Đấu Thầu Hàng Hóa, Dịch Vụ Trong Thương Mại được Quy định Như ...

Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ trong thương mại được quy định như thế nào? Đặc điểm của hoạt động thương mại này? Hình thức, phương thức đấu thầu ra sao? Cùng tìm hiểu về hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ qua bài viết sau của LawKey.

Khái niệm

Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu) – Điều 214 Luật thương mại 2005.

Đặc điểm

Thứ nhất, về đối tượng của hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ. Là các loại hàng hóa thương mại được phép lưu thông trên thị trường và dịch vụ thương mại được phép thực hiện theo quy định pháp luật.

Thứ hai, đấu thầu là một giai đoạn tiền hợp đồng. Mục đích của hoạt động này là giúp bên mời thầu có thể tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt nhất với giá cả họp lý nhất. Sau khi chọn lựa được đối tác, các bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng.

Thứ ba, về chủ thể tham gia. Bao gồm: một bên mời thầu và bên nhà thầu (số lượng tùy thuộc vào hình thức đấu thầu được bên mời thầu sử dụng).

Thứ tư, về hình thức pháp lý. Hình thức pháp lý của quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu.

– Hồ sơ mời thầu là văn bản pháp lý do bên mời thầu lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó thể hiện đầy đủ những yêu cầu kỹ thuật, tài chính và thương mại của hàng hóa cần mua sắm, dịch vụ cần sử dụng và những điều kiện khác của gói thầu.

– Hồ sơ dự thầu thể hiện năng lực và mức độ đáp ứng của bên dự thầu trước yêu cầu trong hồ sơ mời thầu. Những hồ sơ này là căn cứ pháp lý để xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Hình thức đấu thầu

Theo quy định tại Điều 215 Luật thương mại 2005, Việc đấu thầu hàng hoá, dịch vụ được thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây:

– Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu;

– Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu.

Việc chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế do bên mời thầu quyết định.

Phương thức đấu thầu

Phương thức đấu thầu được quy định tại Điều 216 Luật Thương mại 2005, bao gồm 2 phương thức:

– Đấu thầu một túi hồ sơ: Trong trường hợp này, bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuấ t về tài chính trong một túi hồ sơ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và việc mở thầu được tiến hành một lần.

– Đấu thầu hai túi hồ sơ: Trong trường hợp đấu thầu theo phương thức đấu thầu hai túi hồ sơ thì bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong từng túi hồ sơ riêng biệt được nộp trong cùng một thời điểm và việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở trước.

Lưu ý:

Bên mời thầu có quyền lựa chọn phương thức đấu thầu và phải thông báo trước cho các bên dự thầu.

Xem thêm: Trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá hàng hóa

Trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá hàng hóa

Trên đây là tư vấn của LawKey về Hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với LawKey để được tư vấn, giải đáp.

Từ khóa » Hàng Thầu Là Gì