Đau Mắt Hàn Là Gì? Làm Sao để điều Trị Hiệu Quả? - Hello Bacsi

Đau mắt hàn là một tình trạng phổ biến, thường hay xảy ra ở những người làm nghề cơ khí hoặc bất kỳ ai có tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hàn điện. Nó không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời.

Vậy làm thế nào để nhanh chóng nhận biết được tình trạng này? Và đâu là cách trị đau mắt hàn hiệu quả nhất. Bài viết dưới đây sẽ “bật mí” cho bạn điều đó.

Tìm hiểu chung

Đau mắt hàn là gì?

Đau mắt hàn là gì? Đây là thuật ngữ chung dùng để diễn tả tình trạng mắt bị đau nhức sau khi tiếp xúc trực tiếp với hồ quang điện phát ra trong quá trình hàn kim loại. Hiện tượng này xảy ra khá nhiều ở những thợ hàn mới vào nghề do chưa có nhiều kinh nghiệm, không đeo kính bảo hộ nhưng cũng không loại trừ việc có thể xảy ra ở những thợ lành nghề vì lý do sơ suất, bất cẩn trong khi làm việc.

Mặc dù tổn thương do tia hàn có thể tự hồi phục trong vòng một đến hai ngày và thường không để lại sẹo. Tuy nhiên mắt sẽ có nguy cơ nhiễm trùng, viêm, làm thay đổi thị lực, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến mất thị lực nếu không áp dụng các cách chữa đau mắt hàn phù hợp và kịp thời.

Triệu chứng

Triệu chứng và dấu hiệu của đau mắt hàn

triệu chứng đau mắt hàn

Hầu hết những người sau khi tiếp xúc với tia hàn bị đau mắt đều sẽ có một vài biểu hiện dưới đây:

  • Đau rát mắt, cơn đau có thể từ nhẹ đến rất nặng
  • Mí mắt bị sưng
  • Đôi mắt đỏ ngầu
  • Chảy nước mắt liên tục
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Tầm nhìn bị mờ
  • Khó khăn trong việc mở mắt và chuyển động mắt, co giật mí mắt
  • Cảm thấy cộm như có dị vật trong mắt

Sau khi sử dụng máy hàn, bạn nên chú ý theo dõi tình trạng mắt để nhận biết và có biện pháp chữa đau mắt hàn kịp thời. Thông thường, các triệu chứng này sẽ bắt đầu xuất hiện sau vài giờ và ở cả hai bên mắt. Điều này có thể giúp phân biệt với một số tình trạng chấn thương khác, biểu hiện chỉ xảy ra ở bên mắt bị tổn thương.

Nguyên nhân

Nguyên nhân đau mắt hàn

Mắt vốn dĩ là nơi rất nhạy cảm, bất kể tác động nào từ môi trường bên ngoài cũng có thể dễ dàng khiến mắt bị tổn thương. Chính vì như vậy, cần phải có biện pháp thích hợp để bảo vệ mắt khi làm việc trong môi trường có nhiều độc hại như nghề thợ hàn. Nếu không, tình trạng đau mắt hàn có thể thường xuyên xảy ra do hai nguyên nhân chủ yếu sau:

  • Trong quá trình hàn kim loại sẽ sinh ra bụi kim loại, mạt sắt, khói hàn. Chúng có thể làm tổn thương giác mạc, dẫn đến đau mắt, chảy nước mắt hay mờ mắt. 
  • Trong hồ quang điện, có chứa cả bức xạ nhìn thấy lẫn bức xạ không nhìn thấy, trong đó có tia cực tím (tia UV). Đây là một loại bức xạ rất độc hại đối với mắt và da của chúng ta. Ở cường độ mạnh, tia cực tím có thể gây bỏng giác mạc, sưng mắt, thậm chí là mù lòa.

