Đau Gót Chân: Những Nguyên Nhân Thường Gặp

Nội dung bài viết

  • 1. Nguyên nhân
  • 2. Ai dễ bị đau vùng gót chân?
  • 3. Khi nào bạn cần đi khám chuyên khoa?
  • 4. Điều trị như thế nào?

Chứng đau tại vùng gót chân là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Người bệnh thường than phiền đau xảy ra sau khi ngủ dậy, phải đi lại một lúc mới hết. Nó luôn gây khó chịu, phiền toái trong sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh. Vậy đau gót chân thường do những nguyên nhân gì gây ra? Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.

1. Nguyên nhân

Nguyên nhân hay gặp nhất gây đau vùng gót chân là do tổn thương phần mềm vùng gót chân. Có thể gặp ở những nguyên nhân như sau:

1.1. Viêm gân gót (Gân Achille)

Bạn sẽ cảm thấy đau khi bước đi. Cảm giác đau sẽ đỡ hoặc không còn thấy đau khi nghỉ ngơi. Khi thử ấn vào một điểm cuối gân gót (gần gót chân) sẽ có cảm giác đau chói. Viêm gân gót thường hay tái phát, nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ luôn có nguy cơ đứt từng phần hoặc đứt hoàn toàn gân gót.

Viêm gân gót có nguy cơ bị đứt gân hoàn toàn nếu không được điều trị sớm
Viêm gân gót có nguy cơ bị đứt gân hoàn toàn nếu không được điều trị sớm

1.2. Viêm gân ở bàn chân

Thường gặp viêm những gân bám tận trên xương gót.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

1.3. Viêm cân gan chân (hoặc “gai xương gót”)

Cân gan chân giống như là một tấm “dây chằng” che phủ cơ, mạch máu, thần kinh. Đây là nguyên nhân gây đau ở gót chân mà nhiều người gặp phải nhất.

Đau do viêm cân gan chân thường bị nhầm lẫn là do “gai xương gót”. Thực chất, “gai xương gót” không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau ở gót chân. Nó là hậu quả của tình trạng viêm cân gan chân kéo dài, dẫn đến canxi hóa tại điểm bám cân gan chân ở gót chân.

Nhiều người bệnh đau gót chân mà không có gai xương. Ngược lại, nhiều người có gai xương nhưng lại không thấy đau, hoặc có gai xương cả 2 bên nhưng chỉ đau 1 bên.

Viêm cân gan chân là nguyên nhân thường gặp nhất của đau gót chân
Viêm cân gan chân là nguyên nhân thường gặp nhất của đau gót chân

1.4. Bệnh Haglund

Bệnh gây nên do sự cọ xát giữa giày dép và xương gót. Bệnh biểu hiện bằng đau phía sau gót, gặp chủ yếu ở phụ nữ trẻ tuổi. Đôi khi, bệnh còn kèm theo phì đại lồi củ sau xương gót.

Ngoài các nguyên nhân trên thì đau ở gót chân còn có thể do: 

  • Chấn thương vùng gót gây tổn thương bầm dập, đứt rách phần mềm, viêm nhiễm khuẩn.
  • Bệnh mạch máu chi dưới do vữa xơ, suy tĩnh mạch gây cản trở lưu thông máu, thiểu dưỡng dẫn đến cảm giác đau.
  • Tổn thương thần kinh như: Chèn ép thần kinh chày sau (trong hội chứng đường hầm cổ chân); kẹt thần kinh cơ dạng ngón út (thường có đau gót, bàn chân kèm theo rối loạn cảm giác như tê bì, nóng rát…).
  • Tổn thương xương: Viêm màng xương, viêm xương gót, gãy xương do chấn thương… Những nguyên nhân này ít gặp.

2. Ai dễ bị đau vùng gót chân?

Tình trạng này thường hay gặp ở những đối tượng:

  • Thường xuyên phải mang vác nặng.
  • Đi bộ đường trường.
  • Người hay phải đứng lâu.
  • Người thừa cân.
  • Người bị dị dạng bàn chân.
  • Vận động viên thể thao có các động tác tác động mạnh, thường xuyên lên phần gan chân như: Bóng rổ, bóng chuyền, điền kinh…
Các vận động viên dễ gặp các cơn đau ở gót chân do luyện tập
Các vận động viên dễ gặp các cơn đau ở gót chân do luyện tập

Nếu lực tác động mạnh có thể gây bầm dập, đứt rách phần mềm, nặng nề có thể gây gãy xương gót. Trong trường hợp lực tác động nhẹ nhưng kéo dài sẽ tạo nên những vết rách rất nhỏ (vi chấn thương) ở phần mềm, từ đó kích hoạt viêm tại chỗ, gây đau gót. Chính vì đau do viêm nên bạn sẽ có những cảm nhận đau nhiều về đêm và sáng sớm, đồng thời sẽ thuyên giảm sau 8 giờ sáng hằng ngày.

>> Ngoài đau gót, gãy xương cũng là trường hợp thường gặp phải. Tìm hiểu những kiến thức cơ bản: Gãy xương bàn chân: Những kiến thức cơ bản cần biết

3. Khi nào bạn cần đi khám chuyên khoa?

Trường hợp đau gót chân xuất hiện ngay sau những chấn thương nhẹ (do chơi thể thao, đi giày mới quá chật, đi trên nền cứng không bằng phẳng, dẫm phải sỏi đá…) làm tổn thương trực tiếp đến mô mỡ đệm ở gót chân: Bạn thường chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là hết, có thể dùng thuốc giảm đau bôi tại chỗ.

Nếu thuộc các trường hợp sau, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp:

  • Chấn thương nặng gây đau gót chân kèm sưng nề, bầm dập nhiều phần mềm, không đi lại được…
  • Đau khởi phát không rõ yếu tố chấn thương.
  • Đau kéo dài, hay xảy ra về đêm và sáng.

Trong các trường hợp trên, bạn cần đi gặp bác sĩ chuyên khoa Thần kinh – Cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

4. Điều trị như thế nào?

Bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị đau gót chân tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng đau của bạn. Bác sĩ có thể kết hợp điều trị triệu chứng bằng các biện pháp bảo tồn, can thiệp phẫu thuật nếu có chỉ định.

4.1. Điều trị bảo tồn

Áp dụng với chấn thương nhẹ, tổn thương viêm các gân, cân cơ không nhiễm khuẩn. Đa số bệnh nhân sẽ cải thiện triệu chứng rõ rệt nếu điều trị đúng cách. Các biện pháp điều trị bảo tồn bao gồm:

  • Chống viêm tại chỗ: Thuốc giảm đau dùng đường toàn thân (đường uống) thường kém hiệu quả. Vì vậy cần thiết sử dụng thuốc chống viêm tác động tại chỗ.
  • Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt – nghề nghiệp.

4.2. Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật là phương án cuối cùng. Bác sĩ chỉ định trong trường hợp điều trị bảo tồn đúng mà vẫn không giảm đau, hoặc trong trường hợp chấn thương đứt rách phần mềm, dây chằng, cân cơ, gãy xương…

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân gây nên đau vùng gót chân. Nguyên nhân thường hay gặp là do tổn thương phần mềm vùng gót chân, nhất là viêm cân bàn chân. “Gai xương gót” không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau gót chân như nhiều người vẫn lầm tưởng. Khi bị đau gót chân kéo dài hoặc ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc, bạn  nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Từ khóa » đau Má Gót Chân