Đấu Tranh Với Nạn Giã Cào Trên Biển - CAND

  • Sớm ngăn chặn nạn “giã cào” hoành hành vùng biển ven bờ

Gian nan cuộc chiến với nạn giã cào trên biển

Rạng sáng 5/1/2022, Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với Tổ đồng quản lý nghề cá số 2 và số 3 xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hát hiện tàu cá NA 0042 TS, công suất 270 CV do Trần Văn Thanh (SN 1977) trú tại xã Diễn Ngọc, Diễn Châu (Nghệ An) làm chủ tàu, đang sử dụng lưới giã cào để khai thác hải sản trái phép trên vùng biển xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân nên tiến hành bắt giữ.

Tiếp đó, khoảng 7h30’ cùng ngày, lực lượng chức năng tiếp tục truy đuổi và bắt giữ thêm tàu NA 80111 TS, công suất 270 CV do Nguyễn Văn Dũng (SN 1985) làm chủ và tàu cá NA 80086 TS, công suất 360CV do Vũ Văn Quỳnh (SN 1993) làm chủ, đều đến từ xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang đánh bắt bằng giã cào trái phép tại vùng biển xã Xuân Phổ.

Ngay trong ngày, phương tiện và chủ tàu đã được dẫn giải về Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Hội để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong tháng 5/2021, Đồn Biên phòng Kỳ Khang và Đồn Biên phòng Thiên Cầm (BĐBP Hà Tĩnh) liên tiếp phát hiện, bắt quả tang 6 tàu cá đang có hành vi sử dụng kích điện đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên và vùng biển xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh). Trong số này, có 2 chủ tàu là người Quảng Ngãi, khi bị phát hiện một tàu đã bỏ chạy, số còn lại đều là người Hà Tĩnh.

Đấu tranh với nạn giã cào trên biển -0
Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh nổ súng trấn áp, truy bắt một tàu giã cào.

Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, theo quy định, các tàu giã cào chỉ được khai thác ở phạm vi cách bờ 24 hải lý trở ra. Đối với vùng biển nước sâu Kỳ Anh thì được phép khai thác cách bờ trên 15 hải lý. Mặc dù vậy, với chiều dài bờ biển đoạn qua Hà Tĩnh là 137km, bờ biển bằng phẳng, ít rạn đá trong khi lượng hải sản lại dồi dào nên những năm gần đây, tình trạng tàu giã cào nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều trên vùng biển Hà Tĩnh, các tàu này khai thác gần bờ, thậm chí cách bờ chưa đến 5km. Trong khi đó, theo Đại tá Hoàng Viết Dũng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh thì hiện nay, việc tuần tra, kiểm soát tàu giã cào hoạt động trái phép đang được 2 lực lượng chính là BĐBP và kiểm ngư (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) phụ trách. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, bờ biển trải dài nên quá trình tuần tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.

Các tàu giã cào này hoạt động chủ yếu vào ban đêm, ban ngày neo đậu ngoài khơi để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Quá trình đánh bắt, nếu bị phát hiện, các tàu lập tức chặt đứt lưới dạ để tăng tốc bỏ chạy. Một số chủ tàu còn manh động hơn khi chống đối quyết liệt, đâm thẳng vào tàu của lực lượng chức năng để tẩu thoát.

Ở một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng có người trên bờ canh gác, khi tàu của lực lượng chức năng xuất bến để tiếp cận vị trí tàu giã cào đang hoạt động thì đã có “mật báo” từ bờ để các tàu này cao chạy xa bay trước khi bị phát hiện, bắt giữ. Trong khi, lực lượng mỏng, phương tiện thiếu là những rào cản trong quá trình đấu tranh với nạn giã cào trên biển ở Hà Tĩnh.

Thống kê cho thấy, Hải đội 2 BĐBP Hà Tĩnh tuy có 2 tàu công suất 3.500 CV có thể truy bắt thành công khi phát hiện tàu giã cào, tuy nhiên đơn vị này không thể chủ động bởi mỗi lần sử dụng phải trình Bộ Tư lệnh BĐBP trước khi xuất kích. Trong khi, đơn vị chủ công là lực lượng kiểm ngư Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh chỉ có 1 tàu 350 CV đã cũ kĩ, nhân lực cũng chỉ có 7 người, nên để quản lý cả một vùng biển trải dài gần 140km là điều vô cùng gian nan.

