Đau Xương Sườn: 6 Nguyên Nhân Có Thể Bạn Chưa Biết - Hello Bacsi

Đau xương sườn thường xảy ra sau một tổn thương nào đó xung quanh khu vực xương sườn. Đó có thể là biểu hiện của gãy xương sườn, căng cơ hoặc một tình trạng y tế nguy hiểm nào đó.

Cơn đau thường xảy ra đột ngột theo kiểu nhói từng cơn hoặc đau âm ỉ kéo dài. Trong một vài trường hợp, những cơn đau này không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có thể tự khỏi khi bạn nghỉ ngơi. Song, ở những trường hợp khác, ấn vào xương sườn phải thấy đau hoặc ấn vào xương sườn trái thấy đau là tình trạng y tế khẩn cấp, cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn ấn vào xương sườn trái hoặc phải thấy đau. Để chẩn đoán và xác định nguyên nhân chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành các bài kiểm tra thể chất hoặc chụp hình ảnh lồng ngực bằng kỹ thuật chụp X-quang hoặc MRI.

Dưới dây là 6 nguyên nhân thường gặp.

1. Đau xương sườn do bị chấn thương

chấn thương trong bóng đá gây ra cơn đau xương sườn

Những ca chấn thương vùng ngực mạnh do té ngã, va chạm giao thông, chấn thương thể thao là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đau xương sườn.

Các loại chấn thương này gây:

  • Gãy hoặc nứt xương sườn
  • Bầm tím ngực
  • Căng cơ hoặc dập cơ

Người bệnh sẽ thấy đau mạn sườn phải hoặc trái, hoặc cả hai bên khi thở, ho, vặn mình hoặc cúi người.

Sau chấn thương, nếu bạn ấn vào sườn trái thấy đau hoặc bị đau xương sườn bên phải, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang để tìm ra chiếc xương sườn bị tổn thương hoặc gãy.

2. Viêm sụn sườn

Có hai trong số các xương sườn được gắn vào xương ức bởi sụn. Nếu sụn này bị viêm sẽ gây ra đau lồng ngực vùng xương ức.

Viêm sụn sườn thường là hậu quả của việc ngực bị va đập, khiêng vác nặng, tập thể dục nặng hoặc ho và hắt hơi liên tục.

Triệu chứng thường gặp là ấn vào khu vực xương ức gặp xương sườn sẽ thấy đau. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau buốt và tức ngực.

Bạn có thể xem thêm:

Đau nhói giữa ức là dấu hiệu của bệnh gì?

3. Hội chứng trượt xương sườn hay hội chứng đau xương sườn

Bình thường, xương sườn không đứng yên mà di chuyển để phổi có thể hít thở. Tuy nhiên, nếu xương sườn dưới, thường là xương thứ 8 đến 12, di chuyển nhiều hơn một chút so với bình thường được gọi là hội chứng trượt xương sườn (hay hội chứng đau xương sườn).

Điều này xảy ra do các xương này được kết nối bằng dây chằng. Dây chằng suy yếu khiến xương sườn di động hơn, đè lên các cơ, dây thần kinh và mô xung quanh, và gây viêm, đau dữ dội ở ngực dưới hoặc bụng trên, giống như bị đau xương sườn dưới. Ấn vào, ho, cười, nâng vật nặng, vặn và cúi người có thể khiến cho cơn đau tồi tệ hơn.

Hội chứng trượt xương sườn có thể xảy ra do chấn thương ngực khi chơi thể thao, bị ngã hoặc chấn thương trực tiếp vùng ngực, vặn mình liên tục như khi ném bóng hoặc bơi lội.

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm tưởng như bị đau xương sườn nhưng thực chất vấn đề lại nằm ở các bộ phận trong lồng ngực. Điển hình là:

4. Viêm màng phổi

bác sĩ kiểm tra các bệnh về phổi cho bệnh nhân

Phổi nằm bên trong lồng ngực và được bao bọc bởi các xương sườn xung quanh.

Con người có hai lớp màng phổi, một là màng bên trong bao bọc từng lá phổi, hai là lớp ngoài lót thành ngực. Hai lớp màng phổi trượt lên nhau một cách trơn tru trong quá trình hít thở. Khi bị viêm, chúng có xu hướng cọ xát vào nhau làm người bệnh bị đau xương sườn mỗi khi thở hoặc ho. Bên cạnh đó, dịch cũng có thể tích tụ ở giữa hai lớp màng này mà không thoát đi được (tràn dịch màng phổi), khiến bạn bị khó thở.

Khi khám, bác sĩ có thể nghe thấy tiếng các màng phổi cọ xát vào nhau bằng ống nghe. Dựa trên triệu chứng, họ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm hình ảnh hoặc xét nghiệm máu để chẩn đoán.

Nếu đau lồng ngực kèm theo không thở được, da xanh tím hoặc đau ngực dữ dội cần gọi cấp cứu ngay.

>>> Bạn có thể quan tâm: Khám phá bí mật về khung xương cơ thể

5. Đau xương sườn có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến của nhiều nước trên thế giới.

Triệu chứng thường gặp khi bị ung thư phổi là đau lồng ngực, nhiều người bệnh cảm giác như bị đau xương sườn. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn cố gắng thở sâu, ho hoặc cười lớn. Nhiều người cũng gặp tình trạng đau cánh tay, đau vai và có dị cảm da nếu ung thư nằm trên đỉnh phổi. Những triệu chứng khác cần chú ý bao gồm ho ra máu, ho có đờm bất thường, khó thở và thở khò khè, viêm phổi tái diễn, sụt cân, mệt mỏi.

Người bị ung thư phổi giai đoạn đầu có nhiều cơ hội chữa trị. Ngược lại, khi tiến triển ở những giai đoạn sâu hơn, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Ung thư phổi di căn (ung thư ở một bộ phận khác rồi lan sang phổi) cũng sẽ gây ra những cơn đau ở xương sườn cho người bệnh.

6. Thuyên tắc phổi cũng có triệu chứng đau xương sườn

thuyen-tac-dong-mach-phoi

Nếu bạn ấn vào xương sườn phải thấy đau hoặc đau xương sườn trái, nguyên nhân có thể đến từ thuyên tắc phổi. Thuyên tắc phổi là tình trạng xảy ra khi các động mạch phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông.

Thuyên tắc phổi không chỉ khiến người bệnh bị đau ngực (rất giống đau xương sườn) mà còn gây ra những triệu chứng sau:

  • Khó thở khi nghỉ ngơi hay khi gắng sức
  • Thở khò khè
  • Thở nhanh
  • Ho ra máu
  • Tim đập loạn nhịp.

Thuyên tắc phổi là tình trạng y tế nghiêm trọng có thể làm hỏng phổi và các cơ quan khác. Bất cứ ai gặp phải dấu hiệu nghi ngờ thuyên tắc phổi cần phải đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh thuyên tắc phổi sẽ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng của người bệnh.

Tóm lại, khi có cảm giác bị đau xương sườn trái hay phải, bạn nên sớm tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và điều trị hiệu quả, nhằm ngăn ngừa được các tình huống nguy hiểm.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Hai Bên Xương Sườn Không đều