Đau Hông Khi Mang Thai: Nguyên Nhân Và Một Số Bài Tập Hữu ích ...
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Sơ lược về đau hông khi mang thai
- 2. Nguyên nhân của đau hông khi mang thai là gì?
- 3. Yoga
- 4. Những bài tập khác
- 5. Khi nào cần phải gặp bác sĩ?
- 6. Cách phòng ngừa đau hông khi mang thai
Đau hông khi mang thai là một trong những than phiền thường gặp của các mẹ bầu. Cơn đau có thể ở vùng bên hoặc ở phía sau vùng hông. Triệu chứng này có thể bắt đầu vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình mang thai. Mức độ đau phụ thuộc vào thể trạng mỗi người. Mặc dù có thể chỉ là đau âm ỉ nhưng nó gây nhiều phiền toái cho mẹ bầu. Trong bài viết này, hãy cùng YouMed tìm hiểu nguyên nhân và một vài mẹo giúp mẹ bầu vượt qua được triệu chứng đau hông trong quá trình mang thai nhé!
1. Sơ lược về đau hông khi mang thai
Đau hông trong quá trình mang thai là tình trạng rất thường gặp. Cơn đau thường xuất hiện vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Tuy nhiên, nó cũng có thể bắt đầu sớm ở tam cá nguyệt thứ nhất.
Thống kê cho thấy, khoảng 32% phụ nữ mang thai báo cáo tình trạng đau hông tại một vài thời điểm trong quá trình mang thai. Cơn đau có thể tập trung ở vùng bên hông hoặc phía sau vùng hông, hoặc ở vùng khung chậu nói chung. Tính chất đau có thể là đau nhói, đau âm ỉ. Cơn đau xuất hiện dần dần hoặc đột ngột.
Khớp hông là một khớp lớn trong cơ thể. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc chịu sức nặng của cơ thể, cũng như sự chuyển động của cơ thể. Vì vậy, việc đứng trong thời gian dài, ngồi hoặc nằm ở một vài tư thế có thể làm nặng thêm triệu chứng đau hông khi mang thai.
2. Nguyên nhân của đau hông khi mang thai là gì?
Nhiều nguyên nhân gây đau hông khi mang thai đã được xác định. Triệu chứng này thường không phải là dấu hiệu của một biến chứng nào hay bạn đã làm sai điều gì đó. Cùng điểm qua năm nguyên nhân gây đau hông khi mang thai thường gặp.
Tăng cân trong thai kỳ
Như đã nói, khớp hông đóng vai trò hỗ trợ, chịu sức nặng cơ thể trong khi nghỉ ngơi hay hoạt động. Vì vậy, việc tăng cân trong thai kỳ sẽ gây nhiều áp lực hơn cho xương và khớp của bạn. Tăng cân quá mức có thể dẫn đến đau hông hoặc những khó chịu khác.
Phụ nữ mang thai cần được kiểm soát và theo dõi sự tăng cân trong thai kỳ. Các bác sĩ khuyên bạn nên tăng cân từ 11 đến 15 kg. Tuy nhiên, đây là con số chung. Số cân nặng tăng lên còn phụ thuộc vào cơ địa, bệnh lý của mẹ bầu.
Mẹ bầu cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ về việc tăng cân khi mang thai. Không cố gắng giảm cân khi mang thai trừ khi được khuyến cáo đặc biệt và có sự theo dõi sát sao của bác sĩ.
>> Để biết tăng cân thế nào là đúng, bạn có thể đọc thêm: Tăng cân trong thai kỳ như thế nào cho hợp lý?
Hormone relaxin
Trong thai kỳ, cơ thể người mẹ sẽ sản xuất nhiều hormone relaxin (thư giãn). Như tên gọi của nó, hormone relaxin giúp thư giãn các mô liên kết và làm giãn dây chằng tử cung. Vùng chậu hông cần được mở rộng để thai kỳ lớn lên. Điều này có thể dẫn đến những cảm giác khó chịu vùng chậu hông, đặc biệt là đau lưng hoặc đau hông.
Tư thế xấu
Cân nặng chủ yếu tập trung vào vùng quanh bụng của mẹ bầu có thể làm thay đổi tư thế đáng kể. Không những vậy, vị trí của em bé trong bụng thiên về một bên nào đó hơn,. Điều này cũng gây nên đau nhức vùng hông.
Tư thế xấu còn xuất phát từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày của mẹ bầu. Bế một em bé trên hông hoặc mang các vật nặng với tư thế không thích hợp có thể dẫn đến đau hông.
