Đầu Nhanh Hôi: Nguyên Nhân Và Cách điều Trị - Suckhoe123

Đầu nhanh hôi là vấn đề có thể xảy ra ngay cả khi gội đầu thường xuyên vì nguyên nhân khiến đầu bốc mùi hôi không phải chỉ do tóc và da đầu bẩn mà còn có thể là do bệnh lý tiềm ẩn, chế độ ăn uống, thể trạng hay thậm chí là do yếu tố di truyền.

Các nguyên nhân khiến đầu nhanh hôi

Nguyên nhân chính khiến đầu có mùi hôi là do mồ hôi tích tụ. Mồ hôi sẽ khiến cho da đầu bị ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây mùi khó chịu.

Các nguyên nhân khác làm gia tăng vi khuẩn trên da đầu cũng có thể khiến cho đầu bốc mùi hôi.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây tích tụ mồ hôi, vi khuẩn và dẫn đến tình trạng đầu nhanh hôi.

Gội đầu không đúng cách

Nhiều người dù gội đầu hàng ngày nhưng đầu vẫn có mùi hôi khó chịu. Điều này có thể là do sử dụng quá ít dầu gội đầu, dầu gội không loại bỏ được hết bụi bẩn và dầu nhờn trên da đầu hoặc gội đầu không kỹ. Nếu vậy thì ngay cả sau khi chăm chỉ gội đầu hàng ngày, mồ hôi và vi khuẩn sẽ vẫn tích tụ và gây mùi.

Ngoài gội đầu không đúng cách, đầu nhanh hôi còn có thể xảy ra do không làm khô tóc sau khi gội, đặc biệt là vào những ngày không khí ẩm hay không gội đầu ngay sau khi tóc bị dính nước. Tất cả những điều này đều có thể gây tích tụ hơi ẩm và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trên da đầu.

Ra nhiều mồ hôi

Khi ra nhiều mồ hôi hơn bình thường, đầu sẽ nhanh hôi hơn. Nam giới dễ bị hôi đầu do nguyên nhân này hơn là phụ nữ.

Ra nhiều mồ hôi có thể là do hoạt động thể chất hoặc do di truyền, vấn đề về thần kinh, nồng độ hormone bất thường hoặc các bệnh ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi. Khi đổ mồ hôi nhiều, da đầu sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn và nhanh bốc mùi hơn.

Da đầu nhờn

Da đầu nhờn là một trong những nguyên nhân khiến vi trùng tích tụ nhiều. Điều này có thể là do di truyền, một số bệnh lý, mất cân bằng hormone, gội đầu quá nhiều hoặc quá ít.

Dầu trên da đầu được tạo ra bởi các tuyến bã nhờn trong nang tóc. Thông thường, lượng dầu này có vai trò giữ ẩm cho da đầu và tóc, giúp da đầu không bị khô, bong tróc và ngăn ngừa tóc gãy rụng, ngoài ra còn tạo độ bóng cho sợi tóc.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà đôi khi, tuyến bã nhờn tạo ra quá nhiều dầu. Lượng dầu thừa làm cho vi trùng trên da đầu sinh sôi nhanh chóng vì những vi trùng này sử dụng dầu làm thức ăn. Số lượng vi trùng gia tăng sẽ khiến cho da đầu bốc mùi khó chịu. Đầu sẽ càng nhanh hôi hơn nếu vi trùng gây viêm da đầu.

Gàu và các vấn đề khác về da đầu

Gàu là những vảy da đầu bị bong tróc. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, chẳng hạn như da đầu quá khô, quá nhờn, một số bệnh lý hay phản ứng dị ứng. Quá nhiều gàu cũng có thể khiến cho đầu có mùi hôi.

Tình trạng da đầu bong tróc nghiêm trọng sẽ gây ra nhiều gàu và tạo cảm giác ngứa ngáy dữ dội. Gãi sẽ gây kích ứng và tổn thương da đầu. Da đầu yếu và bong tróc nhiều là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn và kết quả là đầu nhanh bốc mùi.

Các bệnh da đầu

Ở một số người, nguyên nhân khiến cho đầu nhanh hôi là do các bệnh về da đầu. Trong những trường hợp này, mùi hôi xuất phát từ da đầu trong khi tóc vẫn thơm.

Đó thường là những bệnh gây tích tụ vi khuẩn, nhiễm trùng da đầu hoặc khiến da đầu bong tróc nhiều hơn bình thường, điển hình là viêm da tiết bã, bệnh vảy nến và nấm da đầu.

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã hay viêm da đầu xảy ra do tuyến bã nhờn tiết ra quá nhiều dầu. Điều này tạo điều kiện cho Malassezia (một loại nấm ăn dầu tồn tại tự nhiên trên da đầu) sinh sôi nhanh chóng và gây viêm trên da đầu. Sự sinh sôi của nấm và tình trạng viêm khiến cho da đầu bốc mùi.

