Đau Mỏi Vai Gáy 'cảnh Báo' Ta điều Gì? - Tuổi Trẻ Online

Đau mỏi vai gáy cảnh báo ta điều gì? - Ảnh 1.

Mất ngủ cũng làm gia tăng tình trạng đau mỏi vai gáy - Ảnh: BSCC

Những cơn đau là cách cơ thể báo hiệu cho chúng ta biết có điều gì không ổn. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy.

Khi nào nên lo lắng?

Một hoạt động mạnh bạo, đột ngột có thể làm rách gân cơ gây đau, hoặc việc ngồi quá lâu trước máy vi tính, nhắn tin điện thoại với tư thế cúi ra trước cũng làm căng cơ vùng cổ. Nhóm bệnh lý hay gặp ở người lớn tuổi: thoái hóa khớp - cột sống, rách gân cơ vùng vai do thoái hóa. Chèn ép rễ thần kinh vùng cổ cũng gây đau đớn lan dọc xuống tay hoặc lưng. Đau nhức ê ẩm khi chúng ta bị sốt siêu vi, cảm cúm.

Nói chung, các bệnh lý từ lành tính như viêm bao hoạt dịch vùng vai đến nặng nề như viêm màng não đều có thể biểu hiện đau vùng vai gáy. Tuy nhiên, các vấn đề nghiêm trọng vùng vai gáy ít khi nào chỉ gây đau đơn thuần, mà còn đi kèm các triệu chứng khác.

Các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần cũng cần được lưu tâm vì căng thẳng, mất ngủ gây nên hiện tượng co thắt cơ, làm nặng thêm tình trạng đau mỏi vai gáy.

Vì thế cần đi khám bác sĩ ngay để có chẩn đoán chính xác khi cơn đau dữ dội hoặc nặng lên, dai dẳng trên 4 đến 6 tuần, đi kèm với các triệu chứng khác như: sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt cao, nôn ói, rối loạn tri giác, tê yếu tay, teo cơ, khó thở, đau bụng, đau ngực...

Thực tế đa số trường hợp đến gặp bác sĩ là đau mỏi vai gáy lành tính do vấn đề gân cơ, không được điều trị phù hợp nên kéo dài dai dẳng. Một điều thú vị là đôi khi bệnh nhân tình cờ phát hiện các bất thường cột sống (lồi, xẹp đĩa đệm, gai cột sống...) trên hình ảnh X-quang hoặc MRI, rồi vội vã quy kết cơn đau của mình có căn nguyên từ cột sống.

Nhưng không phải lúc nào cũng đúng như thế, vì nghiên cứu cho thấy một tỉ lệ lớn người có bất thường cột sống rõ ràng trên phim chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc hoàn toàn không có triệu chứng!

Điều trị, phòng tránh ra sao?

Sau khi loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ được điều trị với thuốc, tập phục hồi chức năng và hướng dẫn thay đổi lối sống. Một lối sống năng động, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là kim chỉ nam trong việc hạn chế, phòng ngừa những cơn đau vai gáy.

Thay đổi tư thế ngồi, tuân thủ việc thư giãn, tập các bài tập nhẹ tại bàn làm việc sau mỗi 30-45 phút cũng đem lại hiệu quả cao.

Trường hợp đau sau chấn thương hay làm việc nặng cần phải nghỉ ngơi, chườm đá, có thể dùng thêm kháng viêm giảm đau mua tại quầy thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Khi có triệu chứng, ngoài việc dùng thuốc, hiện nay vai trò của phục hồi chức năng được đề cao với các bài tập vật lý trị liệu kéo dãn, làm mạnh cơ. Bên cạnh đó, các máy móc như sóng xung kích, laser cường độ cao, siêu âm, sóng ngắn, điện xung trị liệu cũng được chỉ định tùy theo trường hợp bệnh lý, đem lại hiệu quả điều trị đáng kể cho người bệnh.

Đau mỏi vai gáy là căn bệnh đem lại nhiều phiền toái, lo âu cho người bệnh. Tuy vậy nó không quá đáng sợ, có thể giải quyết được từ giai đoạn sớm nếu biết được căn nguyên và tuân thủ điều trị. Lối sống lành mạnh, cân bằng về thể chất, tinh thần đóng vai trò rất quan trọng.

Căn bệnh của thời hiện đại

Hằng năm, khoảng 30% dân số thế giới gặp phải các vấn đề vùng vai gáy ở các mức độ từ nhẹ đến nặng, đa số sẽ tự hết hoặc đáp ứng với điều trị, nhưng có một tỉ lệ đáng kể chuyển thành đau mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Đau mỏi vai gáy thường gặp ở nhóm có lối sống ít vận động, làm công việc văn phòng, người lớn tuổi, cơ địa béo phì, có các vấn đề tâm lý (căng thẳng, trầm cảm, mất ngủ...), sức khỏe kém, từng bị chấn thương vùng vai gáy. Làm việc nặng, thường xuyên sử dụng các công cụ rung như máy khoan cũng gây đau mỏi.

Nghiện rượu, vai gáy nổi u to như cổ ngựa Nghiện rượu, vai gáy nổi u to như cổ ngựa

TTO - Bệnh nhân 50 tuổi ở Yên Bái vừa váo Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vì có những cục bướu mỡ rất to như cổ ngựa ở bụng, vai, gáy, căn bệnh liên quan đến nghiện rượu.

Từ khóa » đau Mỏi Vai Gáy Bệnh Gì