Dấu Hiệu Cho Thấy Trẻ Căng Thẳng Và Lo Lắng - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Các dấu hiệu căng thẳng, lo lắng ở trẻ thường biểu hiện dưới dạng những thay đổi về thể chất hoặc hành vi. Trẻ em phản ứng với căng thẳng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, tính cách, kỹ năng đối phó. Các bé có thể không nhận ra sự lo lắng của chính mình, thường không thể giải thích đầy đủ các vấn đề. Điều này có thể khiến nhiều cha mẹ bỏ qua các nguyên nhân cơ bản gây ra hành vi của con. Do đó, cha mẹ cần phải nhận ra các dấu hiệu căng thẳng ở trẻ, tìm hiểu các nguyên nhân có thể xảy ra. Người lớn cần giúp bé kiểm soát căng thẳng, lo lắng. Trong nhiều trường hợp, một số trẻ có thể bị rối loạn lo âu cần nhận sự trợ giúp của chuyên gia.
Thay đổi hành vi hoặc cảm xúc
Lo lắng có thể khiến trẻ hành động theo những cách có thể khiến cha mẹ bực bội hoặc khó hiểu. Người chăm sóc cần nhận ra rằng những vấn đề về hành vi và cảm xúc này có thể liên quan đến cảm giác lo lắng.
Một số dấu hiệu, hành vi phổ biến của căng thẳng, lo lắng bao gồm: tâm trạng dễ thay đổi, bạo lực, nóng nảy hoặc đeo bám; xuất hiện một số thói quen về thần kinh như cắn móng tay; khó tập trung; sợ bóng tối, sợ ở một mình hoặc sợ người lạ; gặp rắc rối ở trường; tích trữ những vật phẩm kỳ lạ; từ chối đi học; trộm tiền từ gia đình hoặc của bạn bè.
Thay đổi về thể chất
Căng thẳng, lo lắng cũng có thể biểu hiện qua thể chất. Một số dấu hiệu bao gồm: đái dầm; thường xuyên đau bụng hoặc đau đầu; giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn đột ngột; khó ngủ, gặp ác mộng hoặc các triệu chứng thể chất khác.
Cha mẹ nên quan sát những dấu hiệu này thường xảy ra trước hoặc sau một số hoạt động nhất định nào và liệu có các triệu chứng đi kèm như đau, sốt, phát ban, tiêu chảy không.
Nguyên nhân căng thẳng ở trẻ em
Nguồn gốc của sự lo lắng và căng thẳng ở trẻ em có thể xuất phát từ những tác nhân bên ngoài như khó khăn ở trường, thay đổi trong gia đình hoặc xung đột với bạn bè. Sự lo lắng cũng có thể do cảm xúc, áp lực bên trong trẻ gây ra, chẳng hạn như muốn học giỏi hoặc hòa nhập với các bạn cùng lứa tuổi.
Có những nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng ở trẻ em như:
Áp lực học tập: Nhiều trẻ lo lắng về điểm số, thứ hạng ở trường. Áp lực học tập đặc biệt phổ biến ở những trẻ em sợ mắc lỗi hoặc sợ mình thất bại.
Những thay đổi lớn trong gia đình: Những xáo trộn lớn trong cuộc sống như cha mẹ ly hôn, mất người thân, chuyển nhà hoặc có thêm anh chị em mới có thể làm lung lay cảm giác an toàn của con, dẫn đến bối rối, lo lắng. Chẳng hạn, đứa trẻ có thể cảm thấy bị đe dọa và ghen tị khi bố mẹ sinh thêm em; người thân đột ngột qua đời có thể khiến trẻ bị sốc tâm lý và đau buồn, dẫn đến nỗi ám ảnh về cái chết...
Bắt nạt: Bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều trẻ em. Nó có thể diễn ra âm thầm hoặc công khai, và có thể gây tổn hại về thể chất. Những đứa trẻ bị bắt nạt thường cảm thấy xấu hổ khi bị nhắm đến và chúng có thể che giấu việc bị bắt nạt với cha mẹ hoặc giáo viên vì sợ tiếp tục bị cô lập.
Internet tiêu cực: Các tiêu đề và hình ảnh bạo lực, khủng bố, tiêu cực trên Internet có thể khiến trẻ em cảm thấy khó chịu. Khi nhìn thấy và nghe về các tin tức tiêu cực, một số trẻ có xu hướng lo lắng điều tồi tệ tương tự có thể xảy ra với bản thân hoặc người thân trong gia đình.
Sự bất ổn của cha mẹ: Mối quan tâm về tiền bạc và công việc, bất ổn trong gia đình và sự kích động của cha mẹ có thể dẫn đến cảm giác bất lực tột độ cho những đứa trẻ muốn giúp đỡ gia đình nhưng không đủ khả năng để làm điều đó.
