Đau Thần Kinh Tọa: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Nội dung bài viết / Table of Contents

Toggle
  • Đau thần kinh tọa là gì?
    • Những ai dễ mắc phải đau thần kinh tọa?
  • Nhận biết các triệu chứng đau thần kinh tọa 
    • Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
  • Nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa là gì?
    • Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc đau thần kinh tọa?
  • Đau thần kinh tọa được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
    • Các phương pháp chẩn đoán
    • Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa
  • Những thói quen giúp bạn hạn chế cơn đau thần kinh tọa

This post is also available in: English

Đau thần kinh tọa do các dây thần kinh đoạn cuối tủy sống bị chèn ép gây ra. Đặc trưng của đau thần kinh tọa là đau nhức tại cột sống thắt lưng, lan xuống mặt sau mông đùi, khoeo chân và gót chân. Cơn đau có thể kèm theo các triệu chứng khác như yếu, tê chân và nếu mức độ chèn ép nặng hơn có thể dẫn đến liệt hoặc đi tiêu, đi tiểu không tự chủ. Cùng tìm hiểu bệnh thần kinh tọa qua bài viết dưới đây.

đau thần kinh tọa

Cơn đau thần kinh tọa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa là các cơn đau gây ra khi thần kinh tọa bị tổn thương hoặc chèn ép. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, đi từ tủy sống đến hông và xuống mặt sau của cẳng chân.

Đau thần kinh tọa là triệu chứng của các bệnh về dây thần kinh chứ không phải là một bệnh tách biệt và thường cải thiện sau 4 đến 8 tuần điều trị. 

Những ai dễ mắc phải đau thần kinh tọa?

Người mắc bệnh thần kinh tọa phần lớn là người cao tuổi, người bị tiểu đường lâu năm và người béo phì. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Nhận biết các triệu chứng đau thần kinh tọa 

Các triệu chứng đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Cảm giác đau, nóng rát, tê cứng, cơ mỏi hoặc yếu và ngứa râm ran từ thắt lưng xuống mông và dọc xuống mặt sau cẳng chân. Thông thường chỉ có một chân (bao gồm cả chân hoặc một phần bàn chân) bị ảnh hưởng.
  • Các triệu chứng thần kinh tọa sẽ trở nên tệ hơn khi bạn đi lại, cúi người, ngồi lâu, ho hoặc hắt hơi nhưng đỡ hơn khi bạn nằm.
  • Cơn đau có thể nhẹ hoặc nhức, buốt, nóng rát hoặc đau cực độ.
  • Đau dây thần kinh tọa nghiêm trọng có thể khiến việc đi lại khó khăn hoặc thậm chí không thể đi lại.

Một vài dấu hiệu đau thần kinh tọa có thể chưa được đề cập đến. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng của bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

đau thần kinh tọa

Đừng để tình trang đau thần kinh tọa trở nên quá nặng nề

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu xuất hiện một số biểu hiện đau dây thần kinh tọa sau, bạn cần đến các cơ sở y tế điều trị nhanh chóng. 

  • Vẫn còn đau hoặc nhức mỏi sau khi nghỉ ngơi hay sau khi uống thuốc giảm đau (loại thuốc không cần chỉ định).
  • Cơn đau kéo dài hơn 1 tuần hoặc càng lúc càng nặng.
  • Bị đau dữ dội và đột ngột hoặc bị tê, mỏi cơ ở thắt lưng, chân;
  • Bị đau do bạn bị thương nặng như tai nạn giao thông;
  • Khó kiểm soát đại tiện hay tiểu tiện.

Nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa thông thường là do đĩa đệm cột sống lồi ra và đè trực tiếp lên dây thần kinh tọa. Đĩa đệm cấu tạo từ một chất giống như sụn bao bọc bởi một lớp cứng có sợi ở bên ngoài. Đĩa đệm có nhiệm vụ giảm sốc cho cột sống nhưng trong một số trường hợp có thể thoát vị và đè lên dây thần kinh.

Các nguyên nhân đau dây thần kinh tọa khác bao gồm: viêm khớp thoái hóa gây kích thích hoặc sưng dây thần kinh tọa; hiếm hơn nữa là dây thần kinh tọa bị chèn bởi khối u, cơ; bị chảy máu trong, nhiễm trùng và biến chứng từ chấn thương như gãy xương chậu. Ngoài ra, chứng hẹp ống sống chèn lên dây thần kinh có thể gây ra tình trạng này.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc đau thần kinh tọa?

