Dấu Hiệu Lâm Sàng Và Cận Lâm Sàng, Chẩn đoán Ung Thư Phế Quản ...

BVK – Ung thư phổi ở giai đoạn thường ít có các triệu chứng rõ ràng, nhiều người bệnh có thể bị ho khan kéo dài, tức nặng ngực, khó thở khi gắng sức. Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên như viêm phế quản, lao phổi do đó thường gây tâm lý chủ quan, rất khó phát hiện bệnh. Tuy nhiên, tính chất của các triệu chứng trong bệnh ung thư phổi có sự khác biệt, đó là kéo dài, tăng dần, liên tục, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.

Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn muộn hơn

Đến giai đoạn muộn hơn, các dấu hiệu rõ rệt dần xuất hiện, các triệu chứng rõ ràng hơn khi khối u phát triển lan rộng, xâm lấn đến cơ quan xung quanh hoặc di căn xa đến các cơ quan khác.

- Các triệu chứng hô hấp:

+ Ho tăng lên, có thể ho đờm lẫn máu (triệu chứng đuôi khái huyết)

+ Khó thở: gặp ở giai đoạn muộn khi u to, chèn ép, bít tắc đường hô hấp.

+ Khò khè, thở rít do u chèn ép phế quản lớn.

- Các triệu chứng do u xâm lấn và chèn ép:

- Khối u xâm lấn thành ngực

+ Đau ngực: vị trí điểm đau thường tương ứng với khối u

+ Hội chứng tràn dịch màng phổi do u xâm lấn, di căn màng phổi.

-Khối u xâm lấn đến các thành phần trong trung thất

+ Nấc và khó thở: u chèn ép cơ hoành

+ Khàn tiếng: do u chèn ép dây thần kinh thanh quản quặt ngược

+ Phù áo khoác: phù mặt và nửa thân trên

+ Hội chứng chèn ép tim cấp: do tràn dịch màng tim.

+ Nuốt nghẹn: u chèn ép thực quản gây nuốt nghẹn

- Triệu chứng do di căn xa: Ung thư phổi thường di căn đến các cơ quan như gan, não, xương, tuyến thượng thận, màng phổi.

Cận lâm sàng chẩn đoán ung thư phổi

- Chẩn đoán hình ảnh

+ Chụp X quang lồng ngực là phương pháp cơ bản để phát hiện tổn thương ở phổi. Một số hình ảnh X quang hay gặp: bóng mờ nham nhở, bờ tua gai, bóng mờ có những bờ cong tạo thành nhiều vòng cung...

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT): Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được chỉ định thường quy trong chẩn đoán ung thư phổi. Vai trò của cắt lớp vi tính lồng ngực với ung thư phổi gồm:

- Xác định đặc điểm của khối u và hạch: hình dáng, kích thước, vị trí.

- Lựa chọn phương pháp sinh thiết, vai trò rất lớn trong hướng dẫn sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính.

Đánh giá giai đoạn bệnh: mức độ lan rộng, xâm lấn của khối u và hạch.

- Siêu âm ổ bụng hoặc CT ổ bụng: giúp đánh giá di căn gan, tuyến thượng thận, hạch ổ bụng.

- Chụp MRI não, xạ hình xương: đánh giá tổn thương tại não và xương. Đây là xét nghiệm thường quy để đánh giá mức độ di căn của ung thư phổi.

- Chụp PET-CT: là phương pháp tốt nhất đối với ung thư phổi để phát hiện các tổn thương di căn xa ngoài não.

- Nội soi phế quản: Chỉ định cho những trường hợp u trung tâm. Qua nội soi cho phép xác định tổn thương và sinh thiết làm mô bệnh học.

- Mô bệnh học: không những cho phép chẩn đoán xác định bệnh mà còn xác định thể mô bệnh học, độ mô học giúp cho việc lựa chọn điều trị và tiên lượng bệnh. Bệnh phẩm có thể được lấy sinh thiết khối u phổi hoặc tổn thương di căn (hạch thượng đòn, tổn thương não, gan, tuyến thượng thận).

Các xét nghiệmkhác

- Chất chỉ điểm khối u: Cyfra 21-2, CEA với ung thư biểu mô tuyến, SCC với ung thư biểu mô vảy, Pro-GRP và NSE với ung thư phổi tế bào nhỏ.

- Xét nghiệm gen: xác định các đột biến gen có ý nghĩa trong điều trị.

- Test chức năng hô hấp: đánh giá chức năng hô hấp trước phẫu thuật.

- Các xét nghiệm huyết học và sinh hoá máu: giúp đánh giá toàn trạng trước, trong và sau điều trị.

Chẩn đoán ung thư phổi

- Chẩn đoán xác định: dựa vào các triệu chứng lâm sàng, hình ảnh điển hình của ung thư phổi trên phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để chẩn đoán sơ bộ bệnh ung thư phổi. Chẩn đoán xác định bằng sinh thiết lấy bệnh phẩm làm mô bệnh học.

- Chẩn đoán phân biệt:

+ Viêm phổi thùy, viêm phổi mạn tính, áp xe phổi, nấm phổi.

+ Lao phổi: phân biệt bằng cấy đờm, xét nghiệm PCR lao.

+ Các khối u lành của phổi: u sụn, u xơ, u loạn sản phổi.

+ Ung thư di căn phổi.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu, phương pháp sàng lọc, phát hiện ung thư phổi. Lời khuyên bác sỹ dành cho bạn, đó là nên duy trì khám định kỳ sức khỏe hàng năm để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường như ho, tức ngực, nuốt nghẹn .... hoặc có bệnh về hô hấp mạn tính thì hãy đến cơ sở chuyên khoa khám, tầm soát ung thư phổi để phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo chia sẻ từ Khoa Nội 2, Bệnh viện K

Từ khóa » Dau Hieu Ung Phoi