Dấu Hiệu Khi Bị Cước Chân Vào Mùa đông & Cách Khắc Phục

Thời tiết giao mùa từ thu sang đông-xuân cùng với sự thay đổi thất thường của khí hậu là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút gây bệnh phát triển. Trong đó, cước chân tay vào mùa đông là một trong những bệnh ngoài da khá phổ biến.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguy6en nhân, các triệu chứng của bệnh cước tay chân cùng với cách chữa bệnh tại nhà nhé!

Bệnh cước là gì?

Bệnh cước chân là tình trạng viêm các mạch máu nhỏ nằm dưới da, khiến da bị đổi màu thành đỏ, xanh tím, trắng,… Đồng thời, da cũng bị sưng lên, phồng rộp và gây ngứa do thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ lạnh và ẩm ướt. Thời tiết lạnh và tuần hoàn kém được xem là 2 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng bệnh.

Nguyên nhân bị cước chân

Khi da chịu tác động của thời tiết nhiệt độ thấp, các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, từ đó khiến máu lưu thông kém, không cung cấp đủ oxy cho những vùng da cần được nuôi dưỡng. Điều này gây nên tình trạng da bị phù nề màu đỏ sẫm, đôi khi bị loét và gây ngứa da.

Triệu chứng bị cước chân

Người bị cước chân, tay thường có các biểu hiện sau:

  • Đầu ngón tay, ngón chân sưng đỏ
  • Nóng rát, ngứa da như bị châm chích
  • Da chuyển từ đỏ sang xanh đậm, kèm cảm giác đau 
  • Nặng hơn có thể sưng phồng, mưng mủ, loét

Cách chữa cước chân mùa đông tại nhà

cách chữa cước chân mùa đông tại nhà

Bệnh cước chân, tay thường sẽ tự động biến mất sau 1-3 tuần khi thời tiết và cơ thể ấm dần lên. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu, ngứa ngáy có thể khiến bạn muốn tìm cách chữa cước chân nhanh nhất. Một số biện pháp hữu ích giúp khắc phục bệnh cước chân tại nhà mà bạn có thể áp dụng, bao gồm:

  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay, chân. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hoặc quá nóng. Nhiệt độ thay đổi quá nhanh sẽ khiến tình trạng cước chân vào mùa đông nghiêm trọng hơn.
  • Không gãi khi bị cước, chỉ nên xoa nhẹ để tránh bong tróc, nhiễm trùng. Tránh làm ấm vùng da bị cước bằng cách mát-xa hay chà xát vì nó sẽ làm tăng cảm giác ngứa rát ở da.
  • Khi vết cước dần hồi phục, bạn có thể bôi kem dưỡng nhẹ, không mùi để giữ ẩm cho da. Đặc biệt là khi da bị sưng phồng hay mưng mủ. Bạn cũng hãy cố gắng giữ cho làn da sạch sẽ và cung cấp độ ẩm cho da bằng cách uống nhiều nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng da.
  • Bỏ hút thuốc. Hút thuốc làm co mạch máu và chậm thời gian hồi phục.
  • Tắm với nước ấm. Sau khi tắm, bạn hãy ngâm tay chân vào nước ấm pha gừng và muối từ 5-10 phút. Việc này giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giúp lưu thông máu. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng gừng tươi thái lát mỏng xát lên vùng bị cước. Mỗi ngày làm 1-2 lần liên tục trong vòng một tuần.

3 bài thuốc hỗ trợ giảm đau do bị cước chân, tay vào mùa đông

bài thuốc chữa cước chân

Bạn có thể áp dụng cách chữa cước chân mùa đông với một số bài thuốc đơn giản sau:

Bài 1: Quế chi: 60g, nước sạch: 1 lít

Cho quế chi vào nồi đất đun sôi, giảm nhỏ lửa chừng 10 – 15 phút rồi đổ ra chậu. Xông vào tay chân, khi nước nguội bớt thì ngâm cả tay chân vào chậu thuốc, vừa ngâm vừa xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị cước. Áp dụng hàng ngày vào buổi sáng và tối.