Hãy cố gắng luyện tập cho mình một tư thế tốt trong sinh hoạt hằng ngày. Giảm số lượng vật nặng mà mẹ bầu nâng hoặc mang theo. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi khi đi bộ.
Trừ khi có khuyến cáo của bác sĩ, mẹ bầu tránh ngồi một chỗ trong thời gian dài. Thay vào đó, hãy đứng dậy và di chuyển xung quanh để tránh gây thêm áp lực cho khớp và cơ bắp.
Loãng xương thoáng qua
Một số cơn đau hông của mẹ bầu có thể do tình trạng loãng xương thoáng qua. Loãng xương thoáng qua thường bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, và có thể liên quan đến mức canxi và kali trong máu.
Mẹ bầu có thể bị đau ở vùng hông hoặc khớp háng. Để có được chẩn đoán chính xác, bạn sẽ cần đến chụp cộng hưởng từ (MRI).
Tình trạng loãng xương thoáng qua này thường cải thiện hơn ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, gãy xương hông có thể xảy ra. Điều này cần nhiều thời gian hơn để chữa lành.
Tư thế khi ngủ
Tư thế ngủ nghiêng một bên có thể góp phần vào cơn đau hông. Bởi vì tư thế này khiến tăng áp lực lên khớp của bạn. Tuy nhiên, trong những tư thế ngủ của mẹ bầu thì ngủ nghiêng bên có lẽ là sự lựa chọn thoải mái nhất.
Nếu tư thế này gây khó chịu cho vùng hông, mẹ bầu có thể đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối. Mục đích là để chân của mẹ bầu thẳng hơn trong khi ngủ.
3. Yoga
Động tác kéo giãn trong yoga có thể giúp nới lỏng sự căng của vùng hông và giảm đau. Yoga cũng có thể là một bài tập tốt cho mẹ bầu vì những động tác khá nhẹ nhàng và cường độ thấp.
Tuy nhiên, một số hình thức yoga không phù hợp với phụ nữ mang thai. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng người hướng dẫn của mình biết bạn đang mang thai để hướng dẫn những bài tập phù hợp.
Dưới đây là một số bài tập yoga được cho là mang lại lợi ích cho mẹ bầu.
Tư thế con bò (cow pose)
Minh họa bài tập tư thế con bò
- Tư thế khởi đầu: quỳ bằng hai bàn tay và hai đầu gối. Hai chân mở rộng bằng vai, hai tay đặt song song vuông góc với sàn.
- Giữ đầu ở vị trí thoải mái, mắt nhìn hướng lên trên.
- Hít vào. Đẩy mông lên cao, lưng võng xuống. Mở ngực, đầu ngẩng cao hướng lên trần nhà. Chú ý siết hông hướng lên trên, siết cơ bụng hướng xuống.
- Giữ tư thế trong vài giây hoặc lâu hơn có thể.
- Thở ra, nhẹ nhàng trở về tư thế ban đầu.
- Lặp lại tư thế 5 – 6 lần.
Tư thế trẻ em (child’s pose)
Minh họa bài tập tư thế trẻ em
- Tư thế khởi đầu: quỳ bằng hai bàn tay và hai đầu gối. Hai chân mở rộng bằng vai, hai tay đặt song song vuông góc với sàn.
- Từ từ hạ thấp phần trên cơ thể ra phía sau sao cho phần mông ngồi lên bàn chân và đầu chạm vào mặt sàn.
4. Những bài tập khác
Có một vài bài tập trị liệu mẹ bầu có thể thử tại nhà để giúp giảm đau.
Bài tập kéo giãn
- Tư thế khởi đầu vẫn là quỳ 4 điểm. Hai chân mở rộng bằng vai, hai tay đặt song song vuông góc với sàn.
- Trượt đầu gối một bên ra trước càng xa càng tốt về phía tay đối diện. Đồng thời, trượt chân còn lại ra phía sau cho đến khi bạn cảm thấy căng vùng phía dưới của chân phía trước.
- Giữ tư thế này trong 30 – 60 giây
- Lặp lại với bên đối diện.
Bài tập kéo giãn tư thế ngồi
- Ngồi trên một chiếc ghế ổn định.
- Nắm cổ chân của một chân đặt lên đùi chân đối diện, tạo thành hình số 4.
- Ngồi thẳng, giữ cho cột sống của bạn thẳng trục.
- Nghiêng vùng chậu về phía trước cho đến khi bạn cảm thấy căng.
- Giữ trong 20 – 30 giây.
- Lặp lại bên đối diện.
