Đau Nhức Mưng Mủ đầu Ngón Tay - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Ninh Bình

Đầu ngón tay trỏ của tôi bị sưng và cương mủ (giống như bị mé), gây đau nhức khó chịu, tôi phải làm thế nào?

Ngọc Quang (Đồng Xoài, Bình Phước)

BS Nguyễn Tuấn Hải: Nhiễm trùng ở đầu ngón tay thường do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra, trong y học gọi là chín mé. Chín mé khi chưa có mủ, tổn thương mới xuất hiện dấu đỏ ửng trên mặt da, hơi sưng và đau tại chỗ. Có thể thấy nốt phồng mọng nước ở đầu ngón tay. Những vết kim châm hoặc trầy xước ngón tay gây tình trạng sưng, viêm đỏ và đau nhẹ ở kẽ móng tay, quanh hoặc dưới móng tay.

Trong trường hợp xuất hiện mủ ít, chỉ có một chấm mủ hoặc dạng chín mé mọng nước, có thể dùng mũi kim vô trùng khơi đầu giọt mủ rồi nặn sẽ bớt nhức, có thể vạt mỏng lớp da mọng nước để giảm áp lực gây căng, đau. Tuy nhiên, cần lưu ý nên chườm nước nóng bằng cách nhúng ngón tay vào trong nước nóng hoặc lăn ngón tay ngoài chai nước nóng và bảo đảm nguyên tắc vô trùng tại vết thương, rửa cồn y tế, nếu dùng kháng sinh chống nhiễm tùng phải thông qua chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp nặng, mủ đã lan rộng, gây sưng đau nhức hoặc tổn thương nằm ở giữa da và xương đầu ngón tay… gây đau nhức giật theo mạch đập của tim, khiến người bệnh mất ngủ thì phải cảnh giác. Vì đây là loại chín mé đáng sợ, có khả năng ăn vào xương, gây biến chứng viêm xương, viêm khớp hoặc viêm các gân gấp ngón tay, khiến xương bị hoại tử. Nếu không được điều trị đúng, đôi khi phải tháo cắt cụt ngón tay. Vì vậy, trong trường hợp nặng, người bệnh cần đi khám bác sĩ để có cách xử trí phù hợp.

Lưu ý: Người bệnh không nên tự ý dùng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ. Tránh cử động ngón tay bị chín mé trong thời gian viêm tấy. Khi mưng mủ nên đến bác sĩ ngoại khoa để được chẩn đoán điều trị thích hợp. Khi đã ổn định nên tập luyện cử động để đề phòng cứng khớp, có thể chích ngừa huyết thanh chống uốn ván…

(theo sggp.org.vn)

Từ khóa » Sưng đau Khoé Móng Tay