Đau Nhức Quai Hàm: Nguyên Nhân Và Cách điều Trị - Hapacol

Cơn đau nhức quai hàm có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Do đó, việc xác định chính xác nguyên nhân gây đau nhức để có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả hơn.

Đau là phản ứng báo hiệu cơ thể bạn đang ở trạng thái bất ổn. Bạn có thể đã từng trải nghiệm nhiều loại đau cơ ở nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm cả cơ hàm. Vậy bạn đã biết đau nhức quai hàm đại diện cho vấn đề sức khỏe nào chưa?

MỤC LỤC NỘI DUNG

  • 1. Đau cơ hàm hay đau nhức quai hàm là gì?
  • 2. Vì sao bạn bị đau nhức quai hàm?
    • 2.1 Rối loạn khớp thái dương hàm
    • 2.2 Đau đầu từng cơn
    • 2.3 Các vấn đề về xoang
    • 2.4 Các vấn đề về răng miệng
    • 2.5 Đau dây thần kinh sinh ba
    • 2.6 Đau tim
  • 3. Đau nhức quai hàm được điều trị ra sao?
    • 3.1 Biện pháp giảm đau nhức quai hàm ngay lập tức
    • 3.2 Biện pháp làm giảm đau nhức quai hàm lâu dài
    • 3.3 Phương pháp điều trị đau nhức quai hàm nhờ can thiệp y tế

1. Đau cơ hàm hay đau nhức quai hàm là gì?

Đau nhức quai hàm gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống cũng như nói chuyện

Tình trạng đau nhức quai hàm đề cập đến vấn đề suy yếu của các cơ ở bộ phận này, gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống cũng như nói chuyện của bạn. Thực tế, đau nhức quai hàm có thể phát sinh bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ răng, hàm, xoang, dây thần kinh cho đến cả đầu và có thể cảm thấy đau nhức dưới cằm. Do đó, điều này sẽ gây khó khăn cho việc nhận biết cơn đau xảy ra ở hàm đang biểu hiện cho vấn đề gì.

2. Vì sao bạn bị đau nhức quai hàm?

Hầu hết trường hợp bị đau nhức quai hàm xuất hiện do khớp hàm gặp chấn thương hoặc đang có vấn đề phát sinh tại bộ phận này. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân đau nhức quai hàm có thể sâu xa hơn.

Theo các chuyên gia, 6 yếu tố thường khiến hàm của bạn bị đau sẽ gồm:

2.1 Rối loạn khớp thái dương hàm

Nguyên nhân gây đau nhức quai hàm chính là rối loạn khớp thái dương hàm

Nguyên nhân gây đau nhức quai hàm phổ biến nhất chính là rối loạn khớp thái dương hàm. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến rất nhiều người trên toàn thế giới.

Bạn có thể rơi vào tình huống rối loạn khớp thái dương hàm bởi một số nguyên nhân phát sinh cùng một lúc, chẳng hạn như:

  • Cơn đau đến từ các cơ kiểm soát hoạt động của hàm
  • Chấn thương khớp hàm
  • Khớp hàm bị kích ứng
  • Thoái hóa đĩa đệm hỗ trợ chuyển động của hàm
  • Viêm khớp đĩa đệm bảo vệ khớp hàm

Bên cạnh đó, khớp hàm và các cơ chịu trách nhiệm điều khiển chuyển động của hàm có nguy cơ chịu thương tổn bởi những thói quen xấu như:

  • Nghiến răng vào ban đêm
  • Siết chặt hàm mỗi khi căng thẳng hay lo lắng
  • Thường xuyên bị chấn thương khớp hàm bởi nhiều nguyên do, ví dụ như chơi thể thao, hay bị té, va đập…

2.2 Đau đầu từng cơn

Tình trạng đau đầu từng cơn có thể xuất hiện ngay phía sau hoặc xung quanh một bên mắt. Đôi khi cơn đau có thể lan đến cơ hàm, gây đau nhức quai hàm và có thể đau nhức cơ mặt. Trong số các loại đau đầu, đau đầu từng cơn là loại có cường độ đau dữ dội nhất, nó có thể kéo dài từ 15 phút cho đến 3 giờ.