Mức độ hòa nhập: Phần lớn trẻ em muốn hòa nhập với các bạn và được mọi người yêu thích. Áp lực để hòa đồng và trở thành tâm điểm chú ý có thể gây sức ép cho tinh thần. Việc bị cô lập hoặc chia bè phái có thể tạo thành tổn thương cho trẻ.
Lịch học quá dày đặc: Liên tục chạy lịch học này sang lịch học khác có thể gây ra rất nhiều căng thẳng cho trẻ vì các em cần thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động thể chất.
Xem phim hoặc sách bạo lực: Những câu chuyện hư cấu cũng có thể gây ra sự lo lắng hoặc đau khổ ở trẻ em. Trẻ có thể bị ảnh hưởng với những cảnh đáng sợ, bạo lực hoặc khó chịu trong các bộ phim, sách, truyện hoặc trò chơi điện tử.
Cách giúp trẻ vượt qua căng thẳng
Có nhiều phương pháp lành mạnh có thể giúp trẻ đối phó với căng thẳng, lo âu. Điều chúng cần là sự trợ giúp và hướng dẫn từ người lớn, chứ không phải sự kiểm soát và điều khiển.
Ở nhà: Cha mẹ nên tạo một bầu không khí thoải mái trong gia đình và cam kết thực hiện một thói quen. Chẳng hạn, cả nhà quây quần ăn tối và trò chuyện hoặc chơi game cùng nhau, điều này giúp giải tỏa căng thẳng cho trẻ và tạo sự gắn kết, chia sẻ trong gia đình. Hãy biến ngôi nhà thành một nơi yên tĩnh, an toàn và ấm áp để tạo sự thoải mái cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ nên theo dõi các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, sách báo hoặc mạng xã hội của con.
Cho trẻ quyền lựa chọn: Cho phép con có thể kiểm soát, lựa chọn hoặc giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống của chúng. Cha mẹ nên đồng hành cùng con, cho con biết trước bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra và thảo luận về các tình huống mới, ví dụ như chuyển nhà, chuyển trường. Bên cạnh đó, người lớn nên ủng hộ trẻ tham gia các hoạt động xã hội và thể thao để tạo lối sống tích cực cho con.
Hành động của cha mẹ: Cha mẹ nên áp dụng các thói quen tốt như tập thể dục và chăm sóc bản thân để kiểm soát căng thẳng theo cách lành mạnh. Bởi vì trẻ có xu hướng bắt chước các hành vi của người lớn.
Cha mẹ cũng cần theo dõi các biểu hiện và hành vi mới của con để nắm bắt kịp thời sự thay đổi trong tâm lý và thể chất của trẻ.
Học cách thực sự lắng nghe con mà không chỉ trích hoặc giải quyết mọi vấn đề cho chúng. Giải thích và hướng dẫn để dạy con cách hiểu và xử lý các khó khăn trong cuộc sống. Thường xuyên động viên và dành lời khen cho trẻ khi chúng làm việc tốt. Mặt khác, người lớn cũng nên áp dụng các phương pháp kỷ luật giúp thúc đẩy lòng tự trọng lành mạnh ở trẻ.
Cha mẹ cũng có thể tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn, trị liệu nếu các dấu hiệu căng thẳng của trẻ không thuyên giảm, hoặc nếu con trở nên thu mình, chán nản. Các vấn đề trong trường học hoặc mối quan hệ với bạn bè cũng là những nguyên nhân khác cần quan tâm.
Châu Vũ (Theo Verywellfamily)
Từ khóa » Em Lo Lắng
-
Về Đây Em Lo | Huỳnh Ái Vy | Nhạc Trẻ Tik Tok Hot - YouTube
-
EM LO LẮNG Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Điều Gì Làm Em Lo Lắng - VA | Playlist NhacCuaTui
-
Về Đây Em Lo - Huỳnh Ái Vy - Zing MP3
-
Đừng Để Anh Lo Lắng - Phạm Trưởng - Zing MP3
-
Đừng Lo Lắng Cho Em (Dj Hiếu Phan Remix) - Nipe
-
Lời Bài Hát Lỡ (Lê Chí Trung) [có Nhạc Nghe]
-
Em Hay Lo Lắng Về Vấn đề Gì? Chia Sẻ Một Tình Huống ấn Tượng Nhất ...
-
Con Gái Lo Lắng - Nhà Xuất Bản Trẻ
-
Teo âm đạo - Bệnh Khiến Nhiều Chị Em Lo Lắng
-
Tìm Hiểu Hội Chứng Lo Lắng Bị Xa Cách ở Trẻ | Vinmec
-
Em Lo Lắng Một điều Sẽ Mất Anh Trong đời?
-
Hậu COVID-19 ở Trẻ Em, Có Nên Lo Lắng Quá Mức? - Bộ Y Tế