Đầu Mối Nội Gián Mang Bí Số "X92″ - PetroTimes

Kết quả khai thác hồ sơ tại trung tâm Sài Gòn về đầu mối “X92” cho thấy, đây là một đầu mối nội gián thật, nó đã cung cấp cho địch nhiều thông tin quan trọng về nội bộ ta và đã gây cho Cách mạng nhiều thiệt hại.

Trên 20 năm sa lầy vào cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã tung vào đây một lực lượng hùng hậu nhất so với tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược trước đó. Đỉnh điểm cuộc chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam, đã có lúc lực lượng quân Mỹ và một số nước đồng minh lên tới hơn một phần hai triệu người. Với tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất (trừ bom nguyên tử) cùng với các chiến lược tân kỳ nhất, từ “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Ngưng bắn da beo 3 thành phần”, “Kế hoạch hậu chiến”. Vậy mà cuối cùng vẫn phải gánh chịu thất bại thảm hại vào chiều 30-4-1975, ngày kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân và dân ta.

Máy bay trực thăng cuối cùng rời khỏi mái nhà của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, tháng tư năm 1975

Trong bối cảnh tháo chạy loạn, “bỏ của chạy lấy người”, diễn ra vào ngày 30-4, Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền chế độ Sài Gòn đã bỏ lại trong các kho lưu trữ hàng vạn mét khối tài liệu, hồ sơ quan trọng. Trong đó có nhiều tài liệu thuộc diện tối mật, tuyệt mật, nó được xếp chung vào “danh mục số phận” một số tù chính trị “Việt Cộng” nguy hiểm phải thủ tiêu, trong tình huống nguy hiểm, cấp bách.

Tài liệu địch để lại trên khắp chiến trường miền Nam, tập trung ở các cơ quan đặc biệt, quan trọng thuộc cấp tỉnh, cấp vùng chiến thuật (lãnh thổ Nam Việt Nam, từ sông Bến Hải trở vào, địch chia thành 4 vùng chiến thuật) và cấp Trung ương. Cố nhiên ở cấp Trung ương, hồ sơ, tài liệu tập trung tại Sài Gòn. Nó được lưu trữ nghiêm ngặt tại một số cơ quan đặc biệt như: Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo, địa chỉ tại số 3 đường Bạch Đằng; Tổng nha Cảnh sát quốc gia, tại 258 đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi); Nha cảnh sát đô thành, nằm trên đường Trần Hưng Đạo; kho lưu trữ của lực lượng An ninh quân đội, nằm trong khuôn viên Bộ Tổng tham mưu quân đội…

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), các đơn vị chức năng trong lực lượng Công an từ trung ương tới địa phương đã khẩn trương thu gom tài liệu, tiến hành phân loại, nghiên cứu, thẩm tra, xác minh làm rõ hàng nghìn đầu mối “mật báo viên” giả mà kẻ địch tạo dựng nhằm vô hiệu hóa những cán bộ trung kiên của ta. Đồng thời, làm rõ hàng trăm đầu mối mật báo viên thật mà kẻ địch đã dày công xây dựng để cài cắm vào nội bộ của ta ở nhiều cấp nhằm phục vụ cho yêu cầu trước mắt và chuẩn bị cho “kế hoạch hậu chiến” một khi Sài Gòn thất thủ.

Đáng lưu ý trong hổ lốn những tài liệu địch để lại, có một tập hồ sơ mang bí số “X92”. Đây là một đầu mối nội gián (gián điệp cài cắm vào nội bộ của ta) cực kỳ nguy hiểm. Điều không thể tưởng tượng, nó đã tồn tại trên 10 năm, kể từ khi CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) và lực lượng Cảnh sát đặc biệt thuộc ngụy quyền tỉnh Tây Ninh chính thức tuyển chọn (tháng 4/1963 – 30/4/1975).