Hệ lụy từ vấn nạn giã cào

Nạn giã cào hoành hành, đã làm nguồn lợi thủy hải sản sụt giảm, cạn kiệt trong những năm gần đây. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá số 5, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà thì trước đây, cứ mỗi dịp ra khơi là trở về là thuyền đầy ắp tôm cá. Song mấy năm gần đây, nạn giã cào hoành hành, đã có những chuyến tàu trở về không như mong đợi, thậm chí tay trắng khiến ngư dân không còn mặn mà với những chuyến đánh bắt gần bờ. Đây cũng là thực trạng chung của ngư dân ở các vùng biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng theo nhận định của chuyên gia, tình trạng sụt giảm đáng kể nguồn lợi hải sản trên vùng biển gần bờ ở Hà Tĩnh là có thật, và việc xuất hiện ngày càng nhiều của tàu giã cào là một trong những nguyên nhân chính.

Không chỉ vậy, gần đây việc các tàu ở nhiều địa phương khác nhau như Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An đến khai thác còn có tình trạng tranh chấp, giành giật ngư trường, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Nghiêm trọng hơn, đã có không ít lần tàu của ngư dân địa phương đã bị tàu giã cào đâm chìm khi đang khai thác hải sản trên biển.

Đơn cử, rạng sáng ngày 28/12/2020, anh Nguyễn Tiến Nuôi, trú tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh đang kéo lưới tại vùng biển xã Kỳ Phú, cách bờ khoảng 4,5 hải lý thì gặp con tàu lớn lao đến đâm vào rồi kéo lê tàu anh này đến vùng biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Khi gỡ ra được thì tàu anh Nuôi cũng đã bị vỡ tan tành.

Nghiêm trọng hơn, vụ việc xảy ra hồi tháng 3/2020, ông Trần Văn Đóa và ông Lê Lâm, trú tại huyện Nghi Xuân đang đánh bắt hải sản thì xảy ra va chạm với một tàu giã cào. Những người trên tàu giã cào này đã dùng mái chèo, điếu cày đánh bầm dập cả hai tay ông Đóa. Còn ông Lê Lâm không chỉ bị đánh, còn bị bắt lên tàu đưa về xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An giam lỏng trong suốt 2 ngày, khi lực lượng chức năng vào cuộc giải cứu, ông Lâm mới được thả về.

Thống kê cho thấy, năm 2019, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã bắt giữ 23 vụ/25 tàu giã cào hoạt động khai thác hải sản trái phép, xử phạt 297,5 triệu đồng. Năm 2020, con số này tăng lên 39 vụ/52 tàu, xử phạt 527 triệu đồng và năm 2021, đã phát hiện, truy bắt và xử lý 40 tàu cá làm nghề giã cào vi phạm quy định khai thác tại các vùng biển ven bờ địa phương, xử phạt hành chính 550 triệu đồng.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường truy bắt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ kinh phí, mua sắm trang thiết bị cho các địa phương ven biển để lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, hiện nay các địa phương ven biển cũng đã huy động 15 tổ đồng quản lý nghề cá toàn tỉnh cùng hỗ trợ, đồng hành trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và truy bắt tàu giã cào. Với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ này, tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ sớm đẩy lùi nạn giã cào, sớm trả lại bình yên trên biển để ngư dân yên tâm bám biển, ra khơi.

Tàu giã cào (đơn hoặc đôi) là loại tàu có công suất máy lớn từ 90 - 1.000 CV, sử dụng lưới có chiều dài từ 500 - 1.500m, mắt lưới kích thước từ 10 - 15cm để đánh bắt các loại cá to ngoài khơi. Tuy nhiên, khi khai thác gần bờ ở vùng biển Hà Tĩnh, các tàu giã cào lại sử dụng loại lưới mắt dày dưới 5cm, nhiều lớp, nhiều chì để giăng bắt cá từ đáy bùn đến mặt nước. Khi tàu giã cào kéo qua, từ các loài cá nhỏ mới sinh đến cá trưởng thành đều không có cơ hội chạy thoát.

  • Mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió và những cuộc truy sát giành ngư trường trên biển

Từ khóa » Ghe Cào Là Gì