ĐẤU TRANH CHỐNG LUẬN ĐIỂM “ĐA ĐẢNG” Ở VIỆT NAM

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết, quyết liệt chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó có phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với luận điểm “ở Việt Nam không có đa nguyên, đa đảng thì không có dân chủ”. Các thế lực thù địch, phản động đã và đang kêu gọi Việt Nam cần phải có “đa đảng đối lập”. Có thể khẳng định: Đây là luận điểm tuyên truyền của các thế lực thù địch nhằm hướng tới mục đích hàng đầu là làm suy yếu, đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là mưu đồ hết sức thâm độc, nguy hiểm, trắng trợn của chúng.

Thực tiễn ở Việt Nam, đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguyện vọng và sự lựa chọn đúng đắn của Nhân dân ta. Và chắc chắn khẳng định rằng ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng vì những lý do sau:

Thứ nhất, dưới góc độ lý luận: Cơ sở lý luận cho việc thực hiện đa nguyên, đa đảng xuất phát từ chủ nghĩa đa nguyên - một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà triết học Đức Chiristian Woiff (1679-1754) đề xuất vào đầu thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa đa nguyên là một học thuyết phi mácxít với luận điểm phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp; chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Vì vậy, nếu áp dụng luận điểm này vào xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ làm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân (ở Việt Nam còn đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam) và đi ngược lại với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn cách mạng của Việt Nam: Vào đầu thế kỷ XX qua sự “sàng lọc” dữ dội của lịch sử, dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất dẫn dắt dân tộc ta đi đến độc lập, tự do và hạnh phúc. Trước sự bế tắc của nhiều phong trào, tư tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thì dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin (do Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu, tìm tòi và truyền bá vào cách mạng Việt Nam) và được sự chuẩn bị chín muồi về chính trị, tư tưởng, tổ chức, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời (03/2/1930) để lãnh đạo cách mạng Việt Nam - đây là một tất yếu lịch sử và đã chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử dân tộc.

Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 "long trời, lở đất," thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945.

Giai đoạn 1945-1975, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," chúng ta đã chiến thắng thực dân Pháp xâm lược; tiếp theo đó, trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối vào ngày 30/4/1975. Với chiến thắng này, lịch sử và nhân dân Việt Nam một lần nữa đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giai đoạn này, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cũng song song tồn tại 02 đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời năm 1944) và Đảng Xã hội Việt Nam (ra đời năm 1946). Tuy nhiên, cả 02 đảng này chưa bao giờ đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đều ủng hộ, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho đến năm 1988 đã tuyên bố tự giải tán.

Từ sau năm 1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước chung tay khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, tập trung khôi phục kinh tế xã hội; chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đã đưa nước ta đến nay vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; chính trị, xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế…

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam cho đến nay chính là cơ sở thực tiễn thuyết phục nhất, là minh chứng hùng hồn nhất để khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thứ ba, có phải chỉ thực hiện đa đảng mới có dân chủ?

Lý luận Mác-Lênin đã khẳng định: Dân chủ là phạm trù có tính lịch sử và giai cấp. Do đó, dân chủ xuất hiện khi có nhà nước, mỗi nền dân chủ phải gắn với một nhà nước nhất định và dân chủ còn phụ thuộc vào trình độ phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn nhất định, Lênin khẳng định: “... bất cứ nền dân chủ nào, xét đến cùng, cũng đều phục vụ sản xuất và xét đến cùng, đều do các quan hệ sản xuất trong một xã hội nhất định quyết định”. Như vậy, thể chế một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với mất dân chủ, và cũng không phải dân chủ phát triển chỉ khi gắn với thể chế đa đảng.

Hiện nay, nhiều nước tư bản thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Các đảng có thể thay phiên nhau cầm quyền ở một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng xét đến cùng, các đảng đó đều là đảng của giai cấp tư sản, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản. Do đó, nền dân chủ đó là nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho một bộ phận thiểu số, một số ít người trong xã hội.

Như vậy, có thể khẳng định: Không phải chỉ có thực hiện đa đảng mới có dân chủ; không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn.

Thứ tư, ở Việt Nam hiện nay, nếu thực hiện đa đảng sẽ rất có thể dẫn đến tình trạng các đảng tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, làm cho đất nước hỗn loạn, chính trị mất ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc mà Bác Hồ và Nhân dân ta dày công vun đắp, xây dựng sẽ bị phá vỡ… Đó chính là thời cơ để các thế lực thù địch tấn công, lợi dụng. Như vậy, vì sự ổn định và phát triển của đất nước, vì sự phát triển của nền dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh... đất nước Việt Nam, Nhân dân Việt Nam không cần đa đảng và không chấp nhận đa đảng./.

Từ khóa » Một đảng Và đa đảng