Đau Quặn Bụng Là Dấu Hiệu Của Những Bệnh Gì, Cách Chữa Trị

Đau quặn bụng là dấu hiệu của những bệnh gì

Chào bác sĩ, tôi tên là Vy, 26 tuổi. Một tuần nay tôi thường hay bị những cơn đau quặn bụng, những cơn đau này đến đột ngột và được một lúc lại dịu dần. Bác sĩ có thể cho tôi biết tôi đang bị bệnh gì không ạ. Nguyên nhân nào khiến tôi bị đau quặn bụng và cách phòng tránh, điều trị bệnh. Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

Chào bạn Vy, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy bạn đang có triệu chứng đau quặn bụng. Trước hết, bạn nên có cái nhìn cụ thể về triệu chứng mà mình đang mắc phải. Một số thông tin dưới đây sẽ hữu ích cho bạn:

1. Đau quặn bụng là gì?

2. Nguyên nhân gây ra đau quặn bụng

3. Biện pháp tự chăm sóc

4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Tiêu Hoá Hello Doctor

Gọi Bác sĩ - 19001246

1. Đau quặn bụng là gì?

Ruột, niệu quản, hay vòi trứng là những cơ quan dạng ống trong cơ thể. Lớp giữa của các cơ quan này được cấu tạo bởi các lớp cơ trơn. Khi các lớp cơ trơn co thắt gây ra sự co thắt của các cơ quan này và cơn đau quặn được hình thành. Khi ruột co thắt hoặc bất kỳ một cơ quan dạng ống nào ở vùng ngực, bụng, vùng chậu co thắt đều có thể gây ra cơn đau quặn nghiêm trọng. Cơn đau quặn thường xảy ra đột ngột và xuất hiện từng cơn. Mỗi cơn đau kéo dài vài phút và chu kỳ mỗi cơn lặp đi lặp lai sau vài phút. Cơn đau quặn bụng cũng có thể xuất hiện kèm với một vài triệu chứng khác như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn hoặc nôn.

2. Nguyên nhân gây ra đau quặn bụng

Nguyên nhân từ dạ dày

Có hai bệnh lý thường gặp ở dạ dày gây cơn đau quặn bụng

  • Viêm dạ dày: bệnh xuất hiện do phản ứng viêm của lớp niêm mạc dạ dày với tác nhân gây bệnh là virus hoặc vi khuẩn. Viêm dạ dày gây ra cơn đau quặn bụng kèm cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Loét dạ dày: loét dạ dày thường gây cơn đau rát kéo dài. Tuy nhiên trong một số trường hợp loét dạ dày có thể gây cơn co thắt dạ dày thường xuyên dẫn đến cơn đau quặn.

Nguyên nhân từ ruột non

  • Viêm ruột: tình trạng nhiễm siêu vi hoặc vi trùng ở ruột non có thể gây ra cơn đau quặn bụng mức độ nặng kèm theo đó là tình trạng tiêu chảy và nôn ói.
  • Lồng ruột: ruột non là một cơ quan ống di chuyển tự do trong khoang ổ bụng. Do đó đoạn xa của ruột non có thể trượt và lồng vào đoạn gần gây ra bệnh cảnh lồng ruột. Dấu hiệu lâm sàng bao gồm đau quặn bụng, buồn nôn, nôn và có máu ở trực tràng khi thăm khám. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em.
  • Xoắn ruột: Khi đoạn ruột non xoay bất thường quanh mạc treo ruột sẽ gây xoắn ruột. Ruột xoắn tạo thành nút thắt gây tắc nghẽn sự lưu thông trong lòng ruột.
  • Dính ruột: Sẹo mổ sau phẫu thuật vùng bụng hoặc sau chấn thương là nơi dễ gây ra tình trạng dính ruột từ đó gây tắc nghẽn lưu thông trong lòng ruột. Tắc ruột gây ra bởi dính ruột sẽ biểu hiện tình trạng đau quặn bụng, nôn ói và bí trung đại tiện.
  • Khối u: U trong lòng ruột cũng có thể gây tắc ruột. U ruột biểu hiện các triệu chứng như đau quặn bụng, táo bón, sụt cân, ăn không ngon miệng và suy nhược cơ thể.

Nguyên nhân đau quặn bụng từ ruột non

Nguyên nhân đau quặn bụng từ ruột non

Nguyên nhân từ ruột thừa

Viêm ruột thừa là một bệnh lý khá phổ biến xảy ra khi ruột thừa bị viêm. Triệu chứng thường gặp là đau bụng vùng dưới phải, sốt, nôn ói và tiêu chảy.