Tổng hợp các nguồn tin

Kết quả khai thác hồ sơ tại trung tâm Sài Gòn về đầu mối “X92” cho thấy, đây là một đầu mối nội gián thật, nó đã cung cấp cho địch nhiều thông tin quan trọng về nội bộ ta và đã gây cho Cách mạng nhiều thiệt hại. Được CIA đánh giá: “Đây là một đầu mối tình báo số 1 tại miền Nam Việt Nam. Có thể ví, đó là một nguồn nước không bao giờ cạn…”. Vậy, “X92” là ai?…

Ngược dòng quá khứ, trở lại giai đoạn ta mở màn Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, tập trung tấn công vào Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên). Ngày 12-3 giải phóng Buôn Ma Thuột, bắt sống nhiều tù binh, trong đó có 2 đối tượng là CIA. Một người Mỹ (chỉ huy CIA ở Tây Nguyên) và một người Việt, đội lốt thông dịch viên (phiên dịch). Qua đấu tranh, cảm hóa, giáo dục, thuyết phục của cán bộ an ninh, 2 đối tượng trên đã khai báo nhiều thông tin về tình hình chiến sự; về hoạt động của CIA ở địa bàn tỉnh Tây Nguyên. Đáng lưu ý, có một thông tin cực kỳ quan trọng, liên quan tới nội bộ ta tại địa bàn cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, thuộc tỉnh Tây Ninh. Đó là việc CIA và cảnh sát đặc biệt đã “đánh” một tình báo viên rất lợi hại vào một cơ sở quan trọng của ta thuộc tỉnh Tây Ninh. Đối tượng được “đánh vào” có tên là Võ Văn Ba. Đối tượng nằm trong “kế hoạch hậu chiến” đã phát huy tác dụng tốt, có điều kiện chui sâu, leo cao hơn nữa…

Thông tin trên dù chưa có điều kiện kiểm chứng, nó lại xuất hiện trong bối cảnh chiến sự đang diễn biến rất phức tạp, buộc Cơ quan An ninh phải khẩn trương tiến hành mọi biện pháp rà soát những khu vực, đối tượng có đặc điểm, dấu hiệu như 2 tù binh trên đã khai báo. Mục tiêu tập trung vào khu vực huyện Hòa Thành (địa bàn trọng điểm của tỉnh Tây Ninh). Khu vực ưu tiên số 1 cần rà soát là địa bàn núi Bà Đen. Đây là địa bàn chiến lược của cả 2 phía. Nơi đây, lực lượng Cách mạng đã xây dựng và phát triển nhiều cơ sở bí mật nòng cốt, tạo thành cửa ngõ an toàn đưa đón cán bộ vào hoạt động trong lòng địch và về cơ quan đầu não của Trung ương Cục. Về phía địch, họ cũng đã xây dựng ở đây một mạng lưới tình báo viên dày đặc phục vụ công tác điều tra thu thập tin tức tình báo và tạo cơ hội cài cắm vào tổ chức của ta.

Tập hợp tất cả các nguồn tin thu thập được, cùng với kết quả công tác thẩm tra, xác minh, nghiên cứu, lãnh đạo Cơ quan An ninh đã đi tới kết luận: Đầu mối nội gián mang bí số “X92” chính là Võ Văn Ba, hiện đang giữ chức vụ Huyện ủy viên Huyện ủy Hòa Thành, Tây Ninh.

Con đường trở thành nội gián và tội ác của Võ Văn Ba

Quân đội Mỹ thất bại nặng nề tại chiến trường miền Nam Việt Nam.

Võ Văn Ba tức Năm Huỳnh, sinh năm 1923 tại Kiến Tường (Long An). Đã từng tham gia lực lượng du kích ở địa phương. Do tư tưởng cầu an, sợ khó khăn, gian khổ, y đã bỏ hoạt động, trốn khỏi địa phương lên làm ăn, sinh sống tại khu vực chợ Long Hoa, tỉnh Tây Ninh. Chẳng bao lâu, y đã lọt vào mắt xanh của CIA, ngụy. Họ đã thẩm tra, nghiên cứu, lập kế hoạch sử dụng Ba vào hoạt động chống phá Cách Mạng. Tháng 2-1960, y đã nhận hợp tác với Chi Cảnh sát Quốc gia quận Phú Khương. Gần 3 năm sau, tháng 12-1962 chuyển sang cộng tác với Cảnh sát Tây Ninh. Do hoạt động tích cực và cung cấp nhiều thông tin có giá trị, nên tháng 4-1963 Ty Cảnh sát Tây Ninh đã làm thủ tục tuyển dụng y vào lực lượng cảnh sát, hoạt động dưới hình thức: nhân viên ngoại vi (ăn lương chính ngạch cảnh sát, hoạt động bí mật) do Nguyễn Tấn Danh, trong tổ chức mang bí số là F. Cảnh sát đặc biệt (CSĐB) Tây Ninh điều khiển. Để tạo điều kiện cho Võ Văn Ba tiếp xúc với các tổ chức Cách mạng, chúng đưa Võ Văn Ba về cư trú tại chân núi Bà Đen, dưới vỏ bọc một người dân sinh sống bằng nghề phát nương, làm rẫy, tìm cơ hội móc nối với Cách mạng để thực hiện ý đồ chui vào tổ chức.