Tắm nước ấm hoặc chườm ấm
Tác dụng nhiệt từ nước ấm hoặc đồ chườm ấm mang lại nhiều lưu lượng máu đến vùng hông hơn. Ngoài ra, nó cũng làm giảm triệu chứng cứng khớp và co thắt cơ bắp.
Thư giãn trong bồn tắm nước ấm có thể làm giảm triệu chứng đau hông của mẹ bầu. Hãy đảm bảo nhiệt độ của nước phù hợp, không quá nóng hoặc quá lạnh.
5. Khi nào cần phải gặp bác sĩ?
Mặc dù đau hông khi mang thai có thể bình thường nhưng nếu cơn đau đang cản trở cuộc sống hằng ngày thì bạn có thể cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng, hãy chú ý. Đau và đặc biệt kèm theo các cơn co thắt có thể là dấu hiệu của sinh non. Các cơn co thắt có thể cảm giác như bị co thắt dạ dày, cách nhau 10 đến 12 phút hoặc gần hơn. Một dấu hiệu khác là dịch tiết âm đạo, màu hồng hoặc nâu.
6. Cách phòng ngừa đau hông khi mang thai
Bạn muốn phòng ngừa đau hông trước khi nó bắt đầu? Sau đây là một số điều mà bạn có thể thử. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, các biện pháp phòng ngừa có thể không hiệu quả với tất cả mọi người.
- Duy trì lối sống tích cực trong suốt thai kỳ của bạn. Những bài tập cường độ thấp, như đạp xe đạp, đi bộ, bơi lội có thể phù hợp để tránh đau hông.
- Tăng cân có kiểm soát.
- Mang giày đế bằng, có hỗ trợ vòm bàn chân tốt trong khi tập thể dục hoặc các hoạt động sống hằng ngày.
- Luôn duy trì tư thế tốt trong khi ngồi, đứng, nâng hoặc mang vật nặng.
- Tránh những hoạt động có thể làm nặng thêm cơn đau hông. Ví dụ như bắt chéo chân, đứng trong thời gian dài, nâng vật nặng.
- Có thể dùng đai hỗ trợ vùng chậu để làm giảm áp lực lên vùng chậu.
- Luôn giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng, lo lắng trong suốt thai kỳ.
Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay những vấn đề về sức khỏe, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn.
Tóm lại, trong quá trình mang thai, phụ nữ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi trong cơ thể. Những sự thay đổi này có thể gây nhiều sự khó chịu cho mẹ bầu. Triệu chứng đau hông khi mang thai không phải ngoại lệ. Hy vọng bài viết đã cung cấp được thông tin hữu ích về những triệu chứng đau hông của phụ nữ mang thai.
Từ khóa » đau Mông Khi Mang Thai
-
Đau Mông Khi Mang Thai Phải Làm Sao?
-
Những Nguyên Nhân Gây đau Mông Khi Mang Thai ít Ai Biết | Medlatec
-
Đau Mông Khi Mang Thai Có đáng Lo? Mẹ Bầu Phải Làm Sao?
-
Đau Mông Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, điều Trị Và Lưu ý Từ Chuyên Gia
-
Hiện Tượng đau Cơ Mông Khi Mang Bầu | Sở Y Tế Nam Định
-
Mang Thai Tháng Thứ 4 Bị đau Mông, Không đi Lại được Phải Làm Sao?
-
Làm Thế Nào để đối Phó Với Vấn đề đau Mông Khi Mang Thai - Vinmec
-
Đau Mông Khi Mang Thai: Những điều Cần Biết
-
Hiện Tượng đau Cơ Mông Và Cách điều Trị đau Cơ Mông Trong Thai Kỳ
-
Đau Mông Khi Mang Thai: Mọi điều Mẹ Bầu Cần Nên Biết - MarryBaby
-
Bà Bầu Bị Đau Xương Mông Bên Phải Là Do Đâu? Nguy Hiểm ...
-
Đau Xương Chậu Bên Trái Khi Mang Thai Có ảnh Hưởng Gì Không?
-
Đau Lưng Và Hông 3 Tháng Cuối Thai Kỳ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc ...
-
Bà Bầu đau Lưng Khi Mang Thai: Nguyên Do, Cách Khắc Phục | ACC
-
Lý Do Bà Bầu đau Lưng Khi Mang Thai Và Biện Pháp Khắc Phục | ACC
-
TÌNH TRẠNG ĐAU XƯƠNG CHẬU KHI MANG THAI MẸ BẦU
-
Đau Thần Kinh Tọa Khi Mang Thai: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý An Toàn