Dấu Hiệu để Nhận Biết Bệnh Sởi

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 30 - 40 triệu trường hợp mắc bệnh sởi và khoảng 750.000 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ em. Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng quay trở lại và gia tăng trong những năm gần đây, các trường hợp mắc sởi chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.

Tại Hà Giang, trong thời gian từ năm 2015 - 2017 toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc sởi xác định. Tuy nhiên, năm 2018, 2019 bệnh có dấu hiệu quay trở lại với nhiều trường hợp được ghi nhận, đối tượng tập trung ở trẻ từ 1- 5 tuổi chiếm 80%. Tính từ đầu năm đến ngày 5.4, toàn tỉnh ghi nhận trên 120 trường hợp nghi ngờ mắc sởi trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Yên Minh và Đồng Văn. Bệnh sởi thường xảy ra quanh năm, lây truyền theo đường hô hấp do các chất tiết của mũi, họng có chứa vi rút sởi bắn ra ngoài không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, chính vì vậy nên khả năng lây lan rất nhanh theo diện rộng và dễ dàng lan từ người bệnh sang người lành.

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5oC - 40oC, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp. Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Sau đó lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Ban sởi hình tròn hoặc bầu dục, có màu đỏ hồng nhạt. Các ban có thể kết với nhau thành từng mảng. Khi sởi mọc hết, trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Ban sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm, sau khoảng 1 tuần thì hết các vết thâm, tuy vậy, trẻ vẫn còn mệt, kém ăn hoặc còn sổ mũi, nhiều dử mắt. Sau khoảng vài tuần từ khi có dấu hiệu bệnh sởi đầu tiên là bệnh khỏi nếu không có biến chứng gì.

Bệnh sởi là một bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, tiêu chảy, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm kết mạc, suy dinh dưỡng... các biến chứng là nguyên nhân chính của tử vong do mắc sởi.

Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch và hiện đã có vắc xin phòng bệnh, chính vì vậy trước những diễn biến phức tạp của bệnh sởi xảy từ đầu năm đến nay, các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế các xã, phường khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và đủ 18 tháng tuổi, đồng thời khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh sởi cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm. Phần lớn bệnh nhân sởi trong trường hợp nhẹ thường được hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà như theo dõi nhiệt độ, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, giữ vệ sinh cơ thể trẻ, lau người cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm, cho trẻ ăn uống đủ chất, thức ăn dễ tiêu,… Bên cạnh đó, theo dõi sức khỏe của trẻ nếu trẻ có các dấu hiệu nặng lên như: Sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy nhiều, ban sởi lặn hết mà vẫn còn sốt thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Đối với những trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi kể cả người lớn thì cần đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu có dự định sinh con cũng nên đi tiêm phòng vắc xin sởi trước khi mang thai để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.

Từ khóa » Hinh Anh Sởi