Được CSĐB đặc biệt Tây Ninh huấn luyện, dù đó chỉ là một lớp cấp tốc ngắn ngày, song, vẫn đủ bài bản, lớp lang: Từ xác định đối tượng tiếp xúc; những ngón đòn tâm lý để chinh phục tình cảm người nghe, tới câu chuyện ngụy trang về việc làm hiện tại và tiểu sử bản thân, quá trình tham gia Cách mạng, vào Đảng, thành tích những năm công tác ở địa phương, lý do phải rời quê hương lên tá túc ở đây… Nội dung cuối cùng, tất nhiên phải là nguyện vọng tha thiết của bản thân là mong sớm được trở lại “phục vụ Cách mạng” ở địa bàn mới này.

Thời gian mai phục chưa qua một mùa rẫy, chỉ hơn 3 tháng sau, tại chân núi Bà Đen, Ba đã có báo cáo về trung tâm, với nội dung: “Đã móc nối được với cán bộ Cách mạng, được tiếp nhận công tác và được “trở lại” sinh hoạt Đảng…”.

Nhận được báo cáo trên, CSĐB Tây Ninh như vớ được vàng. Chúng vạch ngay kế hoạch chỉ đạo để Võ Văn Ba có thể “chui sâu, leo cao” vào hàng ngũ Cách mạng, với tinh thần: “Phải chiến đấu hết mình, sẵn sàng nhận và hoàn thành “xuất sắc” mọi nhiệm vụ Cách mạng giao phó. Sống chan hòa, tình cảm với mọi người. Gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực công tác. Không sợ gian khổ, khó khăn, kể cả nguy hiểm hy sinh”. Thực ra, những chuyến công tác, những vùng mà Võ Văn Ba đột xuất về hoạt động, đều nằm trong thời điểm bình yên, địch không càn quét, ruồng bố. Trong khi lại tăng cường đánh phá một số đường dây, cơ sở vùng phụ cận, gây cho ta nhiều thiệt hại. Vì vậy, Võ Văn Ba càng nâng cao tín nhiệm với tổ chức và lãnh đạo – “Một cán bộ năng nổ, đầy nhiệt huyết Cách mạng”. Vì vậy, chỉ hơn 2 năm sau, từ một “Đảng viên đứt liên lạc” với tổ chức, được “trở lại” sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở Đảng mới tại nơi cư trú, y được tín nhiệm cử làm Bí thư Chi bộ vào cuối năm 1965. Con đường “chui sâu, leo cao” rộng mở. “Hương vị hấp dẫn”, CIA nhảy vào, phối hợp với CSĐB Tây Ninh cùng chỉ đạo. Mục tiêu ưu tiên số 1 là tạo mọi điều kiện và bằng mọi giá phải “đánh” bằng được Võ Văn Ba vào cơ quan lãnh đạo Cách mạng ở một địa bàn trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, đó là Huyện ủy Hòa Thành. Vì vậy, chúng đã lập ra nhiều kế hoạch như: “Thu Đông” năm 1966, “Bảo Quốc” năm 1968, “Sao Mai” năm 1970…

Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn cho đầu mối quan trọng này, chúng đã đặt cho Võ Văn Ba nhiều bí danh khác nhau như: Lê Văn Mười, Chí Hùng, Năm Huỳnh… cùng các bí số: A1, X1, X33, X69, X92 (bí số cuối cùng trong quãng đời hoạt động phản Cách mạng của y). Ngay đối với Nguyễn Tấn Danh, cán bộ điều khiển đầu mối “X92” cũng phải dùng bí danh: Chí Công, Dũ… với các bí số F45, F72…

Tất cả mọi kế hoạch hoạt động, nội dung chỉ huy, chỉ đạo từ Trung tâm, tới báo cáo đột xuất, định kỳ của đầu mối “X92” phải đảm bảo nghiêm ngặt theo chế độ “tuyệt mật” – chỉ cán bộ điều khiển và người chỉ huy của cơ quan chỉ đạo đầu mối mới được tiếp cận.