2.3 Các vấn đề về xoang

Xoang là những hốc xương rỗng thuộc nhóm xương sọ. Một số chúng nằm ở vị trí gần khớp hàm. Do đó, hệ quả của tình trạng nhiễm trùng xoang có thể lan sang khớp hàm, gây đau nhức dưới cằm.

2.4 Các vấn đề về răng miệng

Các bệnh lý về răng miệng có khả năng tác động trực tiếp đến cơn đau nhức quai hàm

Một số vấn đề sức khỏe răng miệng có khả năng tác động trực tiếp đến cơn đau nhức quai hàm, ví dụ như sâu răng, ê buốt răng hay thậm chí là áp xe răng.

2.5 Đau dây thần kinh sinh ba

Dây thần kinh sinh ba (tam thoa) ở thái dương là dây thần kinh chính trên mặt. Khi bị đè nén, nó sẽ gây đau nhức cơ mặt cho toàn bộ khuôn mặt của bạn, bao gồm cả các bộ phận như cơ hàm trên hoặc hàm dưới.

2.6 Đau tim

Bên cạnh ngực, cơn đau tim còn có thể lây sang những khu vực khác như:

  • Cánh tay
  • Lưng
  • Cổ
  • Hàm

Trong đó, phụ nữ là đối tượng dễ bị đau cơ hàm bên trái nếu họ vừa trải qua cơn đau tim. Bạn sẽ cần đến bệnh viện để cấp cứu ngay lập tức nếu các dấu hiệu dưới đây xuất hiện, bao gồm: 

  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Ngất xỉu

3. Đau nhức quai hàm được điều trị ra sao?

Để đối phó với cơn đau nhức quai hàm, Hapacol sẽ tiết lộ cho bạn 3 phương pháp để triệt tiêu nỗi lo này:

3.1 Biện pháp giảm đau nhức quai hàm ngay lập tức

– Chườm nóng hoặc lạnh

Chườm lạnh là biện pháp giảm đau nhức quai hàm

Trước hết, bạn sẽ đặt vài viên đá nhỏ vào túi nhựa, bọc thêm một lớp khăn bên ngoài rồi áp lên bên hàm bị đau trong 10 phút. Sau đó, để cơ mặt thả lỏng trong 10 phút tiếp theo rồi mới bắt đầu tiếp tục chườm để tránh bị bỏng lạnh. 

Mặt khác, thay vì áp dụng nhiệt độ thấp, bạn có thể nhúng khăn vào thau nước ấm, vắt khô rồi áp lên vùng hàm bị đau. Nhiệt độ kết hợp với độ ẩm cao có thể giúp cơ hàm thư giãn, từ đó giảm đau. Bạn sẽ cần lặp lại thao tác trên nhiều lần để duy trì nhiệt độ cần thiết. 

– Sử dụng thuốc làm giảm đau đau không kê đơn

Các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAIDs (nhóm kháng viêm không steroid) như ibuprofen hay paracetamol có thể giúp bạn tạm thời thoát khỏi tình cảnh khó chịu này. 

– Massage cơ hàm bị ảnh hưởng

Sử dụng ngón trỏ và ngón giữa để nhấn vào các khu vực đau của hàm và xoa bóp theo chuyển động tròn khoảng 5 – 10 vòng rồi thử cử động miệng. Bạn nên lặp lại các thao tác trên cho đến khi cơn đau dịu bớt.

Mặt khác, massage các cơ ở bên cổ cũng có thể hỗ trợ giảm bớt phần nào căng thẳng ở cơ hàm, giúp giảm đau nhức quai hàm.

