Dấu Hiệu Nhận Biết Dị ứng Niken Là Gì? - Medlatec

1. Một số đặc tính của Niken

Niken là một kim loại màu trắng bạc, bề mặt bóng, có đặc tính cứng nhưng dễ cán mỏng, dễ uốn hay kéo sợi. Trong tự nhiên chúng thường tồn tại dưới dạng các hợp chất cùng với các phi kim khác như lưu huỳnh, asen tạo thành quặng.

Hình ảnh kim loại Niken

Hình 1: Hình ảnh kim loại Niken

Là một kim loại rất ổn định trong không khí và không bị oxi hóa do đó nó được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Niken có rất nhiều công dụng như sau:

+ Được dùng để làm thép không gỉ và các hợp kim chống ăn mòn.

+ Dùng làm nam châm, máy bơm trong công nghiệp.

+ Dùng làm pin sạc, tiền xu, điện cực.

+ Hợp kim của Niken được sử dụng làm các đồ trang sức như: hoa tai, thắt lưng, dây chuyền, nhẫn, dây đeo đồng hồ, khuy cúc quần,…

Ngoài ra, một số thực phẩm cũng có chứa lượng rất nhỏ Niken như: hạt điều, cacao, coca cola, đậu đỏ, đậu xanh, rau chân vịt, các loại quả đóng hộp,…

2. Nguyên nhân gây dị ứng Niken?

Dị ứng Niken là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với kim loại hay hợp chất của kim loại này. Dị ứng niken là tình trạng phổ biến của viêm da dị ứng tiếp xúc. Hiện tượng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới.

Bình thường, hệ thống miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân có hại như virus và vi khuẩn, giúp ngăn trừ bệnh tật. Trong trường hợp bị dị ứng kim loại này, hệ thống miễn dịch nhầm tưởng niken là một mối tác nhân nguy hại, do đó sẽ tác động đến cơ thể để sản xuất ra các chất chống lại phản ứng này và đây được gọi là một phản ứng dị ứng.

Nguyên nhân khiến căn bệnh này hay gặp ở nữ giới, đó là do phụ nữ thường mặc các loại quần quá chật, bó sát khiến niken có ở khuy, cúc hay khóa quần cọ xát liên tục vào da gây dị ứng. Nhất là vào mùa hè, trời nắng nóng, mặc quần áo chật khiến mồ hôi ra nhiều làm kim loại bị hòa tan thấm vào da càng dễ gây dị ứng.

Hình 2: Khi da tiếp xúc với các vật dụng chứa thành phần Niken sẽ gây ra phản ứng dị ứng

3. Dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng Niken

Dị ứng với niken là hiện tượng phổ biến nhất trong các loại dị ứng kim loại.

- Dấu hiệu nhận biết của bệnh là xuất hiện thương tổn dạng chàm ở vùng da có tiếp xúc với các vật dụng kim loại, hợp kim chứa Niken. Các vị trí hay gặp dị ứng là: vùng cổ tay đeo đồng hồ, trang sức; vùng bụng hay quanh rốn nơi tiếp xúc với khuy, cúc quần.

Tại các vùng da bị ảnh hưởng bạn sẽ thấy có các triệu chứng:

+ Ngứa rất nhiều, ngứa dữ dội.

+ Xuất hiện các nốt mẩn đỏ hoặc mề đay trên da.

+ Vùng da dị ứng đỏ hay thay đổi màu sắc. Ở giai đoạn cấp sẽ thấy xuất hiện những mụn nước hay bọng nước thành từng đám trên nền da đỏ. Các mụn nước này vỡ ra sẽ chảy dịch sau đó để lại lớp vỏ và vảy.

+ Giai đoạn sau vùng da tiếp xúc trở nên dày, khô, bong vảy, tăng sắc tố. Các vết xước, vết trợt do cào gãi có thể xuất hiện.

Biểu hiện vùng da khi bị dị ứng Niken

Hình 3: Biểu hiện vùng da khi bị dị ứng Niken

+ Trong trường nặng có thể thấy phát ban lan rộng. Trường hợp bị nhiễm trùng, da sẽ trở nên rát và đỏ hơn có thể chứa đầy mủ. Các triệu chứng này giảm dần và mất đi khi không còn sự tiếp xúc với vật dụng chứa niken. Kể từ thời điểm tiếp xúc, hiện tượng phát ban thường xuất hiện trong vòng 12h - 48h và có thể kéo dài trong 3 - 4 tuần.

4. Cách phát hiện dị ứng Niken

Dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiền sử có tiếp xúc với Niken của bạn bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện “test áp da”. Thử nghiệm này được thực hiện bằng cách: bác sĩ sẽ cho một lượng nhỏ các kim loại lên một miếng dán. Dán các miếng dán lên da của bạn và theo dõi trong 48 giờ quan sát và kiểm tra các dấu hiệu của phản ứng dị ứng. Nếu bề mặt da bị kích ứng nổi đỏ cho thấy có thể bạn bị dị ứng với niken.

Test áp da thường rất an toàn và không gây ra phản ứng dị ứng nặng. Chúng chỉ khiến da mẩn đỏ ở những người bị dị ứng với niken để giúp bác sĩ xác định căn nguyên dị ứng.

Hình 4: Test áp da phát hiện dị ứng niken

Hình 4: Test áp da phát hiện dị ứng niken

5. Các phương pháp điều trị dị ứng Niken

Căn bệnh này có thể phòng tránh đơn giản bằng cách cách ly với vật gây dị ứng.

+ Tại vùng da dị ứng bạn nên tháo các đồ trang sức hay bất cứ thứ gì có chứa kim loại ra ngay lập tức. Và nên đến gặp bác sĩ sớm nhất để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

+ Tại những vùng mụn nước hay phồng rộp bạn không nên gãi tránh tình trạng mụn nước vỡ ra sẽ gây bội nhiễm khiến việc điều trị khó khăn hơn.

+ Bác sĩ sẽ là người quyết định đến việc dùng thuốc và điều trị cho bạn. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc bôi hay uống gì có thể sẽ khiến bệnh trở nên dai dẳng hơn.

6. Các biện pháp phòng ngừa dị ứng Niken

Để giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa tái phát bạn nên chú ý đến một số biện pháp phòng ngừa sau:

- Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý và các thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ để làm giảm triệu chứng bệnh.

- Tránh tiếp xúc với các vật dụng có chứa kim loại và các hợp chất của chúng như hoa tai, dây chuyền, nhẫn,...

- Nếu dị ứng do gọng kính bạn nên thay gọng kính bằng kim loại thành gọng kính nhựa, dị ứng do dây đeo đồng hồ bạn nên thay lại dây đeo bằng vải hay các chất liệu khác phù hợp hơn.

- Hạn chế ăn các thức ăn có chứa Niken để đảm bảo sức khỏe hơn.

Bệnh dị ứng Niken là tình trạng bệnh rất thường gặp, bệnh không nguy hiểm nhưng sẽ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống. Khi nghi ngờ tình trạng dị ứng kim loại bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.

Không nên gãi tại vùng da dị ứng để tránh bội nhiễm

Hình 5: Không nên gãi tại vùng da dị ứng để tránh bội nhiễm

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hơn 24 năm kinh nghiệm là địa chỉ khám bệnh uy tín được nhiều khách hàng đánh giá cao tin tưởng và lựa chọn. Bệnh viện sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm tận tâm với người bệnh mang đến sự hài lòng nhất khi bạn bạn tới khám bệnh tại MEDLATEC.

Liên hệ đặt lịch khám theo số tổng đài 1900565656.

Từ khóa » Dị ứng Kim Loại Nặng