  • Lớn tuổi: nhưng bệnh ở cột sống xuất hiện do tuổi cao như thoát vị đĩa đệm và gai cột sống là những nguyên nhân phổ biến gây đau thần kinh tọa.
  • Béo phì: trọng lượng dư thừa sẽ làm tăng áp lực lên cột sống từ đó góp phần gây ra đau thần kinh tọa.
  • Tiểu đường: bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh.
  • Ngồi lâu hoặc ít vận động: ngồi trong thời gian dài hoặc có ít vận động làm tăng khả năng mắc đau thần kinh tọa hơn.
đau thần kinh tọa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Các phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán đau thần kinh tọa dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng triệu chứng của bạn. Các xét nghiệm và kiểm tra khác thường không cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và các xét nghiệm khác nếu triệu chứng của bạn không giảm sau điều trị và bác sĩ đang cân nhắc tiến hành phẫu thuật cho bạn.

Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa

Điều trị đau thần kinh tọa như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ đau của bạn. Trong một số trường hợp, bạn có thể tự phục hồi mà không cần điều trị.

Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa không cần phẫu thuật bao gồm:

  • Chườm nóng hoặc lạnh nơi bị đau. Bạn nên chườm lạnh trước trong vòng 48 đến 72 giờ sau đó bắt đầu chườm nóng.
  • Bạn có thể dùng các loại thuốc như thuốc kháng viêm không steroid để giúp giảm sưng và giảm đau. Bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng thuốc giãn cơ, steroid dạng uống hoặc tiêm steroid ngoài màng cứng.
  • Nếu bị đau dữ dội, bạn có thể cần dùng các thuốc mạnh hơn có chứa narcotic trong thời gian ngắn. Bác sĩ sẽ đề nghị xoa bóp nóng lạnh xen kẽ cho bạn để giảm nhức cơ và đau buốt. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng tất cả các thuốc giảm đau và sưng đều có tác dụng phụ. Thuốc kháng viêm không steroid có thể gây rối loạn dạ dày, tiêu chảy, loét dạ dày, đau đầu, chóng mặt, khó nghe hoặc phát ban. Thuốc giãn cơ có thể gây uể oải, chóng mặt hoặc phát ban.
  • Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn tập vật lý trị liệu kết hợp thể dục để giúp giảm đau.

Nếu tất cả phương pháp trên không hiệu quả và dấu hiệu đau thần kinh tọa trở nên nghiêm trọng, bạn sẽ cần phải được phẫu thuật để loại bỏ các xương nhánh hoặc phần đĩa đệm đang chèn ép dẫn đến bị thần kinh tọa.

đau thần kinh tọa

Cơn đau thần kinh tọa có thể được kiểm soát nếu điều trị đúng cách

Những thói quen giúp bạn hạn chế cơn đau thần kinh tọa

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

  • Dùng thuốc theo chỉ định.
  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân.
  • Đừng vì đau nhức mà không vận động. Càng ít vận động, tình trạng của bạn chỉ càng tệ thêm.
  • Tập căng cơ và các bài tập thể dục mỗi ngày. Bạn có thể hỏi bác sĩ hướng dẫn các bài tập phù hợp.
  • Ngồi hoặc đứng đúng tư thế.
  • Không được bỏ cuộc. Nếu bạn không cảm thấy khá hơn, hãy hỏi bác sĩ về các biện pháp điều trị đặc biệt.

Đau thần kinh tọa thường gặp ở người lớn tuổi do thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc thoát vị đĩa đệm. Bệnh có thể gặp ở người trẻ do chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Thông thường, đau thần kinh tọa cấp tính đáp ứng rõ với thuốc giảm đau và triệu chứng bệnh sẽ cải thiện sau vài ngày.

Tuy nhiên, bệnh cần được khám và chẩn đoán nguyên nhân bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh – cột sống để có phương pháp can thiệp điều trị dứt điểm. Các thuốc giảm đau và giãn cơ thường được kê toa khi bệnh ở giai đoạn cấp tính, nhưng về lâu dài, nguyên nhân gây bệnh cần được chẩn đoán và điều trị đúng để tránh tái phát bệnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Vấn đề về sức khỏe luôn là nỗi lo hàng đầu của chúng ta. Thấu hiểu được điều đó, Pacific Cross Việt Nam hy vọng được đồng hành để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân thân trên chặn đường phía trước. Chúng tôi cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp cho từng yêu cầu và ngân sách khác nhau của khách hàng. Xem thêm chi tiết về các sản phẩm bảo hiểm tại đây.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Mẹo chọn giày đi du lịch
  • Mẹo giữ sức khỏe cho chuyến bay dài
  • Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ

Nguồn tham khảo

  • Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về
  • Sciatica. 
  • http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sciatica/basics/definition/con-20026478?p=1.
  • Ngày truy cập 06/10/2015
  • Sciatica. 
  • https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000686.htm.
  • Ngày truy cập 06/10/2015

Từ khóa » Chẩn đoán Nguyên Nhân đau Thần Kinh Tọa