Điều trị

Cách chữa đau mắt hàn tại nhà

cách trị đau mắt hàn

Để tránh lúng túng với việc đau mắt hàn phải làm sao hay đau mắt hàn làm thế nào cho nhanh khỏi, bạn nên làm theo hướng dẫn dưới đây:

Đầu tiên, hãy rửa mắt với nước mắt nhân tạo để làm dịu giác mạc và loại bỏ bụi bẩn. Tiếp đó, dùng khăn lạnh đắp lên mắt để giảm cảm giác nóng rát hoặc có thể bọc vài viên đá vào khăn/túi nhựa và chườm lên mắt. Chú ý không đắp trực tiếp đá lên mắt để tránh gây tổn thương.

Sau khi thực hiện các bước trên, bạn nên nằm thư giãn hoặc ngủ một giấc để giúp mắt nhanh chóng hồi phục. Để cho mắt nghỉ ngơi chính là cách tốt nhất để điều trị tình trạng đau mắt, dù là do bất kỳ nguyên nhân nào. Ngoài ra, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử như TV, điện thoại, máy tính,… vì ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể gây mỏi mắt và khiến tình trạng đau mắt hàn trở nên nghiêm trọng hơn.

Điều trị y tế

Sau 1 – 2 ngày, nếu mắt vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định cách trị đau mắt hàn phù hợp nhất, tránh xảy ra biến chứng.

Bạn sẽ thắc mắc rằng đau mắt hàn uống thuốc gì hay bị đau mắt hàn nhỏ thuốc gì? Tùy vào tình trạng của mỗi người, bác sĩ có thể làm sạch dị vật trong mắt, kết hợp với chỉ định một hoặc kết hợp một số loại thuốc như: nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ mắt kháng sinh, thuốc nhỏ mắt kháng viêm, thuốc giãn đồng tử,… với mục đích chung là làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm viêm và tránh để lại sẹo ở giác mạc.

Đối với các bệnh nhân đau mắt hàn ở mức độ nặng, có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau (ibuprofen hoặc paracetamol) để kiểm soát cơn đau.

Một số vấn đề chẳng hạn như nhiễm trùng, đôi khi sẽ không có biểu hiện ngay lập tức. Do đó, bạn cần phải đến tái khám sau 24 – 48 giờ để bác sĩ kiểm tra lại mắt và đảm bảo rằng giác mạc đang hồi phục tốt.

Phần lớn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng cách sẽ phục hồi sau 3 – 4 ngày.

Trong thời gian chữa đau mắt hàn, bạn vẫn tiếp tục chườm khăn lạnh lên mí mắt giảm đau, không căng mắt khi xem tivi hay đọc sách và tránh sử dụng kính áp tròng, đồng thời đeo kính râm khi ra đường hoặc khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh để sớm khỏi bệnh.

Phòng ngừa

Những biện pháp phòng ngừa đau mắt hàn

Ở những người thợ hàn bị đau mắt, không chỉ sức khỏe bị suy giảm mà hiệu suất công việc cũng bị ảnh hưởng không ít. Để bản thân không phải rơi vào tình trạng này, mỗi người nên chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng cách thực hiện các biện pháp dưới đây:

  • Sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ cho mắt như: kính hàn điện tử, mặt nạ hàn hay mũ hàn điện,… khi thực hiện công việc hàn hoặc khi quan sát quá trình hàn.
  • Nên trang bị vách ngăn, tách biệt khu vực hàn với các khu vực xung quanh.
  • Nếu chẳng may bị đau mắt hàn, tuyệt đối không được dụi mắt tránh làm mắt bị tổn thương nặng hơn.
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi vệ sinh mắt.

Như vậy, với những thông tin xoay quanh tình trạng đau mắt hàn và các cách điều trị mà bài viết đã chia sẻ, hy vọng những người làm công việc có liên quan đến hàn điện đã trang bị đầy đủ kiến thức để có thể tự bảo vệ cho “cửa sổ tâm hồn”, cũng như là sức khỏe của bản thân nhé.

Từ khóa » Bỏng Hàn điện