Dấu Hiệu Viêm Tuyến Giáp Và Những Triệu Chứng Dễ Gây Nhầm Lẫn

1. Cảnh báo dấu hiệu viêm tuyến giáp

1.1. Viêm tuyến giáp có triệu chứng đau

Viêm tuyến giáp bán cấp

Đây là loại viêm tuyến giáp gây đau thường gặp nhất. Người bệnh thường tự khỏi, chủ yếu là điều trị triệu chứng:

  • Thường khởi phát với biểu hiện đau người, đau họng, sốt nhẹ
  • Sau đó sốt cao đột ngột hoặc từ từ kèm với cơn đau vùng cổ. Đau có thể lan lên tai ra khắp cổ, kèm khó nuốt, khó thở
  • Tuyến giáp thường sưng to, rất đau, sờ mềm. Thường bắt đầu từ một bên sau đó lan sang bên còn lại

Viêm tuyến giáp cấp

Hay còn gọi là viêm tuyến giáp sinh mủ, nguyên nhân do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng. Do vậy mà các triệu chứng khá đặc trưng của tình trạng nhiễm trùng:

  • Xảy ra cấp tính với sưng tấy, đỏ một bên vùng trước cổ gây khó nuốt, khó nói
  • Tuyến giáp thường mềm, rất đau.
  • Bệnh nhân thường sốt cao, có thể rét run

Viêm tuyến giáp loại này có thể khỏi và hầu như không để lại di chứng gì. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

1.2. Viêm tuyến giáp không đau

Viêm tuyến giáp Hashimoto

Hay còn được gọi là viêm tuyến giáp mãn tính và xảy ra do hệ miễn dịch bị rối loạn. Đây là nguyên nhân chính gây suy giáp. Ở những người mắc viêm tuyến giáp Hashimoto thường xuất hiện triệu chứng:

  • Bướu tuyến giáp:
    • Đa số bướu giáp to, chắc, đối xứng, có thể chèn ép gây khó nuốt, khó thở. Thường không đau (Chỉ có 10% tuyến giáp bị teo)
    • Nếu lâu không được điều trị, có thể khám thấy bề mặt tuyến giáp gồ ghề, cứng, nhiều thùy
  • Suy giáp: thường gặp ở giai đoạn muộn với biểu hiện sợ lạnh, táo bón, mạch chậm, tăng cân,…

Viêm tuyến giáp không đau sau sinh

Thường xuất hiện ở 5-7% phụ nữ sau sinh

  • Khoảng 1/3 bệnh nhân có biểu hiện ba pha:
    • Sau sinh 1-6 tháng xảy ra tình trạng nhiễm độc giáp và kéo dài 1-2 tháng
    • 2-6 tháng sau là pha suy giáp và kéo dài 4-6 tháng
    • Trở về bình thường
  • Bướu giáp thường nhỏ, không đau. Xuất hiện sau sinh 2-6 tháng

2. Phân biệt viêm tuyến giáp với các bệnh dễ nhầm lẫn khác

Ở giai đoạn đầu, hầu hết các dấu hiệu viêm tuyến giáp đều không điển hình và ngắt quãng. Việc chẩn đoán tương đối khó.

Triệu chứng sốt, khó nói, khó nuốt,… rất phổ biến trong các bệnh hàng ngày. Thậm chí ở giai đoạn muộn của bệnh – bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng suy giáp thì các biểu hiện cũng không tránh khỏi việc gây nhầm lẫn.

Bệnh nhân thường mệt mỏi, suy nghĩ, hành động chậm chạp, suy giảm trí nhớ, táo bón, tăng cân, sợ lạnh, nhịp tim chậm,… Nên không ít người chủ quan và đổ lỗi cho áp lực cuộc sống, hay nhầm tưởng sang bệnh người già, thậm chí là bệnh tâm thần.

Hình ảnh: Dấu hiệu viêm tuyến giáp rất dễ gây nhầm lẫn

Do đó mà bạn cần quan sát sức khỏe bản thân nhiều hơn. Chính vì xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau, nên nếu việc điều trị bằng các thuốc thông thường không khỏi, hãy đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Nhất là khi có sự xuất hiện đồng loạt của các triệu chứng, hay tiền sử đã có bệnh lý về tuyến giáp sưng to. Bởi việc kiểm tra hormon tuyến giáp bằng xét nghiệm máu rất đơn giản cũng đã cho chúng ta những đánh giá ban đầu về căn bệnh này.

Chúng ta không nên chủ quan với viêm tuyến giáp hay những bệnh lý về tuyến giáp nói chung. Năm 2005, Việt Nam đã giải quyết được tình trạng thiếu i-ốt. Tuy nhiên hiện nay, với thói quen sử dụng nhiều bột canh, nước mắm, hạt nêm,… thay vì dùng muối i-ốt của nhiều gia đình đã khiến nguy cơ thiếu hụt i-ốt quay trở lại.

Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho bệnh nhân viêm tuyến giáp

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Chẩn đoán Viêm Tuyến Giáp