Được thực hiện bởi những quy chế nghiêm ngặt như vậy nên đầu mối nội gián “X92” đã tạo được vỏ bọc an toàn và ngày càng gây được uy tín với Cách mạng. Chỉ sau 3 năm, từ cuối năm 1965 giữ cương vị Bí thư Chi bộ, tới cuối năm 1968, “X92” đã được đưa lên vị trí Huyện ủy viên dự khuyết, để rồi năm sau, 1970 trở thành Huyện ủy viên chính thức Huyện ủy Hòa Thành.

Sự vị nể, coi trọng của CIA và CSĐB đối với đầu mối “X92” được nâng cấp, chúng thiết lập một hệ thống giao liên hết sức chặt chẽ để liên lạc từ “X92” đến Nguyễn Tấn Danh và trực tiếp tới CIA, CSĐB. Ngoài 2 địa điểm liên lạc đặc biệt, cùng với các phương thức liên lạc, chuyển giao tài liệu theo đúng quy ước, ám tín hiệu… chúng còn trang bị cho mỗi tên một máy bộ đàm đặc biệt, có khả năng mã tự động từ lời nói ra tín hiệu và ngược lại. Ngoài ra CIA và CSĐB còn xây dựng thêm nhiều “hộp thư” mật, ngụy trang dưới nhiều hình thức, sử dụng cho những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa cán bộ điều khiển, bọn chỉ huy CIA và CSĐB với “X92”. Tại những “hộp thư” mật, bọn chỉ huy CIA và CSĐB thường xuyên gặp “X92” để động viên khích lệ, chỉ đạo hoạt động và khai thác thông tin trực tiếp từ “X92”. Ở những nơi này, kẻ phản bội đã cũng cấp cho cơ quan đặc biệt của địch nhiều tài liệu cực kỳ quan trọng về đường lối, chủ trương của Đảng, Trung ương Cục miền Nam, như các nghị quyết của Trung ương Cục những năm 1968, 1969; nghị quyết mùa mưa (1970); các kế hoạch tấn công của ta trên một số địa bàn mà “X92” được phổ biến hoặc thu lượm được qua các nguồn. Điều hết sức nguy hiểm là y đã cung cấp những đầu mối cơ sở hoạt động bí mật trong vùng kiểm soát của địch; danh sách những đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Huyện ủy, địa bàn và vị trí công tác của từng người; tài liệu liên quan tới những điều kiện trước khi ký kết Hiệp định Paris. Đây là tài liệu dự thảo, Trung ương tham khảo ý kiến của các đồng chí cấp Tỉnh ủy trở lên và Bí thư Huyện ủy tỉnh trọng điểm. Khi được đọc tài liệu này, “X92” đã báo cáo ngay cho địch, giúp chúng chủ động đối phó và gây khó khăn cho ta trong đàm phán.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết và cho tới ngày chế độ Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, “X92” còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho địch, đặc biệt là báo cáo chi tiết về Chiến dịch Hồ Chí Minh, chi tiết về kế hoạch ta tấn công giải phóng Sài Gòn. Song, trước sức tấn công như vũ bão của quân và dân ta, mặc dù đối phương đã nắm được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc chiến do “X92” cung cấp nhưng chúng cũng không cứu vãn được tình thế. Ngày 30-4-1975 ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Võ Văn Ba bị bắt và y đã tự tìm đến cái chết. Kết thúc cuộc đời của một tên phản Cách mạng, phản bội Tổ quốc với nhiều tội ác. Đồng thời xóa tan niềm hy vọng của kẻ thù về một mật báo viên thượng hạng phục vụ cho kế hoạch hậu chiến chống Việt Nam.

Mặc dù đầu mối nội gián “X92” bị xóa sổ, song sự việc trên trở thành bài học nhớ đời, một sự trả giá về tính chủ quan, mất cảnh giác Cách mạng trong công tác tổ chức, công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ của một số đơn vị cơ sở thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài học ấy vẫn còn giá trị cho tới hôm nay, khi mà các thế lực thù địch vẫn rắp tâm phá hoại cuộc sống yên bình của đất nước chúng ta.

Ký của Khổng Minh Dụ

  • "Mạng ảo”, tội phạm biến hình?
  • Hà Nội: Va chạm với xe siêu trường, một cô gái trẻ thiệt mạng
  • Nỗi đau mang tên từ thiện
  • Giấc mơ về ‘siêu tàu sân bay’ mang tên Lenin
  • Bắt đối tượng lừa đảo qua mạng

Từ khóa » điệp Viên X92