ha.

Trong quá trình “nuôi” rừng gỗ lớn, người trồng chỉ tốn thêm công bảo vệ, bởi từ năm thứ 5 trở đi, rừng “ăn” rất ít phân bón, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, chất lượng gỗ tốt hơn, tỷ trọng cây gỗ cao hơn. Khai thác 1 khối gỗ non chỉ đạt 0,7 tấn, nhưng khai thác cây gỗ lớn 1 khối đạt đến 1 tấn.

Trước thực trạng trên, để tránh lãng phí tài nguyên rừng, phát huy thế mạnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng trồng, từ năm 2018, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2440/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2035”, với mục tiêu hướng đến sở hữu 30.000ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Bình Định sẽ hình thành 10.000ha rừng gỗ lớn.

Tiên phong thực hiện “Đề án phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2035” ở Bình Định là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh) và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh). Hiện nay, 3 công ty nói trên đã trồng mới, chuyển hóa được 2.700ha rừng sang rừng gỗ lớn.

Rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, để thực hiện đề án phát triển rừng gỗ lớn sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến, tiêu thụ và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, Bình Định đã lấy các công ty lâm nghiệp trực thuộc tỉnh làm mẫu hình đi đầu.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là đơn vị đầu tiên ở Bình Định đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo chuỗi khép kín từ chọn và ươm giống, đầu tư công nghệ và kinh phí nhằm nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững, đáp ứng các quy định khắt khe theo chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi đã giao Sở NN-PTNT làm chủ công trong công tác triển khai đề án phát triển rừng gỗ lớn, tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý rừng bền vững của để phát huy hiệu quả rừng trồng, tăng hiệu quả kinh tế, tiến tới hình thành chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp từ cây giống chất lượng cao, trồng rừng, khai thác, chế biến và xuất khẩu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, chia sẻ.

Gỗ nguyên liệu khai thác non hiện chỉ có giá 900.000 đồng/tấn, cao điểm hơn 1,2 triệu đồng/tấn. (Ảnh: Vũ Đình Thung)

Từ năm 2020 đến nay, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh và chính quyền các xã Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa triển khai mô hình trồng 95ha rừng gỗ lớn sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô được công nhận, với 28 hộ dân tham gia.

Theo đó, năm 2020 đã trồng được 40ha tại xã Canh Hiển, năm 2021 trồng được 55ha tại 2 xã Canh Hiệp và Canh Hòa. Đây là mô hình trồng rừng gỗ lớn đầu tiên ở Bình Định mà chủ rừng là hộ dân. Tham gia mô hình, các hộ dân được dự án hỗ trợ 100% cây giống dòng AH1, BV75, phân bón, kỹ thuật.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Bình Định, rừng trồng năm 2020 có tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, cây sinh trưởng, phát triển vượt trội so với rừng trồng của người dân ngoài mô hình. Đến nay, rừng trồng trong mô hình gần như không bị sâu bệnh, cây có đường kính thân từ 2 – 3cm, cao từ 2,5m trở lên.

Ông Đỗ Duy Thụy (SN 1960), người tham gia trồng 26ha rừng gỗ lớn thuộc dự án khuyến nông tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) chia sẻ: “Những diện tích rừng trồng gỗ lớn của tôi chưa được 1 năm tuổi mà cây đã cao lút đầu, cành lá phát triển ngời ngời, ai thấy cũng trầm trồ”.

Theo ông Thụy, rừng gỗ lớn có thời gian kéo dài đến 10 năm, nên phải trồng liên vùng để tránh tác động từ bên ngoài, nhất là tình trạng rừng của mình mới đi được nửa chặng đường, diện tích trồng rừng ngắn hạn bên cạnh đã thu hoạch. Thu hoạch xong họ đốt thực bì để trồng mới, dễ dẫn đến tình trạng cháy rừng lây lan.

Do đó, khi tham gia vào dự án trồng rừng gỗ lớn của ngành khuyến nông, ông Thụy đã vận động 6 hộ trồng rừng chung quanh cùng làm luôn. Xung quanh diện tích rừng gỗ lớn cũng cần trồng những loại cây bản địa để chắn gió để rừng được an toàn trong mùa mưa bão.

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định). (Ảnh: Vũ Đình Thung)

Chất lượng giống đặc biệt quan trọng

Ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh kể: Vào năm 2010, đơn vị này trồng tại xã Canh Giao 90ha rừng với quyết tâm “nuôi” thành rừng gỗ lớn. Đến năm 2019, 90ha rừng nói trên đã cho khai thác với năng suất đạt mức không tưởng, lên đến 180 tấn/ha.

Theo ông Tùng, trong trồng rừng gỗ lớn, việc chọn cây giống là rất quan trọng, nếu sử dụng giống cấy mô thì càng hiệu quả. Kế đến là phải tác động lâm sinh đúng quy trình, rừng phải được chăm sóc kịp thời, đúng mùa vụ, trong suốt chu kỳ phải cho cây rừng “ăn” ít nhất 1 lứa phân.

“Sử dụng giống cấy mô rừng phát triển có độ đồng đều rất cao; cây dẻo, có thể trụ vững trước gió bão; chống chịu sâu bệnh hại rất tốt, đặc biệt cây rừng phát triển rất nhanh, vừa trồng xuống là lên vùn vụt”, ông Tùng nói.

Ông Tùng nêu điển hình: Vụ trồng rừng năm 2017, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh trồng 400ha rừng với giống cấy mô, chỉ 2 năm sau diện tích rừng nói trên đã cao đến 4 – 5m, giờ đã phát triển ngút ngàn, trong khi những cánh rừng khác trồng cùng thời điểm với giống dâm hom phát triển không bằng một nửa với rừng trồng bằng giống cấy mô.

Rừng gỗ lớn của hộ dân Bình Định. (Ảnh: Vũ Đình Thung)

“Công ty dự kiến sẽ thực hiện trồng theo kiểu cuốn chiếu đạt 1.000ha rừng gỗ lớn, đến năm 2030 chu kỳ khai thác sẽ khép kín. Khi ấy, cứ mỗi năm chúng tôi khai thác khoảng 100ha, sản lượng thu được sẽ tương đương với 300ha so với trước đây. Thêm vào đó, giá trị rừng gỗ lớn còn được tăng thêm 30%. Chỉ riêng diện tích rừng gỗ lớn, chúng tôi đã có khoản doanh thu tốt để hoạt động”, ông Cái Minh Tùng cho biết.

“Trong thời gian tới, Bình Định tiếp tục triển khai đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn và phấn đấu ngày càng có nhiều diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề nghị các ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ rừng, đặc biệt là các hộ dân tham gia trồng rừng trên địa bàn thấy được lợi ích khi rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Thực tế cho thấy lợi nhuận từ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cao hơn rừng chưa được cấp chứng chỉ từ 20 – 30 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.

Nguồn: Vũ Đình Thung - Kim Sơ/nongnghiep.vn

Bài liên quan:

  1. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  2. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn gỗ bất hợp pháp
  3. Gia Lai: Từng vạt rừng tự nhiên tiếp tục bị “phá trắng” ở Mang Yang
  4. Loay hoay phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững
  5. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  6. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  7. Trồng keo gỗ lớn: “Cái khó bó cái khôn”!
  8. Gắn trồng rừng gỗ lớn với cây bản địa
  9. Sản xuất cao su bền vững hướng tới phát thải thấp

Từ khóa » Hinh Anh Go Rung