Nguyên nhân đau quặn bụng từ ruột thừa

Nguyên nhân từ ruột già

  • Viêm đại tràng: Viêm đại tràng có đặc điểm là gây ra hiện tượng viêm loét và rối loạn chức năng của đại tràng. Cần phân biệt viêm đại tràng với bệnh đại tràng chức năng (hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng co thắt…) là những bệnh gây rối loạn chức năng đại tràng nhưng không có tổn thương trên đại tràng. Tác nhân gây bệnh thường gặp là virus, vi trùng hoặc ký sinh trùng. Các triệu chứng thông thường của viêm đại tràng bao gồm đau bụng, tiêu chảy, sốt và đầy hơi.
  • Bệnh viêm ruột Crohn: là một bệnh lý viêm của đường tiêu hoá. Triệu chứng bao gồm đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và sụt cân. Bệnh Crohn khởi phát sau một đợt nhiễm khuẩn đường tiêu hoá do vi trùng trên cơ địa bệnh nhân có yếu tố miễn dịch đi kèm.
  • Viêm túi thừa: Túi thừa là những vị trí trên thành ruột bị khiếm khuyết về cấu trúc, lâu ngày phình ra tạo thành dạng túi nhỏ. Triệu chứng viêm túi thừa bao gồm đau quặn bụng, sốt, nôn ói, táo bón hoặc tiêu chảy.

Nguyên nhân từ cơn đau quặn thận

Nguyên nhân từ thận:

  • Sỏi thận: sỏi thận gây cơn đau quặn biểu hiện kèm với buồn nôn và tiểu máu.
  • Khối u: khối u ngăn chặn sự lưu thông dòng nước tiểu trong đài bể thận gây cơn đau quặn kèm theo các biểu hiện sốt, tiểu máu và bí tiểu.

Nguyên nhân từ ống dẫn nước tiểu (niệu quản)

  • Sỏi: sỏi kẹt ống niệu quản gây cơn đau quặn thận dữ dội kèm cảm giác buồn nôn và bí tiểu. Đau quặn cơn vùng mạn sườn một bên lan xuống vùng bẹn, bìu. Sỏi niệu quản cũng có thể gây tiểu máu. Cơn đau quặn thận do sỏi kẹt niệu quản thường khó chẩn đoán.
  • Nhiễm trùng: nhiễm trùng niệu quản thường thứ phát sau nhiễm trùng ở bàng quang và có thể dẫn đến nhiễm trùng đài bể thận. Cơn đau bụng là do sự co thắt của niệu quản bị viêm. Các triệu chứng khác bao gồm sốt và tiểu máu.
  • U niệu quản: khối u gây tắc nghẽn sự lưu thông niệu quản. Hậu quả là dãn niệu quản và tạo nên các cơn co thắt gây đau quặn bụng.

Nguyên nhân đau quặn bụng từ cơn đau quặn thận

Nguyên nhân đau quặn bụng từ cơn đau quặn thận

Nguyên nhân từ cơn đau có nguyên nhân từ đường mật

  • Viêm túi mật và nhiễm trùng đường mật: Tình trạng viêm và nhiễm trùng ở túi mật hoặc đường mật gây ra các cơn co thắt gây đau ở vùng hạ sườn phải. Đau thường đi kèm với các triệu chứng sốt và nôn ói. Viêm túi mật thường được điều trị ngoại trú.
  • Sỏi túi mật: Sỏi mật là “những hòn sỏi” nằm bên trong túi mật. Sỏi mật thường gây đau bụng, nhiễm trùng túi mật, viêm tụy và có thể gây tắc nghẽn dòng chảy của ống mật chủ. Cơn đau quặn mật hình thành do sỏi di chuyển qua ống mật chủ. Cơn đau quặt mật điển hình thường xuất hiện sau ăn khoảng 1-2 giờ, đặc biệt là bữa ăn nhiều mỡ hay ăn nhiều sau một thời gian nhịn đói kéo dài. Cơn đau xuất hiện đột ngột. Mức độ đau thường từ trung bình trở lên. Bệnh nhân có cảm giác đau quặn ở vùng hạ sườn phải.
  • U túi mật: một khối u hình thành ở túi mật có thể gây co thắt và tắc nghẽn đường ra của ống mật chủ kèm theo đó là các triệu chứng ăn không ngon miệng, sụt cân, sốt, vàng da và có thể buồn nôn.
  • Loét túi mật: cũng có thể do sỏi mật và gây ra tình trạng co thắt túi mật gây đau.

