Dấu Tích Truyền Thuyết An Dương Vương Trên đất Thanh Hóa – Phần 2

Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy kể rằng, sau khi bị đánh tráo nỏ thần, thành Cổ Loa bị thất thủ trước sự xâm chiếm của quân Triệu Đà, An Dương Vương Thục Phán đã mang theo người con gái yêu là Mỵ Châu tháo chạy khỏi sự truy đuổi của kẻ thù.

Và những di tích trên vùng đất xứ Thanh

Nhắc đến dấu tích trên đường rút chạy của An Dương Vương Thục Phán khỏi sự truy đuổi của kẻ thù để lại trên đất Thanh Hóa, đầu tiên phải kể đến Di tích Quốc gia đền thờ Đức Vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu tọa lạc trên địa bàn phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn). Di tích nằm ở vị trí có lẽ không thể đẹp hơn: Quốc lộ 47 chạy qua nối giữa TP Thanh Hóa với thành phố biển Sầm Sơn. Trước mặt đền là sông Đơ (một nhánh của sông Lạch Trào), xa xa là dãy núi Trường Lệ án ngữ giống bức bình phong. Không gian rộng lớn, cảnh vật di tích tốt tươi thật dễ khiến con người ta nhớ về chuyện xưa tích cũ.

Theo đó, người dân địa phương tin rằng, đền thờ Vua An Dương Vương đã ra đời cách đây hàng nghìn năm. Khi An Dương Vương mang theo con gái Mỵ Châu rút chạy khỏi thành Cổ Loa, trên đường chạy ra biển khi qua cánh đồng trước mặt khu vực đền hiện tại ngài đã đánh rơi chiếc đai vàng. Chính vì thế mà dân gian đã đặt tên cho cánh đồng ấy là Đài Vường (tức Đai Vàng). Đồng thời, nhằm tưởng nhớ công lao của vị vua sáng lập nhà nước Âu Lạc, nhân dân địa phương đã lập lên ngôi đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu ngay tại đây. Các triều đại phong kiến về sau đều phong tên thụy cho An Dương Vương là Nam Hải Đại Vương thượng đẳng thần. Sắc phong thời Lê, Nguyễn đều ca ngợi là: “Huyền thông, tĩnh an, quảng lợi, quảng ý, hồng cáp, dực bảo trung hưng Nam hải Thượng đẳng thần”. Và theo các cụ cao niên trông coi tại di tích thì trước kia đền thờ có hơn 100 đạo sắc phong qua các triều vua song do biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử khiến cho số lượng sắc phong thực tế tại đền còn được lưu giữ là 16.

Đền thờ An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu tại Thanh Hóa – Ảnh: Internet

Nói về vẻ đẹp của di tích đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu xưa kia, bác Nguyễn Hoàng Hải, Phó Ban quản lý di tích cho biết: “Đền thờ có quy mô khá lớn (hơn 5.000m2) với cấu trúc cửa nghinh môn chồng diềm ba tầng soi mình xuống dòng sông Đơ trước mặt. Qua nghinh môn là bái đường, nhà tiền đường 5 gian, trung điện 3 gian song song với tiền đường theo hình chữ “Nhị”. Giữa trung điện và chính tẩm là sân hậu nối liền với chính tẩm theo kiểu chữ “Đinh”. Bên trong chính tẩm là hậu cung ba gian đặt long ngai, bài vị của thần Nam Hải (tức An Dương Vương). Cũng trong khuôn viên di tích còn có đền thờ công chúa Mỵ Châu và nhà giải vũ… tham quan một vòng di tích, chúng tôi dừng lại trước khối đá hình đầu nghê được chạm khắc công phu tinh xảo hiện đang được cất giữ bên trong. Theo lời người quản lý di tích thì đây chính là di vật đầu nghê ở bên ngoài nghinh môn xưa kia. Do nhiều yếu tố khiến cho việc bảo quản di vật cũng chưa có được điều kiện tốt nhất.

Tìm hiểu được biết, hàng năm, tại đền thờ Đức Vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đều đặn diễn ra 4 kỳ lễ lớn: mùng 6 tháng Giêng (ngày đức vua lên ngôi); lễ cầu phúc (mùng 1 tháng 2); Húy kỵ 11 tháng 3 (ngày mất của vua) và lễ vào tháng 7 âm lịch (ngày sinh đức vua). Xưa kia, vào kỳ lễ hội cầu phúc, cả tổng Châu – Thọ – Vinh sẽ tổ chức rước kiệu về đền. Và vào các năm Tý – Ngọ – Mão – Dậu sẽ thường tổ chức đại lễ sôi động, hấp dẫn vô cùng. Với vẻ đẹp về mặt kiến trúc và giá trị văn hóa, năm 1996 đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi ghé thăm, hiện trạng bên trong di tích không tránh khỏi sự xuống cấp nghiêm trọng. Người làm công tác trông coi tại đền khẳng định: nếu trời mưa lớn, nước sẽ dột chảy khắp đền và nguy cơ lở, sụt cấu kiện kiến trúc rất cao. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mận, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Châu cho biết: Việc trùng tu, tôn tạo di tích là điều cần thiết. Dự án cải tạo, nâng cấp đền thờ Đức Vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với dự toán khoảng 52 tỷ từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi được trùng tu, tôn tạo xứng tầm và kịp thời, di tích được kì vọng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn trở thành địa điểm dừng chân tham quan hấp dẫn du khách khi về với Sầm Sơn.

Nếu như đền thờ Đức Vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu gắn liền với câu chuyện đánh rơi đai vàng trên đường rút chạy của nhà vua thì di tích Giếng Ngọc trên địa bàn xã đảo Nghi Sơn (TX Nghi Sơn) lại được người dân xã đảo tin rằng có mối liên hệ với cái chết của vị công chúa nhẹ dạ. Khi phát hiện mình bị chính người chồng đầu ấp tay gối lừa gạt dẫn đến không chỉ nhà tan mà nước mất, nàng Mỵ Châu đã khấn nguyện: “Trung tín trọng tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa nhục này”. Sau khi bị vua cha chém chết, máu nàng loang xuống nước biển, loài trai ăn phải hóa hạt minh châu. Khi bắt được trai, mang về rửa ở giếng nước lớn nằm ngay dưới chân núi Biện Sơn thì bỗng thấy sáng lạ thường. Bởi vậy mà nơi đây còn được gọi là Giếng ngọc. Dưới thời Lê, khu vực xã đảo Nghi Sơn cũng đặc biệt nổi danh với nghề khai thác trai lấy ngọc. Song do nhiều yếu tố, di tích Giếng ngọc hiện nay không còn được giữ nguyên hiện trạng vốn có và đang đứng trước nguy cơ bị vùi lấp, lãng quên!

Đi tìm đúng sai cho truyền thuyết là điều không cần thiết. Bởi trên cái gốc của sự thật lịch sử, qua lưu truyền dân gian thì việc khoác lên đó những sắc màu huyền thoại cũng là điều dễ hiểu. Dẫu vậy, trải qua cả trăm năm, ngàn năm, những di tích tồn tại vốn dĩ đều có lí do. Gìn giữ và bảo tồn những giá trị mà cha ông xưa đã nhọc lòng sáng tạo, xây đắp chính là trách nhiệm của hậu thế.

(Nguồn: Ban tôn giáo chính phủ)

Từ khóa » đền Thờ An Dương Vương Thanh Hóa