Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn: Nguyên Nhân Và Phương Pháp điều Trị

1. Đau dây thần kinh liên sườn và dấu hiệu nhận biết

Theo cấu tạo cơ thể người, các dây thần kinh liên sườn nằm ở bờ dưới mỗi xương sườn. Dây thần kinh liên sườn kết hợp với các mạch máu tạo thành bó mạch thần kinh gian sườn đi dọc theo bờ dưới của xương sườn. Đây là vị trí nông nên dễ bị tổn thương do các yếu tố bên ngoài tác động, trong đó có các bệnh lý cột sống, tủy sống, xương sườn và thành ngực.

Đau dây thần kinh liên sườn gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống

Đau dây thần kinh liên sườn gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống

Khi bị đau dây thần kinh liên sườn, triệu chứng điển hình là cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh bị tổn thương. Triệu chứng thường gặp là cảm giác đau ngực, tức ngực, đau lan ra các khu vực xung quanh từ cột sống đến cạnh sống.

Ngoài ra, tùy vào dây thần kinh liên sườn bị tổn thương và các bệnh lý liên quan mà đặc điểm triệu chứng của người bệnh cũng khác nhau. Đây cũng là đặc điểm đánh giá mà bác sĩ kiểm tra và phân biệt bệnh. Cụ thể như sau:

Thoái hóa cột sống ngực gây đau dây thần kinh liên sườn

Thoái hóa cột sống ngực gây đau dây thần kinh liên sườn

1.1. Đau dây thần kinh liên sườn do thoái hóa cột sống ngực

Hầu hết những người mắc chứng đau dây thần kinh liên sườn thuộc nhóm này là những người cao tuổi. Đặc điểm bệnh gây đau âm ỉ ở vùng cột sống, cơn đau tăng khi người bệnh cử động hoặc ấn vào giữa cột sống. Theo thời gian, đau dây thần kinh liên sườn do thoái hóa cột sống ngực sẽ ngày càng tăng lên gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thường ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1.2. Đau dây thần kinh liên sườn do ung thư hoặc lao cột sống

Cơn đau cột sống do lao cột sống hoặc ung thư cột sống ngực dữ dội và cục bộ hơn so với tình trạng thoái hóa. Với trường hợp này, bệnh nhân cần được can thiệp điều trị sớm bởi bệnh có thể dẫn đến biến dạng cột sống nguy hiểm.

Ngoài đau dây thần kinh liên sườn, bệnh còn gây các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi thường xuyên, sụt cân, sốt nhẹ,…

1.3. Chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống do lực tác động mạnh hoặc vận động sai tư thế với cường độ mạch có thể gây đau dây thần kinh liên sườn. Cơn đau thường khá cục bộ tại vị trí cột sống bị tổn thương.

Cẩn thận đau dây thần kinh liên sườn sau chấn thương cột sống

Cẩn thận đau dây thần kinh liên sườn sau chấn thương cột sống

1.4. Bệnh lý tủy sống

Đặc điểm cơn đau dây thần kinh liên sườn do bệnh lý tủy sống là cơn đau dạng khu trú tại vùng tủy mắc bệnh, đau một bên và lan dọc theo sườn dạng vòng đai. Triệu chứng bệnh nhìn chung khá mơ hồ nên ngoài thăm khám lâm sàng cần kết hợp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh xác định.

1.5. Đau dây thần kinh liên sườn do zona thần kinh

Zona thần kinh là nguyên nhân thường gặp gây đau dây thần kinh liên sườn kết hợp với triệu chứng đau rát ở vùng da dọc theo dây thần kinh. Đặc biệt khi chạm vào vùng da này hoặc tiếp xúc với quần áo, cơn đau tăng lên.

Ngoài ra, vùng da dọc theo dây thần kinh liên sườn mọc các mụn nước nhỏ trên nền ban đỏ, sau khoảng vài ngày sẽ vỡ ra rồi đóng vảy khô. Bệnh nhân cũng xuất hiện các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt nhẹ,…

Đôi khi cơn đau dây thần kinh liên sườn khó xác định do nguyên nhân nào, triệu chứng đau cũng không đặc trưng. Bệnh nhân thường gặp phải cơn đau âm ỉ, liên tục, đau tăng lên khi hít thở sâu hoặc thay đổi tư thế.

2. Chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn

Chẩn đoán tìm nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn là rất quan trọng để điều trị bệnh lý tận gốc. Ngoài dựa trên khám lâm sàng và khai thác thông tin bệnh sử, triệu chứng thì các kỹ thuật hình ảnh có vai trò quan trọng để chẩn đoán nguyên nhân và tình trạng bệnh.

Chụp X-quang chẩn đoán nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn

Chụp X-quang chẩn đoán nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn

Các kỹ thuật cận lâm sàng thường dùng bao gồm: Chụp X-quang cột sống ngực hiệu quả trong chẩn đoán chấn thương, chụp CT cột sống ngực khi nghi ngờ có khối u, chụp MRI kiểm tra thoái hóa đốt sống cổ hoặc xét nghiệm máu kiểm tra nhiễm độc, đái tháo đường,…

Dựa trên nguyên nhân bệnh lý và tình trạng đau dây thần kinh liên sườn mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Điều trị sớm giúp giảm đau và giảm biến chứng thần kinh như đau kéo dài, liệt thần kinh và vận động,…

3. Cần điều trị đau dây thần kinh liên sườn như thế nào?

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn theo hướng điều trị bệnh lý nguyên nhân kết hợp với giảm đau để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Các biện pháp điều trị có tác dụng giảm đau hiệu quả bao gồm:

3.1. Thuốc giảm đau

Đa phần cơn đau dây thần kinh liên sườn sẽ được cải thiện với các loại thuốc giảm đau thông thường không kê đơn như: ibuprofen, paracetamol, diclofenac,… Tuy nhiên cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng bừa bãi không đúng liều lượng có thể dẫn đến ngộ độc gan và các biến chứng dạ dày nguy hiểm.

Khi đau dây thần kinh liên sườn nghiêm trọng không đáp ứng với thuốc giảm đau không kê đơn, bệnh nhân có thể cần đến thuốc giảm đau hướng thần kinh như gabapentin để đạt hiệu quả tốt hơn. Thuốc tác dụng trực tiếp lên dây thần kinh nên giảm đau tốt hơn, song cũng sẽ gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe nếu dùng kéo dài.

Bên cạnh dùng thuốc giảm đau, thuốc bổ sung Vitamin nhóm B bao gồm: B1, B2, B6, B12 có tác dụng hỗ trợ hoạt động của bao myelin và tế bào thần kinh cũng được chỉ định.

Thuốc giảm đau cải thiện chứng đau dây thần kinh liên sườn

Thuốc giảm đau cải thiện chứng đau dây thần kinh liên sườn

3.2. Điều trị can thiệp

Đau dây thần kinh liên sườn không đáp ứng với thuốc hoặc triệu chứng kéo dài khó kiểm soát thì biện pháp giảm đau can thiệp bằng gây tê dây thần kinh thường được áp dụng.

Như vậy, đau dây thần kinh liên sườn có thể do nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau song đặc điểm chung là không thể tự khỏi, ngược lại triệu chứng kéo dài dai dẳng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nên đi khám và điều trị sớm khi đau dây thần kinh liên sườn xuất hiện, tránh để bệnh lâu ngày gây liệt, giảm hoạt động của dây thần kinh. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khóa » Giải Phẫu Bó Mạch Thần Kinh Gian Sườn