Nguyên nhân từ cơn đau quặn vùng chậu và bụng dưới

Nguyên nhân từ vòi trứng: hai vòi trứng thông nối vào buồng tử cung. Đầu xa của vòi trứng thông nối vào ổ bụng và liên kết với hai buồng trứng. Trứng sau khi rụng sẽ được vòi trứng bắt lấy, di chuyển vào buồng tử cung và thụ tinh với tinh trùng tại đó. Một số trường hợp sự thụ tinh xảy ra bất thường tại vòi trứng gọi là thai ngoài tử cung. Khi bào thai lớn gây dãn vòi trứng và từ đó xuất hiện cơn đau bụng. Tình trạng nhiễm trùng vòi trứng cũng có thể làm co thắt vòi trứng gây cơn đau ở vùng chậu.

Nguyên nhân từ tử cung

  • Kinh nguyệt hình thành do sự bong tróc lớp nội mạc tử cung theo chu kỳ thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Một đợt hành kinh có thể gây đau bụng nhẹ, vừa hoặc nặng.
  • Viêm và nhiễm trùng ở buồng tử cung cũng gây cơn đau co thắt kèm theo dấu hiệu sốt và ra máu âm đạo bất thường.
  • Đau vùng hạ vị kèm theo sờ thấy khối lớn cũng có thể là dấu hiệu của khối u ở tử cung.

Nguyên nhân từ xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng hiếm khi xảy ra với một buồng trứng có kích thước bình thường. Khi kích thước buồng trứng tăng như có nang hoặc u, buồng trứng dễ xoay quanh vòi trứng và dây chằng rộng gây cơn đau quặn, nôn ói. Sốt thường xảy ra sau khi buồng trứng hoặc vòi trứng bị hoại tử.

Đau quặn bụng không đặc hiệu

Nguyên nhân này khá phổ biến, người bệnh thường hay được chẩn đoán là Rối loạn tiêu hóa, Viêm loét Dạ dạy- Tá tràng. Nguyên nhân gây ra đau bụng thường khó xác định chính xác, tuy nhiên, triệu chứng đau thường khá đáp ứng với các thuốc điều trị triệu chứng như: Giảm co thắt, trung hòa acid…

3. Biện pháp tự chăm sóc

Luôn kiểm tra xem có chảy máu âm đạo hoặc hậu môn hay không. Chảy máu và sốt có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như thai ngoài tử cung, sẩy thai, nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường ruột. Điều cần thiết là phải đến ngay cơ sở y tế nếu có những triệu chứng này.

Có thể sử dụng thuốc để làm giảm các triệu chứng do viêm nếu đau bụng bởi viêm dạ dày ruột hoặc được chẩn đoán là bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng. Cần nhớ tránh sử dụng ibuprofen và các thuốc giảm đau khác nếu đau bụng chưa được chẩn đoán chính xác.

Thuốc nhuận trường có thể được sử dụng nếu bạn bị đau bụng nhẹ và không xì hơi trong vài ngày hoặc lâu hơn. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể gặp cơn co thắt do táo bón. Cần ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ và tăng lượng nước để ngăn ngừa và kiểm soát táo bón.

Bạn nên đi dạo vài phút nếu thấy đau có thể chịu được hoặc tắm với nước ấm. Trong một số trường hợp, điều này có thể làm giảm bớt triệu chứng cơn đau bụng.

Bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh uống rượu, caffein. Ngoài ra sữa, lúa mì và sô cô la có thể gây đau bụng ở một số người không dung nạp lactose hoặc có hội chứng ruột kích thích. Nếu sự thay đổi chế độ ăn uống có thể làm giảm các triệu chứng, cần hỏi ý kiến bác sĩ.

4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Bạn nên đến khám ngay khi có dấu hiệu đau bụng kèm theo một trong các dấu hiệu sau:

  • Cơn đau dữ dội
  • Sốt
  • Phân có máu
  • Buồn nôn và nôn dai dẳng
  • Sụt cân
  • Vàng da
  • Thành bụng tăng nhạy cảm khi chạm vào
  • Bụng to lên

Hãy thiết lập một cuộc hẹn với bác sĩ khi cơn đau bụng khiến bạn lo lắng hoặc kéo dài vài ngày.

Trong khi ấy, tìm cách làm dịu cơn đau bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày nếu cơn đau đi kèm triệu chứng khó tiêu. Không nên sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau bởi vì chúng có thể gây kích ứng dạ dày và làm trầm trọng thêm cơn đau.

Bạn Vy có thể thử áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc mà chúng tôi đưa ra. Nếu những cơn đau này vẫn tiếp diễn hoặc thấy đau dữ dội, bạn nên đi khám để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị thích hợp. Bạn có thể liên hệ với các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ qua số điện thoại 1900 1246.

Cảm ơn bạn đã quan tâm!

Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.

Tag:Đau

Từ khóa » Nôn đau Quặn Bụng