Vảy nến da đầu

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến da đầu là do hệ miễn dịch bị trục trặc, khiến cho các tế bào da phát triển nhanh hơn bình thường, sau đó tích tụ lại và tạo thành vảy dày cứng trên da đầu.

Bệnh vảy nến khiến cho da đầu bị khô, ngứa ngáy và các mảng vảy dày còn là nơi tích tụ mồ hôi và vi khuẩn. Điều này khiến đầu có mùi hôi nhanh hơn bình thường.

Nấm da đầu

Nấm da đầu là bệnh xảy ra do da đầu bị nhiễm nấm dermatophyte, khiến cho da đầu bốc mùi hôi, ngứa ngáy, rụng tóc từng mảng, đóng vảy và còn có thể bị viêm, có mủ hoặc áp xe. Mủ càng khiến cho da đầu có mùi khó chịu.

Ngoài ra, bệnh nấm da đầu có thể để lại sẹo, dẫn đến mất một mảng tóc lớn hoặc hói đầu. Lúc này, thuốc trị rụng tóc sẽ không có tác dụng mà phải cấy tóc để khôi phục lại mái tóc.

Lý do đầu nhanh hôi
Lý do đầu nhanh hôi

Thời tiết và môi trường

Thời tiết và môi trường cũng có thể khiến đầu bốc mùi. Khí hậu nóng sẽ khiến da đầu ra nhiều mồ hôi và dễ bị hôi. Môi trường khói bụi, ô nhiễm sẽ gây tích tụ bụi bẩn trên da đầu, khiến vi khuẩn sinh sôi và gây mùi.

Bên cạnh đó, mùi từ môi trường cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đầu có mùi khó chịu. Ví dụ, mùi đồ nướng hay khói xe có thể bám trên tóc và da đầu. Điều này là do tóc được tạo thành từ chất sừng (keratin) có kết cấu chuỗi dài và xốp nên dễ hút mùi.

Thường xuyên ăn thực phẩm nặng mùi

Bình thường, mồ hôi không có mùi nhưng khi ăn một số loại thực phẩm nặng mùi, đặc biệt là gia vị như hành và tỏi, mồ hôi sẽ có mùi lạ. Khi da đầu ra nhiều mồ hôi thì cũng sẽ có mùi khó chịu. Ngoài ra, các loại đồ ăn khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi như đồ ăn nhiều muối, nhiều dầu mỡ hay caffeine cũng làm tăng nguy cơ đầu nhanh có mùi hôi.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đầu có mùi hôi

Tình trạng đầu có mùi hôi thường xảy ra ở những người:

  • Bị rụng tóc nhiều do di truyền, bệnh tật hay một số vấn đề sức khỏe
  • Ít gội đầu
  • Bị viêm da đầu
  • Sống ở nơi có khí hậu nóng hoặc không khí ô nhiễm
  • Thường xuyên ăn thức ăn nặng mùi

Cách khắc phục đầu nhanh hôi

Để khắc phục tình trạng đầu có mùi hôi thì cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Nếu nguyên nhân gốc rễ vẫn còn thì dù bạn có thường xuyên gội đầu hay dùng nước hoa để khử mùi thì đầu vẫn sẽ rất nhanh có mùi khó chịu.

Dưới đây là các phương pháp giải quyết nguyên nhân khiến đầu có mùi hôi.

Gội đầu đúng cách

Giữ cho tóc và da đầu sạch sẽ là điều quan trọng nhất vì khi không có vi khuẩn, đầu sẽ không còn mùi hôi.

Tuy nhiên, giữ cho tóc và da đầu sạch sẽ không có nghĩa là gội đầu quá thường xuyên. Điều quan trọng là phải gội đầu đúng cách. Không nên gội quá nhiều mà chỉ nên gội từ 3 - 4 lần một tuần hoặc cách ngày.

Gội đầu quá thường xuyên sẽ khiến da đầu bị mất đi lượng dầu giữ ẩm tự nhiên, trở nên khô, bong tróc và sinh ra gàu hoặc khiến cho các tuyến bã nhờn tiết ra quá nhiều dầu để bù lại lượng dầu bị mất đi, làm cho tóc bết dính và đầu nhanh có mùi. Gội đầu quá nhiều còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh da đầu.

Tuy nhiên cũng không nên gội đầu quá ít vì gội đầu ít sẽ khiến bụi bẩn, tế bào da chết tích tụ và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trên da đầu.

Gội đầu bằng nước ở nhiệt độ thường, không sử dụng nước quá nóng hay quá lạnh để tránh làm da đầu bị khô.