3.2 Biện pháp làm giảm đau nhức quai hàm lâu dài

Tập yoga cũng là cách giúp giảm đau nhức quai hàm

Khác với những cách làm giảm đau nhanh chóng, các phương pháp dưới đây sẽ cần nhiều thời gian để có kết quả như mong muốn hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ cơn đau tái phát sau khi bạn thực hiện những biện pháp này sẽ thấp. 

Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn chính là chiến lược chủ yếu, bao gồm tập yoga, viết nhật ký hoặc thiền. Đây là những phương pháp làm giảm đau nhức quai hàm nếu nguyên nhân phát sinh là căng thẳng.

Đồng thời, bạn cũng cần chú ý về mặt dinh dưỡng. Những thực phẩm dai, giòn cần nhai nhiều sẽ tạo thêm áp lực cho khớp hàm, khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, lúc này, bạn nên hạn chế:

  • Táo
  • Khô bò
  • Kẹo cao su
  • Bingsu (đá bào)

Ngoài ra, bạn cũng cần tránh hấp thụ caffeine. Ly cà phê buổi sáng có thể góp phần làm tăng căng cơ hàm. Hạn chế cà phê và trà chứa caffeine có thể giúp bạn làm giảm cơn đau hàm theo thời gian, dù trước đó kết quả có thể ngược lại khi bạn đột ngột loại bỏ những thức uống yêu thích trên ra khỏi thực đơn hàng ngày. 

3.3 Phương pháp điều trị đau nhức quai hàm nhờ can thiệp y tế

Phần lớn trường hợp, bác sĩ sẽ ưu tiên các biện pháp điều trị không xâm lấn để giải quyết cơn đau nhức quai hàm dai dẳng của bạn, chẳng hạn như:

– Sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng

Sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng khi bị đau nhức quai hàm

Đây là dụng cụ bảo vệ răng bằng nhựa, được gắn ở răng trên hoặc dưới của bạn. Bạn có thể tìm mua loại dụng cụ này ở nhà thuốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến nghị bạn nên đến bệnh viện răng hàm mặt để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ sẽ đo dấu răng và cho bạn sản phẩm phù hợp. 

Mục đích chính của biện pháp này là ngăn chặn thói xấu nghiến răng khi ngủ của bạn, từ đó thuyên giảm cơn đau nhức quai hàm.

– Uống thuốc giãn cơ

Nếu cơn đau của bạn không có dấu hiệu cải thiện sau khi bạn đã đeo dụng cụ bảo vệ răng, nha sĩ có thể sẽ kê thêm toa thuốc giãn cơ nhằm thư giãn nhóm cơ hàm.

Tuy nhiên, trong một số tình huống, các loại thuốc này không giúp ích nhiều cho tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm.

Khi những liệu pháp trên không đem lại hiệu quả như mong đợi, các chuyên gia nha khoa có thể sẽ bắt đầu can thiệp bằng cách tiến hành một số phương pháp điều trị xâm lấn nhằm xoa dịu cơn đau.

– Tiêm botox

Biện pháp điều trị đau nhức quai hàm xâm lấn phổ biến nhất là tiêm botox

Một trong những biện pháp điều trị xâm lấn phổ biến nhất là tiêm botox. Sau khi đi vào cơ thể, botox sẽ làm giãn các cơ đang căng cứng, từ đó giúp giảm đau nhức quai hàm do rối loạn khớp thái dương hàm.

Tác dụng của những mũi tiêm botox có thể kéo dài nhiều tháng. Nếu cơn đau tái phát, bạn sẽ cần lặp lại liệu trình này lần nữa. 

– Phẫu thuật hàm

Trong những trường hợp hiếm gặp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện phẫu thuật hàm để khắc phục các vấn đề liên quan đến rối loạn khớp thái dương hàm. Đây cũng là phương pháp cuối cùng cho việc điều trị đau nhức quai hàm, chủ yếu dành cho những người bị đau nghiêm trọng hoặc cơn đau phát sinh do cấu trúc khớp hàm gặp vấn đề.

Từ khóa » đau Mỏi Quai Hàm Trái