Dấu Giáp Lai Là Gì? Cách đóng Dấu Giáp Lai? - Công Ty Luật Minh Gia

Dấu giáp lai là gì? Cách đóng dấu giáp lai? Con dấu doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là dấu hiệu đặc biệt, không trùng lặp, nhằm phân biệt giữa doanh nghiệp, cơ quan này với doanh nghiệp, cơ quan khác khác. Con dấu là đại diện pháp lý của tổ chức đó, có giá trị xác nhận các quyền và nghĩa vụ pháp lý được pháp luật công nhận. Chính vì lẽ đó mà con dấu pháp nhân phải được quản lý hết sức cẩn thận để tránh những rủi ro do bị thất lạc, giả mạo,…Con dấu doanh nghiệp dù là con dấu tròn hoặc con dấu vuông đều có giá trị pháp lý. Hiện nay, có rất nhiều dạng con dấu cũng như cách sử dụng dấu tương ứng, một loại dấu được sử dụng rất nhiều đó là dấu giáp lai. Vậy dấu giáp lai là gì, sử dụng dấu giáp lai trong những trường hợp nào? Hãy tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia để được giải đáp.

Mục lục bài viết

  • 1. Dấu giáp lai là gì ?
  • 2. Cách đóng dấu giáp lai
  • 3. Các văn bản cần sử dụng dấu giáp lai
    1. 3.1 - Sổ chứng thực
    2. 3.2 - Bản sao
    3. 3.3 - Văn bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt

1. Dấu giáp lai là gì ?

Dấu giáp lai là con dấu dùng để đóng lề trái hoặc phải của tài liệu bằng 2 tờ trở lên để tất cả các tờ có thông tin về con dấu có thể đảm bảo tính xác thực của từng tờ văn bản và ngăn chặn thay đổi nội dung, tài liệu sai lệch. Việc đóng dấu giáp lai trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định. Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

Đóng dấu giáp lai nhằm những mục đích như sau:

- Đóng dấu giáp lai sẽ giúp tránh được việc thay đổi tài liệu được trình hoặc được nộp khi có nhu cầu giao kết hợp đồng hoặc có nhu cầu làm hồ sơ để nộp cho các cơ quan nhà nước.

- Đóng dấu giáp lai sẽ giúp bảo đảm tính khách quan của tài liệu để tránh văn bản bị thay thế hoặc bị làm sai lệch kết quả đã được xác nhận trước đó.

2. Cách đóng dấu giáp lai

Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP nghị định về công tác văn thư thì việc sử dụng con dấu và cách đóng dấu giáp lai được thực hiện như sau:

“Điều 33. Sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật

1. Sử dụng con dấu

a) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.

b) Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.

c) Các văn bản ban hành kèm theo văn bản chính hoặc phụ lục: Dấu được đóng lên trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục.

d) Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.

đ) Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

2. Sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật

Thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức được sử dụng để ký số các văn bản điện tử do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao từ văn bản giấy sang văn bản điện tử”.

3. Các văn bản cần sử dụng dấu giáp lai

Về các văn bản, giấy tờ cần đóng dấu giáp lai có quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

- Sổ chứng thực

Tại Điều 13 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP

+ Sổ này dùng để theo dõi, quản lý các việc đã chứng thực tại cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực.

+ Sổ chứng thực được viết liên tiếp theo thứ tự từng trang không được bỏ trống, phải đóng dấu giáp lai từ trang đầu đến trang cuối sổ và thực hiện theo từng năm.

Khi hết năm phải thực hiện khóa sổ và thống kê tổng số việc chứng thực đã thực hiện trong năm; người ký chứng thực xác nhận, ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu.

- Bản sao

Tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP

+ Đối với bản sao có từ 02 trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

+ Mỗi bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản hoặc nhiều bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản trong cùng một thời điểm được ghi một số chứng thực.

+ Bên cạnh đó, văn bản cần được đóng dấu giáp lai cũng được quy định tại Điều 49 của Luật Công Chứng năm 2014: “Văn bản công chứng có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự. Văn bản công chứng có từ hai tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ.”

- Văn bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt

Điều 61, Luật Công chứng thì các giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng thì:

- Người phiên dịch ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.

- Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải.

- Bản dịch được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.

Trân trọng!

Từ khóa » Cách đóng Dấu Giáp Lai Nhiều Trang