Đầy Bụng, Khó Tiêu - Bệnh Viện Quận 11

Nguyên nhân từ đâu ?

Thường thì sau bữa ăn khoảng 30 phút ta có cảm giác thoải mái vì thức ăn được tiêu hóa bớt đi và tiếp tục được công việc của mình. Tuy nhiên ở những đối tượng bị đầy hơi, khó tiêu thì hoàn toàn ngược lại. Một vài nguyên nhân thường gặp:

  1. Ăn uống không cân đối

Khi chúng ta ăn quá nhiều, ăn thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi gây ra tình trạng tiêu hóa chậm chạp. Những thực phẩm khi ăn nhiều gây trướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu như: Thức ăn giàu tinh bột, nhiều chất xơ, món ăn xào rán nhiều dầu mỡ, sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas…. sử dụng thực phẩm tái, sống (nem chua, tiết canh, rau sống…), hải sản, đồ uống có cồn… Ngoài ra, trong các loại đồ ăn này còn chứa nhiều kí sinh trùng, vi khuẩn… dễ gây tiêu chảy, đầy bụng, nôn mửa, thậm chí là ngộ độc thực phẩm.

  1. Thói quen ăn uống không đúng cách

Ăn quá nhanh, không nhai kỹ, ăn không đúng bữa, đúng giờ, vừa ăn xong đã đi nằm ngay hay ngồi yên một chỗ khiến cho hệ tiêu hóa bị trì trệ làm ảnh hưởng đến chuyển hóa thức ăn. Thói quen hay gặp nữa là vừa ăn vừa xem phim, cười nói chuyện trong lúc ăn nuốt làm nhiều không khí gây ra tình trạng trướng bụng, đặc biệt là ở trẻ em làm cho tình trạng đầy hơi, khó tiêu.

  1. Rối loạn tiêu hóa

Độc tố từ các loại thức ăn, loạn khuẩn đường ruột, dư acid dịch vị, nhiễm Helicobacter Pylori một loại vi khuẩn gây loét dạ dày- tá tràng. Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, stress gây giảm tiết các men tiêu hóa, giảm nhu động đường tiêu hóa; một số người do khả năng dung nạp lactose (có nhiều trong sữa) kém cũng gây trướng hơi, đầy bụng, khó tiêu.

  1. Bệnh về đường tiêu hóa

Một số bệnh về tiêu hóa như: viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày ảnh hưởng đến khả năng co bóp tống thức ăn. Bệnh tuyến tụy tạng gây giảm tiết men tụy, bệnh sỏi mật, viêm gan dẫn đến suy giảm chức năng gan-mật, giảm bài tiết mật và enzym tiêu hóa.

  1. Tâm lý

Tâm lý căng thẳng, áp lực công việc, mất ngủ… có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương, nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa. Từ đó, ảnh hưởng đến nhu động ruột, gây khó tiêu, ợ hơi… Đặc biệt, khi stress kéo dài mà sử dụng chất kích thích, thuốc an thần sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng “bệnh chồng bệnh”, rối loạn tiêu hóa ngày một nặng thêm.

  1. Do tác dụng phụ của thuốc

Thuốc kháng sinh làm tiêu diệt vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột đưa đến rối loạn tiêu hóa như: đi ngoài, đau bụng, khó tiêu…

Làm sao nhận biết ?

Khó tiêu xuất hiện thường xuyên hoặc từng đợt một vài ngày, xảy ra sau khi ăn hoặc trong khi ăn người bệnh cảm thấy nóng bỏng vùng thượng vị đặc biệt là sau khi uống rượu, dùng các thức ăn có nhiều chất béo, đường sữa hay các thức ăn nóng có chứa các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu. Có những trường hợp bệnh nhân thấy bụng quặn thành cơn.

Cảm giác trướng bụng này sẽ giảm bớt khi bệnh nhân đánh hơi hoặc đi ngoài. Đôi khi người bệnh còn xuất hiện ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn, hoặc có thể nôn vào buổi sáng. Bụng tức nặng ở phía trên, cảm giác óc ách như chứa đầy nước, đầy hơi. Thở phì phò, đi lại nặng nề. Có thể bị tiêu chảy, táo bón kèm theo.

Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài làm cho cơ thể trở nên mệt mỏi, kiệt sức thì có thể là báo hiệu của một bệnh nguy hiểm cần điều trị sớm.

Làm thế nào giảm bớt đầy bụng, khó tiêu?

- Thay đổi thói quen ăn uống. Ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, chọn các thực phẩm cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường. Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, nhiều tinh bột và chất xơ; không nên sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống nhiều gas, các gia vị nóng: mù tạt, ớt, hạt tiêu.

- Chế độ sinh hoạt hợp lý. Thường xuyên vận động, tham gia môn thể thao nhẹ nhàng, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc, đi bộ,... giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa stress giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Bên cạnh đó nên làm việc điều độ, cần ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, đây được coi như cách thư giãn và nạp lại năng lượng cho cơ thể.

- Hạn chế dùng thuốc. Hạn chế dùng thuốc gây tác dụng phụ dẫn đến tình trạng khó chịu ở hệ tiêu hóa. Đồng thời nếu bị các bệnh về đường tiêu hóa thì cần khám và điều trị dứt điểm.

BS. Phạm Minh Thiện

Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Quận 11

Từ khóa » đường Ruột Khó Tiêu