Bài 2: Anh đào: 500g, rượu hoặc cồn 40 độ: 0,5 lít

Ngâm anh đào vào rượu trong thời gian từ 3 – 5 ngày. Dùng rượu xoa bóp nhẹ nhàng vùng tay, chân bị phát cước ngày 2 lần. Dùng hàng ngày cho đến khi cải thiện vùng da bị tổn thương.

Bài 3: Nhục quế: 12g, đinh hương: 6g, ngũ linh chi: 6g

Nghiền tất cả nguyên liệu như: nhục quế, đinh hương, ngũ linh chi thành bột mịn, sau đó trộn với dầu gừng thành bột dẻo, ráo. Dùng hỗn hợp này đắp vào vùng bị phát cước ở tay, chân kể cả những chỗ bị loét. Đắp hỗn hợp này từ 1 – 2 lần/ngày để giảm tình trạng vùng da bị cước chân.

>>> Bạn có thể quan tâm: Trời lạnh da khô phải làm sao? 5 cách giúp da mềm mượt hơn

Ai có nguy cơ bị cước chân?

Bạn có nguy cơ bị cước chân hơn nếu: 

  • Quần áo quá bó hoặc để lộ da trực tiếp tiếp xúc với trời lạnh
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cước chân nhiều hơn nam giới
  • Có cân nặng lớn hoặc nhẹ hơn 20% cân nặng tiêu chuẩn cho chiều cao của bạn
  • Sống ở khu vực ẩm ướt. Người sống ở khí hậu lạnh và độ ẩm cao dễ bị cước chân hơn ở khu vực lạnh và khô.
  • Người có lưu thông máu kém có xu hướng nhạy cảm hơn với sự thay đổi của nhiệt độ.
  • Người mắc hiện tượng Raynaud. Là tình trạng bệnh lý co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp thời tiết lạnh hoặc trong các tình huống căng thẳng, làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho các mô và tế bào. Ngón tay, ngón chân, tai, núm vú và chóp mũi là những vùng bị ảnh hưởng phổ biến nhất.
  • Bị bệnh Lupus. Một rối loạn tự miễn phổ biến nhất có mối liên hệ với bệnh cước.

Biến chứng của cước chân 

Bệnh cước có thể gây ra biến chứng nếu bạn bị phồng rộp da, từ đó gây nên loét và nhiễm trùng. Bên cạnh cảm giác đau đớn, nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bạn cần đến cơ sở thăm khám ngay lập tức khi gặp dấu hiệu bị cước như trên, tránh tự ý sử dụng thuốc khiến các biến chứng nặng nề hơn. 

Cách phòng tránh bệnh cước chân mùa đông

cách phòng tránh bệnh cước chân

Một lưu ý chung để phòng tránh bệnh cước là bạn cần giữ ấm cơ thể đúng cách. Ngoài ra, bạn cần lưu ý:

  • Tránh để da hở dưới thời tiết lạnh và ẩm hay các hóa chất tẩy rửa mạnh trong thời gian dài
  • Mặc nhiều lớp quần áo để khóa nhiệt hiệu quả hơn so với mặc 1 lớp dày
  • Đi giày thoải mái và vừa vặn
  • Lau khô chân sau khi tắm
  • Đi tất len hoặc cotton để da chân thoải mái hơn
  • Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày để thúc đẩy lưu thông máu
  • Không hút thuốc lá
  • Ăn nhiều rau quả và các loại trái cây, đồng thời cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể từ 1,5 lít – 2 lít.

>>> Bạn có thể quan tâm: Mách nàng cách chăm sóc tóc mùa đông mềm mượt như nhung

Bị cước ở chân tay khiến người bệnh đau đớn nhưng nếu biết cách kiểm soát bệnh, chúng thường không để lại dấu hiệu bệnh gì nghiêm trọng và lâu dài. Cước chân không chỉ xuất hiện vào mùa đông mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Nếu bạn thường xuyên bị cước ở chân tay, vết cước lâu lành hoặc bạn nghĩ vùng da cước bị nhiễm trùng, hãy đến bệnh viện để có phương án điều trị phù hợp.

Từ khóa » Cách Chữa Chân Bị Phát Cước