Cách khắc phục đầu nhanh hôi
Cách khắc phục đầu nhanh hôi

Trong khi gội không nên gãi mạnh để tránh làm tổn thương da đầu. Sau khi gội bằng dầu gội nên dùng thêm dầu xả hoặc dầu dưỡng tóc. Nếu trời ẩm thì nên sấy tóc để tóc và da đầu không bị nấm.

Sử dụng dầu gội giảm dầu và loại bỏ gàu

Một trong những nguyên nhân khiến đầu có mùi khó chịu là do dầu và gàu. Do đó, một cách để khắc phục tình trạng đầu nhanh hôi là kiểm soát dầu và loại bỏ gàu.

Đa số các loại dầu gội trị gàu trên thị trường hiện nay đều có tác dụng giảm tiết dầu và diệt nấm hoặc vi khuẩn. Những loại dầu gội này thường chứa thành phần tar (hắc ín), ketoconazole, selenium sulfide hoặc zinc pyrithione.

Tuy nhiên, dầu gội trị gàu có thể gây khô và kích ứng da đầu nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài. Do đó, chỉ nên sử dụng 2 - 3 lần/tuần.

Khi tình trạng gàu cải thiện thì có thể ngừng sử dụng dầu gội trị gàu và chuyển sang dầu gội có công thức bổ sung độ ẩm. Chỉ khi gàu quay trở lại thì mới phải tiếp tục sử dụng dầu gội trị gàu.

Có nên sử dụng dầu gội có mùi thơm để khử mùi hôi trên da đầu không?

Nếu nguyên nhân khiến đầu bốc mùi khó chịu là do các vấn đề về da đầu mà không phải do mồ hôi hay mùi của tóc thì nên sử dụng dầu gội trị gàu sẽ tốt hơn.

Vì những loại dầu gội có mùi thơm thường chứa rất nhiều nước hoa. Đôi khi, thành phần nước hoa trong dầu gội có thể gây dị ứng cho da đầu vốn đã nhạy cảm và điều này khiến cho đầu càng nhanh hôi. Hơn nữa, dầu gội có mùi thơm cũng không thể khắc phục tận gốc nguyên nhân khiến đầu nhanh hôi. Chỉ nên sử dụng dầu gội có mùi thơm sau khi đã giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Bổ sung độ ẩm cho da đầu

Một cách để cải thiện tình trạng đầu nhanh hôi là bổ sung độ ẩm cho da đầu. Da đầu khô sẽ dễ bong tróc và sinh ra gàu hoặc làm cho tuyến bã nhờn tiết dầu nhiều hơn bình thường. Cả hai đều có thể là nguyên nhân gây ra mùi khó chịu.

Có nhiều cách để tăng độ ẩm cho da đầu. Bạn có thể thử ủ tóc bằng các loại dầu tự nhiên như dầu dừa hoặc dầu ô liu trước khi gội đầu. Cách này còn giúp loại bỏ bụi bẩn, vảy da chết và dầu thừa bám trên da đầu dễ dàng hơn trong khi gội.

Nhưng phải gội đầu thật cẩn thận sau khi ủ tóc bằng dầu vì dầu còn sót lại sẽ làm cho da đầu dễ bám bụi, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn và viêm lỗ chân lông, dẫn đến nổi mụn trên đầu.

Ở nơi mát mẻ, không khí trong lành

Vì mùi khó chịu trên tóc và da đầu có thể đến từ mồ hôi hoặc ám mùi từ môi trường xung quanh nên một cách để tránh tình trạng này là ở những nơi mát mẻ có không khí trong lành. Khi thời tiết nắng nóng nên hạn chế ra ngoài trời và hoạt động thể chất để không ra nhiều mồ hôi.

Tránh các loại đồ ăn gây mùi mồ hôi

Nếu nguyên nhân khiến da đầu có mùi hôi là do chế độ ăn uống có nhiều loại thực phẩm nặng mùi như hành hoặc tỏi thì nên hạn chế các loại thực phẩm này. Dần dần, mùi mồ hôi và da đầu sẽ biến mất.

Tránh đồ ăn gây mùi mồ hôi
Tránh đồ ăn gây mùi mồ hôi

Nếu đã thử hết các cách nêu trên mà tình trạng đầu nhanh hôi vẫn tiếp diễn và không biết nguyên nhân do đâu thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp. Đôi khi, đầu nhanh hôi là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, có thể là bệnh về da, rối loạn nội tiết tố hoặc các vấn đề về thần kinh.

Kết luận

Đầu nhanh có mùi hôi không phải vấn đề nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này và đa số đều có thể giải quyết được. Tốt nhất hãy tự mình theo dõi để tìm ra nguyên nhân và giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu vẫn không rõ nguyên nhân do đâu thì nên đi khám bác sĩ.

>>> Tham khảo thêm: Da Đầu Bị Đỏ Sau Hai Tháng Rưỡi

Từ khóa » Da đầu Bốc Mùi